Người xưa nói: Có ‘3 điều không hỏi, 4 thứ không sờ’, biết sớm những điều này để hành xử đúng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Biết sớm “3 không hỏi, 4 không sờ” giúp bạn hành xử đúng trong giao tiếp để thể hiện mình là con người có tu dưỡng, đáng để kết giao. Các mối quan hệ sẽ trở lên tốt đẹp hơn.

3 không hỏi

Tuổi tác

Hỏi tuổi tác là điều cấm kỵ nhất. Không chỉ người nước ngoài mà người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ đều rất kỵ khi hỏi về tuổi tác. Bạn sẽ bị xem là bất lịch sự khi bạn hỏi tuổi một ai đó. Khi mới lần đầu gặp mặt, chưa hiểu về nhau thì bạn không nên hỏi những câu hỏi quá riêng tư về đối phương, đặc biệt là ngoại hình.

Bạn nên tránh những câu hỏi này dù là người mới quen hay là bạn của bạn. Bởi vì đây là vấn đề riêng tư của họ. Trong trường hợp cần hỏi tuổi để tiện xưng hô, thì thay vì hỏi bạn bao nhiêu tuổi, hãy hỏi: "Bạn sinh năm bao nhiêu?" như vậy sẽ lịch sự hơn.

Thu nhập

Người Việt Nam thường hỏi thăm nhau về mọi thứ khi gặp mặt, cuộc sống của bạn thế nào, thu nhập bao nhiêu, cụ thể đến tiền mỗi ngày kiếm được bao nhiêu. Những câu hỏi quen thuộc ấy tưởng như vô hại, nhưng thực ra lại rất nhạy cảm. Khi hỏi cho thấy sự quan tâm, tuy nhiên bằng cách này hay cách khác, người hỏi và người được hỏi nói ra mức lương của mình sẽ động chạm đến lòng tự trọng của cả hai.

Nếu người bạn của bạn nói rằng anh ấy đang kiếm được 10 triệu đồng một tháng, trong khi bạn chỉ kiếm được 5 triệu thì bạn sẽ cảm thấy ngại ngùng khi nói về thu nhập của mình, trong tâm bất bình vì “anh ta đâu có giỏi giang hơn mình” (theo đánh giá của bản thân). Ngược lại, nếu mức lương của anh ấy thấp hơn của bạn, có thể họ cũng nghĩ tương tự như vậy về bạn hoặc cảm thấy xấu hổ vì không có khả năng đạt được mức lương cao hơn; còn bạn còn có thể cho rằng “trình độ cậu ta kém nên chỉ thế là phải”...

Ngay cả khi mức lương có bằng nhau, thì một trong hai người vẫn có thể cho rằng “anh ta mà cũng được lương bằng mình cơ à”. Kiểu gì cũng diễn ra sự so bì, tật đố, hơn thua… Vậy tốt nhất là không nên hỏi, sao phải hỏi để chuốc muộn phiền, rắc rối vào mình?

Hỏi thăm cũng là thể hiện sự quan tâm, tuy nhiên hỏi đến thu nhập của họ đồng nghĩa bạn đang động chạm đến năng lực, bản lĩnh cá nhân của họ. Không ai thích nói về điều đó cả, dù kiếm được nhiều hay ít, họ không muốn nói và sẽ không mấy thiện cảm với bạn. Nếu bạn thật sự muốn biết, thì thay vì hỏi trực tiếp hãy quan sát đồ dùng, cách sinh hoạt của họ hoặc hỏi ai đó biết về họ.

Trong những mối quan hệ xã giao, để không gặp phải tình huống trở thành người “kém văn minh”, tốt nhất không hỏi về mức lương của người khác, có thể hỏi về thú vui trong công việc, những điều liên quan đến sở thích của đối phương chẳng hạn. Và khi được hỏi về lương, chúng ta có thể không trả lời.

Xuất thân

Xuất thân là thứ không ai có thể lựa chọn. Trong xã hội ngày nay, vấn đề xuất thân không còn quá nặng nề, tuy nhiên đối với một số người vì một số lý do họ không muốn ai biết về xuất thân của mình. Dù thân thiết hay không, đây cũng là điều không nên hỏi, khi thấy bạn thật sự đủ tin tưởng, đối phương sẽ tự khắc tâm sự với bạn.

4 không sờ

Đầu nam giới

Đầu là nơi cao nhất của con người, theo quan niệm của người xưa, nó tượng trưng cho phẩm giá một người. Thời xưa, đàn ông khi có tuổi sẽ đội quán (loại mũ thời xưa) và búi tóc, thể hiện uy quyền và vị thế của nam nhân. Hành động chạm vào đầu thường là người bề trên chạm đầu người bề dưới, thể hiện tình yêu thương của người lớn tuổi đối với người được chạm vào đầu. Tuy nhiên, nếu như hành động này được dùng để cư xử với một người đàn ông trưởng thành, nó thể hiện sự coi thường và khinh miệt đối với người đó.

Ngày nay, việc sờ đầu của người khác cũng nên được coi trọng, không nên tùy tiện sờ đầu người khác, ngay cả khi với người bằng tuổi mình. Ngoài ra, còn một lý do khác là người ta cho rằng đầu là bộ phận quan trọng, không được tùy tiện đụng vào để tránh gây ra những tai nạn đáng tiếc.

Nếu một người lạ vô tình chạm vào đầu người của người nào đó thì bị coi là biểu hiện khiêu khích, coi thường, nhục mạ người khác. Có thể gây ra mâu thuẫn, đánh nhau nếu người bị sờ đầu khó tính và là người không quen biết.

Eo phụ nữ

Thời nào cũng vậy, cơ thể của mỗi cá nhân là điều không thể tùy tiện động chạm đến, đặc biệt đối với người phụ nữ. Thời xưa, “nam nữ thụ thụ bất thân” và có nhiều quy tắc nghiêm ngặt khác để giữ khoảng cách giữa nam và nữ. Thời đó, các tiếp xúc cơ thể là điều đặc biệt tế nhị, cấm kỵ không được phép nếu không phải là vợ chồng. Trong khi đó, vòng eo lại là một bộ phận khá nhạy cảm trên cơ thể người phụ nữ.

Ngày nay, khi thái độ và góc nhìn của người hiện đại tương đối cởi mở, thì việc tiếp xúc cơ thể giữa nam với nữ vẫn có những chừng mực nhất định. Nếu là những người không thân thích thì không nên có những cử chỉ quá thân mật.

Bạn bè thân thiết là con trai mà chạm vào eo, hay bất kể bộ phận nhạy cảm nào khác trên cơ thể người phụ nữ dù vô tình hay hữu ý thì đều bị coi là “lợi dụng”, “yêu râu xanh”, “biến thái”, “dê xồm”,... Do đó, nếu người đàn ông nào vô tình chạm vào eo của một cô gái, người khác biết thì dù có trăm cái miệng thì người đàn ông cũng không thể giải thích được. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thanh danh cũng như tương lai của một cô gái.

Rìu của thợ mộc, dao của đầu bếp

Thời xưa, chiếc rìu của những người thợ mộc, con dao của người đầu bếp quan trọng như mạng sống của họ. Và quả thật là như vậy, vì với họ đó là thứ công cụ giúp họ kiếm sống và sinh tồn.

Tất cả những ai muốn trở thành một người thợ giỏi trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào cũng đều tự tạo cho mình một điểm nhấn riêng, có bí quyết nghề riêng. Trong quá trình học nghề, làm việc thì chiếc rìu hay con dao là người bạn đồng hành không thể thiếu với người thợ mộc và người làm bếp. Người ta ví cái rìu, con dao của người thợ mộc, người làm bếp cũng quan trọng như thanh kiếm của vị tướng quân.

Vì rìu, dao quan trọng như vậy, nên những người thợ không muốn bất cứ ai tự ý chạm vào. Nếu ai đó làm điều này, có thể hiểu đó là hành vi thất lễ và bất lịch sự.

Có thể nói, lời truyền lại của cổ nhân về "3 không hỏi, 4 không sờ" là kinh nghiệm về những phép lịch sự cơ bản mà đến nay vẫn còn giá trị. Để không bị người khác đánh giá thấp và gặp rắc rối trong cuộc sống, chúng ta nên cẩn trọng trong từng hành vi, lời nói của mình.

Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Người xưa nói: Có ‘3 điều không hỏi, 4 thứ không sờ’, biết sớm những điều này để hành xử đúng