Nhiếp ảnh gia tô màu cho các bức ảnh về thảm họa Holocaust, đưa chúng vào cuộc sống: 'Để điều này không bao giờ xảy ra nữa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiếp ảnh gia Tom Marshall đã thu hút sự chú ý của hàng nghìn người bằng cách thêm màu sắc vào các bức ảnh đen trắng về thảm họa Holocaust, khiến những khuôn mặt ở xa trở nên sống động và dễ nhận biết.

Những bức ảnh cập nhật của anh ấy vừa ấn tượng vừa kinh hoàng, làm sáng tỏ chiều sâu của sự đau khổ đã xảy ra trong các trại tập trung của Thế chiến II.

Marshall, người được biết đến với việc khôi phục các bức ảnh lịch sử thành ảnh màu, đã gọi dự án này là “dự án phục chế ảnh khó khăn nhất” mà anh từng thực hiện.

Anh chia sẻ với Bored Panda vào tháng 2/2020: “Tuần này thế giới đã tổ chức Ngày Tưởng niệm Holocaust, đánh dấu 75 năm kể từ khi Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz”.

“Và để đánh dấu dịp kỷ niệm này, tôi đã tô màu một bộ sưu tập các bức ảnh lịch sử được chụp trong vài tháng đầu năm 1945, khi phần còn lại của thế giới nhận thức đầy đủ về sự khủng khiếp của thảm họa tàn sát Đức Quốc xã".

Những bức ảnh của anh ấy nhanh chóng lan truyền, với hơn 600.000 lượt xem chỉ riêng trên trang web.

Nhiếp ảnh gia chỉ ra rằng việc thêm màu sắc cho những bức ảnh này là một thách thức bởi vì các bức ảnh không có các chủ thể thông thường.

Anh giải thích: “Quá trình chỉnh sửa ảnh và chỉnh màu cũng khác nhau vì những người này đã cận kề cái chết vào thời điểm được giải phóng, vì vậy tông màu da của họ cực kỳ khác biệt. Về màu sắc, bạn có thể nhìn thấy xương và làn da nhợt nhạt, không có máu, thậm chí những người đàn ông trẻ tuổi trông già hơn với mái tóc màu xám và những mảng tối xung quanh mắt".

Bằng cách chia sẻ những hình ảnh này, Marshall hy vọng sẽ “khiến những hình ảnh này trở nên dễ tiếp cận và gây sốc, để điều này không bao giờ xảy ra nữa”.

"Bộ xương sống"

Epoch Times Photo
© Được tô màu bởi Tom Marshall (PhotograFix); Bộ sưu tập đặc biệt Perry, Thư viện Harold B. Lee, Đại học Brigham Young, Provo, Utah

Có lẽ không hơn một đứa trẻ, người thanh niên này trông giống như một “bộ xương sống”. Bức ảnh này được chụp tại trại tập trung Ebensee. Không may rằng đây không phải là một cảnh tượng hiếm gặp ở các trại tập trung trên khắp châu Âu.

Những người đàn ông ở Lager Nordhausen

Epoch Times Photo
© Được tô màu bởi Tom Marshall (PhotograFix); Nancy & Michael Krzyzanowski / Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ

Hai người đàn ông chết đói đang nhìn vào máy ảnh sau khi được giải thoát khỏi trại tập trung Gestapo, Lager Nordhausen. Họ đã sống giữa 3.000-4.000 tù nhân bị đánh đập, ngược đãi và bỏ đói.

Những đứa trẻ ở Auschwitz

Epoch Times Photo
© Được tô màu bởi Tom Marshall (PhotograFix); Cơ quan Lưu trữ Nhà nước Belarussian về Phim Tài liệu và Nhiếp ảnh / Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Hoa Kỳ

Marshall đã khôi phục lại một bức ảnh được lấy từ bộ phim Liên Xô giải phóng trại Auschwitz vào tháng 1/1945, mô tả cảnh tượng những đứa trẻ bị giam cầm.

Cô gái Nga 18 tuổi

Epoch Times Photo
© Được tô màu bởi Tom Marshall (PhotograFix); ERIC SCHWAB / AFP qua Getty Images

Không thể tin được, đây là bức ảnh của một tù nhân 18 tuổi, được chụp vào năm 1945 trong cuộc giải phóng trại tập trung Dachau, trại tập trung đầu tiên của Đức.

Tại đây, 31.591 trường hợp tử vong đã được báo cáo, với hàng trăm người chết mỗi tuần, các nguyên nhân phổ biến nhất của cái chết được báo cáo là bệnh tật, chết đói và tự tử. Trong những điều kiện khủng khiếp này, người phụ nữ trẻ này trông già đi rất nhiều so với tuổi thực tế của mình.

Những người đàn ông bị bỏ đói ở Ebensee

Epoch Times Photo
© Được tô màu bởi Tom Marshall (PhotograFix); Cục lưu trữ và hồ sơ quốc gia

Bức ảnh chụp lại các tù nhân trong trại tập trung ở Ebensee, Áo, trong bộ dạng tiều tụy vì đói. Các thí nghiệm khoa học được cho là đã được tiến hành tại trại tập trung này. Theo The Holocaust Encyclopedia, trại tập trung Ebensee đã được Quân đội Hoa Kỳ giải phóng vào tháng 5/1945.

Bergen-Belsen trong ngọn lửa

Epoch Times Photo
© Được tô màu bởi Tom Marshall (PhotograFix)

Trại tù Bergen-Belsen đã từng tràn ngập bệnh sốt phát ban. Sau khi các tù nhân được trả tự do vào tháng 5/1945, Quân đội Anh đã thiêu rụi nó thành bình địa. Bức ảnh này được chụp bởi ông cố của Marshall, Charles Martin King Parsons, người từng là tuyên úy của Quân đội Anh.

Những ngôi mộ hàng loạt tại Belsen

Cũng được chụp bởi ông cố của nhiếp ảnh gia, một bức ảnh về các ngôi mộ tập thể ở Belsen đã mô tả số lượng người chết kinh hoàng từ trại tập trung ở Bergen-Belsen. Marshall cho biết anh ấy đã chọn không tô màu nó, vì anh ấy "không cảm thấy điều đó là đúng đắn".

Có lẽ anh ấy đã đúng. Bức ảnh đó có thể được nhìn thấy ở đây. Đó là một lời nhắc nhở gây sốc về những gì mà một chế độ chuyên chế có thể mang lại cho chúng ta nếu như những người tốt không làm gì để ngăn chặn nó.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nhiếp ảnh gia tô màu cho các bức ảnh về thảm họa Holocaust, đưa chúng vào cuộc sống: 'Để điều này không bao giờ xảy ra nữa'