Phá cỗ trăng rằm, nguồn gốc Tết Trung Thu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỗi năm vào ngày hội trăng rằm, các em nhỏ lại háo hức được phá cỗ trông trăng, rước đèn, xem múa sư tử… Mọi người ai nấy đều ngồi lại bên nhau nhấp chén trà, ăn bánh nướng bánh dẻo, ngắm trăng tròn và ôn lại những kỷ niệm xưa. 

Vậy Tết Trung Thu, hay còn gọi là Tết Đoàn viên, đã có tự bao giờ?

Nguồn gốc Tết Trung Thu

Sách “Chu Lễ” viết: “Trung thu, dạ nghênh hàn” (đêm trung thu đón rét). Mùa thu có 3 tháng, tháng 8 là tháng chính giữa mùa thu, và ngày 15 cũng chính là ngày giữa tháng. Cho nên cổ nhân còn gọi “Trung Thu” là “Trọng Thu” (ngày chính giữa mùa thu).

Rằm Trung Thu có lễ tế nguyệt. “Sử Ký” viết: “Thiên tử xuân triêu nhật, thu tịch nguyệt”, nghĩa là các bậc đế vương thường làm lễ cúng tế mặt trời vào mùa xuân và cúng tế mặt trăng vào mùa thu.

Trong sách “Chu Lễ” cũng có câu: “Dĩ triêu nhật”, nhà Dịch học Trịnh Huyền thời Đông Hán chú giải rằng: “Vào ngày Xuân phân, Thiên tử làm lễ bái mặt trời, còn vào ngày Thu phân thì làm lễ cúng tế mặt trăng”.

Tập tục cúng trăng xuất hiện từ thời Tam Hoàng - Ngũ Đế, lễ Trung Thu cũng bắt nguồn từ tập tục cúng trăng này. Sách “Tân Đường Thư” viết: “Thu phân, tịch nguyệt vu tây giao”, nghĩa là vào ngày Thu phân, hoàng đế đến ngoại ô phía tây để lễ tế Nguyệt Thần, qua đó thể hiện thái độ kính thiên, kính Đạo, kính Thần của các bậc quân vương, đồng thời cũng giáo hóa thiên hạ về lòng kính ngưỡng và biết ơn đối với Thần linh, trời đất.

Chuẩn bị mâm quả cũng trăng đón Trung thu (Ảnh: ZunNhi).
Chuẩn bị mâm quả cũng trăng đón Trung thu (Ảnh: ZunNhi).

Vậy vì sao Tết Trung Thu phải cúng trăng? Theo “Đại Đường giao tự lục”, mặt trăng đại biểu cho âm đức, mà từ thời điểm giữa thu trở đi là khởi điểm cho “dương tiêu âm trưởng”, đêm dài ngày ngắn. Vì thế, trăng đã trở thành nhân vật chính trong buổi lễ cúng tế này.

Phong tục tổ chức Tết Trung Thu càng ngày càng phong phú. Vào trước rằm Trung Thu, ở các cửa hàng thường kết hoa nhiều màu sắc treo trước cửa tiệm, trẻ con chơi đùa tới đêm, chợ đêm họp đến sáng… Đến nay, Tết Trung Thu đã trở thành ngày hội truyền thống trọng đại tại các nước Á Đông.

Tập tục ăn bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu ra đời muộn hơn tập tục cúng trăng và ngắm trăng. Theo Chu Lễ quy định, vào ngày rằm tháng Tám, con cháu mời cha mẹ, ông bà ăn cháo loãng chứ không phải bánh Trung Thu. Bắt đầu từ triều đại nhà Tống mới có tập tục ăn bánh Trung Thu.

Trong bài “Lưu biệt liêm thủ”, Tô Đông Pha viết: “Tiểu bính như tước nguyệt, trung hữu tô hòa di”, nghĩa là bánh nhỏ như tước nguyệt, trong có bơ và đường. Lúc đầu, bánh Trung Thu là tế phẩm được dùng khi cúng trăng. Sau khi lễ tế hoàn thành thì mọi người cùng nhau thưởng thức, cho nên loại bánh này đã trở thành đồ ăn chính trong Tết Trung Thu.

Đến triều nhà Minh, phong tục ăn bánh Trung Thu bắt đầu trở nên phổ biến. Trong tác phẩm “Tây Hồ du lãm ký”, tác giả Điền Nhữ Thành viết: “Ngày 15 tháng 8 được gọi là Trung Thu, dân gian tặng nhau bánh để biểu đạt ý đoàn viên”. Cho nên, người ta cũng gọi Tết Trung Thu là Tết Đoàn Viên. Bởi vì tết Trung Thu thể hiện sự sum vầy cho nên các loại quả và bánh để cúng tế đều phải có hình tròn.

Ngày nay, bánh Trung Thu đã có nhiều biến tấu với các loại nhân bánh đa dạng, nhưng ý nghĩa và hình ảnh của chiếc bánh dẻo, bánh nướng vẫn được duy trì và lưu truyền qua các thế hệ.

Ở Việt Nam, Tết Trung Thu được mọi người đón nhận vô cùng náo nhiệt. Không rõ tết Trung Thu xuất phát từ người Hoa Hạ hay người Bách Việt, nhưng cả hai nền văn hóa đều rất coi trọng ngày lễ lớn này. Tại Việt Nam, Trung Thu mang đậm màu sắc dân tộc Việt. Người nước ngoài đến Việt Nam có ấn tượng mạnh mẽ với cách mà chúng ta đón chào ngày Tết Đoàn viên.

Tết Trung Thu tại Việt Nam

  1. Làm bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu là loại bánh không thể thiếu trong ngày lễ này. Hiện nay, bánh Trung Thu được bày bán vô cùng đa dạng và phong phú, tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gia đình tự làm bánh để gắn kết yêu thương, tạo không khí ấm áp cho ngày rằm tháng Tám. Bánh Trung Thu có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo, có thể dùng để làm quà biếu tặng, hoặc bày trên lễ cúng gia tiên và cúng trăng rằm.

  1. Rước đèn lồng

Một hoạt động không thể thiếu của ngày rằm tháng Tám chính là rước đèn lồng, phá cỗ, chơi trăng. Các bạn nhỏ được bố mẹ mua cho chiếc đèn lồng, hoặc cũng có thể tự mình làm chiếc đèn vô cùng sáng tạo. Nhiều bạn nhỏ háo hức tham gia các cuộc rước đèn, múa lân. Tiếng trống, tiếng hát với ánh đèn lấp lánh tạo nên một khung cảnh bình yên, ấm áp trong tuổi thơ của mỗi người.

  1. Múa sư tử, múa lân trong Tết Trung thu

Cảnh tượng rộn ràng và nhộn nhịp trong lễ trăng rằm là cảnh múa lân, múa sư tử. Bà con lối phố, dân làng cùng hoà chung niềm vui và cầu chúc may mắn cho con cháu, gia đình...

Múa lân trong Tết Trung thu
Múa lân. (Wikipedia/ CC BY SA 3.0)
  1. Tri ân người thân

Đây là hoạt động dành cho gia đình với biết bao cảm xúc, ý nghĩa thiêng liêng. Bạn sẽ được cùng mọi người sống trong sự biết ơn, trong tình yêu thương và niềm vui, hạnh phúc.

Ngắm trăng nhớ người thân, gia đình

Lý Bạch viết trong bài “Tĩnh dạ tứ”: “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương”. Câu thơ đã thể hiện tâm trạng nhớ quê nhà da diết của thi nhân mỗi khi ngắm trăng tròn.

Đối với những người con xa quê, xa gia đình, phiêu bạt ở nơi đất khách quê người, mỗi khi có điều kiện họ lại trở về thăm gia đình, bạn bè, người thân, cùng nhau “phá cỗ trăng rằm”. Những ai không về được thường ngắm trăng mà nhớ cố hương. Khi ấy, những ký ức tuổi thơ năm nào lại ùa về dưới ánh trăng…

Tố Như
(Tổng hợp)

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

Phá cỗ trăng rằm, nguồn gốc Tết Trung Thu