Máu và nước mắt sau ‘Vành đai Con đường’, người Hoa kiều bị chính công ty Trung Quốc bức ép

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo mới nhất đã vạch trần mặt tối đằng sau sáng kiến “Vành đai Con đường”. Theo đó, các công ty Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để bức ép công nhân. Việc ký hợp đồng để làm việc trong các dự án này cũng mặc nhiên thừa nhận họ trở thành nô lệ để người khác tha hồ chặt chém, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lại hết sức che giấu và bưng bít.

Tổ chức nhân quyền China Labour Watch có trụ sở tại New York mới đây đã công bố một báo cáo sau khi tiến hành cuộc điều tra kéo dài 9 tháng (8/2020 - 4/2021) đối với gần 100 công nhân Trung Quốc, nhà báo và tình nguyện viên trong sáng kiến ​​“Vành đai Con đường”.

Đầu tháng này, Đài Á Châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã trích đăng báo cáo và phỏng vấn công nhân Trung Quốc, tập trung vào thực trạng bi thảm của các công nhân Hoa kiều trong sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”.

Báo cáo chỉ ra rằng, sau khi người lao động Trung Quốc được tuyển dụng ở nước ngoài theo hợp đồng, họ đã phải đối mặt với sự đối xử khắc nghiệt như bị các công ty Trung Quốc ở nước ngoài tịch thu hộ chiếu, hạn chế tự do đi lại, làm thêm giờ và nợ lương. Họ bị bỏ mặc và không được chăm sóc dù ốm đau hay thương tật, không được kháng cáo và bảo vệ quyền hợp lý. Nói chung, điều kiện làm việc của công nhân Trung Quốc vô cùng khốn khổ.

Sau khi người lao động Trung Quốc được tuyển dụng ở nước ngoài theo hợp đồng, họ đã phải đối mặt với sự đối xử khắc nghiệt từ các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.
Sau khi người lao động Trung Quốc được tuyển dụng ở nước ngoài theo hợp đồng, họ đã phải đối mặt với sự đối xử khắc nghiệt từ các công ty Trung Quốc ở nước ngoài. (Ảnh minh hoạ: Getty)

Tôi hối hận vì bị lừa đi nước ngoài một tuần

"Không đi không biết. Nhưng khi đi rồi, bạn sẽ không muốn làm việc ở đó nữa, và bạn không muốn ra nước ngoài làm việc nữa". He Ping, người từng làm việc tại một công ty Trung Quốc ở Indonesia và hiện đã về nước, nói với Đài tiếng nói Hoa Kỳ.

He Ping (53 tuổi) làm việc cho một nhà máy luyện niken thuộc Tập đoàn Yongqing, Indonesia. Tập đoàn Yongqing được biết đến là "thành tựu quan trọng ban đầu" của chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc tại Indonesia. Ông đến đó vào tháng 10 năm 2019 và dự kiến ​​sẽ về nước vào cuối tháng 3 năm 2020. Sau khi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán bùng phát, ông buộc phải ở lại để tiếp tục làm việc.

Một ngày vào tháng 7, He Ping cảm thấy khó chịu và muốn đi khám bệnh ở phòng y tế. Ông cho biết bản thân lúc bấy giờ không thể đứng vững và bị ngã. Tuy nhiên, bác sĩ chỉ khuyên ông quay về ký túc để nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng. Ông nằm trong ký túc xá hơn một tháng mà không hề hay biết xương khớp háng đã bị gãy cho đến khi trở về quê nhà ở Trung Quốc. He Ping đau đớn nói: "Không có cách chữa trị nào ở đó, Tình trạng của tôi kéo dài liên tục 123 ngày, theo thời gian, xương của tôi bắt đầu bị hoại tử".

He Ping cho biết, có một loại virus lây lan trên công trường vào thời điểm đó, khi được sơ tán về nước tập thể, ông lại nhận được kết quả dương tính tại sân bay và phải ở lại. He Ping không được điều trị cho đến khi trở về Trung Quốc. Mặc dù đã vứt bỏ nạng, nhưng ông không thể làm thợ hàn điện được nữa. Ông nói: "Tôi không thể ngồi xổm xuống, tôi không thể đi vệ sinh".

He Ping nói thêm: "Làm việc 8 hoặc 9 tháng, tôi kiếm được 80 - 90.000 nhân dân tệ. Nhưng sau khi trừ các chi phí, tiền mặt trong thẻ chỉ còn 70 - 80.000 nhân dân tệ”. Ông còn phải dùng tiền của mình để chi trả gần 70.000 tệ cho ca phẫu thuật thay thế. Hy vọng duy nhất của He Ping là công ty có thể hoàn lại tiền cho mình. Nhưng công ty không công nhận đây là một chấn thương do lao động.

"Không đi không biết. Nhưng khi đi rồi, bạn sẽ không muốn làm việc ở đó nữa, và bạn không muốn ra nước ngoài làm việc nữa".
"Không đi không biết. Nhưng khi đi rồi, bạn sẽ không muốn làm việc ở đó nữa, và bạn không muốn ra nước ngoài làm việc nữa". (Ảnh minh hoạ: Getty)

Hộ chiếu bị thu giữ, trở thành ‘kẻ lưu lạc’ và chết đơn độc nơi đất khách vì nhiễm virus

Báo cáo cho thấy sau sự bùng phát của virus viêm phổi Vũ Hán, các công ty địa phương đã sử dụng chính sách bay và xét nghiệm axit nucleic, để hạn chế người lao động quay trở lại Trung Quốc và tước quyền hỗ trợ y tế của họ.

Vào tháng 11 năm ngoái, công nhân của một công ty khai thác mỏ Trung Quốc ở Indonesia được chẩn đoán dương tính, người này được đưa vào một ký túc xá trống trải và cách ly hơn 20 ngày mà không được điều trị y tế. Sau đó, khi các công nhân khác phát hiện, người này đã tử vong.

Ít nhất ba người chết ở Singapore gồm Gu Zhenfei (51 tuổi), Wu Liyou (41 tuổi) và Yang Xiaolei (42 tuổi). Trong đó, Yang Xiaolei chết khi cách ly tại một khách sạn, và chỉ được phát hiện sau khoảng hai ngày.

Anh Zheng, sống ở Algeria, từng làm công việc sửa ống nước cho Cục Xây dựng số 2 Trung Quốc. Ban đầu anh bị quảng cáo tuyển dụng của Công ty Zhengzhou Bafang thu hút. Tuy nhiên, sau khi đến Châu Phi, hộ chiếu của anh bị Công ty xây dựng cưỡng chế lấy đi. Anh phải làm việc bảy ngày một tuần, mười giờ một ngày và nhận được 5 - 6000 nhân dân tệ mỗi tháng, so với mức lương trong nước thì không tốt bằng. Nếu công nhân muốn thôi việc, họ phải nộp phạt từ 20.000 đến 30.000, một số công nhân sẵn sàng làm việc không lương trong 5 - 6 tháng để được nghỉ việc sớm.

Trong cuộc phỏng vấn, Zheng cho biết ở nước ngoài, vì không thông thạo địa bàn và ngôn ngữ, nên chỉ có ông chủ là người duy nhất quán xuyến mọi việc, chẳng khác nào ngồi tù.

Anh nói thêm vì không có giấy tờ hợp pháp, sau khi được ông chủ giúp hối lộ viên chức thì anh mới có thể lên máy bay về nước.

Zheng cho biết ở nước ngoài, vì không thông thạo địa bàn và ngôn ngữ, nên chỉ có ông chủ là người duy nhất quán xuyến mọi việc, chẳng khác nào ngồi tù.
Zheng cho biết ở nước ngoài, vì không thông thạo địa bàn và ngôn ngữ, nên chỉ có ông chủ là người duy nhất quán xuyến mọi việc, chẳng khác nào ngồi tù. (Ảnh minh hoạ: Getty)

Không ai quan tâm đến đại sứ quán của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Một công nhân tại Qingshan Iron and Steel ở Indonesia đã không thể đi khám chữa bệnh sau khi bị ngã trên một công trường xây dựng vào tháng 7 năm ngoái, chân bị co rút và anh không thể tự chăm sóc bản thân. Một người khác đã bị an ninh giam giữ trong ba giờ sau khi bị bột xi măng văng vào làm mù mắt trái... Những bi kịch về các trường hợp tai nạn lao động và tử vong sau khi bị đối xử một cách lạnh lùng là điều thường thấy trong các báo cáo của China Labour Watch.

Ông Ding, hiện đang sống lưu vong ở Indonesia, ông hối hận khi đáp chuyến bay đến Nhà máy Niken Delong vào mùa xuân năm 2019. Ông đã được “chào đón” bằng 175 ngày làm việc không ngừng nghỉ, mười tháng tù bất hợp pháp sau khi nhận tội, và mất hộ chiếu vĩnh viễn. Hiện tại ông đang tìm đường quay về Trung Quốc.

Ông nói: "Đó là làm ăn với ma quỷ. Lý do chính là không có hộ chiếu. Hơn 40 công ty Trung Quốc ở Indonesia đều sử dụng chiêu trò này với chính người của mình. Tôi đã gọi cho đường dây trợ giúp của lãnh sự quán nhưng họ đã phớt lờ tôi. Trong khi đó, một người họ Sun, là Giám đốc Đại sứ quán Trung Quốc ở Indonesia, thậm chí còn tuyên bố, thật nực cười khi cho rằng người ở sứ quán sẽ giao lại hộ chiếu cho người lao động”.

Ông Ding cũng cho biết, vào tháng 7 năm ngoái, ông vừa gặp Wang Lei, một người ở Khai Phong, Hà Nam (Trung Quốc) và chỉ kịp hỏi: "Làm thêm giờ mỗi ngày có mệt không?" Vậy mà đêm đó Wang Lei đã qua đời do ngộ độc nitơ. Ông Ding nói rằng, bản thân không biết liệu Wang được chôn cất tử tế hay không.

Ông nói: "Bất kỳ ai cũng là miếng thịt trên thớt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc dàn xếp vụ ngộ độc thực phẩm và tai nạn giao thông cho ai đó là chuyện bình thường. Tôi đã xem báo cáo công việc của công ty Delong. Năm ngoái, có 10 công nhân chết, đội gia công chết nhiều hơn, một người bị loét dạ dày vẫn đang sống trong đau đớn. Đáng lẽ tôi đã bị nhiễm bệnh. Tôi đã bị sốt 39 độ vào tháng 11 trong một tuần và may mắn sống sót mà không cần thuốc".

Ông Ding cho biết sau khi ở Indonesia một thời gian dài, trong lòng ông không khỏi nặng trĩu khi nghe tin qua đời của một người nào đó. Bất cứ khi nào chứng kiến ​​đảng - nhà nước Trung Quốc khoe khoang về những thành tựu của "Vành đai và Con đường", ông cảm thấy ghê tởm chẳng khác nào đang chứng kiến những câu khẩu hiệu “đạt sản lượng thóc lúa 75 tấn trên một héc ta” mà Mao Trạch Đông từng hùng hồn tuyên bố.

"Bất kỳ ai cũng là miếng thịt trên thớt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc dàn xếp vụ ngộ độc thực phẩm và tai nạn giao thông cho ai đó là chuyện bình thường.
"Bất kỳ ai cũng là miếng thịt trên thớt của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc dàn xếp vụ ngộ độc thực phẩm và tai nạn giao thông cho ai đó là chuyện bình thường. (Ảnh minh hoạ: Getty)

"Một vành đai, một con đường" liên quan đến lao động cưỡng bức và buôn người

Li Qiang, giám đốc điều hành của China Labour Watch, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do rằng theo số liệu công khai, có khoảng 900.000 - 1 triệu lao động Trung Quốc ở nước ngoài mỗi năm, nhưng con số thực tế ước tính là 3 triệu. Hầu hết những lao động này đều không có thị thực lao động hợp pháp, ngoại trừ lao động cưỡng bức. Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" cũng bị cáo buộc liên quan đến nạn buôn người.

Ông nói: "Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí không quan tâm đến công dân của chính mình, thì liệu có thể mang lại lợi ích cho nước khác không? Toàn bộ cộng đồng quốc tế sẽ nghi ngờ ý định ban đầu của nó. Để giúp thế giới thoát khỏi đói nghèo, thì trước hết nó phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, vấn đề cốt lõi là toàn bộ “Vành đai và Con đường” đều là hệ thống cưỡng bức lao động. Nghiêm trọng nhất là việc thu giữ hộ chiếu và hạn chế quyền tự do, điều này cũng vi phạm “Luật Hộ chiếu” của Trung Quốc. Tôi đã thấy báo cáo nói rằng, người lao động không muốn quay trở lại Trung Quốc, nhưng theo chúng tôi được biết, những người lao động ở nước ngoài rất muốn quay về, và nhiều người đã không về nước trong ba năm".

Dưới sự phong tỏa thông tin của chính quyền Trung Quốc, một món nợ đẫm máu đằng sau "Vành đai Con đường" dường như chưa bao giờ tồn tại. Hàng loạt lao động Trung Quốc vẫn đang được vận chuyển đến mọi nơi trên thế giới, và những bi kịch liên tục lặp lại.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Máu và nước mắt sau ‘Vành đai Con đường’, người Hoa kiều bị chính công ty Trung Quốc bức ép