Người Úc mất dần tự do giữa đại dịch (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các lệnh phong tỏa hà khắc theo từng khu vực địa lý, theo dõi người dân qua thiết bị điện thoại, cưỡng chế tiêm vắc-xin, triển khai quân đội để trấn áp, v.v. đã khiến người dân Úc ngày càng quan ngại về “Chế độ độc tài y tế”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 tháng kể từ khi vi-rút Vũ Hán lần đầu tiên xuất hiện tại Úc, nó đã gây ra cái chết cho khoảng 1,19% trong tổng số 113.000 ca được xác nhận nhiễm vi-rút Vũ Hán ở nước này.

Mặc dù có tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp so với các quốc gia khác, nhưng Chính phủ Úc đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với dịch bệnh. Thậm chí phong tỏa các thành phố và khu vực khi chỉ có một hoặc một vài ca dương tính mới được phát hiện.

Trong nỗ lực ngăn chặn vi-rút Vũ Hán của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thường được gọi là vi-rút Corona mới, thành phố đông dân thứ hai của Úc là Melbourne, nơi từng 7 lần được bầu chọn là thành phố đáng sống nhất thế giới, đã phải chịu đựng 6 lần phong tỏa và người dân của thành phố này đã bị buộc ở trong nhà hơn 240 ngày không liên tục, kể từ tháng 3/2020 — lâu hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới.

Để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định về phong tỏa, mà như một quan chức bang New South Wales (NSW) gọi đó là “trật tự thế giới mới”, nhà chức trách Úc đôi khi đã thực hiện các biện pháp hà khắc, thậm chí là có hại, với danh nghĩa bảo vệ người dân khỏi đại dịch.

Trong khi đó, những quan điểm bất đồng của người dân đối với các biện pháp y tế hiện hành, chủ yếu ở các bang NSW và Victoria, lại bị phản ứng vũ trang gay gắt, dẫn đến một số đụng độ, nhiều vụ bắt giữ và các cuộc biểu tình hay phản đối dân sự.

Cảnh sát bang Victoria đã có những phản ứng độc đoán đối với những người biểu tình vào tháng 9. Họ dùng đến các đội chống bạo động, xe bọc thép để tuần tra trong thành phố. Cảnh sát được trang bị vũ trang được bố trí dày đặt để kiểm tra và trấn áp những người biểu tình phản đối và chống lại các quy định về vắc-xin và các hạn chế về y tế ở Melbourne.

Một người đàn ông nhìn ra cửa sổ tại khu nhà phức hợp tại Flemington Towers ở Melbourne, Úc (Ảnh: chụp ngày 6/7/2020 bởi Darrian Traynor/Getty Images)
Một người đàn ông nhìn ra cửa sổ tại khu nhà phức hợp tại Flemington Towers ở Melbourne, Úc (Ảnh: chụp ngày 6/7/2020 bởi Darrian Traynor/Getty Images)

Queensland, một tiểu bang đã hưởng ứng mục tiêu và các biện pháp ngăn chặn vi-rút Vũ Hán mà chính phủ Úc đưa ra, bằng cách bắt buộc người dân đăng ký mã QR trên các ứng dụng điện thoại thông minh và buộc các doanh nghiệp phải triển khai phương án kiểm soát này tại cơ sở của họ.

Ở một số tiểu bang khác, như Tây Úc (WA) và Nam Úc (SA), những công nghệ tương tự với khả năng nhận dạng khuôn mặt và định vị địa lý cũng được sử dụng, để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh cách ly tại nhà.

Trong khi lãnh đạo của các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc liên tục cập nhật số ca nhiễm mới mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông, thì những thiệt hại liên quan đến các biện pháp ứng phó của họ đối với vi-rút, như tổn hại về mặt sức khỏe tâm thần, lại hiếm khi được truyền tải.

Chính phủ Úc đang nỗ lực hơn bao giờ hết để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2021, có 80% dân số đã tiêm chủng, từ đó kích hoạt giai đoạn 2 trong 4 giai đoạn của Kế hoạch tái mở cửa đất nước. Các nhà lãnh đạo tiểu bang, đặc biệt là bang Victoria và NSW, thậm chí đã từ chối nới lỏng các hạn chế về COVID-19 cho đến khi có 70-80% dân số tiểu bang được tiêm chủng.

Phong tỏa và Hạn chế

Sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) liên quan đến SARS-CoV-2 vào ngày 30/1/2020, các nhà lập pháp Úc đã sửa đổi Đạo luật An ninh Sinh học năm 2015, để trao cho Chính phủ quyền ban hành và thực thi các lệnh y tế công cộng, nhằm thực hiện các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn coronavirus, bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp về an toàn sinh học cho con người.

Sau đó, các quan chức y tế có thể áp đặt các lệnh kiểm soát an toàn sinh học ở người đối với những người có thể bị nhiễm COVID-19. Đây là biện pháp chính của Chính phủ để quản lý rủi ro đối với sức khỏe con người, theo Đạo luật An ninh Sinh học năm 2015. Quyền hạn này còn được mở rộng cho cả máy bay và tàu thuyền đi vào lãnh thổ nước Úc.

Đạo luật cũng trao cho Bộ trưởng Y tế liên bang quyền hạn đặc biệt để ban hành các khuyến nghị của WHO. Tuy nhiên, không phải lúc nào Úc cũng tuân theo khuyến nghị từ WHO. Ví dụ: Úc đã đóng cửa biên giới quốc tế của mình vào tháng 3/2020, nhằm sớm giảm khả năng lây truyền của vi-rút từ du khách quốc tế đến nước này. Điều này trái ngược với khuyến nghị của WHO vào thời điểm đó.

Suốt giai đoạn khẩn cấp, được gia hạn mỗi 3 tháng kể từ tháng 3/2020, đạo luật này trao cho các viên chức quyền điều tra và thực thi các hình phạt đối với việc không tuân thủ các lệnh y tế về COVID-19, như phạt tiền và ban hành lệnh được vào những nơi thuộc sở hữu tư nhân. Trong một số trường hợp hạn chế, các viên chức nhà nước có thể vào những nơi này mà không cần lệnh hoặc sự đồng ý nào.

Vào một thời điểm trong tháng 7/2021, hơn một nửa dân số nước Úc, khoảng 12,5 triệu người, phải tuân thủ “Lệnh ở nhà”.

Hiện tại, vào thời điểm viết bài viết này, 5 triệu người dân Melbourne được yêu cầu tuân thủ các chỉ thị của Giám đốc Y tế bang Victoria. Theo đó, nhiều người không thể rời khỏi nhà nếu không có lý do thuộc trong 5 lý do thiết yếu. Thậm chí, sau đó có giới hạn về khoảng cách mà mọi người có thể di chuyển, tính từ nhà của họ. Ngoài ra, còn có quy định về đeo khẩu trang và lệnh giới nghiêm.

Những hạn chế cực đoan này đã khiến các cơ sở kinh doanh và nhiều địa điểm phải đóng cửa. Đồng thời, chúng còn đặt ra những hạn chế đáng kể cho người dân đối với việc tham dự các hoạt động tín ngưỡng, đám cưới và lễ tang.

Cựu Thủ tướng Úc, ông Tony Abbott, đã gọi một số biện pháp của chính quyền tiểu bang là “chế độ độc tài y tế”.

Cảnh sát xịt hơi cay vào một người biểu tình trong cuộc biểu tình chống lại các lệnh cấm và phong tỏa ở Melbourne, Úc. (Ảnh: chụp ngày 22/9/2021 bởi Con Chronis/Getty Images)
Cảnh sát xịt hơi cay vào một người biểu tình trong cuộc biểu tình chống lại các lệnh cấm và phong tỏa ở Melbourne, Úc. (Ảnh: chụp ngày 22/9/2021 bởi Con Chronis/Getty Images)

Cựu thủ tướng Abbott nói trên podcast của mình: “Nhà có thể bị xâm nhập, người dân có thể bị giam giữ và các điều luật thông thường liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng đất đai đã tạm bị đình chỉ”.

Những hạn chế này được nhân rộng theo những cách tương tự trên cả 6 tiểu bang và 2 lãnh thổ của Úc.

Chính quyền NSW đã sử dụng nhân viên của Lực lượng Phòng vệ Úc để mở rộng các hoạt động và tăng cường các biện pháp nhằm buộc người dân tuân thủ các yêu cầu của cảnh sát và chính phủ, bằng cách sử dụng 800 binh sĩ được triển khai đến thành phố, khi tiểu bang bắt đầu chuyển sang thực thi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn.

Trong khi đó, các tiểu bang khác, như Queensland và Tây Úc, đã đi theo lộ trình phong tỏa "nhanh và chặt chẽ” gần như ngay sau khi có các ca dương tính xuất hiện.

Năm nay, Queensland đã áp đặt các hạn chế, sau khi ghi nhận 3 ca dương tính với COVID-19. Và ngay khi có 4 ca dương tính, Queensland đã áp dụng ngay các biện pháp phong tỏa. Tương tự, Lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory) đã áp đặt các hạn chế sau khi ghi nhận 1 ca dương tính và đưa ra các biện pháp đóng cửa vùng lãnh thổ sau khi mới có 4 ca dương tính.

Ở bờ biển phía tây, Tây Úc áp đặt các hạn chế sau khi xác nhận 1 ca dương tính và triển khai việc phong tỏa tiểu bang sau khi có 3 ca dương tính. Cùng thời điểm ấy, chính quyền Nam Úc đã áp đặt các lệnh hạn chế trong khi không ghi nhận trường hợp dương tính nào.

Trong năm nay, Tây Úc với dân số 2,6 triệu người đã 3 lần áp đặt “Lệnh ở nhà” ngay sau khi khi có chưa có đến 10 ca dương tính.

Ngoài ra, việc đóng cửa ranh giới giữa các bang đã khiến người dân phải tạm trú ở nơi ngoài ý muốn và các gia đình phải ly tán. Hàng ngàn người dân Queensland đã không thể về nhà của họ vào tháng 9, khi Thủ hiến của bang, bà Annastacia Palaszczuk tạm dừng việc nhập cảnh đối với các người dân có nhà tại khu vực này. Nhưng lại cho phép vợ, bạn gái và gia đình của các cầu thủ thuộc Liên đoàn Bóng đá Quốc gia được vào. Sau đó, bà đã phải lên tiếng xin lỗi về việc này.

Theo dõi và truy vết

Úc đã sử dụng công nghệ và các ứng dụng của điện thoại thông minh như một công cụ chính để đảm bảo việc tuân thủ cách ly, và giúp ích những nhân viên y tế có thể theo dõi, truy vết các ca nhiễm COVID-19 nhanh hơn trong trường hợp dịch xuất hiện hay bùng phát. Việc này đã tạo ra một sự lo ngại về quyền riêng tư của người dân.

Các cơ quan công quyền đã thực hiện một số hình thức theo dõi liên hệ, thông qua việc yêu cầu người dân đăng ký khi đến các doanh nghiệp và các địa điểm khác. Hầu hết điều này được thực hiện thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh, và người dùng được yêu cầu quét mã QR đặt gần lối vào của các địa điểm này.

Chính phủ cho biết biện pháp này rất quan trọng trong việc theo dõi các cá nhân có khả năng tiếp xúc với các ca dương tính đã biết trong cộng đồng.

Một phụ huynh quét mã QR để đăng ký vào một sân chơi ở ngoại ô Brunswick của Melbourne, (Ảnh: chụp ngày 3/9/2021 bởi Darrian Traynor/Getty Images)
Một phụ huynh quét mã QR để đăng ký vào một sân chơi ở ngoại ô Brunswick của Melbourne, (Ảnh: chụp ngày 3/9/2021 bởi Darrian Traynor/Getty Images)

Việc Chính phủ duy trì yêu cầu người dân phải đăng ký về nơi đến chính xác của mình đã làm dấy lên lo ngại rằng dữ liệu có thể được sử dụng cho các mục đích không liên quan đến sức khỏe.

Cụ thể như ứng dụng SafeWA đã được Thủ hiến Mark McGowan đảm bảo rằng chỉ được sử dụng để theo dõi liên hệ và dữ liệu “chỉ có nhân viên truy vết được ủy quyền của Bộ Y tế mới có thể truy cập”.

Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra về SafeWA đã chỉ ra rằng cảnh sát đã lệnh cho WA Health cung cấp dữ liệu đăng ký trong sáu lần.

“Công chúng đã được thông báo một cách rõ ràng rằng dữ liệu đăng ký theo dõi liên hệ sẽ không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác ngoài mục đích liên quan đến sức khỏe cộng đồng” - người phát ngôn của Tổ chức Giám sát Quyền Kỹ thuật số nói với The Epoch Times. “Việc cảnh sát truy cập vào dữ liệu kiểm tra trong ứng dụng WA COVID-19 đã phản bội lòng tin của công chúng”.

Các bang khác đã hứa rằng các ứng dụng của riêng họ sẽ chỉ được sử dụng cho mục đích sức khỏe.

Những người ủng hộ quyền kỹ thuật số cũng lo ngại về quyền truy cập quốc tế vào dữ liệu, vì thông tin truy tìm địa chỉ liên hệ của Queensland và Tây Úc được lưu trữ trên Amazon Web Services và Microsoft Azure Cloud Services, cả hai đều "tuân theo luật pháp của Úc và nước ngoài", điều khoản này có thể yêu cầu tiết lộ thông tin cho các cơ quan chính phủ trong các lĩnh vực pháp lý ấy.

Bên cạnh việc theo dõi liên hệ, các tiểu bang và vùng lãnh thổ cũng đã sử dụng các ứng dụng để thực thi lệnh cách ly tại nhà.

Thông thường, những người Tây Úc cần tuân theo lệnh tự cách ly trong 2 tuần và sẽ được cảnh sát kiểm tra trực tiếp ngẫu nhiên. Nhưng Cảnh sát Tây Úc đã hợp lý hóa quy trình kiểm tra ngẫu nhiên trên với ứng dụng G2G Now. Ứng dụng sẽ gửi thông báo cho người dùng nhiều lần mỗi ngày, yêu cầu cung cấp ảnh chụp vị trí hiện tại, sau đó nó sẽ được kiểm tra chéo bằng các dịch vụ nhận dạng khuôn mặt và định vị vị trí địa lý.

Người dùng có 5 phút để gửi hình. Nếu không, họ sẽ nhận được thông báo thứ hai, theo đó, họ phải đưa ra lý do chính đáng để cảnh sát xác định xem có cần kiểm tra thực tế hay không.

Ứng dụng G2G Now được sử dụng trong một số trường hợp ở vùng lãnh thổ Bắc Úc, tương tự như các biện pháp định vị và nhận dạng khuôn mặt đang được thử nghiệm trên khắp nước Úc, bao gồm ứng dụng SA’s Quarantine SA và ứng dụng NSW’s Home Quarantine NSW.

Phần 2

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả: Caden Pearson và Daniel Khmelev

Caden Pearson

Caden Pearson là một phóng viên sống tại Úc, có chuyên môn về biên kịch và phim tài liệu. Quý độc giả có thể liên hệ với anh qua email: [email protected]

Hoa Long
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người Úc mất dần tự do giữa đại dịch (Phần 1)