Những điều cần lưu ý khi cúng lễ ông Công, ông Táo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phong tục cúng tiễn ông Công, ông Táo lên Thiên đình dịp cuối năm rất được coi trọng vì vậy cần chuẩn bị chu đáo. Vậy cần chuẩn bị những gì, tiễn ông Công ông Táo vào thời gian nào?

Theo tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm là ngày cúng ông Công ông Táo (còn gọi là Táo quân) cưỡi cá chép vàng lên trời báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian. Chính vì thế, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng Táo quân long trọng, tiễn Táo về trời.

Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Vì vậy, tùy theo điều kiện thời gian của từng nhà có thể cúng ông Táo vào trưa, tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp để mong cầu các Táo giúp họ giữ “bếp lửa” gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. Lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch để táo quân kịp lên thiên đình.

Không nên cúng muộn hơn 12h trưa vì theo quan niệm giờ Ngọ là giờ ông Công ông Táo sẽ bay về trời. Tuyệt đối không được cúng sau ngày 23. Bởi theo quan niệm, mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, các gia đình không nên cúng muộn sau ngày 23.

Cúng ông Công ông Táo cần những gì?

Ba chiếc mũ ông Công, ông Táo: Theo phong tục cổ truyền của người Việt, lễ vật không thể thiếu để tiễn ông Công ông Táo là ba chiếc mũ gồm hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Màu sắc của mũ, áo thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những món đồ này sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.

Cá chép: Theo quan niệm dân gian, cá chép không chỉ là "phương tiện" để các Táo quân lên chầu trời mà còn là biểu tượng cho tinh thần vươn tới thành công, thịnh vượng. Theo truyền thống, người Việt Nam hay chuẩn bị ba chú cá chép đỏ sống, để trong chậu nước sạch để cúng ông Công ông Táo.

Việc cúng cá chép không chỉ thể hiện sự trang trọng đối với người coi sóc cho gia đình trong suốt một năm qua hay hy vọng thành công may mắn với tích "cá chép hóa rồng" mà còn mang ý nghĩa nhân đạo cầu mong sự sống nảy mầm sinh sôi.

Người Việt thường chuẩn bị 3 con cá chép thả trong chậu nước sạch để cúng cho ông bà Táo. (Shutterstock)

Mâm cơm cúng: Lễ chay hay mặn đều được. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo trong truyền thống bao gồm đĩa gạo, đĩa muối, thịt lợn luộc, canh mọc, đĩa xào thập cẩm, giò, xôi gấc, hoa quả, hoa tươi. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ không nhất thiết phải quá cầu kỳ.

Những điều không nên

Không nên đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp, nên làm lễ cúng ông Công, ông Táo ở bàn thờ gia tiên.

Việc làm lễ cúng ông Công, ông Táo nên được tiến hành ở bàn thờ thần linh gia tiên, không nên đặt mâm lễ cúng ở dưới bếp. Khi cúng, nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng.

Trong khi làm lễ cúng ông Công ông Táo không nên cầu xin tài lộc, sung túc

Có rất nhiều người cúng ông Công, ông Táo luôn cầu khấn, xin được làm ăn phát đạt, tấn tài tấn lộc, sung túc. Điều này không những không có tác dụng mà có khi còn có hại, bởi vì Táo Quân là Thần Thiên, chịu trách nhiệm theo dõi việc làm tốt xấu, thiện ác của mỗi gia đình, nếu gia chủ xin ông 'báo cáo sai' thì ông sẽ bị Trời trừng trị.

Thế nên, tốt nhất là gia chủ thành tâm điểm lại những việc tốt của mình trong năm, và cố gắng làm tốt hơn nữa trong năm mới, và điểm lại những việc xấu, lỗi lầm của mình, và hứa sẽ sửa chữa, thì đó mới là cách đón phúc lành.

Không ném cá chép từ trên cao xuống

Cá chép là vật cưỡi của Táo quân, các gia đình nên trân trọng khi thả cá nên thả từ từ xuống nước để cá có thể khỏe mạnh sống được. Tuyệt đối không được đứng từ trên cao như trên cầu, đường ném cá chép xuống sông bởi rất có thể cá sẽ chết. Và như vậy cũng thể hiện sự bất kính với Thần, không coi trọng Thần.

Cỗ cúng ông Táo: Có một số loại thịt người ta kiêng không đem cúng. Chẳng hạn như các món làm từ Vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó.

Không cúng tiền âm phủ

Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh cho rằng, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì ông Công ông Táo là Thần Tiên, không phải là vong hồn người âm.

Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt. Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.

Thay vào đó, chúng ta cùng nhìn lại một năm qua bản thân và gia đình đã sống như thế nào, làm được những việc gì,...thành tâm sám hối. Quyết tâm tu sửa bản thân trong năm tới, chỉ làm điều tốt không làm điều xấu, không vì lợi ích mà hại người…Không cần mâm cao cỗ đầy, tâm an mà ung dung vì mọi việc đều được các Thần ghi chép lại hết. Sống có đạo phúc chưa tới nhưng họa chắc chắn đã rời xa, ấy chính là phúc vậy!

Tuyết Liên tổng hợp

(Tham khảo Dân Việt và Sức khỏe đời sống)



BÀI CHỌN LỌC

Những điều cần lưu ý khi cúng lễ ông Công, ông Táo