Nhà khoa học cảnh báo: Nguy cơ băng tan khiến những virus cổ xưa nguy hiểm ‘thức tỉnh’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông Sergei Davydov, cán bộ khoa học đầu ngành Trạm nghiên cứu khoa học vùng Đông Bắc, thuộc Viện địa lý Thái Bình dương Nga, chia sẻ với Sputnik rằng, hiện tượng băng tan do khí hậu nóng lên toàn cầu có thể làm “sống lại” các thành phần hệ sinh thái cổ đại, trong đó có cả các loại virus nguy hiểm.

Quả bom hẹn giờ

Vùng băng vĩnh cửu ở Siberia (Nga) hàng triệu năm nay không hề tan chảy, thì nay có khả năng ẩn giấu trong đó các loại virus cổ đại, chúng có thể vô hại đối với con người nhưng cũng có thể cực kỳ nguy hiểm đối với con người. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm những loại virus mới, những loại mà "sẽ là may mắn nếu chúng không để ý đến con người", cũng như tìm tòi nghiên cứu các loại dịch bệnh trong quá khứ.

Nhà khoa học cũng nói thêm rằng “Bệnh than”, căn bệnh gây ra tỉ lệ tử vong cao tới 92% ở cả người và gia súc đã được tìm thấy trong xác voi ma mút.

Các lớp băng vĩnh cửu, được ví như "quả bom hẹn giờ" trải khắp Nga, Canada và bang Alaska (Mỹ) chứa lượng carbon cao gấp 3 lần lượng khí thải ra kể từ thời kỳ công nghiệp hóa.

"Hơn 10% lãnh thổ của đất nước chúng ta là vùng băng vĩnh cửu. Đây là những diện tích đất đá, những vùng trầm tích bị đóng băng từ hàng triệu năm trước. Do đó, chúng ta có thể tìm thấy những dấu vết trước kia từng là một phần của hệ sinh thái. Đã từng tồn tại kỷ Nhân sinh - một hệ sinh thái thời voi ma mút khổng lồ với các loài động vật như voi ma mút, bò xạ hương, tê giác lông mượt, còn có những căn bệnh của riêng thời đó. Tất cả đều bị đóng băng, và bây giờ băng bắt đầu tan chảy" - nhà khoa học Sergei nói.

Virus ‘sống dậy’

Con người bất lực ngăn băng tan, ‘băng đảo’ có thể vĩnh viễn không còn (Ảnh: tổng hợp)
Con người bất lực ngăn băng tan, ‘băng đảo’ có thể vĩnh viễn không còn (Ảnh: tổng hợp)

Ông Vladimir Romanovsky, Giáo sư Địa vật lý tại Đại học Alaska (Mỹ), cho rằng các vi sinh vật có thể tồn tại trong các lớp băng trong một thời gian dài. Khi băng tan, các vi sinh vật bị "nhốt" trong hàng thiên niên kỷ sẽ theo dòng nước lên bề mặt. Đã có nhiều trường hợp những con bọ cổ đại, vốn bị đông cứng lâu ngày, nay bỗng nhiên xuất hiện trở lại.

Trong khi đó, ông Jean-Michel Claverie, Giáo sư danh dự chuyên ngành Gene tại Trường Y thuộc Đại học Aix-Marseille (Pháp) cho biết virus hoạt động tương tự như một hạt giống. Tức là khi gieo một hạt giống vào lớp đất đã bị đóng băng hàng nghìn năm, hạt giống không thể nảy mầm. Tuy nhiên, khi nhiệt độ Trái đất ấm lên, hạt giống hoàn toàn có thể nảy mầm và phát triển, hình thành cây con. Trước đó, phòng thí nghiệm của Giáo sư Claverie đã "hồi sinh" thành công virus Siberia có tuổi đời ít nhất 3.000 năm.

Những năm gần đây, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra khắp nơi trên thế giới, hậu quả của việc trái đất tiếp tục nóng lên như: nắng nóng kéo dài, không khí bẩn hơn, tỷ lệ tuyệt chủng tăng lên, băng tan làm mực nước biển tăng cao…

Đầu tháng 7/2021, khu vực Bắc Âu đồng loạt ghi nhận nhiệt độ tăng cao kỷ lục những ngày qua. Các chuyên gia tin rằng hiện tượng thời tiết cực đoan ở Bắc Mỹ và châu Âu có mối liên hệ.

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

Nhà khoa học cảnh báo: Nguy cơ băng tan khiến những virus cổ xưa nguy hiểm ‘thức tỉnh’