Nguồn gốc của ‘Lễ xá tội vong nhân’ - Tháng cô hồn cần chú ý những gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lễ Rằm tháng Bảy còn gọi là lễ xá tội vong nhân, là lễ Trung Nguyên trong Đạo giáo, cũng là lễ Vu Lan trong Phật giáo. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về vị đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Tôn giả Mục Liên (cũng gọi là Mục Kiền Liên) cứu mẹ.

Có một nhà sư tên là Mục Liên có Pháp lực rất lớn. Mẹ của ông bị rơi vào con đường ngạ quỷ, khi thức ăn đưa đến miệng thì đều biến thành ngọn lửa, chịu đói khổ quá mức. Tôn giả Mục Liên không có cách nào cứu mẹ, nên cầu xin Đức Phật dạy bảo, được Đức Phật thuyết kinh Vu Lan Bồn, và dạy rằng, vào ngày rằm tháng 7 làm lễ Vu Lan bồn mà cứu mẹ.

Lễ Vu Lan bồn, cũng gọi là lễ Vu Lan. Vu Lan có nguồn gốc từ tiếng Phạn là Ullambana, nghĩa là “cởi trói treo ngược”, nghĩa là người có tội khi chết xuống âm phủ, bị trói ngược treo lên, trừng trị, làm lễ Vu Lan là để “cởi trói treo ngược”, giải thoát cho người quá cố (vong nhân) khỏi chịu tội khổ. Bồn là chậu chứa đồ cúng, Vu Lan Bồn là chậu chứa đồ cúng lễ Vu Lan.

Chuyện kể rằng lúc ấy Tôn giả Mục Liên ở âm gian địa phủ, phải trải qua muôn vàn khổ ải, cuối cùng gặp lại người mẹ đã khuất của mình, bà Lưu Thị, nhìn thấy bà đang bị một đám quỷ đói hành hạ. Tôn giả Mục Liên muốn đưa bát cơm cho bà ăn, nhưng bát cơm lại bị quỷ đói cướp đi. Mục Liên đành phải cầu cứu Phật tổ giúp đỡ, Phật tổ cảm động trước lòng hiếu thảo của Mục Liên, nên đã ban cho ông Kinh Vu Lan. Theo lời chỉ dẫn, vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, Mục Liên dùng Vu Lan Bồn để dâng hoa quả và đồ chay cho mẹ. Người mẹ bị bỏ đói cuối cùng cũng có được thức ăn.

Đức Phật còn khai thị: “Vào ngày rằm tháng Bảy, ngày Phật hoan hỉ, cũng là ngày chúng tăng tự tứ (tức là ngày chúng tăng kết thúc mùa an cư kiết hạ 90 ngày bế quan tĩnh tu), nên chuẩn bị một bữa ăn bách vị, đặt trong Vu Lan bồn, để cúng dường cho chúng tăng tự tứ mười phương, cha mẹ đang sống trên đời, cũng như cha mẹ bảy kiếp trong quá khứ. Như vậy có thể giúp cho cha mẹ đang sống ở kiếp này được sống lâu trăm tuổi không phải chịu bệnh tật khổ đau, cũng không phải chịu đựng mọi phiền não. Cũng có thể giúp cho cha mẹ bảy đời trước thoát khỏi khổ ác quỷ, sinh lên cõi trời, phúc lạc vô cùng”.

"Lễ Vu Lan bồn" để tưởng nhớ việc Tôn giả Mục Liên cứu mẹ

Sau khi Tôn giả Mục Liên tuân theo lời Đức Phật, cúng dường chư tăng, hồi hướng công đức cho người mẹ đã khuất, để người mẹ quá cố đắc được thiện báo, thoát khỏi con đường ngạ quỷ, từ đó về sau, dân gian dần dần thịnh hành ăn chay cúng dường ngày lễ Vu Lan. Sau này, lễ Vu Lan của Phật giáo ngày càng trở thành một ngày lễ hội dân gian lớn. Để tưởng nhớ lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục Liên, hàng năm các Phật tử đều tổ chức lễ hội lớn, ‘Lễ Vu Lan’, mà ngày nay được gọi là ‘Lễ xá tội vong nhân’ hay là ‘Lễ Trung Nguyên’.

Mục Kiền Liên
Mặc dù Mục Kiền Liên là "Thần thông đệ nhất" trong các đệ tử của Phật Đà cũng không cứu được mẹ mình. (Ảnh: Wikipedia)

Một lễ xá tội vong nhân phổ độ bình thường nói chung cũng được chia thành từng gia đình một, gọi là ‘Gia phổ’ cho đến một cơ quan, cơ cấu, gọi là ‘Tư phổ’; do các tụ điểm, đoàn thể hoặc cư dân miếu cảnh phối hợp tổ chức gọi là ‘Công phổ’, ‘Liên phổ’. Trong đó, do chùa tổ chức gọi là ‘Miếu phổ’, công hội tổ chức gọi là ‘Nghiệp phổ', các thủ lĩnh bang hội tổ chức gọi là ‘Giác phổ’. Từ đầu tháng 7 cho đến đến tháng cuối 7 là đóng cửa quỷ môn, thường là mỗi ngày đều có ‘phổ độ’ (làm lễ xá tội vong nhân).

Lễ xá tội vong nhân có có những phong tục gì?

Trong sách nói rằng, ngày xưa vào ngày này người ta sẽ dựng lên đài tế ở đầu cổng làng, trước đài có tượng Địa Tạng Vương Bồ tát siêu độ hồn quỷ địa ngục, bên dưới dâng một đĩa đào và gạo. Sau giờ ngọ, tất cả các hộ gia đình đều đặt nguyên con lợn, cừu, gà, vịt, ngan và các loại bánh trái, dưa, hoa quả lên đài. Người chủ trì lần lượt cắm một lá cờ giấy hình tam giác màu xanh lam, đỏ, xanh lá cây và các màu khác trên mỗi đồ tế phẩm, trên đó có dòng chữ ‘Lễ Vu lan’ và ‘Cam lộ môn khai’.

Buổi lễ bắt đầu vang lên tiếng nhạc chùa trang nghiêm, ngay sau đó, pháp sư rung chuông, dẫn các nhà sư tụng niệm các câu chú ngữ và chân ngôn, sau đó là thí thực, đem đĩa đào và gạo rắc ra bốn phương khác nhau, lặp lại ba lần, loại nghi thức này gọi là ‘phóng diệm khẩu’. Văn nhân nhà Thanh Vương Khải Thái đã từng viết một bài thơ: "Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn, vốn có ý nghĩa cổ xưa của Vu lan”.

Tương truyền, hàng năm từ ngày mồng 1 tháng Bảy trở đi, Diêm Vương hạ lệnh mở rộng cửa địa ngục, để cho những oan hồn quanh năm chịu khổ, bị giam cầm trong địa ngục được thoát ra trong một thời gian ngắn hạn, hưởng thụ huyết thực nhân gian. Vì vậy, người ta gọi tháng Bảy là tháng ma quỷ, tháng này được cho là không may mắn, không nên kết hôn, cũng không nên chuyển nhà.

Ngoài việc tránh những sợi dây thừng đỏ, chuông, chuông gió… thì trong Lễ xá tội vong nhân còn có những điều kiêng kỵ nào nữa?

Những điều cấm kỵ liên quan đến Tháng Cô hồn

  1. Đừng tùy tiện vỗ vai người khác, bởi vì dân gian tin rằng, có ba ngọn lửa trên đỉnh đầu và hai bên vai, nếu vỗ vào bất kỳ một trong ba chỗ đó, ngọn lửa bị dập tắt thì rất dễ bị ma quỷ nhập vào người.
  2. Không bơi ở vùng nước nguy hiểm. Người ta cho rằng, hồn ma chết đuối dưới nước không thể đầu thai luân hồi được, vì thế sẽ ở ở trong nước mà "bắt người thay thế".
  3. Không nhặt tiền lẻ, bao lì xì dưới đất, vì người ta cho rằng những loại tiền này được ma quỷ dùng để mua chuộc quỷ đầu trâu mặt ngựa, nhặt bừa bãi sẽ dẫn đến xui xẻo.
  4. Không lấy đồ lễ, lễ vật thờ cúng, vì những thứ này dùng để tế ma quỷ, nếu lấy đi trước khi hết lễ sẽ dễ chọc giận ma quỷ.
  5. Không nên giẫm lên giấy hoặc đốt giấy bừa bãi, dễ xúc phạm đến ma quỷ, dễ mang lại nhiều điều xui xẻo.
  6. Không cắm đũa vào giữa bát cơm, bởi vì khi cúng người ta thường cắm hương lên mâm lễ, như vậy sẽ làm ma quỷ nhầm với mâm đồ cúng.
  7. Không treo chuông gió trong nhà, vì âm thanh của chuông gió giống tiếng chuông lục lạc gọi hồn ma, rất dễ thu hút hồn ma đến.
  8. Không nên phơi quần áo ban đêm, vì ban đêm quần áo bị gió thổi bay bay, giống như hình người, dễ bị ma quỷ đến ám vào.
  9. Đừng đi lang thang lúc nửa đêm, vì ban đêm âm khí mạnh, dương khí yếu, đó là lúc ma quỷ hay đi lại.
  10. Cố gắng hạn chế việc đi xem, mua bán nhà trong tháng ma quỷ, ngoài việc sợ mua phải nhà bị ma ám, người ta cũng thường cho rằng không được cát lợi, nếu như bạn chuyển đến nhà mới mà thu hút ma đến nhà thì cũng khổ.

Đức Nhã
Theo Nhất Phàm – Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nguồn gốc của ‘Lễ xá tội vong nhân’ - Tháng cô hồn cần chú ý những gì?