Nhận bé khuyết tật bị bỏ rơi làm con nuôi, chàng tây thành bố “bỉm sữa” - ‘Nụ cười không nguyên vẹn của con khiến tim tôi thắt lại’

Giúp NTDVN sửa lỗi

John Hennigan đang là giáo viên tiếng Anh của Trường quốc tế Anh -Việt (BVIS). Vào 10 năm trước, anh đã có mong muốn nhận con nuôi, khi lần đầu tiên nhìn thấy nụ cười không nguyên vẹn của Đăng Sơn - em bé dị tật hở hàm ếch và bị bỏ rơi, trái tim John như thắt lại, vậy là, bé Sơn bước vào cuộc đời John như một nhân duyên tiền định.

John Hennigan là người Ireland nhưng đã sống ở Việt Nam được 6 năm. Dù đã đi qua và sống ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng không hiểu sao John lại có tình yêu đặc biệt và quyết định gắn bó lâu dài ở đất nước này.

Hiện tại, John đang sống trong một căn hộ trên phố Xuân Diệu (Hồ Tây) cùng cậu con trai nuôi 13 tháng tuổi là Đăng Sơn, hay tên khác mà anh đặt cho con là Liam.

Nụ cười không nguyên vẹn của con khiến trái tim tôi thắt lại

Kể về hành trình hợp thức hóa nhận nuôi con, John cho biết: “Trong cuộc đời, tôi chưa làm việc gì khó khăn như nhận nuôi Liam”.

Vào một ngày đầu tháng 6, người bạn Việt Nam gửi cho John tấm hình một em bé sơ sinh bị dị tật hở hàm ếch với đôi mắt sáng trong. Bé bị bỏ trước cửa trung tâm trẻ mồ côi ở Hải Dương ngày 18/5. Các bà vú đã mang em vào chăm sóc, đặt tên là Phạm Đăng Sơn.

"Nụ cười không nguyên vẹn của con khiến trái tim tôi thắt lại. Ngay lập tức, tôi biết đây chính là đứa trẻ mà tôi muốn nhận", chàng trai người Ireland nhớ lại.

Thủ tục để nhận nuôi con không dễ dàng, John phải qua nhiều cơ quan chức năng Việt Nam và Ireland. Cùng lúc đó, anh cũng liên hệ với tổ chức Operation Smile (tổ chức phi lợi nhuận Phẫu thuật nụ cười) để phẫu thuật hở hàm ếch cho bé.

Ngày 28/9, Đăng Sơn được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba để làm các xét nghiệm trước ca mổ. Đây cũng là lần đầu tiên 2 cha con gặp nhau trực tiếp. Một ngày sau bé được phẫu thuật tạo hình khe hở môi, John trực tiếp vào phòng mổ. Ca mổ chỉ kéo dài 45 phút nhưng đủ khiến John căng thẳng và không ngừng cầu nguyện khi nhìn “đứa con” bé nhỏ nằm trên giường.

May mắn ca mổ thành công, những ngày sau đó, cứ tan làm là anh tới bệnh viện phụ bà vú chăm sóc cho Đăng Sơn. Anh ôm cậu bé hàng giờ trong lồng ngực của mình để con có giấc ngủ an yên.

Lấy lại nụ cười

Bé Đăng Sơn được xuất viện sau 10 ngày làm phẫu thuật “lấy lại nụ cười”, con được đưa về trung tâm trẻ mồ côi ở Hải Dương. Kể từ đó, mỗi cuối tuần John lại phóng xe máy từ Hà Nội về Hải Dương bất kể nắng mưa. Có những ngày trời mưa tầm tã, về gặp con mà người John ướt như chuột, nhưng chỉ cần nhìn thấy nụ cười lành lặn của Sơn, lòng John lại ấm áp lại. Anh mang cho con đồ chơi, quần áo, bỉm sữa và chơi với con chừng 1 tiếng rồi lại lục tục chạy xe về Hà Nội để đi dạy vào ngày hôm sau.

Cuối cùng, mọi nỗ lực của anh đã được đền đáp khi ngày 28/1, John Hennigan chính thức được luật pháp Việt Nam và Ireland công nhận là cha của Đăng Sơn. Anh đặt cho bé cái tên mới là Liam và đón con về nhà ngay trước khi Hải Dương bùng dịch.

Trường BVIS nơi John công tác, lần đầu tiên trong lịch sử cho nam giáo viên “nghỉ chế độ thai sản” hai tháng. John cũng tận dụng cơ hội này để gắn kết tình phụ tử với Liam. Ngoài việc chuẩn bị đồ ăn và giặt giũ để giúp việc làm, anh tự tay tắm rửa, cho con ăn, chơi và dỗ đi ngủ.

"Đó là quãng thời gian vô cùng quan trọng để gắn kết tình cảm cha con. Suốt thời gian ấy tôi gần như lúc nào cũng địu con trên người, vì tin sự tiếp xúc da kề da mang đến kết nối như máu mủ", anh nói.

Bây giờ, căn hộ rộng rãi của anh chàng độc thân đã biến thành nhà trẻ. Một chiếc cũi trắng đặt trong phòng ngủ hai cha con. Một phòng khác chất đầy bỉm, sữa, đồ chơi. Phòng khách có những miếng xốp quây tròn làm sân chơi, các kệ chứa đồ chơi và sách nuôi dạy con. Trên tường, cạnh lịch ăn ngủ là dòng chữ Liam – được một người bạn của John đan tặng.

Có Liam, một ngày của anh John trở nên bận rộn hơn (Ảnh: tổng hợp)
Có Liam, một ngày của anh John trở nên bận rộn hơn (Ảnh: tổng hợp)

Lần đầu tiên bước vào cuộc đời nhau, mọi thứ đều mới mẻ với cả hai. Với Liam là sự thay đổi môi trường sống và người chăm sóc nên quấy khóc, ăn ít, ngủ không yên. Còn John “lần đầu làm bố”, từ chàng trai độc thân trở thành ông bố bỉm sữa thuộc lòng nhiệt độ nước thích hợp để tắm cho con, biết con thích được đung đưa và nghe nhạc lúc ngủ.

Mỗi lúc ra ngoài, anh mang theo balo đựng đầy đồ chơi, sách màu, bình sữa, dụng cụ hâm nóng sữa, bỉm… Một ngày của anh cũng trở nên bận rộn quay cuồng với trăm việc không tên khi chăm con nhỏ, nhưng John không coi đó là khó khăn quá lớn. Anh nói, "Chưa bao giờ tôi hạnh phúc như vậy”.

Sau thời gian nghỉ "thai sản", John đi làm trở lại. Các đồng nghiệp trong trường cũng giúp đỡ anh khá nhiều trong việc nuôi dạy con. Cô em gái ở bên Ireland của anh cũng thường xuyên nhắn tin chia sẻ kinh nghiệm nuôi con nhỏ.

Trải qua rất nhiều thử thách chăm con ở nhà rồi ở viện, John đã thực sự trở thành 1 ông bố bỉm sữa chính hiệu mang đến cho Liam một mái nhà, một gia đình, khiến em trở thành một đứa trẻ hạnh phúc và may mắn.

Nhìn lại chặng đường 7 tháng đón Liam về nhà, trải qua nhiều khó khăn và vô vàn những “lần đầu tiên”, như những bước đi chập chững đầu tiên của con, nhìn con cứng cáp hơn mỗi ngày...John cảm tưởng như một bộ phim tua chậm ngọt ngào.

Phía trước còn là một chặng đường rất dài để Liam dần khôn lớn, học cách trưởng thành. Nhưng với John, sau nhiều năm đi dạy học giờ đây anh thừa nhận rằng, mình cũng đang phải học cách yêu thương như học một ngôn ngữ mới - Ngôn ngữ của tình phụ tử.

Thiên Cầm



BÀI CHỌN LỌC

Nhận bé khuyết tật bị bỏ rơi làm con nuôi, chàng tây thành bố “bỉm sữa” - ‘Nụ cười không nguyên vẹn của con khiến tim tôi thắt lại’