‘Ở Phần Lan, mọi người nói thật mọi lúc’: Tản mạn về sự thành tín trong xã hội Phần Lan

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Thành thật là một đặc điểm của văn hóa Phần Lan - ít nhất là nếu chúng ta so sánh với các nền văn hóa khác. Trong tiếng Anh có một thành ngữ rằng ‘Sự thật có giá trị đến nỗi nó nên được sử dụng nhỏ giọt’. Nhưng ở Phần Lan, mọi người nói thật mọi lúc”, theo ông Johannes Kananen, giảng viên tại Khoa Khoa học Thụy Điển, Đại học Helsinki.

Thành thật là điều tự nhiên

Một vài năm trước, tạp chí Reader’s Digest của Mỹ từng tiến hành một thực nghiệm về chủ đề “Thành thật” tại hơn 16 thành phố trên toàn thế giới. Ở mỗi thành phố, người ta đặt những chiếc ví bên trong có chứa khoảng hơn 1.400 Euro, ảnh chụp gia đình, giấy tờ liên hệ.

Một nhân viên của tạp chí này đứng xa quan sát xem người nhặt được ví tiền có tìm kiếm và trả lại ví cho người mất hay không. Kết quả cho thấy, người dân ở thủ đô Helsinki, Phần Lan, là những người thành thật nhất. Trong 12 ví tiền mà tạp chí này “đánh mất” thì có 11 chiếc ví được trả về cho “chủ cũ”.

Trong xã hội Phần Lan, lòng trung thực và sự thành tín được trân trọng và là nền tảng của mọi giao tiếp. Đây được xem như một nguyên tắc ngầm mà bất cứ ai sinh sống ở Phần Lan đều phải hiểu, lòng tin giữa người và người được xem là mặc định.

Nhưng điều gì làm cho Phần Lan trở thành một đất nước thành tín đến vậy?

Đức tin đã tạo nên sự thành tín

Đất nước Phần Lan không có chiều dài lịch sử quá lâu đời, trong hàng thế kỷ Phần Lan từng là một phần của vương quốc Thụy Điển. Đến năm 1809, Phần Lan mới có được quy chế tự trị do Sa hoàng Alexander Đệ nhất của Nga trao cho trong Chiến tranh Phần Lan, và trở thành Đại Công quốc Phần Lan, tiền thân hiện đại của đất nước Phần Lan ngày nay.

Đó là khi bản sắc Phần Lan rõ rệt bắt đầu định hình và ngôn ngữ Phần Lan dần trở nên phổ biến. Mặc dù lớn hơn gần ba lần so với nước Anh, nhưng dân số của họ chỉ bằng một phần mười, với khoảng 5.5 triệu người.

Khi Phần Lan tách ra khỏi Thụy Điển, họ đã có thể thành lập Giáo hội Phúc âm Luther và đạo đức Tin lành. Có thể nói, đức tin đã tạo nên sự thành tín, là gốc rễ trong bản sắc và văn hoá của người Phần Lan.

Những đứa trẻ Phần Lan ngay từ khi còn bé đều được cha mẹ dạy rằng: “Không được lấy những thứ không thuộc về mình!”

Thành tín, thành tín, và thành tín!

Các nghiên cứu xác định rằng có những mối liên hệ giữa việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể lực với việc nói năng thành thật. Và Phần Lan là một đất nước được đánh giá là trung thực và thành tín nhất trên thế giới (Ảnh: tổng hợp)
Các nghiên cứu xác định rằng có những mối liên hệ giữa việc cải thiện sức khỏe tinh thần và thể lực với việc nói năng thành thật. Và Phần Lan được Viện Nghiên cứu Hạnh phúc (trụ sở tại Copenhagen ) xếp đầu danh sách các quốc gia hạnh phúc mặc dù không có GDP cao nhất trong các nước Bắc Âu. (Ảnh: tổng hợp)

Ở Phần Lan, trên các phương tiện giao thông công cộng gần như không có nhân viên kiểm vé. Rất nhiều khu vực, địa phương đều có các “cửa hàng thành tín”, bên trong không có nhân viên bán hàng, cũng không có thiết bị theo dõi giám sát. Khách hàng đến mua hàng hóa ở đây đều tự động quét mã hàng và tự động thanh toán tiền.

Hay thậm chí trong một cuộc thi sát hạch công vụ ở Phần Lan, đằng sau mặt của đề thi đều có đáp án đính kèm sẵn. Đó là đáp án mà thí sinh dùng để ước lượng số điểm của mình. Sau khi làm bài xong, thí sinh có thể chủ động so sánh kết quả mình làm được và đáp án đính kèm để biết mình đậu hay rớt. Người nào biết mình thi không đạt, sẽ tự giác thi lại, cho đến khi đủ tư cách mới thôi. Không có ai sửa chữa hay sao chép hoặc làm lại đáp án.

Nói như Urpu Strellman, nhà môi giới xuất bản ở Helsinki, thì: "Một hình ảnh đã được tạo ra, một hình ảnh rập khuôn về người Phần Lan như những người nghiêm khắc, khiêm tốn, chăm chỉ, biết vâng lời Chúa vốn vượt qua những thời khắc khó khăn, sẵn sàng đón nhận mọi thứ định mệnh đem đến cho họ. Đây là những đặc tính liên quan chặt chẽ đến sự trung thực”.

Vào năm 2001, một vụ bê bối thể thao xảy ra ở Phần Lan được báo chí trong nước đưa tin, được xem như là nỗi tủi hổ của công chúng, và một cảm giác mất mặt tập thể.

Đó là khi Phần Lan đăng cai Giải Vô địch Trượt tuyết Bắc Âu FIS, 6 vận động viên hàng đầu Phần Lan đã bị phát hiện dùng doping và bị loại.

Tạp chí Lịch sử Thể thao Quốc tế viết: “Đối với người Phần Lan, điều tệ nhất về vụ tai tiếng này không phải là bản thân vụ tai tiếng. Điều tồi tệ nhất là, cùng với vẻ ngoài về sự trung thực trong thể thao nói chung, đó là huyền thoại về người Phần Lan trung thực, chăm chỉ đã sụp đổ”.

Trái ngược hẳn với trường hợp tương tự ở Na Uy, khi một trong những nữ vận động viên trượt tuyết của họ bị phát hiện doping, cả nước bảo vệ cô ấy và muốn hình phạt đối với cô nhẹ nhất có thể.

Sự trung thực, thành tín được thể hiện cả trong hệ thống nhà nước và quan chức, ông Johannes Kananen nói rằng: “Nhà nước hoạt động vì lợi ích chung và có lòng tin rất lớn vào những người đồng bào và những người phục vụ người dân, bao gồm cả cảnh sát và quan chức. Người dân Phần Lan cũng là những người rất vui lòng đóng thuế. Họ biết rằng tiền thuế được sử dụng cho lợi ích chung và họ cũng biết rằng không ai gian lận khi đi thu thuế”.

Diện tích đất nước Phần Lan rộng, nhưng dân số khá ít ỏi và tập trung ở các trung tâm đô thị ở phía nam. Do vậy, nhiều khả năng những người hoạt động trong cùng một lĩnh vực nào đó đều quen biết nhau. Nên nếu ai đó không thành thật thì có thể hiểu rằng “cây cầu” trong mối quan hệ đó đã bị đốt cháy, và sẽ lan sang những “cây cầu khác”.

Người Phần Lan không có thói quen nói sau lưng người khác, nhưng nếu họ yêu cầu phải có “Thư giới thiệu” thì đó là cả một vấn đề.

Thẳng thắn và không vòng vo

Người Phần Lan ấm áp và thích giúp đỡ, nhưng không thích xen vào chuyện của người khác. Quan điểm sống của họ rõ ràng nhưng không thích biểu cảm quá mức. Họ có xu hướng mạnh mẽ là cần phải nói mọi việc đúng như bản chất của nó, không đưa ra những lời hứa suông và không cố gắng đánh bóng mọi thứ. Người Phần Lan xem những lời họ nói rất nghiêm túc, vì vậy mỗi từ thực sự nói ra đúng với nghĩa của nó, những cách nói so sánh theo mức cao nhất sẽ bị người Phần Lan cho là quá tự phụ.

Ông Johannes Kananen đồng ý với điều này và dẫn chứng rằng: "Người Phần Lan có xu hướng hiểu các câu nói theo nghĩa đen. Vì vậy, nếu bạn nói rằng bạn ăn chiếc burger ngon nhất trước giờ, thì điều đó có thể dẫn đến việc bạn phải nói về tất cả các loại burger bạn đã từng ăn, và tiêu chí chính xác để đánh giá burger nào là tốt nhất. Trừ phi bạn có thể chứng minh đó là chiếc burger ngon nhất từ trước đến nay một cách khách quan, nếu không thì người ta sẽ hơi nghi ngờ bạn, và, vâng, chắc chắn là bạn đã quá tự phụ”.

Người Phần Lan không dựa vào “đường ngang ngõ tắt” để đạt được mục đích của mình. Họ luôn tự ước thúc bản thân phải thành thực, giữ chữ tín, thông qua lao động thật sự và gian khổ để cố gắng theo đuổi mục tiêu của cuộc đời. Liêm khiết và tự ước thúc bản thân đã trở thành nếp sống, nét văn hóa trong xã hội Phần Lan. Họ cũng cho rằng nói dối khiến bản thân mệt mỏi và không thoải mái.

Có thể nói, sự thành thật là một phần tự nhiên trong tính cách và văn hoá của người Phần Lan. Cũng chính điều này làm cho cuộc sống ở Phần Lan trở nên nhẹ nhàng, và đất nước này đã 3 lần được bầu chọn là “Quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới”.

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

‘Ở Phần Lan, mọi người nói thật mọi lúc’: Tản mạn về sự thành tín trong xã hội Phần Lan