Nguồn gốc ra đời của Tháp Rùa - di tích đặc trưng của Hà Nội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hình ảnh Tháp Rùa giữa lòng Hồ Gươm là một trong những biểu tượng ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội. Trường tồn với thời gian mang dấu ấn lịch sử, Tháp Rùa có tự bao giờ?

Tháp Rùa Hà Nội ở đâu?

Tháp Rùa là một ngọn tháp nhỏ nằm trên một gò đất nhỏ rộng khoảng 350m2 nằm giữa Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Với vị trí đắc địa, thuận lợi di chuyển từ các điểm khác nhau ở Hà Nội đến với tháp.

Ai xây Tháp Rùa? Xây năm nào?

Nói về nguồn gốc và câu chuyện xoay quanh Tháp Rùa thì vẫn còn nhiều điều bí ẩn và có nhiều ý kiến khác nhau.

Tư liệu được cho là cổ nhất tính đến thời điểm này về Tháp Rùa là của Paul Bourde, phóng viên thường trú báo Le Temps tại Hà Nội. Trong cuốn “Từ Paris đến Bắc Kỳ” (De Paris au Tonkin - Paris, 1885), Paul Bourde mô tả Tháp Rùa như sau: “Ở đằng xa trên một hòn đảo có một cái chùa mang hình tháp, một công trình kiến trúc ba tầng của chủ hiệu bánh người Hoa”.

Cuốn “Những ngôi chùa Hà Nội” (Les pagodes de Hanoi - xuất bản năm 1887) của Gustave Dumoutier (1850-1904) là tư liệu thứ hai về Tháp Rùa. Tác giả viết: “Đó là một công trình bé nhỏ có nhiều tầng, các vòm cửa hình cánh cung nhọn, công trình này mới có khoảng chục năm nay. Nó được xây dựng trên vị trí một ngôi đền nhỏ trước đó thờ thần hồ. Bên trong, trên tường sơn hai chữ Vinh-Bao, là tên của viên quan đã xây công trình này. Ông ấy có ba năm làm Tri phủ phủ Thường Tín rồi về làm Thương biện phủ Hoài Đức, sau dính vào một vụ chính trị nên năm 1886 bị cách chức và quản thúc ở Hà Nội. Trên đỉnh công trình, một bên có chữ Vong-dinh và bên kia chữ Qui-son thap”.

Tư liệu thứ ba là một tấm bản đồ về sông hồ Hà Nội, bắt đầu vẽ từ tháng 12/1884, hoàn thành vào tháng 5/1885, không ghi ai vẽ, ngay sát Tháp Rùa họ chú thích “Tháp Ba Kim” bằng chữ Pháp.

Trong cuốn “Ở Bắc Kỳ: ghi chép và kỷ niệm” (Au Tonkin-notes et souvenirs - Hà Nội, 1925) của Bonnal - công sứ đầu tiên ở Hà Nội từ năm 1883 đến năm 1885, có đoạn: “Một ngôi chùa hình bát giác không có phong cách và cũng không có giá trị đã được xây dựng cách đây vài năm bởi một người lĩnh trưng thu thuế đánh cá tên là Nguyen Huu Kiem, thường gọi là Ba Ho Kiem. Ngôi chùa xây trên địa điểm của một ngôi đền nhỏ cũ thờ vị thần hồ, chùa có tên Qui son thap”. Đó là tư liệu thứ tư.

Tư liệu thứ năm là cuốn “Bắc Kỳ xưa” (Le vieux Tonkin) gồm hai tập, tập thứ nhất in ở Sài Gòn năm 1935 và tập thứ hai in ở Hà Nội năm 1941. Cuốn sách này do Claude Bourrin tập hợp các bài báo viết về Hà Nội từ năm 1884 đến 1894. Claude Bourrin là nhân viên thuế ở Bắc Kỳ từng sống và làm việc ở Hà Nội từ năm 1898, phần về Tháp Rùa, ông viết: “Tháp Rùa chính tên là Qui son thap xây khoảng năm 1877. Theo G.Dumoutier thì do một viên quan tên là Vinh-Bao đứng xây. Theo Bonnal thì người xây là Ba Ho Kiem. Công trình này thay cho một ngôi miếu nhỏ thờ thần hồ. Vinh-Bao và Ba Ho Kiem chỉ là một người vì Ba Ho Kiem (đúng ra là Nguyen Huu Kim) cũng là một viên quan”.

Theo sử ghi, thời vua Lê Thánh Tông, trên gò Rùa đã có điếu đài làm nơi cho nhà vua ra câu cá, ngâm vịnh thơ ca. Sang thời Lê Trung Hưng (khoảng thế kỷ XVII - XVIII), chúa Trịnh lại dựng đình tả vọng trên đó. Song trước khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh đã cho phá bỏ tất cả những gì họ Trịnh dựng lên. Đình tả vọng vì thế cũng bị phá bỏ không thương tiếc. Mấy chục năm binh hỏa, gò Rùa chỉ nằm trơ giữa hồ Hoàn Kiếm.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tháp Rùa là công trình do Bá hộ Kim (chính là Nguyễn Hữu Kim) xây dựng để làm “hậu chẩm” (cái gối đằng sau) cho chùa Báo Ân nhưng mục đích là muốn an táng hài cốt cha mẹ mình vào đó. Tuy nhiên, mục đích không thành công, nhưng vì trót nói nên sau đó ông vẫn phải xây dựng.

Hồ Gươm có mấy Tháp Rùa?

Còn theo tác giả Nguyễn Dư, ở Hồ Gươm có 2 Tháp Rùa. Tháp Rùa ngày nay và Tháp Rùa do Bá hộ Kim xây dựng là khác nhau, năm 1877, Bá hộ Kim xây Tháp Rùa 3 tầng, theo như miêu tả của nhà báo Pháp tháng 2/1884. Và một Tháp Rùa khác được xây dựng thay thế vào khoảng cuối tháng 5/1884, xây trên nền tháp cũ và tồn tại từ đó đến nay.

Theo anh Đàm Quang Minh (hiện đang sống cùng gia đình ở Pháp) cho biết, nhà anh nhiều đời sống tại Hà Nội. Bên Pháp gia đình anh quen thân một gia đình sống ở Hà Nội trước năm 1954, ông bà này năm nay ngót nghét 90 tuổi. Trong những lần chuyện trò về Hà Nội, bà kể đi kể lại chuyện tổ phụ nhà bà đã xây Tháp Rùa và không liên quan đến Bá hộ Kim. Anh cho biết thêm rằng sẽ tìm cách liên lạc để tìm hiểu độ tin cậy của thông tin. Đây có lẽ lại hé lộ thêm một bằng chứng nữa về người xây Tháp Rùa.

Tháp Rùa thờ ai?

Trên tầng 3, sát tường phía tây của tháp có một ban thờ, nhưng không rõ thờ ai và có từ lúc nào. Một số thông tin được cho là thờ cha của Nguyễn Ngọc Kim.

Tháp Rùa có tên tiếng Anh là Turtle Tower.

Tháp Rùa có mấy tầng?

Ngôi tháp được xây dựng theo bình đồ hình chữ nhật có 4 tầng, tầng dưới xây rộng hơn, rồi thu nhỏ dần lên tầng trên. Hai mặt phía đông và tây có 3 cửa cuốn. Phía nam và bắc có 2 cửa cuốn nhọn ở đầu. Đỉnh 2 tầng có lan can chạy xung quanh. Bốn đầu đao đắp uốn cong dần lên vào giữa đỉnh, trên đỉnh có hình ngôi sao 5 cánh.

Tầng một

Tầng dưới cùng xây trên móng cao 0,8m. Chiều dài là 6,28m trong khi chiều rộng là 4,54m.

Tầng này do là hình chữ nhật nên chiều dài mở ra ba cửa, còn chiều ngang mở ra hai cửa, tất cả là 10 cửa; bên trong phân ra ba gian, các gian thông với nhau bằng các cửa ngăn, đỉnh cũng nhọn như tất cả các cửa khác. Cả tầng có 4 cửa ngăn, tổng cộng 14 cửa.

Tầng hai

Tầng hai xây lùi vào một chút, chiều dài 4,8m, chiều rộng 3,64m, cũng chia ra ba gian, kiến trúc y như tầng một với 14 bộ cửa nhưng nhỏ hơn.

Tầng ba

Tầng ba thu nhỏ hơn nữa, dài 2,97m, rộng 1,9m, chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía đông, đường kính 0,68m.

Tầng bốn

Tầng đỉnh chỉ như một vọng lâu, vuông vức, mỗi bề 2m. Trên tường mặt phía đông, bên trên cửa tròn có đường kính là 0.68m của tầng ba có ba chữ Quy Sơn Tháp, nghĩa là Tháp Núi Rùa.

Như vậy, từ nền đất Gò Rùa lên đến đỉnh tháp là 8,8m.



BÀI CHỌN LỌC

Nguồn gốc ra đời của Tháp Rùa - di tích đặc trưng của Hà Nội