Người Úc mất dần tự do giữa đại dịch (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một trong những nền tảng của chăm sóc sức khỏe là việc quan tâm, chăm sóc phải được đồng thuận. Bạn không thể ép buộc điều trị cho ai đó bằng một liệu pháp mà người đó không muốn. Đó không phải là cách chăm sóc sức khỏe.

Phần 1

Nhiệm vụ và phần thưởng của việc tiêm vắc-xin

Theo chính sách của Chính phủ liên bang Úc, tiêm chủng COVID-19 là tự nguyện đối với hầu hết mọi người, nhưng mục đích của chính sách này là muốn có càng nhiều người chọn tiêm chủng càng tốt.

Để đạt được điều này, các biện pháp tiếp cận của cả Chính phủ liên bang và tiểu bang là khởi động các chiến dịch nhắn tin, tổ chức họp báo hàng ngày để báo cáo các trường hợp nhiễm COVID-19 mới, hợp tác với các đơn vị tư nhân nhằm khuyến khích người dân tiêm chủng thông qua việc tặng thưởng.

Trong khi đó, một số chính trị gia bày tỏ lo ngại rằng cách tiếp cận này là cưỡng chế; và việc tước bỏ các quyền tự do của người dân là “nguy hiểm”, bởi vì người dân chỉ được khôi phục lại các quyền tự do khi đã tiêm chủng đầy đủ.

Một tấm biển ghi “Về thẳng nhà và cách ly” ở lối ra của một địa điểm xét nghiệm COVID-19, tại trung tâm mua sắm Highpoint ở Melbourne, Úc (Ảnh: chụp ngày 4/7/2020 bởi Asanka Ratnayake/Getty Images)

Cụ thể, từ ngày 13/9, chính quyền NSW cho phép những người được tiêm chủng có thêm một giờ vui chơi giải trí với “nguy cơ thấp” bên ngoài nhà của họ, sau khi 6 triệu liều vắc -xin đầu tiên đã được được tiêm cho người dân.

Thượng nghị sĩ Eric Abetz của Đảng Tự do Quốc gia (LNP) hồi đầu tháng 8 bày tỏ quan ngại rằng các kế hoạch về “khuyến khích tự do” cũng như “hộ chiếu vắc-xin”, kết hợp với quyền lực của người sử dụng lao động để buộc người lao động tiết lộ thông tin về tình trạng sức khỏe của họ, có thể tạo ra “công dân hạng hai” đối với những người đang chần chừ trong việc tiêm chủng.

Trong khi đó, một số công ty lớn nhất của Úc đã đưa ra phần thưởng cho những người chấp nhận tiêm vắc-xin.

Cụ thể, Hãng hàng không Quốc gia Qantas đã đưa ra những “giải thưởng lớn” cho người đã tiêm chủng như: du lịch không giới hạn trong một năm và các phiếu mua hàng, theo như thông tin trong một tờ rơi của Bộ Y tế liên bang (pdf).

“Là một công ty lớn dựa vào du lịch, để nhân viên và máy bay của chúng tôi trở lại hoạt động, hiển nhiên chúng tôi cần góp sức vào nỗ lực tiêm vắc-xin của quốc gia” - Stephanie Tully, nhân viên khách hàng của Qantas cho biết vào ngày 28/5.

Công ty HAG Imports tặng những nhân viên đã tiêm phòng đầy đủ phiếu mua hàng tại Myer trị giá 100 đô la. Trong khi đó, rạp chiếu phim Melbourne’s Classic và rạp chiếu phim Lido cung cấp bắp rang bơ và kem miễn phí cho những khách hàng đã tiêm vắc-xin.

Ngoài ra, Hãng Hàng không Virgin Australia đã bắt đầu một cuộc thi dành cho những người được tiêm chủng đầy đủ, khuyến khích giành giải thưởng một triệu điểm Khách hàng thường xuyên Velocity.

Tổng Giám đốc điều hành Virgin Australia, bà Jayne Hrdlicka, hôm 17/5, bày tỏ quan điểm: “Tiêm vắc-xin sẽ khiến chúng ta bị ốm nhưng sẽ không đưa chúng ta vào bệnh viện. Một số người có thể chết, nhưng nó sẽ nhỏ hơn nhiều so với bệnh cúm”.

Nhưng Thượng nghị sĩ Abetz gợi ý rằng các hoạt động tiêm chủng, kéo dài trên khắp đất nước, có thể dần dần dẫn đến việc bị ép buộc tiêm chủng.

Người biểu tình tuần hành qua các đường phố tại Melbourne với biểu ngữ “Đây không phải là về một loại vi-rút, đây là việc Chính phủ hoàn toàn kiểm soát người dân” (Ảnh: chụp ngày 18/9/2021 bởi William West/Getty Images)

Trong một tuyên bố ngày 4/8, Thượng nghị sĩ Abetz nói rằng việc triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 nên được thực hiện theo yêu cầu của luật pháp và cần có đầy đủ thông tin. Sổ tay Tiêm chủng của Úc nêu rõ việc triển khai tiêm chủng cần được áp dụng một cách tự nguyện, không được có bất kỳ áp lực hay sự ép buộc nào.

Theo chính sách liên bang thì tiêm chủng COVID-19 chủ yếu là tự nguyện, nhưng vào ngày 28/6, Chính phủ liên bang đã thông báo rằng nhân viên chăm sóc người già ở khu dân cư, bắt buộc phải tiêm liều đầu tiên trước tháng 9/2021.

Chính phủ liên bang đề nghị cho nghỉ việc có lương cho những nhân viên gặp tác dụng phụ của vắc-xin. Đây có thể xem là một trong những nỗ lực của Chính phủ để đảm bảo không có thêm những hậu quả không mong muốn nào khác.

Trong số hơn 1.300 trường hợp tử vong ở Úc có liên quan đến vi-rút Vũ Hán tính đến đầu tháng 10, có 735 người là nhân viên chăm sóc người già, và phần lớn xảy ra ở Victoria.

Ngoài ra, một số tiểu bang và vùng lãnh thổ đã sử dụng Lệnh Y tế Công cộng để bắt buộc tiêm vắc-xin cho một số ngành nhất định, chẳng hạn như bắt buộc tiêm vắc-xin cho một số nhân viên y tế ở Queensland, NSW và WA. Nhưng, ít nhất một Công đoàn Y tá Queensland, Hiệp hội Y tá Chuyên nghiệp Queensland, đã chống lại việc thực thi yêu cầu này.

Thiệt hại về tài sản thế chấp

Chiến lược phong tỏa nghiêm ngặt trên diện rộng đã gây ra một hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với nền kinh tế của quốc gia, mà còn đối với sức khỏe tinh thần của nhiều người Úc do bị hạn chế bởi Lệnh ở nhà.

Một số ước tính cho thấy chi phí phong tỏa năm nay ở NSW, Victoria và Nam Úc là 2,8 tỷ đô la (tương đương 2,07 tỷ USD) mỗi tuần.

Mọi người băng qua con đường Flinders đầy yên tĩnh ở Melbourne (Ảnh: chụp ngày 1/9/2021 bởi Daniel Pockett/Getty Images)

Những mô hình kinh tế trước đây cho thấy đất nước Úc rất ưa thích việc đóng cửa biên giới. Cụ thể như tại Perth, một tiểu bang của Úc, đã ra lệnh đóng cửa và phong tỏa bang, ngay sau khi chỉ có 3 ca dương tính được xác nhận vào tháng 6 — điều này có thể khiến nước Úc thiệt hại ước tính 319 tỷ đô la vào năm 2022.

Ông Daniel Wild, Giám đốc nghiên cứu tại Viện các Vấn đề Công cho biết: “Loại bỏ COVID-19 có nghĩa là loại bỏ công ăn việc làm, tự do và hy vọng”.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đã phải vật lộn để tồn tại trong thời gian ngừng hoạt động, thậm chí nhiều doanh nghiệp khác buộc phải đóng cửa hoàn toàn.

Ông Wild cho biết: “Các lệnh phong tỏa đã dẫn đến một trong những cuộc chuyển giao quyền lực và của cải lớn nhất trong lịch sử của nước Úc. Giới trẻ Úc, các doanh nghiệp nhỏ, người lao động tự do và những người khác nằm trong các bộ phận sản xuất hoặc nền kinh tế tư nhân đã bị thiệt hại nghiêm trọng, trong khi quyền lực và của cải của các công chức và quan chức đang ngày càng tăng lên”.

Một chủ tiệm tóc ở Sydney đã kể lại những khó khăn mà anh phải đương đầu trong tháng 7 vừa qua.

Anh Nam Nguyen chia sẻ: “Tôi sắp mất việc. Tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, thực phẩm, bảo hiểm, điện nước, tất cả những thứ đó, trong khi thu nhập thì lại giảm sút”.

“Chính phủ nói rằng họ sẽ phong tỏa cho đến khi đại dịch kết thúc. Nhưng bạn không thể biết khi nào nó sẽ kết thúc. Mọi người sẽ phải học cách sống chung với vi-rút bằng cách nào đó" - anh nói.

Có quan ngại cho rằng liệu các lệnh phong tỏa có gây ra tử vong ở người trẻ tuổi nhiều hơn so với bản thân vi-rút hay không.

Các đợt phong tỏa và hạn chế đi lại dường như vô tận, cùng với việc mất việc làm và quyền tự do, đã đóng một vai trò nghiêm trọng trong sự suy giảm sức khỏe tâm thần của nhiều người dân Úc.

Theo số liệu của Tổ chức Phòng chống Tự tử Úc - Suicide Prevention Australia (SPA), phát hiện rằng 25% người Úc biết ai đó gần gũi với họ đã chết hoặc có ý định tự tử, trong khi 27% dân số cho biết họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp tìm kiếm sự hỗ trợ từ một dịch vụ phòng chống tự tử trong 12 tháng qua.

Những người được hỏi cho biết những rủi ro lớn nhất góp phần vào tỷ lệ tự tử trong 12 tháng tới có thể là: cô lập xã hội (64%), thất nghiệp và mất việc làm (58%), đổ vỡ gia đình và mối quan hệ (57%), và các vấn đề về chi phí sinh hoạt (55%).

Năm ngoái, ông Patrick McGworthy, Giáo sư về sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên tại Đại học Melbourne, cảnh báo rằng kết quả từ các cuộc điều tra dân số cho thấy sự gia tăng đáng kể tình trạng suy sụp tinh thần.

Cảnh sát Victoria tuần tra qua Trung tâm Mua sắm Chadstone ở Melbourne, Úc (Ảnh: chụp ngày 20/9/2020 bởi Darrian Traynor/Getty Images)

Ông nói: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​sự gia tăng hành vi tự làm hại bản thân và tự tử”.

Các nghiên cứu dựa trên mô hình và biểu đồ gần đây của Trung tâm Não và Tâm trí của Đại học Sydney đã lưu ý rằng trong 5 năm tới, tỷ lệ tự tử ở Úc ước tính tăng 13,7% — gần 20.000 ca tử vong.

Báo cáo nêu rõ: “Việc không chắc chắn liệu đại dịch COVID-19 sẽ tiến triển như thế nào, cùng với các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và cách ly, đang dẫn đến sự không chắc chắn về mức độ và thời gian của sự suy sụp kinh tế, làm trầm trọng thêm tình trạng đau khổ tâm lý và các vấn đề sức khỏe tâm thần trong số những người khỏe mạnh trước đây”.

Phản hồi tiêu cực và phản đối

Hàng nghìn người Úc đã xuống đường, bất chấp lệnh ở nhà để bày tỏ sự phản đối của họ đối với các biện pháp nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19.

Trong một cuộc biểu tình ở Perth vào ngày 1/10, một y tá chia sẻ với The Epoch Times cô tin rằng quyết định buộc nhân viên phải tiêm chủng là đi ngược lại các nguyên tắc chăm sóc sức khỏe.

"Đó là cưỡng chế" - cô nói. “Một trong những nền tảng của chăm sóc sức khỏe là việc chăm sóc phải được đồng thuận. Bạn không thể ép buộc điều trị cho ai đó bằng một liệu pháp mà người đó không muốn. Đó không phải là cách chăm sóc sức khỏe".

Cô cũng cho biết không có đủ bằng chứng về tính an toàn lâu dài của các loại vắc-xin mà chính phủ đã tiêm cho người dân, khi chưa hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng dài hạn. Chỉ vào những người biểu tình mặc áo sơ mi trắng, cô y tá cho biết họ là những người đều sẵn sàng mất việc vì để chống lại yêu cầu bắt buộc tiêm vắc-xin.

Những người biểu tình tuần hành phản đối việc phong tỏa và đóng cửa ở Melbourne, Úc (Ảnh: chụp ngày 21/8/2021/Getty Images)

“Tất cả những chuyên gia ấy sẵn sàng nghỉ việc sau nhiều năm đi làm. Hãy nhìn vào những con số trên áo của họ, 15 năm, 17 năm, 20 năm” - cô nói. "Tôi rất thất vọng khi mất việc, nhưng tôi không muốn bị ép buộc dùng một loại thuốc thử nghiệm".

Các cuộc biểu tình ở Melbourne đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào tháng 9 do tính chất độc đoán trong phản ứng của cảnh sát. Cảnh sát đã bắn đạn hơi cay, và các loại đạn phi sát thương cỡ lớn vào dân thường không vũ trang vào ngày 22/9.

Một video của nhà báo Rukshan Fernando vào ngày 2/10 cho thấy những người biểu tình tuần hành ôn hòa và hô vang những khẩu hiệu như: “Cơ thể của tôi, lựa chọn của tôi" và "Tự do ngay bây giờ!". Đó là những gì diễn ra hàng ngày trong các cuộc biểu tình ở Melbourne chống lại quy định tiêm chủng toàn diện của bang Victoria, tiêm chủng cho tất cả 1,25 triệu công dân của bang này.

Cảnh sát đã cố gắng ngăn cản những người biểu tình, bằng cách cấm tiếp cận các trung tâm thương mại của Sydney và Melbourne (CBD) vào những ngày nhất định khi các cuộc biểu tình được lên kế hoạch. Cảnh sát cũng theo dõi các nhóm trên ứng dụng Telegram để thu thập thông tin tình báo về các hoạt động biểu tình dự kiến.

Bất chấp những cuộc biểu tình và những quan điểm bất đồng từ các chuyên gia và dân chúng, Chính phủ Úc vẫn đưa ra các thống kê cho thấy phần lớn người Úc đã chọn tiêm phòng.

Kế hoạch tái mở cửa nước Úc vào tháng 12

Trong khi các quốc gia khác đã xóa bỏ tất cả các hạn chế về sức khỏe và hộ chiếu vắc-xin của họ liên quan đến COVID-19, Úc đã ban hành một kế hoạch quốc gia có thể sẽ tiếp tục ngừng hoạt động và phong tỏa trong năm 2022.

Đan Mạch đã loại bỏ tất cả các hạn chế COVID-19, ngoại trừ các yêu cầu đặc biệt về nhập cảnh từ bên ngoài biên giới vào ngày 10/9, sau khi nước này phân loại lại COVID-19 không còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống con người. Việc hạ cấp phân loại này có nghĩa là hộ chiếu vắc-xin không còn cần thiết nữa.

Na Uy thông báo vào ngày 24/9 rằng họ sẽ loại bỏ tất cả các hạn chế COVID-19 trong nước.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc đã khẳng định kế hoạch 4 giai đoạn của quốc gia.Theo đó,chuyển dịch từ trạng thái trước khi tiêm chủng toàn diện sang trạng thái hậu tiêm chủng, tập trung vào việc ngăn chặn tình trạng bệnh nghiêm trọng, giảm tỷ lệ nhập viện, tử vong và thực hiện quản lý sức khỏe cộng đồng đối với các bệnh truyền nhiễm khác.

Các giai đoạn sau sẽ được kích hoạt khi đạt được ngưỡng tiêm chủng. Cụ thể, giai đoạn thứ ba sẽ là lúc ​​các nhà chức trách đánh giá COVID-19 được xem như một loại bệnh cúm thông thường và giai đoạn cuối sẽ là lúc cả đất nước ​​hoạt động trở lại bình thường, mà không bị phong tỏa hoặc đóng cửa biên giới, và chỉ cách ly đối với những khách du lịch chưa được tiêm phòng.

Phần 1

Tác giả: Caden Pearson và Daniel Khmelev

Caden Pearson

Caden Pearson là một phóng viên sống tại Úc, có chuyên môn về biên kịch và phim tài liệu. Quý độc giả có thể liên hệ với anh qua email: [email protected]

Hoa Long
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Người Úc mất dần tự do giữa đại dịch (Phần 2)