Nguồn gốc lễ Vu lan: Tại sao xá tội vong nhân lại vào ngày Rằm tháng Bảy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Dân gian vẫn thường nói "Tháng Bảy đêm Rằm xá tội vong nhân", sự tích này bắt nguồn từ câu chuyện trong kinh Phật Tôn giả Mục Liên cứu mẹ.

Trước khi xuất gia, tôn giả Mục Liên là một người con hiếu thảo, phụng dưỡng song thân mười phần cung kính, hiếu thuận. Mẹ của tôn giả Mục Liên mỗi ngày nếu không có đủ ba bữa ăn có thịt là không vui. Mặc dù Mục Liên thường khuyên bà nên tránh nghiệp sát sinh, nhưng mẹ Ngài vẫn luôn nhân lúc Ngài không ở nhà giết mổ gia súc gia cầm để thưởng thức. Vì vậy, mẹ của Tôn giả Mục Liên khi còn sống đã phạm phải ác nghiệp rất nặng, sau khi chết, bà bị tống vào Địa ngục a tỳ.

Sau khi Tôn giả Mục Liên xuất gia, được Đức Thế Tôn dạy dỗ, hơn nữa, bản thân Ngài cũng rất cần cù siêng năng, không ngừng nghiêm túc tu tập, Ngài rất nhanh chứng đắc quả vị A-la-hán, trở thành đại đệ tử đệ nhất thần thông của Đức Phật.

Đến tháng Bảy Kết Hạ an cư, có một hôm, Tôn giả Mục Liên đang chuẩn bị ngồi thiền nhập định, bỗng nhiên nhớ tới mẹ mình, Ngài nhớ lại những nghiệp sát sinh mà mẹ Ngài lúc còn sống đã làm trong suốt cuộc đời, bà chưa từng tu hành thiện nghiệp. Là một người tu hành đã chứng được quả vị, Tôn giả Mục Liên có thể biết được rằng, sau khi mẹ mất, bà nhất định sẽ bị đọa vào ba đường ác nên rất lo lắng. Ngài nóng lòng muốn biết mẹ mình rốt cuộc đang ở nơi nào, liền vội vàng nhập định, ở trong định mà đi đến một nơi rất đáng sợ - Địa ngục A tỳ.

Tôn giả Mục Liên nhìn thấy bộ dạng của đám quỷ đói đều là: bụng vừa tròn vừa to, cổ vừa gầy vừa dài, tay chân như cành củi khô, ai nấy đều kêu la, đói khát. Khi Tôn giả Mục Liên nhìn thấy cảnh này, trong lòng không cầm nổi sự đau đớn, bỗng nhiên ông nhìn thấy mẹ của mình, giống như các chúng sinh trong cõi ngạ quỷ khác, đang phải chịu đựng đói khổ hành hạ.

Tôn giả Mục Liên làm sao có thể cầm lòng chịu đựng sự khổ báo đối với mẹ mình, được gọi là đệ nhất thần thông, nên ông dùng thần thông của mình biến ra một cái bát cơm, một bình nước, cung kính đưa đến trước mặt mẹ.

Mẹ của Ngài hết đỗi vui mừng, vội vội vàng vàng đưa tay ra nhận. Trong đau đớn, run rẩy đưa thức ăn lên miệng, muốn uống ngụm nước trước rồi mới ăn cơm, nhưng khi cơm và nước vừa đưa đến bên miệng, thì từ miệng bà phun ra một đám lửa lớn, trong nháy mắt làm cho nước cạn khô, cơm cũng biến thành than.

Nhìn thấy cảnh này, Mục Liên cảm thấy quặn lòng, cũng thấy bất lực, mặc dù có thần thông quảng đại rất lớn, nhưng nghiệp của mẹ Ngài quá sâu nặng nên Ngài cũng bất lực.

Mục Kiền Liên
Mặc dù Mục Kiền Liên là "Thần thông đệ nhất" trong các đệ tử của Phật Đà cũng không cứu được mẹ mình. (Ảnh: Wikipedia)

Ngay khi vừa xuất định, Ngài vội vàng đi thỉnh giáo Đức Phật. Ngài cung kính dập đầu đảnh lễ Đức Phật, bạch rằng: "Bạch Thế tôn! Lòng con rất thống khổ! Không biết rằng mẹ của con rốt cuộc đã gieo những nghiệp gì ạ? Con có thể dùng cách nào để cứu được mẹ không ạ?"

Đức Phật nói: "Nghiệp chướng của muôn loài quả thật là tự mình chuốc lấy! Mẹ con khi còn sống đã tạo ác nghiệp tham, sân, si, nghiệp do ai tạo ra thì đều phải tự mình chịu tội báo. Nghiệp chướng như núi Tu Di, bất luận là ai đều không thể làm được gì cả!”

Tôn giả Mục Liên nghe lời Đức Phật khai thị cảm thấy rất đau khổ, nhưng ông vẫn cầu xin Thế tôn chỉ dạy cách cứu độ mẹ mình. Lòng hiếu thảo của Ngài đã khiến cho Đức Phật cảm động.

Đức Phật nói với Mục Liên rằng: "Để cứu mẹ con, chỉ dựa vào thần thông của con thôi thì không đủ, bởi vì nghiệp chướng của mẹ con quá nặng, cần phải dựa vào rất nhiều tăng chúng tu hành đã chứng quả, đem phúc nghiệp thanh tịnh của họ tích lũy lại với nhau, dùng tâm lực cùng nhau hồi hướng mới có thể giúp được mẹ con.”

Tôn giả Mục Liên nói: "Con cần phải đi đâu để tìm được nhiều người có phúc nghiệp thanh tịnh như vậy ạ?"

Đức Phật nói: "Việc này không khó! Từ tháng Tư Kết Hạ an cư đến tháng Bảy, rất nhiều vị tỳ kheo thanh tịnh dốc lòng xả bỏ phiền não, tăng trưởng trí huệ. Trong thời gian này, họ khám phá chân lý, thấu triệt diệu Pháp. Những tăng chúng này có phúc đức thanh tịnh nhất, nếu con có thể mời họ đến đồng tâm hợp lực chúc phúc cho mẹ con, như vậy thì mẹ của con có thể được cứu."

Đức Phật cũng dặn dò: "Con cũng nên tạo phúc cho mẹ con, vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, cũng là ngày Giải Hạ, con nên cử hành cúng dường chư tăng, kết thiện duyên với mọi người, lấy tâm thanh tịnh này cộng với tâm hoan hỷ, cùng nhau chúc phúc cho mẹ con, sẽ tạo thành một lực lượng rất lớn, chỉ có một lực lượng lớn như vậy thì mới có thể hóa giải nghiệp chướng cho mẹ con."

Vào ngày 15 tháng 7, tôn giả Mục Liên đã chuẩn bị một cỗ chay rất thịnh soạn, cúng dường với tấm lòng thành kính nhất, lễ cúng dường này vô cùng thù thắng trang nghiêm. Sau đó, tất cả mọi người đều nhất tâm hiệp ý cầu phúc cho mẹ Ngài. Bởi vì thường ngày mỗi người đều siêng năng tu hành, phúc đức đầy đủ. Phúc lành này, tích tụ bao nhiêu là hỷ lạc gia trì lực lượng quả thực rất mạnh mẽ.

Vào đêm ngày đầu tiên của ngày cúng dường, lúc ở trong định, Tôn giả Mục Liên nhìn thấy một vị Thiên nhân rất trang nghiêm từ xa bay tới, hướng đến Ngài đảnh lễ, nhìn kỹ hơn, thì ra đó là mẹ của Ngài. Bà hướng đến tôn giả Mục Liên cảm tạ nói: “Nhờ định lực và lòng hiếu thảo của con, cùng với nguyện lực từ bi của đông đảo các bậc Tôn giả, và cũng nhờ sự gia trì lòng từ bi của Đức Phật, mẹ đã thoát khỏi cảnh giới ngạ quỷ, bây giờ đã được sinh về cõi Trời.”

Trong lúc thiền định, Ngài thấy được mẹ mình đã rời địa ngục và bay lên Thiên giới.

Tôn giả Mục Liên vô cùng hiếu thảo, lại nhận được sự từ bi của chúng sinh, nhận được trí huệ và phúc nghiệp thanh tịnh của chúng tăng nên đã cứu được mẹ mình, hết sức cảm động. Từ đó về sau, dân gian dần dần thịnh hành ăn chay cúng dường ngày lễ Vu Lan. Sau này, lễ Vu Lan của Phật giáo ngày càng trở thành một ngày lễ hội dân gian lớn. Để tưởng nhớ lòng hiếu thảo của Tôn giả Mục Liên, hàng năm các Phật tử đều tổ chức lễ hội lớn, ‘Lễ Vu Lan’, mà ngày nay được gọi là ‘Lễ xá tội vong nhân’ hay là ‘Lễ Trung Nguyên’.

Câu chuyện trong kinh Phật Mục Liên cứu mẹ một lần nữa nói lên sự thật rằng thiện ác hữu báo, đồng thời giúp chúng ta hiểu được phước báo to lớn của việc hàng ngày siêng năng tu hành. Vì vậy, khi đọc xong câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn con đường mà một người nên lựa chọn - tích đức hướng thiện, làm điều ác sẽ tích thêm tội nghiệp.

Đức Nhã
Theo Diễn Đạm – Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nguồn gốc lễ Vu lan: Tại sao xá tội vong nhân lại vào ngày Rằm tháng Bảy