Quà của đức tin: Mang thai vì bị cưỡng bức, người mẹ trẻ từ chối phá thai, và giao con cho một gia đình sùng đạo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cần làm gì để biến một hành động xấu xa thành một hành động đầy yêu thương? Một nữ sinh đại học đã mang thai ngoài ý muốn vì bị hãm hiếp, cô đã dựa vào đức tin của mình mà quyết định trao sự sống cho sinh linh đang lớn dần lên trong bụng của cô, cô đã chọn giữ đứa bé và gửi làm con nuôi thay vì phá bỏ thai. Và để tặng cho cậu con trai một món quà từ đức tin, người mẹ trẻ đã chọn một gia đình sùng tín vào Chúa.

Cô Kathleen Folan là con gái của một người cha làm luật sư và người mẹ làm nội trợ. Cô lớn lên tại Spokane, Washington, và là con trưởng của gia đình bốn người con được nuôi dưỡng trong sự thành kính đối với đạo Thiên Chúa. Hiện, cô là Giám đốc mục vụ gia đình và giới trẻ tại Nhà thờ Công giáo Thánh Đa Minh ở San Francisco, California, nơi cô sống cùng chồng và ba người con.

Cô Kathleen chia sẻ với The Epoch Times rằng: “Đức tin là điều quan trọng nhất trong gia đình chúng tôi khi tôi lớn lên và đến giờ vẫn vậy. Tôi đã nghĩ về giấc mơ Mỹ: học đại học, có một sự nghiệp thành công, kết hôn và sinh con.

"Khi biết mình mang thai, tôi đã sốc. Đó không phải là kế hoạch của tôi. Nhưng tôi cũng nhận thức rằng một sinh mệnh đang hình thành, nó sẽ có hơi thở đầu tiên, nụ cười đầu tiên, những bước đi đầu tiên, ngày đầu tiên đến trường mầm non và tất cả những bí ẩn ngạc nhiên mà cuộc sống mang lại, nó đang hiện diện trong tôi! Chúa đang giao phó đứa bé này cho tôi vì những lý do nào đó, và tôi phải mang đến cho nó cuộc sống tốt nhất có thể… Tử cung phải nên là nơi an toàn nhất chứ không phải là nơi nguy hiểm nhất. Những người làm mẹ nên bảo vệ các con và đấu tranh cho quyền lợi của chúng chứ không phải huỷ diệt chúng”.

Kathleen pregnant with her son Nathan in 1990.
Cô Kathleen đang mang bầu con trai Nathan năm 1990. (Ảnh: Kathleen Folan)

Điều không mong muốn

Vào năm 1990, giấc mơ của cô Kathleen bị sụp đổ một cách tàn nhẫn. Khi ấy cô đang là một sinh viên 20 tuổi ở Học viện Ignatius, tham gia chương trình Great Book có trụ sở tại trường Đại học San Francisco. Cô đã bị khóa không vào được căn hộ của mình nên đã tìm một nơi trú tạm thông qua một người mới quen, cho tới khi cô liên lạc được với người bạn cùng phòng.

Cô Kathleen nói rằng: “Tôi không nhận ra mình đang đưa chân vào chỗ nguy hiểm. Anh ta nấu bữa tối cho tôi, chúng tôi uống bia và đến bữa tiệc ở khuôn viên trường. Nhưng tôi đã không được vào vì chưa đủ tuổi, vì vậy anh ta đưa chìa khoá nhà cho tôi và nói rằng tôi có thể ngủ trên giường của anh ta và anh ta sẽ ngủ trên ghế sofa. Khi về nhà lúc nửa đêm, anh ta đã cưỡng bức tôi”.

Sáng hôm sau, cô Kathleen đã rất sốc. Cô đã không nói với ai và đi tắm, hy vọng “gột rửa đi tất cả”. Chỉ có mỗi người quản lý chỗ cô làm việc nhận ra sự bất thường ở cô, nhưng cô khăng khăng rằng cô rất ổn. Cô nói tiếp: “Tôi đã không kể cho ai về chuyện này, hy vọng nó sẽ qua đi”.

Kathleen with newborn Nathan
Cô Kathleen và cậu con trai mới sinh Nathan. (Ảnh: Kathleen Folan)

Một tháng sau, cô bị buồn nôn nhiều ngày. Không thể làm ngơ, cô nói với một người bạn cùng phòng.

Cô Kathleen tiếp tục chia sẻ: “Cô bạn đã đùa rằng, ‘Có thể cậu có thai rồi đó!’ và cười. Lúc đó, tôi đang tham gia Thánh lễ hằng ngày và suy nghĩ về cuộc sống tu trì, vì vậy cô bạn ấy biết rằng tôi sẽ không để cho mình rơi vào tình huống có thai. Tôi chợt nhớ lại đêm hôm đó và biết rằng có thể cô ấy nói đúng. Sáng hôm sau tôi đã thử kiểm tra và kết quả là có thai".

Khoảng 11 đêm liên tiếp sau đó, cô Kathleen đã tránh nói chuyện với ba mẹ. Nhưng cuối cùng cô vẫn phải đối mặt, cô đã nhận được tình yêu thương và sự trấn an của ba mẹ, họ thậm chí còn đề xuất nuôi đứa bé và hứa sẽ luôn ủng hộ bất kỳ quyết định quan trọng nào của cô.

Epoch Times Photo
Cô Kathleen và bé Nathan. (Ảnh: Kathleen Folan)

Ý nguyện của Chúa

Đối với cô Kathleen, con trai chính là ý nguyện của Chúa, và cô biết rằng có một gia đình nào đó đang rất mong mỏi và cầu nguyện được ban cho một đứa trẻ, họ sẽ chấp nhận đứa bé và "chuyển biến hoàn cảnh ảm đạm thành điều tốt đẹp và mang lại ý nghĩa cho nó”.

Cô chia sẻ thêm: “Phá thai không bao giờ là sự lựa chọn của chúng tôi. Từ thời điểm thụ thai, khi tinh trùng đi vào trứng và hợp tử được hình thành, một cá thể độc đáo mới với di truyền ADN độc đáo đã được hình thành. Không có gì khác cần bổ sung cho sự phát triển của nó, ngoại trừ chất dinh dưỡng. … Đây là khoa học, và con người có thể tự dối mình về tất cả những gì họ làm và biện minh cho sự huỷ hoại có chủ đích đối với sinh mệnh này - nhưng rõ ràng rằng phá thai chính là giết những sinh linh yếu đuối nhất.

“Có nhiều người, thậm chí cả những người được gọi là người bảo vệ quyền được sống của thai nhi (pro-life) cũng nghĩ rằng cưỡng bức có thể là lý do để cho phép người mẹ phá thai. Việc giết một đứa trẻ còn chưa được sinh ra sẽ không thể nào thay đổi việc bị cưỡng hiếp nhưng nó sẽ tăng thêm tội lỗi cho người mẹ. Án tử hình đó là hành vi trừng phạt đứa trẻ vì lỗi của người cha, và trao cho anh ta ‘sự ra đi’ mà anh ta hằng mong muốn”.

Kathleen handing Nathan to the Sullivan family on adoption day
Cô Kathleen bế Nathan đến gia đình Sullivan vào ngày họ nhận nuôi bé. (Ảnh: Kathleen Folan)
Kathleen and the Sullivans at the airport
Cô Kathleen và gia đình Sullivan ở sân bay. (Ảnh: Kathleen Folan)

Mẹ của cô Kathleen vốn cũng là con nuôi và bà đã gặp mẹ ruột lần đầu khi cô Kathleen 8 tuổi. Bà đã chứng kiến câu chuyện và cảm thấy nó “thật tuyệt vời”. Mẹ của cô Kathleen cũng được biết rằng khi đang mang thai mình, mẹ của bà đã từng cố bỏ bà 3 lần.

Cô Kathleen nói: “Chúng tôi thật biết ơn Chúa vì phá thai là điều bất hợp pháp vào năm 1945, nếu không mẹ tôi và các con của mẹ sẽ không có cơ hội tồn tại”.

Cô nói tiếp: “Trong suốt thời gian mang thai, tôi đã nghĩ rằng có đến 90% khả năng là tôi sẽ gửi bé làm con nuôi, và khoảng 10% còn lại là tôi sẽ tự nuôi. Vì tôi liên tục cân nhắc về quyết định trọng đại này, Chúa đã gửi cho tôi một thông điệp rằng tôi nên gửi con cho một gia đình khác. Tôi còn đang học đại học và thật khó để tự lo cho mình chứ chưa kể đến người khác. Tôi không có mối quan hệ nào với cha của đứa bé hoặc với người đàn ông nào khác, vì vậy con tôi cũng sẽ không có cha”.

Tưởng tăm tối nhưng lại hoá chuyện vui

Nhờ vào việc tìm hiểu hàng trăm hồ sơ của các gia đình, cô Kathleen đã hiểu ra các giá trị cốt lõi mà cô trông đợi. Cô muốn con trai cô phải được gửi đến một gia đình theo đạo Thiên Chúa, ba mẹ là những người coi trọng cả việc giáo dục và môi trường phát triển với nhiều tiếng cười, và mẹ là người nội trợ để có thể chăm sóc con trai chu đáo. Bằng những giá trị này, cô Kathleen cũng đã tìm thấy hồ sơ của gia đình chồng tương lai của cô.

Về cặp vợ chồng đầu tiên mà cô Kathleen chọn, họ đã mang thai sau 13 năm hiếm muộn, ngay trước khi cô gặp họ. Cô đã nhờ họ giúp cô chọn một gia đình mới và bản thân cô cũng tự liên hệ với một thầy tu. Cả hai bên đã đến gặp cô Kathleen trong 1 tuần sau đó, và đưa cho cô cùng một đáp án: Gia đình Barry và Liz Sullivan ở Maryland, Washington.

Cô nói: “Anh Barry là kỹ sư hạt nhân, còn chị Liz là kế toán viên làm việc bán thời gian cho nhà thờ của cô ấy. Họ đã cùng đứa con gái nuôi 5 tuổi đến Spokane để gặp gia đình tôi và tôi trong vài ngày, và cảm giác như thể chúng tôi đã biết nhau từ lâu vậy”.

Trước ngày sinh vài tuần, cô Kathleen cùng mẹ đến một hiệu sách và một cái tên bỗng xuất hiện trong đầu cô: Nathan, nghĩa là ‘món quà từ Chúa’. Cô Kathleen đã không nói về điều này, cô muốn gia đình Sullivan sẽ chân thành đặt tên cho con trai của họ, nhưng cô Liz đã nói rằng họ đang phân vân giữa hai cái tên: Jason và Nathan.

Cô Kathleen chia sẻ tiếp: “Trái tim tôi đập mạnh hơn và tôi nói với cô ấy về hiệu sách. Cô ấy đã nói ‘Vậy sẽ đặt tên là Nathan!'. Tôi tin rằng Chúa đặt tên cho mỗi chúng ta và truyền cảm hứng cho những người đặt tên cho chúng ta”.

Nathan as a boy
Nathan lúc nhỏ. (Ảnh: Liz Sullivan, thông qua Kathleen Folan)

Sự bình yên

Cô Kathleen sinh Nathan ở Spokane với những người thân xung quanh. Cô sợ rằng mình sẽ làm tan nát trái tim cha mẹ mình khi đặt đứa cháu của họ vào vòng tay của một người mẹ khác, nhưng cô và cha mẹ cô đều rất bình tĩnh. Sự yên bình tràn ngập căn phòng khi cô Kathleen “ôm và yêu” đứa con của mình.

Cô đã ở cùng Nathan hai đêm trong bệnh viện và bốn ngày ở nhà để làm quen và giới thiệu con với gia đình. Gia đình Sullivan đến vào ngày thứ ba.

Cô Kathleen kể lại: “Chúng tôi đã rửa tội cho con vào ngày thứ tư và tổ chức một buổi lễ trao con, nơi anh Barry chào đón tất cả chúng tôi tới gia đình của họ và nói rằng chúng tôi có thể đến thăm, gọi điện hoặc viết thư bất cứ khi nào chúng tôi muốn. Thật cảm động và đẹp đẽ”. Nếu không có Chúa, cô không chắc rằng cô sẽ có được cảm giác bình yên với quyết định của mình.

Nước mắt của cô Kathleen tuôn rơi vào ngày thứ sáu khi cô đặt Nathan vào vòng tay mẹ nuôi của cậu. Cô kể lại: “Tôi đã khóc nức nở vì mất mát, và trong nước mắt [chị Liz] đã thốt lên: 'Cảm ơn', điều mà tôi chưa từng nghe thấy trước đây”. Cô Kathleen đã ôm con trong khi việc nhận con nuôi được hoàn tất tại tòa án, và tiễn con ra sân bay.

Cô chia sẻ tiếp: “Tôi không nhớ điều này, nhưng mẹ và em trai tôi nói rằng sân bay rất im lặng như thể mọi người đều biết chuyện gì đang xảy ra, những người lạ cũng đã khóc và cầu nguyện. Mẹ và em đã phải dìu tôi rời sân bay. Sau khi về nhà, tôi đã khóc nhiều ngày”.

Cô Kathleen đã rất đau buồn. Cô phải vật lộn với “cơ thể sau sinh” của mình. Cô đã dạy học tại một trường Kinh thánh trong kỳ nghỉ cho trẻ em để giữ cho đầu óc bận rộn và trở lại trường đại học chưa đầy hai tháng sau khi Nathan chào đời, nhưng cô đã âm thầm khóc hàng đêm. Khi anh Barry mời cô đến thăm vào kỳ nghỉ xuân, khi ấy Nathan mới 10 tháng tuổi, cô “nghĩ rằng anh ấy đùa” nhưng vẫn đi. Hóa ra nó giúp cô có thêm sự gần gũi nên có.

Cô nói: “Vào giây phút tôi bước vào ngôi nhà của họ trên một con đường cụt xinh xắn và nhìn thấy người chị gái đang chơi với Nathan, nhìn thấy ngôi nhà thân thương mà tôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có được, tôi hoàn toàn yên tâm với quyết định của mình. Tôi không còn khóc mỗi đêm nữa, và tôi rất vui vì mình đã đến đây".

Nathan at his Eagle Scout ceremony, with his adoptive mom, Liz
Anh Nathan (giữa) tại buổi lễ Hướng đạo Eagle, với mẹ nuôi của anh ấy, cô Liz. (Ảnh: Liz Sullivan qua Kathleen Folan)

Sự mạnh mẽ và may mắn

Cô Kathleen gặp người chồng tương lai của mình là anh Luis tại trường đại học. Cả hai đều tham gia chương trình Great Books và câu lạc bộ bảo vệ quyền được sống của thai nhi, và tham dự Thánh lễ hàng đêm. Nhưng chính câu chuyện của cô Kathleen đã củng cố tình cảm của chồng cô.

Cô Kathleen nói: “Chúng tôi đã tham dự một bữa tiệc bể bơi và đang ngồi trên một chiếc xe tải để quay lại trường. Anh ấy ngồi ở hàng ghế phía sau tôi và thấy tôi khoe những bức ảnh trong chuyến đi với cô bạn. Anh ấy hỏi trong ảnh có phải là em trai tôi không, và cô bạn tôi buột miệng nói rằng đó là con trai tôi. Chồng tôi nói rằng trái tim anh ấy như tan vỡ".

Cô tiếp tục: “Sau đó, tôi giải thích rằng tôi đã gửi con cho gia đình khác nuôi hơn 10 tháng trước và vừa đến thăm con và gia đình mới của con tại nhà của họ. Ngay lúc đó, trong tâm trí anh ấy đã nói rằng anh ấy sẽ cưới tôi. … Tôi đã lo lắng rằng mình sẽ không bao giờ tìm được một người đàn ông Công giáo tốt muốn kết hôn với tôi vì tôi đã có con, nhưng tôi đã tìm được một người đàn ông yêu tôi vì quyết định của tôi”.

Hai người đã kết hôn và chào đón ba đứa con. Cô Kathleen vẫn trao đổi thư từ, quà tặng và điện thoại với Nathan khi nhiều năm trôi qua nhưng không gặp lại anh cho đến khi Nathan 17 tuổi. Họ “ngay lập tức gắn kết với nhau” và những đứa con của cô Kathleen rất yêu quý anh ấy.

Epoch Times Photo
Cô Kathleen và anh Luis. (Ảnh: Kathleen Folan)
Epoch Times Photo
Cô Kathleen cùng con trai Nathan. (Ảnh: Kathleen Folan)

Khi anh Nathan chuyển đến khu vực vịnh San Francisco năm 21 tuổi, anh trở nên thân thiết hơn với gia đình ruột của mình, thậm chí còn mời họ đến dự đám cưới của mình. Anh ấy đã truyền cảm hứng cho những người anh em cùng mẹ khác cha của mình tiếp bước anh và trở thành Hướng đạo sinh Eagle. Họ cũng học cùng trường đại học và vẫn gặp anh Nathan hàng tuần.

Bây giờ khi đã là một kỹ sư phần mềm, anh Nathan nói với kênh Live Action trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Câu chuyện của mẹ tôi và câu chuyện của tôi cho thấy rằng những quyết định mà bà đưa ra không nhất thiết có nghĩa là cuộc đời bà sẽ bị lạc lối. Chính nó đã làm thay đổi? Chắc chắn rồi. Nhưng mẹ có sức mạnh, bà được ban cho may mắn để nhặt những mảnh vỡ và tiếp tục tiến về phía trước”.

Cô Kathleen chia sẻ với The Epoch Times rằng: “Tôi không dám mơ ước một ngày nào đó câu chuyện của chúng tôi lại trở nên tốt đẹp đến thế. Một gia đình giống như hiện nay, rằng tôi sẽ tìm được một người chồng tuyệt vời hơn người đàn ông trong mơ của mình, rằng chúng tôi sẽ có ba đứa con xinh đẹp và rằng các con trai của tôi sẽ trở nên thân thiết với Nathan”.

Kathleen with her husband and children at Nathan's wedding
Cô Kathleen cùng chồng và các con tại đám cưới của anh Nathan. (Ảnh: Kathleen Folan)

Cô Kathleen khẳng định rằng, những người phụ nữ mạnh mẽ hơn những gì mà những người vận động hành lang phá thai nói với họ. Đối với mọi bà mẹ tương lai, cô nhấn mạnh rằng Chúa “yêu sự sống quý giá đang hình thành trong bạn”, bất kể là tình huống nào khiến bạn mang thai.

Cô Kathleen nói: “Hãy yêu thương đứa bé này và biết rằng nó đến là để tồn tại trên thế giới này. Hãy làm mọi thứ trong khả năng của bạn để mang lại cho con một cuộc sống tốt nhất có thể, cho dù đó là tự mình nuôi con hay gửi con vào một gia đình yêu thương khác, những người luôn mong mỏi và sẽ yêu thương con bạn rất nhiều, cũng như sẽ đáp lại tình yêu của bạn”.

Theo Louise Chambers - The Epoch Times

Du Du biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quà của đức tin: Mang thai vì bị cưỡng bức, người mẹ trẻ từ chối phá thai, và giao con cho một gia đình sùng đạo