Như thế nào mới là yêu thương con cái vô điều kiện?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên một bàn cờ, quân vua là vô dụng, yếu đuối nhất, tuy nhiên nó lại quan trọng nhất, mất vua tương đương với mất tất cả. Trong cuộc sống, con cái đối với mỗi bậc cha mẹ đều giống như quân vua trên bàn cờ vậy.

“Nuôi dạy một đứa trẻ nên người còn khó hơn tạo dựng thành công một doanh nghiệp”, một người bạn đã nói với tôi như vậy. Doanh nghiệp một khi thất bại có thể bỏ đi làm cái mới; nhưng đối với trẻ con thì đương nhiên không thể như vậy.

Chính vì thế, nuôi con luôn là một chủ đề quan trọng bậc nhất. Nên nuôi dạy thế nào để trẻ em phát triển tốt nhất? Việc trả lời câu hỏi này không bao giờ là đơn giản.

Một triết lý đúng đắn trong việc nuôi con là vô cùng quan trọng. Nó còn quan trọng hơn cả việc chúng ta chọn dùng phương pháp gì.

Loạt bài “Nuôi con theo Chân - Thiện - Nhẫn" là những triết lý trong việc nuôi dạy trẻ mà tác giả đúc rút ra được trong quãng đời làm cha mẹ của mình. Mong rằng những điều chia sẻ này sẽ có ích đối với bạn đọc.

Bài 2: Như thế nào mới là yêu thương con cái vô điều kiện?

Xem lại: Bài 1

Yêu thương con vô điều kiện thực ra đơn giản là chúng ta luôn luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì con trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Niềm hạnh phúc đó phải là thường hằng và không có ngoại lệ. Có như vậy, con mới cảm nhận được rằng nó được yêu thương khi nó là chính mình; và đương nhiên nó sẽ không bao giờ phải cố gắng để có được sự công nhận từ cha mẹ.

Hạnh phúc là toàn vẹn nhất khi không mang theo bất kỳ điều kiện nào. Trên thực tế, điều này rất khó trở thành hiện thực. Chuyên gia Hüther đã nói: “Trên thế giới có rất ít trẻ em được trải nghiệm tình yêu vô điều kiện”. Liệu lời của chuyên gia có chính xác hay không?

Hạnh phúc là toàn vẹn nhất khi không mang theo bất kỳ điều kiện nào.
Hạnh phúc là toàn vẹn nhất khi không mang theo bất kỳ điều kiện nào. (Ảnh: Pixabay)

Chúng ta đang ra điều kiện cho con như thế nào?

Nếu ai đã từng xem phim “Bố già” của Trấn Thành chắc chắn sẽ còn ấn tượng với hình ảnh ông bố khắc khổ, chạy xe ôm lo cho con ăn học. Phim hay ở chỗ có thể đẩy mâu thuẫn giữa bố già và cậu con trai lên cao trào. Chung quy cũng chỉ vì cậu ta không muốn theo nghề kiến trúc sư như ý của cha, mà chỉ đam mê làm ca sĩ.

Bố già muốn con trai mình sau khi ra trường sẽ có một công việc tốt, thu nhập ổn định, đảm bảo cho một cuộc sống hạnh phúc. Quan niệm về hạnh phúc này được hình thành sau khi ông thất bại trong việc thực hiện hoài bão của bản thân và giờ đây đang phải chạy xe ôm, kiếm từng đồng để nuôi sống gia đình. Và đương nhiên tất cả những việc ông làm, kể cả cưỡng ép, cấm đoán con trai, cũng đều xuất phát từ tình yêu ông dành cho nó.

Nhưng đối với cậu con trai thì sao? Anh ngược lại không hề cảm nhận được tình yêu, thay vào đó chỉ là sự gia trưởng của một người cha độc đoán. Nguyên nhân của mâu thuẫn này không gì khác hơn là sự khác nhau trong quan niệm về hạnh phúc.

Mỗi cá nhân đều có quan niệm riêng của mình về hạnh phúc. Một khi chúng ta mang những quan niệm của mình áp đặt lên con, chúng ta đang đưa cho con những điều kiện và dạy con biết cách làm chúng ta hài lòng. Khi không được thỏa mãn, ta buồn, khi được thỏa mãn thì ta vui. Đây chính là tình yêu có điều kiện, và hệ quả là con sẽ phải tự gò ép chính mình nếu muốn nhận được sự công nhận từ chúng ta.

Một khi chúng ta mang những quan niệm của mình áp đặt lên con, chúng ta đang đưa cho con những điều kiện và dạy con biết cách làm chúng ta hài lòng.
Một khi chúng ta mang những quan niệm của mình áp đặt lên con, chúng ta đang đưa cho con những điều kiện và dạy con biết cách làm chúng ta hài lòng. (Ảnh: Pixabay)

Ngay từ khi con mới chào đời, trong vô thức chúng ta đang liên tục đưa cho con những điều kiện để khiến chúng ta hạnh phúc. "Con phải ăn nhiều, tăng cân nhiều thì cha mẹ mới yên tâm", "con phải lễ phép, vâng lời người lớn thì cha mẹ mới hài lòng" v.v. Những điều tưởng chừng như đương nhiên đúng ấy lại là những vết rạn nứt đầu tiên của một tình yêu vô điều kiện.

Khi con lớn lên, chúng ta lại liên tục đưa cho chúng những điều kiện nữa. Từ việc chọn bạn, chọn người yêu, cho tới chọn ngành học, công việc cho tương lai, tất cả đều có thể khiến cha mẹ và con cái nảy sinh mâu thuẫn. Điểm số, kỷ luật ở trường, lời nhận xét của thầy cô giáo trở thành tiêu chuẩn cho sự hài lòng của cha mẹ. Thậm chí ước mơ của con cũng phải phù hợp với quan niệm của chúng ta.

Trong phim "Bố già", phải đến khi con trai đang hấp hối trên giường bệnh, bố già mới nhận ra được sai lầm của mình, mãi đến lúc đó ông mới có thể yêu con mình một cách vô điều kiện, tuy nhiên đó đã là quá muộn. Chúng ta may mắn hơn bố già vì con cái của chúng ta vẫn khỏe mạnh. Nhưng liệu chúng ta có thể nhận ra được sai lầm của mình ngay từ bây giờ?

Phải đến khi con trai đang hấp hối trên giường bệnh, bố già mới nhận ra được sai lầm của mình, mãi đến lúc đó ông mới có thể yêu con mình một cách vô điều kiện, tuy nhiên đó đã là quá muộn.
Phải đến khi con trai đang hấp hối trên giường bệnh, bố già mới nhận ra được sai lầm của mình, mãi đến lúc đó ông mới có thể yêu con mình một cách vô điều kiện, tuy nhiên đó đã là quá muộn. (Ảnh: Pexels)

Tổn thương của trẻ

Tôi đã từng đọc ở đâu đó, một cô nuôi dạy trẻ ở trường mẫu giáo kể rằng một lần cô yêu cầu các em vẽ hình cha mẹ. Kết quả là nhiều em vẽ hình mẹ có khuôn mặt rất cau có, giống như là đang vô cùng tức giận.

Khi chúng ta thực sự tức giận với con cái, thậm chí phạt nó, bắt nó phải chịu cảm giác bị bỏ rơi để nó hiểu nó đang sai, đó là lúc chúng ta thực sự đang không hạnh phúc vì con. Nếu điều đó diễn ra liên tục, trẻ sẽ phải chịu rất nhiều tổn thương. Chúng sẽ vẫn yêu quý cha mẹ mình, nhưng trong mắt chúng, cha mẹ rất đáng sợ, chúng sẽ phải tìm cách uốn nắn bản thân để làm vừa lòng cha mẹ, và thế là chúng mất đi sự ngây thơ hồn nhiên vốn có.

Cha mẹ có thể nóng giận vài phút rồi lại hối hận, nhưng những vết thương do vài phút đó để lại thì sẽ rất khó lành, chúng sẽ có tác động nhất định lên tính cách của trẻ.

Khi thấy cha mẹ không hài lòng, trẻ sẽ tự tìm cách thay đổi để thích nghi, đây chính là ta đang khiến trẻ làm trái với tự nhiên. Mỗi một điều kiện mà cha mẹ đưa ra sẽ dẫn tới một vấn đề tương ứng, đó là quan hệ của nguyên nhân và hệ quả. Vì vậy, chỉ khi cha mẹ không đưa ra bất kỳ điều kiện nào, con cái mới có thể phát triển hoàn toàn thuận theo tự nhiên và đạt được trạng thái tốt nhất của chúng.

Chỉ khi cha mẹ không đưa ra bất kỳ điều kiện nào, con cái mới có thể phát triển hoàn toàn thuận theo tự nhiên và đạt được trạng thái tốt nhất của chúng.
Chỉ khi cha mẹ không đưa ra bất kỳ điều kiện nào, con cái mới có thể phát triển hoàn toàn thuận theo tự nhiên và đạt được trạng thái tốt nhất của chúng. (Ảnh: Pixabay)

Muốn yêu thương con vô điều kiện thì phải thay đổi

Hầu hết cha mẹ nào cũng đã yêu thương con cái vô điều kiện ở vạch xuất phát, khi con mới chào đời. Do đó chúng ta không phải đi tìm bất kỳ khuôn mẫu cho một tình yêu vô điều kiện, chúng ta chỉ cần vứt bỏ những “điều kiện” mà mình đã thêm vào trong quá trình nuôi con lớn lên. Những “điều kiện” đó bắt nguồn từ những quan niệm của bản thân. Vậy thì vứt bỏ chúng tương đương với việc thay đổi quan niệm của bản thân.

Đây chính là thay đổi bản thân mình theo hướng tốt lên, hay nói cách khác, chính là tu sửa bản thân. Làm như vậy có khó hay không? Xin khẳng định là rất khó. Tuy nhiên làm được điều khó nhất thì mới đắc được thứ tốt nhất.

Mỗi đứa trẻ ra đời là một cơ hội để cho cha mẹ chúng trở nên tốt hơn. Chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì vì con, vậy tại sao không tận dụng cơ hội này để khiến cả cha mẹ và con đều được hạnh phúc một cách vô điều kiện?

Chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì vì con, vậy tại sao không tận dụng cơ hội này để khiến cả cha mẹ và con đều được hạnh phúc một cách vô điều kiện?
Chúng ta có thể làm bất kỳ điều gì vì con, vậy tại sao không tận dụng cơ hội này để khiến cả cha mẹ và con đều được hạnh phúc một cách vô điều kiện? (Ảnh: Pixabay)

Kết luận

Muốn cho con một tình yêu hoàn hảo, chúng ta trước tiên phải là những người cha người mẹ hoàn hảo đã.

Trở thành một người hoàn hảo là điều gần như không thể, tuy nhiên để trở nên hoàn hảo trong mắt con mình thì lại hoàn toàn khả thi.

"Nuôi con theo Chân Thiện Nhẫn" thực chất không hề có khuôn mẫu nào, bởi vì một đứa trẻ khi sinh ra đã mang đầy đủ đức tính chân thật, thiện lương và nhẫn nại. Nhiệm vụ của cha mẹ chỉ là tạo ra môi trường lành mạnh, giúp con mình phát triển một cách hoàn toàn thuận theo tự nhiên và luôn luôn giữ được những phẩm chất tốt đẹp vốn có.

Hy vọng rằng qua loạt bài này, quý độc giả sẽ có thêm được một góc nhìn khác về việc nuôi dạy con. Thay đổi để trở nên hoàn hảo trong mắt con không bao giờ là muộn cả, chỉ cần chúng ta vẫn còn có con ở bên cạnh.

Vy An



BÀI CHỌN LỌC

Như thế nào mới là yêu thương con cái vô điều kiện?