Những người chiến đấu vì tự do của Trung Quốc được tưởng nhớ trong bộ phim 'Trường Xuân'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phim tài liệu hoạt hình về những anh hùng đã chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để truyền tải sự thật sẽ sớm ra rạp tại Mỹ vào ngày 21 tháng 10.

Trung Quốc thời hiện đại - nơi tất cả các phương tiện truyền thông đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc người dân có thể tiếp cận các sự kiện thời sự mà không bị kiểm duyệt là rất khó khăn. Nhưng có những người vì để được cất lên tiếng nói mà đã sẵn sàng đặt tính mạng và sự an toàn của bản thân “treo trên sợi chỉ”.

“Trường Xuân” là một bộ phim tài liệu do Canada sản xuất sẽ được công chiếu trên hệ thống rạp AMC trên khắp nước Mỹ trong tháng này. Bộ phim kể về câu chuyện của 18 người đàn ông và phụ nữ Trung Quốc đã đứng lên chống lại bộ máy tuyên truyền dối trá của ĐCSTQ bằng cách chèn sóng truyền hình quốc gia tại một thành phố nơi có hàng triệu người sinh sống.

Ngày 5 tháng 3 năm 2002, một nhóm học viên Pháp Luân Công đã thành công trong việc chèn sóng 45 phút chương trình sự thật về Pháp Luân Công cho hàng trăm nghìn người ở Trường Xuân, cái tên rất đặc biệt của thành phố này có nghĩa là “Mùa xuân vĩnh cửu”. Những con người có đức tin này đã bị cảnh sát Trung Quốc bức hại trong một chiến dịch tàn ác có quy mô trên toàn quốc, và người đứng đầu chiến dịch này chính là cựu tổng bí của ĐCSTQ - Giang Trạch Dân.

(Ảnh: Lofty Sky Pictures)
(Ảnh: Lofty Sky Pictures)

Đứng lên chống lại sự dối trá

Gần một thập kỷ trước đó, cũng chính tại Trường Xuân, Pháp Luân Công - một môn tu luyện cổ xưa của Phật gia, lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng Trung Quốc bởi người sáng lập là Ngài Lý Hồng Chí.

Đến năm 1999, Pháp Luân Công ngày càng phổ biến và có hơn 100 triệu người Trung Quốc ở mọi giai tầng đang theo học, rất nhiều người trong số đó thuộc thành phần trong Chính phủ đã khen ngợi môn tu luyện vì đã giúp thúc đẩy xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, người đứng đầu ĐCSTQ lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã bắt đầu phát động một chiến dịch kéo dài ba tháng để loại bỏ Pháp Luân Công.

Đến năm 2001, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị bắt, nhưng hàng nghìn học viên khác vẫn đổ về Quảng trường Thiên An Môn để “giảng chân tướng” cho chính quyền ĐCSTQ và công chúng.

Phản ứng của ĐCSTQ khi đó là tiếp tục tăng cường đàn áp, theo cách nói của Giang Trạch Dân là “hủy hoại danh tiếng của Pháp Luân Công”. Ngày 23 tháng 1 năm đó, 5 người đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn trong một vụ dàn dựng và ngay lập tức, các phương tiện truyền thông nhà nước vu cáo rằng họ là học viên Pháp Luân Công.

eternal-spring-still_police-cars
Hình ảnh cho "Trường Xuân" được thực hiện bởi họa sĩ minh họa trò chơi điện tử và truyện tranh nổi tiếng Daxiong. (Ảnh: Lofty Sky Pictures)

Ngài Lý Hồng Chí luôn dạy các học viên Pháp Luân Công sống theo nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn, đồng thời không cho phép các học viên sát sinh hoặc tự sát. Những lời vu khống như sự việc “tự thiêu” tại Thiên An Môn đã là động cơ thúc đẩy Lương Chấn Hưng và các học viên khác ở Trường Xuân đứng lên làm điều gì đó để người dân Trung Quốc hiểu được sự thật về Pháp Luân Công.

Tưởng nhớ các anh hùng của Trường Xuân

Sau khi thành công trong việc chèn sóng truyền hình, nhiều người dân Trường Xuân đã cổ vũ chiến công của Chấn Hưng và những học viên khác. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang bởi vì cảnh sát đã nhanh chóng lần ra và bắt giữ họ để tra tấn dã man, đồng thời bắt giữ hàng nghìn học viên khác trong thành phố. Đến năm 2010, tất cả các học viên Pháp Luân Công tham gia trực tiếp vào sự kiện ngày 5 tháng 3 đều đã chết.

(Ảnh: Lofty Sky Pictures)
(Ảnh: Lofty Sky Pictures)

Daxiong là một họa sĩ truyện tranh và trò chơi điện tử nổi tiếng, bản thân anh cũng là một học viên Pháp Luân Công từ Trường Xuân. Năm 2008, anh đã từng bị bắt giam vì đức tin của mình, dựa trên kinh nghiệm và kiến thức từng có về nơi mình đã sống, anh đã vận dụng chúng trong việc tạo ra các hình ảnh cho bộ phim “Trường Xuân”.

Jason Loftus, đạo diễn và biên kịch của bộ phim, đã mô tả nguồn cảm hứng của mình để làm nên “Trường Xuân” với tờ The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm nay:

“Tôi đã được truyền cảm hứng và tôi vô cùng xúc động với những nhân vật mà chúng ta gặp trong phim này, trong câu chuyện này. Bạn thấy rằng họ đã phải hy sinh rất nhiều và trải qua rất nhiều để có thể nói ra sự thật. Và vì vậy tôi cảm thấy như chúng ta phải sử dụng sự tự do mà chúng ta có để có thể cho họ tiếng nói, để có thể chia sẻ câu chuyện đó với nhiều người hơn”.

“Chúng tôi làm bộ phim này để có thể chia sẻ với mọi người, để mọi người có thể nói về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc, về những gì cộng đồng Pháp Luân Công đã phải chịu đựng, và với những nhóm cộng đồng khác đang bị ĐCSTQ đàn áp. Và chúng tôi chỉ muốn có thể chia sẻ điều đó theo một cách thực sự độc đáo và nghệ thuật. Hy vọng rằng tác phẩm này sẽ chạm đến trái tim của mọi người theo một cách cảm động và hấp dẫn nhất”.

“Trường Xuân” đã ra rạp tại Canada vào ngày 23 tháng 9. Phim sẽ ra rạp AMC trên khắp nước Mỹ vào ngày 21 tháng 10 sắp tới.

Từ Tịnh

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Những người chiến đấu vì tự do của Trung Quốc được tưởng nhớ trong bộ phim 'Trường Xuân'