Phụ nữ Afghanistan: Những bông hoa 'úa tàn' trên chính mảnh đất quê hương (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Pakistan và Afghanistan tuy chia cắt nhau về ranh giới, nhưng ở cả hai bên đường biên là lãnh thổ sinh sống của người sắc tộc Pashtun. Khi Liên Xô thua trận và Mỹ buông tay, các nhóm quyền lực ở Afghanistan quay sang xâu xé lẫn nhau và đẩy Afghanistan rơi vào nội chiến. Một trong những nhóm quyền lực này đã hình thành lực lượng Hồi giáo Taliban.

Chính quyền ngắn ngủi của Taliban sau đó khiến cả thế giới rùng mình bởi sự cực đoan và tàn khốc. Ăn cắp sẽ bị chặt tay, phụ nữ ngoại tình sẽ bị ném đá đến chết. Âm nhạc, múa hát và giải trí bị cấm hoàn toàn. Đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường buộc phải che kín toàn thân bằng trang phục burqa, chỉ có thể nhìn mọi thứ qua lớp vải đan thưa.

Phụ nữ Afghanistan không được ra ngoài làm việc và tiếp cận giáo dục một cách cởi mở. Họ chỉ được làm việc trong bệnh viện, điều này khiến hàng triệu trẻ em gái không được đến trường và hàng trăm trường học phải đóng cửa.

Trong thời kỳ cai trị Afghanistan, Taliban đã cấm phụ nữ và trẻ em gái ra khỏi nhà mà không có nam giới đi cùng, có những cô gái bị bắt quả tang đi cùng đàn ông không phải người nhà đã bị đánh cả trăm roi.

Phụ nữ Afghanistan phải mặc burqa truyền thống (Ảnh: gettyimages)
Phụ nữ Afghanistan phải mặc burqa truyền thống (Ảnh: gettyimages)

Những người Afghanistan đang sống có ít kí ức về những ngày yên bình, bởi nửa thế kỉ qua, đất nước của họ đã trải qua quá nhiều đau thương, đói nghèo và xung đột.

Nhưng ít nhất, những người dân nói chung và phụ nữ Afghanistan nói riêng vẫn còn điều gì đó để hy vọng, khi Mỹ và lực lượng đồng minh chưa hoàn toàn rút khỏi đất nước này. Khi ấy, họ vẫn được học tập và đến công sở, mặc những bộ váy xinh xắn trên đường phố.

Tuy nhiên, vào ngày 15/8/2021, khi lực lượng Taliban tràn ngập thủ đô Kabul, chiếm đóng dinh tổng thống và tuyên bố: “Chiến tranh đã kết thúc”, thì điều này cũng đồng nghĩa rằng, tương lai và hy vọng của phụ nữ Afghanistan đã chấm hết.

Taliban với tham vọng thiết lập lại trật tự dựa trên sự nghiêm khắc của tôn giáo cực đoan, tuyên bố sẽ thành lập “Nhà nước Hồi giáo”, và lịch sử đang lặp lại - Cơn ác mộng của phụ nữ Afghanistan đã bắt đầu.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp quốc cho biết gần 250.000 người Afghanistan đã bỏ nhà đi kể từ tháng 5, vì sợ Taliban sẽ thực hiện những quy định khắt khe và diễn giải giáo nghĩa Hồi giáo một cách tàn nhẫn, rồi mọi quyền của phụ nữ sẽ bị xoá sổ. 80% trong số những người chạy trốn là phụ nữ và trẻ em.

Một công viên ở Kabul đã biến thành nơi ở tạm của những gia đình bỏ nhà chạy trốn. Những người ở đây kể rằng, nhiều cô gái ở tỉnh Takhar khi đi xe kéo đã bị người của Taliban chặn lại để hỏi vì sao họ “đi dép hở hang”.

Một buổi sáng sớm, khi Zahra đang cùng mẹ và 3 anh em trên đường đến nhà người chị gái để ăn tối thì thấy nhiều người bỏ chạy, và nghe thấy những tiếng súng nổ trên phố.

“Taliban đến đây rồi!” - mọi người hô lên.

Chỉ vài phút sau, cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn với cô gái 26 tuổi ở Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan. Trong 5 năm qua, Zahra làm việc cho các tổ chức phi chính phủ địa phương. Zahra thôi đến văn phòng cách đây 1 tháng để làm ở nhà khi Taliban tiến về Herat. Nhưng từ hôm 12/8, Taliban đã ngắt hết các đường dây điện thoại và internet của thành phố, khiến cô không thể làm việc được nữa.

Mắt cô ngấn nước khi nói về nguy cơ cô sẽ không thể quay lại làm việc, em gái 12 tuổi của cô không còn cơ hội đến trường, anh trai cô không thể chơi đá bóng, và cô cũng không được tự do đánh đàn guitar.

Giống như những người dân khác, Zahra cùng bố mẹ và các chị em giờ chỉ trốn ở nhà, không dám ra ngoài và lo lắng về tương lai.

Zahra nói với AP rằng: “Tôi rất sốc. Là một phụ nữ đã nỗ lực học tập, công tác và phát triển, tôi sao có thể chịu được cứ phải lẩn trốn trong nhà như hiện nay?”

Mới đây, bà Sahraa Karimi, 36 tuổi, nữ đạo diễn duy nhất ở Afghanistan, người đã nhận bằng Tiến sĩ về điện ảnh, đã viết một bức thư cầu cứu với cả thế giới:

“Trong vài tuần qua, Taliban đã giành quyền kiểm soát nhiều tỉnh. Tuy nhiên, chúng đã tàn sát người dân của chúng tôi và bắt cóc nhiều trẻ em. Chúng thậm chí còn giết một phụ nữ vì quần áo và trang sức của cô ấy. Chúng cũng giết chết diễn viên hài yêu thích của chúng tôi, và chúng còn giết một nhà sử thi".

Vào ngày 15/8, bà Karimi đăng một đoạn video chạy trốn trên đường phố Kabul lên Instagram. Lúc đó, Taliban đang tiến vào, bà định đi rút tiền nhưng ngân hàng đã đóng cửa. Bà ôm chặt khăn quấn đầu, chạy vội trên đường phố và hét lên: "Đây không phải là hình ảnh trong phim kinh dị, đây là thế giới thực ở Kabul".

Bà vừa chạy vừa nói: "Tôi vẫn không thể tin được chuyện này lại xảy ra. Xin hãy cầu nguyện cho chúng tôi. Một lần nữa tôi kêu gọi mọi người trên thế giới rộng lớn này đừng im lặng. Họ đến đây để giết chúng tôi".

Bà Zarifa Ghafari, nữ thị trưởng và là nhà nữ quyền trẻ nhất của Afghanistan, nói với truyền thông Anh rằng, bà từng bị dọa giết nhiều lần, giờ Taliban lên nắm quyền trở lại, bà chỉ còn biết ngồi chờ chịu hành quyết.

"Tôi sẽ ngồi đây và đợi họ đến. Không ai có thể giúp tôi và gia đình tôi, [vì vậy] tôi sẽ ngồi ở đây với gia đình và chồng. Họ sẽ đi tìm giết những người như tôi. Tôi không thể rời bỏ người thân, hơn nữa cũng không biết đi đâu?” - bà Ghafari chia sẻ trong bất lực.

Vào tháng 11/2020, cha bà, ông Abdul Wasi Ghafari đã bị ám sát ở Kabul. Ông Abdul lúc đó là thượng tá quân đội, bà Ghafari cho rằng cái chết của cha bà là do Taliban gây ra.

Theo Vision Times, việc Taliban tiếp quản Afghanistan cũng đồng nghĩa với việc 20 năm tự do mà phụ nữ Afghanistan được hưởng cũng đã kết thúc. Vào đầu tháng 7/2021, trong khi liên tục giành thắng lợi khi đánh chiếm các thành trì, Taliban cũng bắt đầu cưỡng ép các bé gái kết hôn, và đã ra lệnh cho một gia đình phải để một bé gái 13 tuổi kết hôn với một người lính Taliban. Ở các vùng nông thôn do Taliban kiểm soát, các bé gái đã bị cấm đến trường.

Cơn ác mộng của phụ nữ Afghanistan đã quay trở lại, và một số gia đình có con gái không còn cách nào khác là phải chạy trốn. Người cha 39 tuổi tên là Gulpari được thông báo phải "giao nộp" ít nhất một cô con gái cho lính Taliban. Ông Gulpari có hai cô con gái vị thành niên, một 15 tuổi và một 13 tuổi. Hai cô gái khi biết tin đã vô cùng hoảng sợ, họ gục xuống và khóc. Người cha Gulpari đành phải tranh thủ khi đêm khuya thanh vắng đưa cả nhà bỏ trốn ngay trong đêm.

Theo báo cáo của The National, những phụ nữ sống trong lều tị nạn cho biết: "Taliban đã đưa ra một thông báo trong nhà thờ Hồi giáo, yêu cầu mọi gia đình liệt kê danh sách con gái trong nhà của họ". Một phụ nữ đến từ Kandahar tên là Pashtana Durrani cho biết: "Phụ nữ bị xem như nô lệ tình dục, và Taliban sẽ cưỡng ép họ kết hôn”.

Theo báo cáo của AFP, vào tháng Bảy năm 2021, các tay súng Taliban đã yêu cầu tất cả nữ công nhân tại các khu vực bị chiếm đóng trở về nhà. Nếu một phụ nữ vi phạm các quy tắc, nhẹ thì cô ấy sẽ bị sỉ nhục và đánh đập công khai, nặng thì sẽ bị ném đá đến chết.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói rằng: "Các trẻ em gái và phụ nữ Afghanistan đã bị từ chối các quyền mà họ khó lắm mới giành được. Điều này đặc biệt gây sốc và thương tâm".

Trong 10 ngày qua, chiến thắng liên tục của Taliban tại hàng chục tỉnh lỵ đã đưa phụ nữ Afghanistan tới gần hơn với quá khứ mà họ không muốn lặp lại. Bà Pashtana Durrani - Sáng lập viên kiêm Giám đốc điều hành của Learn, (một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào giáo dục và quyền phụ nữ) cho hay, bà đã khóc hết nước mắt cho quê hương.

"Tôi đã khóc rất nhiều, không còn nước mắt nữa. Chúng tôi đã để tang cho sự sụp đổ của Afghanistan từ lâu. Bây giờ tôi cảm thấy không ổn lắm, thấy vô cùng tuyệt vọng" - Durrani nói.

Trong cảnh hỗn loạn ở sân bay Kabul hôm 16/8, những người Afghanistan tuyệt vọng đã leo lên cầu hàng không, bỏ lại nhà cửa, công việc và tài sản mà bao năm gây dựng để chạy trốn khỏi nơi “chôn rau cắt rốn”. Nhưng với hàng triệu người khác còn ở lại, họ không có lối thoát.

Hôm 16/8, ngày đầu tiên Taliban kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Afghanistan, đường phố thủ đô Kabul vắng bóng phụ nữ.

Sự thay đổi trong cuộc sống của người dân Kabul sau khi Taliban kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước được thể hiện ngay trên tivi, nơi tin tức và các bộ phim truyền hình Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ nhường chỗ cho chương trình tôn giáo mà không có quảng cáo.

Cho dù Suhail Shaheen, phát ngôn viên Taliban, kêu gọi người dân ở lại để tái thiết đất nước, và nói rằng: “Đất nước chúng ta cần họ. Đây cũng là đất nước của họ, đất nước của mọi người dân Afghanistan. Chúng tôi đảm bảo sẽ không gây bất kỳ nguy cơ nào với tính mạng, tài sản và danh dự của họ”.

Thế nhưng, những gì mà Taliban đã làm trong những tuần gần đây như: Thực hiện các vụ giết người trả đũa, thảm sát binh sĩ chính phủ đầu hàng, lục soát nhà cửa các nhà báo, những người từng hợp tác cho các tổ chức nước ngoài, bắn chết một phụ nữ vì ra đường mà không mặc burqa, gõ cửa từng nhà để lùng sục người, cưỡng ép phụ nữ kết hôn, tảo hôn… đang đi ngược lại những gì Taliban nói.

Phụ nữ khắp Afghanistan đang sống trong sợ hãi, hoảng hốt khi nghe thấy tiếng gõ cửa của binh lính Taliban bất cứ lúc nào.

Theo breitbart, cựu cảnh sát Khatera đã bị Taliban tấn công tàn bạo vào tháng 10 năm ngoái khi cô đang mang thai hai tháng. Trên đường đi làm về, cô đã bị 3 chiến binh Taliban kiểm tra giấy tờ tùy thân, sau đó chúng bắn vào cô nhiều phát. Cô lãnh tám viên đạn ở phần trên cơ thể và vết thương bằng dao bừa bãi khắp người. Taliban dùng dao đâm vào mắt cô sau khi cô bất tỉnh, để cô phải chết. Khatera nói rằng: “Taliban không coi phụ nữ là người”.

Cô kể lại rằng: “Đầu tiên, chúng (Taliban) tra tấn chúng tôi (phụ nữ) và sau đó vứt bỏ cơ thể của chúng tôi để biểu thị như một ‘hình mẫu’ của sự trừng phạt. Đôi khi cơ thể chúng tôi bị ném cho chó ăn. Tôi đã may mắn sống sót sau đó. Người ta phải sống ở Afghanistan dưới thời Taliban, thì mới có thể tưởng tượng được điều tồi tệ gì đã xảy ra với phụ nữ, trẻ em và người thiểu số ở đó”.

Malala Yousafzai, người Pakistan đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 cho biết hôm 17/8 rằng, cô rất lo lắng về tình hình ở Afghanistan, đặc biệt là sự an toàn của phụ nữ và các bé gái. Malala kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu hành động khẩn cấp.

Cô bé Malala - biểu tượng cho quyền được đi học của nữ giới, cũng là nạn nhân của Taliban. Vào tháng 10/2012, Malala mới 15 tuổi bị Taliban bắn 3 phát súng vào đầu và cổ trên xe buýt của trường học, chỉ vì em muốn mình và các bạn được đi học. Thần kỳ là Malala đã may mắn sống sót, em được đưa đến Anh điều trị và định cư tại đó. Với những gì mình từng trải qua, Malala Yousafzai đang cố gắng dùng tiếng nói của mình để bảo vệ người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ngay lúc này.

Phút chốc trắng tay

Phụ nữ Afghanistan lúc này đang tìm mọi cách để che dấu thân phận, họ trùm kín người bằng burqa, đốt hết bằng cấp đại học, giấy tờ tùy thân sau nhiều năm nỗ lực học tập và làm việc, tuyệt vọng tìm cách để cứu chính mình.

"Tôi sẽ phải đốt sạch thành quả 24 năm cuộc đời. Chúng tôi đều muốn về nhà, nhưng không thể sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tài xế không cho chúng tôi lên xe vì không muốn chịu trách nhiệm chở phụ nữ. Tình cảnh của nữ sinh trong ký túc xá thậm chí còn tệ hơn, bởi nhà họ ở ngoài Kabul và rất sợ hãi, không biết nên đi đâu. Tôi gần hoàn thành hai bằng đại học danh tiếng nhất Afghanistan. Đáng lẽ tôi sẽ tốt nghiệp Đại học Mỹ tại Afghanistan và Đại học Kabul vào tháng 11 này, nhưng sáng nay, mọi hy vọng đã tắt ngấm” - một nữ sinh Afghanistan sắp hoàn thành hai bằng đại học cho biết.

Cô chia sẻ với Guardian rằng, một gia đình mất con trong chiến tranh, không còn tiền để trả taxi tới Kabul, nên phải đổi con dâu để đi tới thành phố. Làm sao giá trị của một người phụ nữ lại có thể đánh đổi bằng chi phí một cuốc xe? Hôm nay, khi nghe tin Taliban đã tới Kabul, cô cảm thấy mình sắp thành nô lệ. Họ có thể chơi đùa cuộc đời cô tùy ý. Cô từng là giáo viên một trung tâm tiếng Anh và không thể chịu được khi nghĩ rằng mình không còn có thể đứng lớp dạy các em hát bài ABC nữa.

Đây chỉ là một trong số ít những người phụ nữ đang lên tiếng và cầu xin sự giúp đỡ trong tuyệt vọng. Rất nhiều phụ nữ Afghanistan ở nông thôn, người già và trẻ nhỏ đang rơi vào thảm cảnh không nhà cửa, tá túc vạ vật để mong đến được Kabul, nơi cuối cùng lính Mỹ đóng quân - với hy vọng mong manh được đến một vùng trời mới, tìm kiếm một cuộc đời mới.

Nhưng sự chờ đợi của họ đang dần rơi vào một viễn cảnh mờ mịt và không biết được ngày mai. Đến nỗi, những người mẹ tuyệt vọng đã liều mình ném những đứa con của mình cho lính dù Anh, qua hàng rào thép gai với lời nhắn nhủ: “Hãy cứu con tôi!”

Thiếu tá quân đội Anh Steve White kể rằng, một người mẹ ôm đứa con 4 tuổi van xin binh lính khi trèo qua hàng rào: "Mỹ, Canada hay Pháp, hãy đưa mẹ con tôi đi. Đến bất cứ đâu, tới nước nào cũng được".

Afghanistan nằm ở vị trí chiến lược, nơi giao thoa giữa Nam Á và Trung Á - vùng đất đa sắc tộc với lợi ích và mâu thuẫn đan cài, khiến đất nước này luôn nằm trên “bàn cờ” cạnh tranh của các phe cánh trong nhiều thế kỷ.

Khi những cuộc chiến được khơi mào, phụ nữ, trẻ em, và người già ở Afghanistan là những người đầu tiên bị mắc kẹt trong những cuộc chiến liên miên không dứt. Nhưng vì yếu thế, nên họ luôn không thể tự mình thoát khỏi lịch sử tàn khốc này.

Không có mặt trời rực rỡ nào dành cho phụ nữ ở Afghanistan, họ được ví như những “bông hoa” đang “úa tàn” ngay trên mảnh đất quê hương.

Cũng như tương lai của Afghanistan, một đất nước sống mòn nay đã chết!

Đông Mai



BÀI CHỌN LỌC

Phụ nữ Afghanistan: Những bông hoa 'úa tàn' trên chính mảnh đất quê hương (Radio)