Những giá trị văn hoá truyền thống Tết cổ truyền của người Việt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ xưa tới nay, Tết Nguyên đán luôn mang trong mình một hương vị rất đặc biệt, không khí và hương vị ngày Tết cổ truyền nó lạ lắm - giá trị truyền thống tinh thần rất lớn ẩn sâu trong tâm hồn, cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình và cả dân tộc Việt.

Nguồn gốc Tết nguyên đán

Tết Nguyên đán có lịch sử hơn năm nghìn năm, được cho là từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế - Chuyên Húc đế. “Nguyên đán” là hai chữ được xuất hiện sớm nhất Tấn thư: Chuyên Đế lấy ngày đầu tiên tháng giêng khởi đầu, là ngày đầu xuân nguyên đán. Nguyên 元 có ý là bắt đầu, khởi điểm, mới. Đán 旦chỉ thời điểm bình minh, thông thường chỉ buổi sáng. Nguyên đán 元旦, là ngày đầu tiên bắt đầu một năm mới.

Việt Nam trong khu vực châu Á cũng đón Tết cổ truyền như các nước: Trung Hoa, Singapore, Thái Lan,...Đặc biệt, trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt luôn lưu giữ nền văn hóa độc đáo, gắn liền với văn minh lúa nước chất phác, đơn sơ, giản dị, gần gũi không kém phần sâu sắc, tinh tế. Những nét văn hóa ấy được giữ gìn và lưu truyền lại bao đời trong các ngày lễ tết cổ truyền. Tết cổ truyền dân tộc chứa đựng nhiều ý nghĩa, tâm linh thiêng liêng.

Tết nguyên Đán của người Việt

Trải qua thời gian, phong tục đón tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc. Đã thành thông lệ, bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên, mang hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của tất cả người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống hướng về cội nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù đi đâu ai cũng nhớ cũng hướng về gia đình, quê hương. Hành trình “Về quê ăn Tết” không đơn thuần chỉ là về nhà mà là về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Những ai phải đi làm xa mới nhớ, mới trân trọng từng giây phút được trở về bên người thân yêu ruột thịt trong dịp Tết sống lại những ký ức tuổi thơ, những điều đã trải qua một cách ngọt ngào. Và có lẽ hạnh phúc nhất là phút giây cả nhà quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng háo hức tiễn năm cũ, chào đón năm mới.

Mâm cơm ngày Tết của người Việt mang nhiều văn hóa ẩm thực đặc trưng. Có những món ăn trải qua hàng nghìn năm lịch sử đã trở thành những giá trị văn hóa Việt không gì có thể thay thế như: bánh chưng xanh, dưa hành, thịt mỡ… Ngày Tết, cùng quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ để cúng gia tiên, sau đó cùng vui vầy ăn uống, trò chuyện vui vẻ trong hương thơm của hương trầm, bánh chưng,... cảm xúc thật khó tả.

Ngoài mâm cơm để cúng gia tiên, trên ban thờ ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả, vừa là dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo vừa là ước mong những điều tốt lành trong gia chủ. Mâm ngũ quả đẹp thường phải có nhiều màu sắc rực rỡ và hội tụ các yếu tố Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mang ý nghĩa sung túc, sum vầy.

Hùng Chiêu Vương - vua Thánh tu thân mà trị quốc
Mỗi độ xuân về, ngồi quây quần bên gia đình ăn cỗ Tết với bánh chưng bánh dày ắt hẳn không ít người sẽ nhắc đến Ngài. (Ảnh ET tổng hợp)

Trong tâm thức người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, thời khắc Giao thừa là linh thiêng và quan trọng nhất trong năm. Giây phút thiêng liêng ấy được thể hiện qua nghi lễ trang trọng trước bàn thờ Thần linh, tổ tiên. Trước ban thờ người lễ (thường là ông, bố những người chủ sự gia đình) tổng kết một năm qua mọi việc trong gia đình và cầu mong một năm mới hạnh phúc an khang, mùa màng tươi tốt, mọi người được bình yên, may mắn và thành đạt.

Giây phút Giao thừa thể hiện ý nghĩa biểu trưng cho truyền thống hiếu kính Thần Phật, với các bậc tiền nhân trong quá khứ và các bậc sinh thành ở hiện tại. Nguyện cầu một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng cho con cháu, gia đình và đất nước.

Tục xông đất và mừng tuổi cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt vào buổi sớm đầu năm đến nhà chúc nhau những điều tốt đẹp. Xông đất theo quan niệm của nhiều gia đình, người đến xông đất nhà mình như thế nào một năm sẽ như thế. Vì vậy, trước đó có gia đình chọn người hợp tuổi hẹn đến xông đất. Vì vậy đến chúc Tết thường người nam sẽ đi vào đầu tiên. Phong thái, trang phục, đầu tóc gọn gàng nói lời chúc tốt đẹp đến gia chủ. Chúc Tết thể hiện mong muốn tạm biệt cái cũ, nghênh đón cái mới, chúc cho nhau đạt được những điều tốt đẹp nhất. Theo truyền thống, bố mẹ thường dẫn con cái đến gặp ông bà, họ hàng, bạn bè thân thích trao nhau những lời chúc tốt lành đến người thân.

Trẻ nhỏ thường tụ lại cúi đầu hành lễ, gọi là Bái niên (Chúc Tết). Chủ nhà nhiệt tình thiết đãi trẻ nhỏ bằng kẹo, mứt và bao lì xì (tiền mừng tuổi). Đây cũng là dịp người thân, họ hàng xa tới nhà nhau thăm hỏi, kể cho nhau những câu chuyện năm cũ để hiểu tình hình của nhau. Vì có những người thân, họ hàng xa cả năm chả có dịp qua nhà nhau một lần ai cũng bận rộn với công việc của mình, chỉ có những ngày Tết mới đến chào hỏi, chúc nhau để không quên nhau.

Người lớn thường bỏ tiền lẻ vào trong một bao giấy đỏ (gọi là lì xì) với lời chúc trẻ hay ăn chóng lớn.
Người lớn thường bỏ tiền lẻ vào trong một bao giấy đỏ (gọi là lì xì) với lời chúc trẻ hay ăn chóng lớn. (Wikimedia Commons)

Câu thành ngữ “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” được nhắc nhớ nhau nhiều trong dịp Tết. Sau khi Tết bên nội, bên ngoại, mỗi người thường dành riêng đi lễ Tết thầy với tinh thần tôn sư trọng đạo, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng tri thức. Hay tục xin chữ, khai bút đầu xuân cũng là một nét đẹp mà người Việt thường duy trì để nhắc nhở người ta luôn trọng chữ, hiếu học. Rồi tục chúc thọ người cao tuổi, mừng tuổi cho trẻ em, tắm bằng lá mùi già vào ngày 30 Tết để cho người thanh sạch, đó là nét văn hóa mà thế hệ tiếp theo trong cuộc sống hiện đại nên giữ gìn.

Ngọc Liên tổng hợp

(Tham khảo Người đưa tin và Lịch xuân)

 



BÀI CHỌN LỌC

Những giá trị văn hoá truyền thống Tết cổ truyền của người Việt