Những sự thật choáng váng về Trung Quốc mà ít người biết đến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc là một trong những quốc gia rộng lớn nhất thế giới, có số dân đông nhất thế giới và sở hữu những kỷ lục hàng đầu thế giới. Đây là một đất nước bí ẩn với những điều kỳ lạ đến bàng hoàng, đôi khi khiến người xem phải dở khóc dở cười.

Ô nhiễm môi trường hàng đầu thế giới

Trung Quốc nổi tiếng về mức độ ô nhiễm nước, không khí và đất đai. Theo kết quả nghiên cứu năm 2013, khoảng 9% lượng nước trong 10 lưu vực sông của Trung Quốc, được xếp ở cấp độ V, mức độ tồi tệ nhất.

Trong gần 5.000 khu vực nước ngầm được theo dõi, hơn 60% là có chất lượng kém hoặc rất kém. Năm 2005, các giáo sư thuộc Đại học Nông nghiệp Hoa Nam từng làm thực nghiệm với mẫu nước ở dòng sông thuộc khu vực này, kết quả sau đó khiến nhiều người cực kỳ sợ hãi. Họ lấy mẫu nước Hoàng Thạch Hà, làm loãng đi 10.000 lần sau đó thả những động vật, thực vật sống dưới nước vào. Nhưng tất cả chúng chỉ sống được không quá 24h.

Trung Quốc nổi tiếng về mức độ ô nhiễm nước, không khí và đất đai. (Ảnh: Wikipedia Common)
Hậu quả tất nhiên với người dân không chỉ là khó khăn hơn trong cuộc sống mà sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thống kê cho thấy mỗi năm có 2 triệu người dân Trung Quốc mắc bệnh ung thư.

Không khí ô nhiễm của Trung Quốc dày đặc tới nỗi bay qua cả Thái Bình Dương và đến tận San Francisco, góp phần vào gần 1/3 lượng không khí ô nhiễm của thành phố này. Hít thở không khí tại thủ đô Bắc Kinh có thời điểm tương đương với việc hút 21 điếu thuốc một ngày.

Nhiều hàng giả số 1 thế giới

Có thể gọi Trung Quốc là “công xưởng của đồ giả”, khi hầu như mọi thứ đều có thể làm giả từ: gạo giả, thịt giả, muối giả,… Không chỉ phổ biến hàng giả, mà còn hàng độc hại như: sữa nhiễm độc, đậu phụ trộn hóa chất, mì thối, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, thực phẩm,…

Hầu như sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng nào trên thế giới đều có thể được làm giả tại Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia Common)

Theo thống kê từ năm 2003 đến nay, năm nào Trung Quốc cũng có hàng chục vụ bê bối về an toàn thực phẩm. Và người gánh chịu hậu quả là những người dân Trung Quốc, đặc biệt là dân nghèo.

Đến Trung Quốc, bạn có thể dễ dàng tìm mua mọi sản phẩm được sao chép công phu, tỉ mỉ không kém gì bản gốc của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Apple, Channel, Gucci…với giá vô cùng phải chăng. Những mặt hàng này cũng gồm đủ thứ hạng, từ cao cấp đến rẻ tiền. Thậm chí các công trình nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel ở Pháp, làng cổ Hallstatt ở Áo cũng có phiên bản ở đây.

Nhà tù lớn nhất thế giới của cư dân mạng

Năm 1993, ngay từ thời điểm Internet mới chập chững ở Trung Quốc, nước này đã lên kế hoạch về một chương trình mang tên dự án Lá Chắn Vàng (The Golden Shield Project), có bản chất là hệ thống giám sát và kiểm duyệt nội dung khổng lồ. Được thế giới biết đến với tên The Great Firewall of China, tạm dịch là Vạn Lý Tường Lửa.

Tường lửa siêu cấp Trung Quốc hay Vạn Lý Trường Thành trên Internet nhằm mục đích kiểm soát tất cả các nguồn thông tin Internet. Internet là nguồn thông tin mở và tự do tiếp cận với người dân các nước trên thế giới, nhưng riêng ở Trung Quốc, chính quyền ra tay chặn, kiểm soát và không cho người dân tiếp cận.

Tính đến thời điểm tháng 5 năm 2018 có tới hơn 8.000 website bị chặn hoàn toàn, bao gồm Google.com và toàn bộ các website dịch vụ của Google, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Pinterest, Instagram, Tumblr, Youtube, các trang thông tin phi lợi nhuận như wikipedia, wikileaks, các tờ báo điện tử lớn như BBC News, Hongkong news, The New York Times, Independent, The Wall Street Journal, Time, v.v.

Người dân Trung Quốc chỉ có thể tiếp cận các website nước ngoài một cách lén lút bằng cách thay đổi địa chỉ IP liên tục, hoặc sử dụng một ứng dụng bên thứ 3 mang tên VPN.

Tuy nhiên, dưới áp lực từ chính quyền Trung Quốc, nhiều công ty cung cấp các dịch vụ VPN đã phải đóng cửa. Apple cũng phải gỡ xuống nhiều ứng dụng truy cập VPN không được Trung Quốc cho phép tại thị trường này.

Đối với các trang web trong nước, mọi chuyện đơn giản hơn, khi chính quyền chỉ cần bắt giam bất kỳ ai quản lý các trang web mà chính quyền coi là phản động, cũng như phạt tiền bất kỳ ai dám buông lời nói xấu chính quyền.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng triển khai một lượng lớn dư luận viên trực chiến 24/7, sẵn sàng tấn công, bẻ lái bất kỳ chủ đề chính trị nào sang hướng có lợi cho chính quyền. Theo wikipedia thì đội quân cảnh sát mạng của Trung Quốc thuộc hàng đệ nhất thế giới, với khoảng 2 triệu người.

Và theo như nguồn tin này, thì những nội dung bị kiểm soát chặt chẽ nhất bởi chính phủ Trung Quốc bao gồm: sự kiện biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, phong trào giành độc lập ở Tây Tạng, đàn áp Pháp Luân Công và hơn hết là tất cả các thông tin đi ngược lại với quan điểm nhà cầm quyền, hay những châm biếm, chỉ trích quan chức Trung Quốc. Rõ là không phải không có lý, khi mà nhiều tờ báo nước ngoài nhìn nhận Trung Quốc là nhà tù lớn nhất thế giới của cư dân mạng.

Trên thực tế, cộng đồng mạng của Trung Quốc có quân số lên tới 746.662.194 người, chiếm 53,20% tổng số cư dân mạng của thế giới.

Vậy thiếu các trang mạng toàn cầu trên thì người dân Trung Quốc sử dụng gì?

Họ đã tạo ra các phiên bản riêng như: thiếu Facebook thì họ có Weibo, thiếu Zalo thì họ có Wechat, thiếu Youtube thì họ có Youku. Không chỉ vậy, người Trung Quốc còn chế ra Google phiên bản Tàu, mang tên Baidu…

Trung Quốc tự tạo ra những phiên bản trong nước thay thế các trang quốc tế nhằm kiểm duyệt nội dung dễ hơn (Ảnh: tổng hợp)

Không chỉ vậy, việc cấm cửa gần như hoàn toàn các dịch vụ của ngoại bang, cũng khiến các doanh nghiệp trong nước vô cùng hứng khởi, khi họ có thể bình tĩnh chia nhau miếng bánh trị giá khoảng 497 tỷ tệ, tương đương với khoảng 73 tỷ đôla mỹ chỉ riêng trong năm 2018.

Chính sách một con

Chính sách này được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979, cho đến khi nó được thay thế hoàn toàn bởi chính sách 2 con. Với mục đích ban đầu tưởng tốt đẹp như là giảm nhu cầu tài nguyên, thiên nhiên, duy trì tỷ lệ lao động ổn định, giảm tỷ lệ thất nghiệp… nhưng kéo theo đằng sau là nhiều tội ác tràn lan khiến cả thế giới rùng mình…

Cụ thể, những cặp vợ chồng lỡ sinh con thứ hai sẽ phải chịu những khoản phạt dưới tên gọi hoa mỹ là “Phí đóng góp cho xã hội”, nhằm trang trải những thiệt hại cho xã hội do… đứa con thứ hai của những gia đình đó gây ra.

Riêng trong năm 2010 tổng số tiền “Phí đóng góp cho xã hội thu” về lên tới 20 tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng 68 nghìn tỷ VND.

Chính sách một con của Trung Quốc được xem là chính sách dân số hà khắc nhất trên thế giới (Ảnh: tổng hợp)

Bên cạnh đó, những đứa con thứ hai “thừa thãi" đáng thương không được chính phủ cấp Giấy khai sinh, không có tên trong Hộ khẩu, không được cấp Chứng minh thư, không được tham gia vào hệ thống bảo hiểm và không được đi học. Họ được gọi là những đứa trẻ đen. Thống kê năm 2011 cho thấy, Trung Quốc có tới 13 triệu đứa trẻ đen không được xã hội thừa nhận “nhờ” chính sách này.

Táo bạo hơn, nhiều thai phụ mang thai ngoài chính sách và không có khả năng đóng tiền phạt đã bị cưỡng ép phá thai, không ít trường hợp đã gây ra cái chết cho cả người mẹ. Chính quyền Trung Quốc thậm chí còn cưỡng ép đặt vòng tránh thai đối với phụ nữ đã sinh một con, cưỡng bức triệt sản đối với phụ nữ đã sinh hai con. Hay bắt giữ đánh đập, những công dân không có hộ khẩu, để những cặp vợ chồng trẻ lấy đó mà làm gương.

Sau hơn 35 năm triển khai, chính sách hạn chế đẻ của Trung Quốc đã khiến tốc độ tăng trưởng dân số giảm đi một cách đáng kể, từ 2,23% năm 1975 xuống còn 0.39% vào năm 2018. Trong khi đó, những con số tương ứng của Ấn Độ là 2,34% và 1,11% .

Chính sách một con cũng để lại hệ lụy nặng nề, như mỗi năm Trung Quốc ghi nhận 8 triệu ca nạo phá thai và khoảng 10.000 trường hợp vứt bỏ trẻ sơ sinh, với đa phần trong số đó là các bé gái. Chỉ riêng trong năm 2008 quốc gia này ghi nhận tới 13 triệu ca nạo phá thai và khoảng 10 triệu viên thuốc gây sảy thai đã được bán ra.

Truyền thống trọng nam khinh nữ này đã góp phần làm chênh lệch giới tính ở quốc gia này là 118:100 vào năm 2015, điều đó có nghĩa là số bé trai nhiều hơn số bé gái gần 20%. Và rằng vô số nam thanh niên Trung Quốc trong khoảng 10 năm tới sẽ phải sang Việt Nam hay các nước nghèo hơn để cưới vợ.

Ngoại giao bằng gấu trúc

Hiện tại có khoảng 1.800 - 2.000 còn tồn tại trong môi trường hoang dã ở Trung Quốc, và còn 300 con đang bị nuôi nhốt ở những cơ sở nghiên cứu, cũng như sở thú khắp nơi trên thế giới, và tất cả chúng đều thuộc Trung Quốc!

Sớm nhận ra "cơn sốt gấu trúc" tại phương Tây, vào những năm 50 thế kỷ trước, chính phủ Trung Quốc đã mang những con gấu trúc đi cho tặng và biếu các quốc gia khác với mục đích là lấy cảm tình.

Tuy nhiên, kể từ những năm 1984, chính phủ này dừng chương trình tặng và chuyển sang cho vay gấu trúc với khoản phí vay lên đến 1 triệu USD/năm, cùng với hợp đồng vay kéo dài khoảng 10 năm và có thể gia hạn thêm, cùng với đó, tất cả những con non ra đời ở nước ngoài đều phải được đưa về Trung Quốc trong một vài năm đầu đời.

Và vì có lẽ tất cả con gấu trúc được cho tặng trước năm 84 đều đã chết, do tuổi thọ trung bình của gấu trúc ngoài tự nhiên chỉ là 20 năm, và tối đa có thể đạt 35 năm trong môi trường nuôi nhốt, nên có lẽ tất cả số gấu trúc trên thế giới hiện nay đều thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn nhận vơ cả Biển Đông

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, chính quyền Trung Quốc thể hiện khả năng hướng ra biển Đông của mình bằng hàng loạt các tranh chấp lãnh thổ với nước láng giềng, thay vì cung cấp căn cứ pháp lý và bằng chứng sở hữu lãnh thổ, Trung Quốc lại tung thuật “cắm cọc” và “ai nhanh tay hơn thì được” tích cực xây dựng và mở rộng trên các đảo lâu nay ít ai dòm ngó.

Bước tiếp theo là tuyên bố vùng biển xung quanh những khu vực đã được “cắm cọc” thuộc khu vực biển đặc quyền Trung Quốc, bất cứ phương tiện nào đi vào cũng phải xin phép.

Sự thật kinh hoàng được giấu kín

Thông tin đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc được liệt vào hàng tối mật. Tuy nhiên sau nhiều năm điều tra Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã công bố báo cáo tiết lộ sự thật kinh hoàng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạngphục vụ cho ngành ghép tạng khổng lồ của đất nước này.

Đàn áp và mổ sống cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc là hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang bị thế giới lên án (Ảnh: Milan Kajínek)

Những sự thật kỳ lạ khác về đất nước tỷ dân

  • Để đáp ứng nhu cầu của hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc, 20 triệu cây xanh bị chặt hạ mỗi năm để làm đũa ăn. Theo ước tính, Trung Quốc sử dụng 80 tỷ đôi đũa dùng một lần mỗi năm. Nếu xếp số đũa này thành hàng, chúng sẽ có diện tích gấp khoảng 360 lần Quảng trường Thiên An Môn.
  • Thuốc lá giết chết 1 triệu người Trung Quốc mỗi năm. Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính, đến năm 2050, hút thuốc lá sẽ giết chết 3 triệu người Trung Quốc mỗi năm.
  • Trung Quốc tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới với 53 triệu tấn thịt lợn trong năm 2017. Trong khi đó, tháp Eiffel chỉ nặng khoảng 10.000 tấn. Mỗi năm tổng khối lượng thịt lợn tiêu thụ ở Trung Quốc gấp 5.200 lần trọng lượng tháp Eiffel.
  • Tỷ lệ tự tử của Trung Quốc gấp đôi so với ở Mỹ. Trung bình tỷ lệ tự tử ở Trung Quốc vào khoảng 22,2 ca trên 100.000 người mỗi năm. Con số này chỉ là 10,3 ca trên 100.000 người ở Mỹ.
  • Diện tích Trung Quốc gần tương đương với Hoa Kỳ nhưng chỉ có một múi giờ. Bắc Kinh là múi giờ tiêu chuẩn duy nhất của Trung Quốc. Trung Quốc từng sử dụng năm múi giờ khác nhau, nhưng năm 1949, Mao Trạch Đông quyết định chỉ có một múi giờ để thúc đẩy đoàn kết dân tộc! Điều này có nghĩa là một số nơi ở Trung Quốc mặt trời có thể chỉ mọc lên từ 10 giờ sáng.
  • Trung Quốc được đánh giá là quốc gia thực dụng, hay coi trọng vật chất nhất trên thế giới, khi 71% số người được điều tra cho biết, họ đánh giá mức độ thành công của một người thông qua những tài sản mà người đó sở hữu.
  • Các tuyến đường sắt của Trung Quốc có thể chạy vòng quanh Trái Đất hai lần. Tổng chiều dài đường sắt đang hoạt động của Trung Quốc khoảng 93.000km. Trong khi đó, chu vi của Trái Đất, là 40.075km.

Phương Lam
Theo Thế giới 360



BÀI CHỌN LỌC

Những sự thật choáng váng về Trung Quốc mà ít người biết đến