Phúc phận của con người đến như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người hiện đại phổ biến cho rằng, dựa vào thành tựu của một người, tức là phúc phận, là cần phải dựa vào sự phấn đấu. Nếu không làm việc chăm chỉ, không nỗ lực, thì sẽ không đạt được gì cả. Thật ra, phấn đấu hết mình chỉ là thể hiện bề ngoài, có thành tựu, có phúc phận hay không đều là do đức của người đó quyết định.

“Đức” không thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc dùng tay mà sờ thấy được, nhưng nó có thể được phản ánh vào trong cuộc sống của chúng ta. Tại sao có người làm việc chăm chỉ, nhưng sống rất vất vả và mệt mỏi; có người mới sinh ra đã ở trong gia đình giàu có, gia đình quan chức, chẳng phải có câu nói “cha mẹ hiền lành để phúc cho con”; “phúc đức tại mẫu”; “có đức mặc sức mà ăn” đó sao. Nhất định phải có một yếu tố quyết định phúc phận, và yếu tố này chính là “Đức”, nó không phải do con người ta vất vất vả tranh đấu, nhọc nhằn phấn đấu mà có, mà là do hành thiện, tích đức tu dưỡng mà có được.

Người cha từ chối sắc dục, tích đức cho con trai

Học thuyết của nhà tư tưởng, nhà giáo dục thời đại nhà Minh, Vương Dương Minh cho đến nay vẫn được đánh giá rất cao, cũng đã từng nổi tiếng trong lịch sử. Những phúc phận này của ông là có liên quan đến việc cha của ông, Vương Hoa, đã từ chối sắc dục.

Vương Hoa khi còn trẻ dạy học trong một gia đình giàu có, bởi phẩm giá và học vấn rất tốt nên phú ông vô cùng ngưỡng mộ tài năng của ông. Phú ông này có rất nhiều người hầu và tỳ thiếp nhưng tiếc nỗi là ông không có con.

Một đêm, một người thiếp trẻ của phú ông đi đến phòng ngủ của Vương Hoa, Vương Hoa cự tuyệt nàng, người thiếp lấy ra một tờ giấy và nói: “Đây là chủ ý của chủ nhân!”

Trên tờ giấy có viết: “Dục cầu nhân gian tử” (muốn cầu xin con ở nhân gian). Vương Hoa liền cầm bút viết “Khủng kinh Thiên thượng Thần” (sợ kinh động Thần trên Thiên thượng), và cự tuyệt người thiếp đó, ngay hôm sau Vương Hoa từ chức rồi rời nhà phú ông.

Sau đó, phú ông nhờ một Đạo sĩ lập đàn cầu phúc. Khi Đạo sĩ quỳ xuống tấu lễ, ông ta phủ phục mặt đất một lúc lâu không dậy. Phú ông ngạc nhiên hỏi nguyên do, Đạo sĩ nói: "Vừa rồi tôi gửi tấu trình lên cửa Nam Thiên, gặp chúng Thần trên Trời đang nghênh tiếp bảng Trạng nguyên, cho nên mãi mới tấu trình được!"

Phú ông hỏi: “Vậy ai là Trạng nguyên?”

Đạo sĩ đáp: “Tôi không biết tên ông ta, nhưng trước con ngựa của vị Trạng nguyên có hai lá cờ, trên lá cờ có câu đối: 'Dục cầu nhân gian tử, khủng kinh Thiên thượng Thần’".

Từ chối nữ sắc được phúc báo. (Tranh zhiqing)

Không lâu sau, quả nhiên Vương Hoa đỗ Trạng nguyên, sau làm quan đến chức Thượng thư bộ Lại, lấy vợ họ Trịnh, vợ chồng hòa thuận. Khi Vương Dương Minh sắp sinh, bà của ông đã nằm mộng thấy ngôi nhà tràn ngập tiếng nhạc Tiên, cờ phướn bay phấp phới, một đám Tiên nhân cưỡi mây lành đưa một đứa trẻ đến nhà. Bà nghe thấy một Thiên Thần nói lớn: “Quý nhân đã đến”. Sau đó các Tiên nhân cưỡi mây ngũ sắc mà đi.

Bà của ông đột nhiên tỉnh dậy và nghe thấy tiếng khóc, người hầu báo rằng Trịnh phu nhân đã sinh hạ một cậu con trai tên là Vương Dương Minh. Vương Dương Minh cả đời dốc sức khuyến học, khuyến thiện, chủ trương thúc đẩy lương tri, Ông cũng để lại nhiều câu cách ngôn, chẳng hạn như:

"Sở dĩ có người là bậc Thánh nhân, là do họ thuần thiện hợp với Thiên lý, chứ không phải sức lực, tài năng. Vì vậy, ngay cả một người bình thường, nếu có chí học hỏi, trong tâm luôn thuần thiện hợp với Thiên lý, người đó cũng có thể là một thánh nhân”;

“Trời đất tuy lớn, nhưng trong lòng người luôn hướng thiện, có lương tri, thì ngay cả phàm phu tục tử cũng có thể trở thành Thánh hiền”.

Thư sinh cải biến vận mệnh nhờ hành thiện tích đức

Vào thời nhà Thanh, có một thư sinh ở Hồ Bắc tên là Lý Sinh. Anh vừa giỏi viết văn, vừa tinh thông võ nghệ, nổi tiếng khắp vùng. Sau khi biết chuyện này, Trương Tri phủ vô cùng mến mộ tài năng của anh. Về văn chương, anh là người đạt vị trí thứ nhất, về thi đấu võ thuật, anh cũng giành được giải nhất trong vùng.

Mọi người đều nghĩ rằng nếu Lý Sinh vào kinh ứng thí thì sẽ không khó khăn gì. Lý sinh đến kinh đô dự thi, nhận giấy báo khảo thí, hôm đó trời mưa rất to, anh đi giày đinh. Sau khi đặt bài thi lên án, anh cúi đầu sửa lại giày, bài thi rơi xuống đất, anh sửa xong giày thì nhìn không thấy bài thi đâu nữa, trong lúc vội vàng, bài thi đã bị dẫm nát. Anh đã khóc và trình bày với giám thị, nhưng vì trường thi chưa có tiền lệ cho phép đổi bài, khảo thí không đồng ý nên anh đành rời khỏi phòng thi. Đến lúc tham gia phần thi võ thuật, anh lại bị thương do ngã ngựa, nên cũng không thể tham gia khảo thí. Như vậy cuộc thi văn võ lần trước coi như vô dụng.

Trở về quê cuộc sống rất nghèo túng, bạn bè thân quyến tìm cho anh anh công việc ở làng bên, anh vác hành lý trên lưng đi nhậm chức. Nào ngờ, ban đêm lũ từ trên núi ập xuống, bản làng bị lũ cuốn trôi, người trong thôn vội vã chạy trốn khắp nơi. Hành lý và sách vở của anh cũng bị cuốn trôi hết, chỉ mỗi thân mình thoát nạn trở về ngôi nhà nghèo khó.

Lúc này, Trương Tri phủ đã được chuyển đến Quảng Đông, Trương Tri phủ là người đã từng mến mộ Lý Sinh. Lý Sinh liền trèo đèo lội suối đi đến Quảng Châu tìm gặp Trương Tri phủ, xin ông thu nhận, không may nhà Trương Tri phủ lại có tang nên ông ấy vừa về quê được vài ngày. Lý Sinh lại vội vàng lên đường, rồi cũng đuổi kịp Trương Tri phủ đang trên đường đi. Trương Tri phủ thương xót nói với anh: "Tại sao anh lại nghèo đến nông nỗi này chứ? Tôi đang có việc hiếu nên không có gì để tặng anh. Con trai trưởng của tôi làm quan ở Hàng Châu, trong phủ đang thiếu người, tôi sẽ viết một lá thư, anh hãy mang đến cho nó, với tài năng của anh có thể tạm thời an thân ở Hàng Châu”.

Lý Sinh vội vã đến Hàng Châu, thì đúng lúc con trai của Trương Tri phủ đang ốm nặng, gia đình tạm thời bố trí Lý Sinh ở phòng ngoài, chỉ vài ngày sau, con trai của Trương Tri phủ qua đời vì bạo bệnh. Lý Sinh không không có người thân thích, nên lại phải rời Hàng Châu.

Anh làm theo lời của Đạo nhân, đọc kinh sách, tu thân hướng thiện, dạy học và giáo hóa dân chúng trong làng hướng thiện. (Tranh winnie wang)

Trên đường trở về quê hương, Lý Sinh nghĩ rằng đời mình đã nhiều phen trắc trở, lần nào cũng có kỳ ngộ, nhưng lần nào cũng thành bánh vẽ, lòng cảm thấy thật bất bình. Lúc này, một Đạo sĩ có bộ râu và lông mày dài tiến đến, Lý Sinh không kìm được nước mắt kể với Đạo sĩ về cuộc đời của mình, giãi bày về những thống khổ trong cuộc đời.

Đạo sĩ nói: "Trời không thiên vị bất kỳ ai, mọi việc trên đời đều có quan hệ nhân duyên, nhân quả xoay vần, thiện ác hữu báo, phúc đức là do tích đức hành thiện mà tu thành. Con chỉ có cách cải biến bản thân, từ nay trở đi, nhớ tu dưỡng đạo đức, làm việc thiện, đọc sách hay, nghĩ đến lợi ích của người khác, như vậy thì có thể tiêu tai giải nạn, đắc được phúc báo. Vậy thì làm sao còn phải phàn nàn về những bất công?"

Lý Sinh nói: "Làm sao con có tiền để làm việc thiện bây giờ?"

Đạo sĩ trả lời: "Mấu chốt nằm ở tấm lòng. Trong lòng con cần có thiện niệm và tận tâm giúp đỡ người khác".

Lý Sinh sực tỉnh vì điều này, từ đó, anh làm theo lời của Đạo nhân, đọc kinh sách, tu thân hướng thiện, dạy học và giáo hóa dân chúng trong làng hướng thiện. Chẳng bao lâu sau anh đỗ Tiến sỹ, về sau, cả đời hướng thiện.

Vậy cũng nói, hành thiện tích đức mới là căn bản của phúc phận, ngược lại, làm điều ác thì sẽ tạo nghiệp, đó là gốc rễ của ác báo.

Đức Nhã
Theo Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Phúc phận của con người đến như thế nào?