Sau 3 năm bị bắt cóc, cậu bé ăn xin 6 tuổi đã nhận ra mẹ của mình trên đường phố (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong xã hội ngày nay, buôn bán trẻ em đang trở thành một vấn nạn vô cùng nhức nhối. Các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý đến vấn đề này, cần luôn luôn theo sát các con, để những câu chuyện đáng tiếc sẽ không xảy ra nữa...

1. Câu chuyện của cô Vương

Đó là một buổi tối, cô Vương đang chuẩn bị bữa tối ở nhà trong khi con trai cô đang chơi ở cửa. Thế nhưng, sau khi nấu cơm xong và gọi con trai vào ăn thì cô phát hiện đứa trẻ đã biến mất.

Cô Vương nhận ra có điều gì đó không ổn nên đã ngay lập tức gọi điện báo cảnh sát và tích cực tìm kiếm tung tích của con trai, nhưng sau khi thử vô số phương pháp, cô vẫn không thể tìm thấy con mình.

Cho đến cách đây không lâu, khi cô đang trên đường đi chợ mua rau thì bỗng nhiên một đứa trẻ ăn xin từ đâu chạy đến ôm chầm lấy cô và không ngừng gọi to: "Mẹ ơi, mẹ ơi".

Vương ngay lập tức nhận ra đây chính là đứa con trai đã thất lạc 3 năm của mình! Dù có vài vết sẹo trên mặt và toàn thân lấm lem nhưng cô vẫn nhận ra con mình, không hề lẫm lẫn.

Tuy nhiên, cô đã đẩy đứa trẻ ra và lớn tiếng nói: "Ai là mẹ của cháu? Con của cô đang ở nhà! Đừng có nói nhảm, chỉ giỏi xin tiền thôi!".

Sau đó cô đưa cho cậu bé một ít tiền lẻ rồi vội vã rời đi.

Sau khi đi qua góc phố, cô Vương lập tức gọi điện báo cảnh sát. Cảnh sát đã chạy đến hiện trường và giải cứu con của cô cùng hơn chục đứa trẻ tội nghiệp khác.

Sau khi vụ việc xảy ra, cảnh sát khen ngợi cô Vương đã xử lý tình huống rất chính xác. Cách làm của cô không chỉ bảo vệ an toàn cho đứa trẻ, mà còn giúp cảnh sát bắt được kẻ buôn người và giải cứu thêm nhiều trẻ em bị bắt cóc.

Những kẻ buôn người thường sử dụng những đứa trẻ bị bắt cóc làm công cụ để ăn xin. Thậm chí, một số kẻ vô lương tâm còn cố tình bẻ tay, bẻ chân của những đứa trẻ, sau đó kéo các em đi ăn xin dọc đường để lấy thêm thiện cảm và sự bố thí.

Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải luôn canh chừng con cái thật cẩn thận, không nên để con rời xa tầm mắt của mình!

Đôi khi, bạn chỉ cần quay đầu đi một lát là đứa trẻ sẽ bị bắt đi ngay. Loại nguy hiểm này đã luôn rình rập quanh chúng ta trong suốt thời gian qua.

2. Những chiêu trò “kinh điển” của kẻ bắt cóc

(1) Cẩn thận khi đến trung tâm thương mại

Không có gì mà những kẻ buôn người không thể làm.

Vào ngày đầu năm mới, cô Tô và chị gái ở Thâm Quyến đã đưa con trai và con gái của họ đến trung tâm thương mại.

Trong trung tâm mua sắm đông đúc, một người đàn ông đột nhiên lao ra, không nói một lời mà bế lấy bé gái định rời đi. Thấy vậy, chị gái cô Tô hét lên: "Anh đang làm gì vậy?" và giằng lấy cháu bé.

Nhận thấy âm mưu bất thành, người đàn ông đành buông cháu ra, nói một câu "Tôi đùa" và muốn tẩu thoát khỏi hiện trường. May mắn thay, có nhiều người tốt bụng trong trung tâm thương mại đã ngăn chặn thành công người đàn ông này.

(2) Thuận tay dắt đi

Những kẻ buôn người sẽ lợi dụng việc cha mẹ của đứa trẻ không chuẩn bị trước, ngang nhiên cúi xuống và đưa đứa trẻ đi.

Trong đoạn video dưới, người đàn ông trung tuổi này đã nhắm mục tiêu vào cậu bé nhỏ hơn và thản nhiên kéo bé đi.

May mắn thay, anh trai của cậu bé phát hiện có điều gì đó không ổn nên vội vàng bước tới và kéo cậu bé lại.

(3) Vừa ăn cướp vừa la làng

Một người cha đang dắt con trai đi dạo thì bất ngờ có một người phụ nữ bước tới đưa tay ra định dẫn đứa trẻ đi.

Người cha muốn bước tới giật lại đứa con, nhưng không ngờ một nhóm kẻ xấu đã vây tứ phía, hô to: “Bắt lấy kẻ xấu! Giữ lấy đứa trẻ!”

Người cha không thể chống lại đám đông, đành bất lực nhìn đứa con bị giật mất...

(4) Nhập vai

Trường hợp điển hình nhất là kẻ xấu giả làm y tá và đến thẳng bệnh viện để cướp đứa trẻ.

(5) Vào nhà cướp người

Trong cửa hàng tiện lợi, bọn buôn người thấy xung quanh không có ai, nên đã trực tiếp bắt cóc cô bé đang trông cửa hàng.

Chúng có thể lợi dụng các phương tiện di chuyển nhanh như xe máy để đưa đứa trẻ đi ngay giữa ban ngày.

(6) Yêu cầu chỉ đường mà không có lý do

Kẻ buôn người thường nhắm mục tiêu vào những cụ ông cụ bà đi cùng cháu hoặc những bà mẹ có con nhỏ. Chúng sẽ tận dụng cơ hội để bắt đứa trẻ đi bằng cách giả vờ hỏi đường.

(7) Tạo ra mâu thuẫn

Kẻ buôn người giả vờ là người thân của cháu bé, cố tình tạo mâu thuẫn gia đình giữa đám đông, khiến người qua đường không biết rõ tình hình và không dám can thiệp, cuối cùng đưa cháu bé đi trước mặt gia đình.

3. Chúng ta nên làm gì để phòng tránh trẻ em bị bắt cóc?

(1) Xác định những nơi mà bọn buôn người thường phạm tội

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Phúc Đán đã tích hợp hơn 70.000 mẩu dữ liệu liên quan đến buôn bán trẻ em, và đi đến kết luận:

Những nơi trẻ dễ bị lạc nhất là bệnh viện và nhà ga.

Vì vậy, tốt nhất là các bà mẹ và người cao tuổi nên tránh đưa con em mình đến những nơi nguy hiểm này.

Ngoài ra, cũng xin lưu ý: Đừng bao giờ để con cái rời khỏi tầm mắt của bạn!

(2) Cẩn thận với mạng xã hội

Hầu hết các bậc cha mẹ, đặc biệt là các bà mẹ, thích đăng ảnh con em của mình lên mạng xã hội, đôi khi còn kèm cả định vị.

Có thể bạn chỉ muốn chia sẻ cuộc sống tốt đẹp của mình với bạn bè, nhưng có thể có một nhóm người trên mạng xã hội đang nhìn chằm chằm vào bạn với ánh mắt “ớn lạnh”.

Vì vậy, hãy thận trọng khi dùng mạng xã hội, đặc biệt là không đăng những thông tin cá nhân của con cái lên đây.

(3) Dạy trẻ cách từ chối

Trong mỗi buổi học giáo dục chống buôn người ở trường mẫu giáo, cô giáo thường kể cho các em nghe một tình huống “kinh điển”:

Xiaoli học lớp mẫu giáo đang đợi mẹ ở cổng trường khi tan học. Lúc này, có một người đàn ông lạ mặt đến gần và hỏi: “Chào cậu bé, ví của chú bị rơi ở đằng kia. Cháu giúp chú tìm nó nhé?”

Xiaoli gật đầu và nói đồng ý, nhưng cậu bé nói rằng mình muốn vào nhà vệ sinh trước.

Ngay lập tức, Xiaoli chạy vào nhà trẻ và nói với cô giáo: “Ông chú bên ngoài là kẻ xấu!”

Cô giáo bối rối, nhưng vẫn gọi điện báo cảnh sát. Hóa ra người đàn ông đó thực sự là một kẻ buôn người.

Sau đó, Xiaoli nói với chú cảnh sát rằng: “Mẹ cháu dạy cháu rằng người lớn sẽ không yêu cầu trẻ em giúp đỡ, trừ khi họ là kẻ xấu!”

Vì vậy, chúng ta hãy dạy cho con cái mình điều này: Tử tế là tốt, nhưng tử tế phải có chừng mực, đến lúc phải từ chối thì từ chối, vì người lớn không thể nhờ người yếu hơn mình giúp được.

(4) Phải làm gì khi trẻ đi lạc?

Nếu đứa trẻ bị mất tích, hãy gọi điện báo cảnh sát ngay, đừng chờ sau 24 giờ.

Một trong những trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ trẻ em tránh khỏi những mối nguy hiểm trong xã hội.

Trước khi chúng trưởng thành hoàn toàn, xin đừng để chúng rời khỏi tầm mắt của bạn, đây là điều quan trọng nhất.

Thanh Hương

Theo aboluowang.com



BÀI CHỌN LỌC

Sau 3 năm bị bắt cóc, cậu bé ăn xin 6 tuổi đã nhận ra mẹ của mình trên đường phố (Radio)