Quy luật 'Lịch sử luôn lặp lại' liệu có ứng với Ukraine?

Giúp NTDVN sửa lỗi

"Những kẻ mà không nhớ đến lịch sử, thì ắt sẽ lặp lại nó" là một câu châm ngôn về tầm quan trọng của lịch sử của triết học gia người Mỹ gốc Tây Ban Nha nổi tiếng George Santayana. Nhân loại cần quay lại tìm hiểu quy luật của lịch sử thì mới có thể lý giải được bản chất của các sự kiện đang diễn ra trên thế giới.

Có rất nhiều bằng chứng phần lớn mang tính giai thoại chứng minh rằng, người Úc không hiểu về những diễn biến lịch sử đã hình thành nên thế giới mà họ đang sống. Khi không có sự tò mò về lịch sử, người ta sẽ không biết cũng như không hiểu lịch sử của chính họ và cội nguồn của nền văn minh phương Tây, nơi mà số phận của họ đã được kiến tạo kể từ đó.

Như vậy, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta có thể đưa ra các chiến lược và chính sách mà họ cho là hợp lý, song lại không thể giải quyết được gốc rễ của các tệ nạn của xã hội.

Mặc dù câu châm ngôn của triết học gia George Santayana là một trong những tuyên bố được trích dẫn và diễn giải nhiều nhất trong giới học thuật, nhưng đó chưa phải là nhận xét gây chú ý duy nhất về vai trò của lịch sử.

Tổ chức giáo dục quốc tế Nord Anglia Education đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu lịch sử và đưa ra những lý do thuyết phục tại sao điều này là tối quan trọng trong việc lý giải được bản chất của các sự kiện trên thế giới.

Tổ chức này cho biết: “Thông qua lịch sử, chúng ta có thể tìm hiểu cách các xã hội, hệ thống, hệ tư tưởng, chính phủ, văn hóa và công nghệ trong quá khứ được xây dựng, cách chúng vận hành và chúng đã thay đổi như thế nào. Lịch sử phong phú của thế giới giúp chúng ta vẽ nên một bức tranh chi tiết về vị thế của chúng ta ngày nay”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, lịch sử chứa đầy những dấu hiệu cảnh báo, giúp giải thích hoặc thậm chí dự đoán các sự kiện sẽ diễn ra trên thế giới. Ví dụ, lịch sử của Đức Quốc xã có thể dự báo cho các nhà lãnh đạo về những nguy cơ liên quan đến khuynh hướng bành trướng của một quốc gia và những nỗi kinh hoàng kèm theo. Cụ thể, việc xem xét tham vọng bành trướng của Đức Quốc xã có thể lý giải được căn nguyên của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, vốn cũng được thúc đẩy ít nhiều bởi mong muốn mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Sự tương quan lâu dài của lịch sử cũng có thể được xét thấy trong xu hướng bành trướng của Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh này, chúng ta có thể tham khảo những lời hứa hẹn một cách thiếu cân nhắc mà bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen đã đưa ra trong chuyến thăm Kyiv gần đây để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Trong chuyến thăm của mình, bà nói rõ rằng Nga sẽ phải đối mặt với “sự suy tàn” vì các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, trong khi Ukraine có một “tương lai châu Âu tươi sáng”. Cụ thể, bà nói rằng "Nga sẽ suy thoái về kinh tế, tài chính và công nghệ trong khi Ukraine đang tiến tới một tương lai châu Âu tươi sáng".

Ảnh của Epoch Times
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chào mừng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khi họ tham dự hội nghị thượng đỉnh Đối tác phương Đông tại Brussels, Bỉ, vào ngày 15/12/2021. (Ảnh Getty Images)

Trong chuyến thăm của mình, bà von der Leyen cũng cam kết rằng Liên minh Châu Âu sẽ hỗ trợ cho Ukraine một sự khởi đầu nhanh hơn để trở thành thành viên chính thức của Liên minh. Bà đưa cho ông Zelenskyy một bảng câu hỏi, hoàn thành bảng câu hỏi này sẽ bắt đầu quá trình đăng ký thành viên. Bà nói: “Đây không phải là vấn đề tính theo năm” để đưa ra ý kiến ​​về tư cách thành viên EU, “tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề của vài tuần".

Vì một số lý do, cam kết này là một bước đột phá vô trách nhiệm nhắm vào quan hệ quốc tế. Thứ nhất, chính việc Ukraine hợp tác với phương Tây để trở thành thành viên của EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã dẫn đến cuộc xung đột chết chóc với Nga. Do đó, khi bà von der Leyen đánh dấu việc kết hợp Ukraine với các liên minh phương Tây, có thể đã ủng hộ một chính sách bành trướng, vốn được coi là mối đe dọa đối với phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Thứ hai, cam kết này gây hiểu lầm một cách tàn nhẫn vì nó bất khả thi trong việc đẩy nhanh quá trình đăng ký trở thành thành viên của một Liên minh. Có rất nhiều rào cản cần phải vượt qua, và trong mọi trường hợp, 27 thành viên của EU sẽ cần phải chấp thuận đơn xin gia nhập liên minh của Ukraine, đồng thời nó phải phù hợp với các điều khoản hiến pháp của riêng họ.

Thứ ba, cam kết chứng minh rằng các quan chức của Liên minh Châu Âu đã học được rất ít bài học từ lịch sử. Trong lịch sử, các đế chế phát triển cho đến khi chúng phình to và cuối cùng sụp đổ, đặc biệt là khi tham vọng của họ đụng độ với các đế chế đối thủ. Đây là bài học kinh nghiệm từ đế chế được xây dựng bởi Alexander Đại đế vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và Đế chế Tây La Mã — đã suy yếu vào thế kỷ thứ III do dịch bệnh — sụp đổ vào năm 476 sau Công nguyên. Kế đến là sự sụp đổ của Đế chế Byzantine khi Constantinople rơi vào tay Đế chế Ottoman vào ngày 29/5/1453. Bản thân Đế chế Ottoman tồn tại cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ I.

Người dân khảo sát đống đổ nát sau khi Nga bắn tên lửa vào khu dân cư Vynohradar ở quận Podilskyi của Kyiv, Kyiv, Ukraine, ngày 18/3/2022. Vụ tấn công khiến một người thiệt mạng và 19 người khác bị thương, trong đó có 4 trẻ em. (Ảnh Getty Images)

Liên minh châu Âu là một ví dụ thời hiện đại về một đế chế, do xu hướng tập trung hóa, sự quan liêu và xu hướng bành trướng, tất cả đã nuôi dưỡng những bất ổn bên trong và trải qua các mối đe dọa từ bên ngoài, khiến cho sự tồn tại của nó trở nên chông chênh. Nếu vậy, “sự suy tàn” mà bà von der Leyen nói đến sẽ không chỉ giới hạn ở Nga mà ngược lại, có thể ảnh hưởng đến chính tổ chức này.

Lịch sử cũng cho chúng ta biết rằng, các cuộc chinh phạt thường kích động sự di cư hàng loạt. Ứng với trường hợp của Ukraine, dòng người tị nạn tháo chạy khỏi cuộc đàn áp, chiến tranh, bom đạn, chiếm đóng và thiếu thốn, gợi nhớ đến một thực tế rằng, trong suốt dòng lịch sử, người dân đã rời bỏ đất nước của mình để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, một nơi mà họ không bị phân biệt đối xử, ngược đãi và đầy cơ cực.

Nhưng lịch sử cũng chứa đầy những câu chuyện về những người tị nạn thất vọng một cách tràn trề khi họ đặt chân đến một miền đất hứa nhưng lại thiếu an toàn với điều kiện sống tồi tệ. Do đó, dòng người tị nạn hiện nay từ Ukraine là một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng, lời khuyên của triết học gia George Santayana 'lịch sử lặp lại chính nó' là hoàn toàn chính xác.

Nhân loại cần phải học hỏi từ những sai lầm đã gây ra trong quá khứ. Chúng ta cần phải chống lại và đặt câu hỏi về những xu hướng phát triển tiêu cực, đặc biệt là khi các mô hình tương tự trong quá khứ đang được tái hiện.

Câu châm ngôn vượt thời gian của triết học gia Santayana khuyến khích chúng ta nên nghiên cứu lịch sử để có thể lý giải về những sự kiện đang diễn ra trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh như hiện tại. Bởi vì, vạn sự vạn vật đều có quy luật của nó, và lịch sử cũng không ngoại lệ.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, Á Châu, Âu Châu, và Hoa Kỳ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”) (NXB Boolarong Press, 2020) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”) (NXB Connor Court Publishing, 2021).

Huyền Anh



BÀI CHỌN LỌC

Quy luật 'Lịch sử luôn lặp lại' liệu có ứng với Ukraine?