“Sau viêm phổi Vũ Hán, còn điều gì nữa?” Những trăn trở của giảng viên Diêm Liên Khoa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 21/2/2020, Diêm Liên Khoa (Yan Lianke) - nhà văn, giảng viên và chủ nhiệm khoa Văn hóa Trung Quốc tại Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông - đã có một bài giảng trực tuyến cho những sinh viên sau đại học về virus Vũ Hán, kí ức cộng đồng và những sáng tác sẽ nói về đại dịch này như thế nào. Dưới đây là toàn bộ bài giảng, được xuất bản lần đầu tiên trên trang ThinkChina.

***

Các trò thân mến,

Hôm nay là bài giảng trực tuyến đầu tiên của chúng ta. Trước khi bắt đầu, cho phép tôi lạc đề một chút.

Từ khi tôi còn nhỏ, mỗi khi tôi mắc cùng một lỗi đến 2-3 lần liên tiếp, cha mẹ tôi thường lôi tôi ra trước mặt họ, chỉ tay vào trán tôi và hỏi:

“Sao mày nhanh quên thế?!”

Trong suốt những ngày học tiếng Trung, bất cứ khi nào tôi không thuộc bài sau khi đã đọc đi đọc lại cả chục lần, giáo viên đều yêu cầu tôi đứng dậy, và hỏi tôi trước lớp:

“Sao em nhanh quên thế?!”

Khả năng ghi nhớ là mảnh đất cho những kí ức phát triển, và kí ức là trái cây của những mảnh đất ấy. Sở hữu kí ức và khả năng ghi nhớ khiến con người khác biệt so với động vật và thực vật. Đó là điều kiện đầu tiên để con người trưởng thành. Rất nhiều lần, tôi cảm thấy rằng, ghi nhớ kí ức thậm chí còn quan trọng hơn cả ăn uống, mặc quần áo và hít thở. Một khi chúng ta mất đi kí ức, chúng ta sẽ quên cả cách chúng ta ăn, sẽ mất đi khả năng cày những thửa ruộng. Chúng ta sẽ quên mất quần áo để ở đâu mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. Chúng ta sẽ tin rằng nhà vua cởi truồng trông còn đẹp hơn khi vận quần áo. Tại sao tôi lại nói về những điều này hôm nay? Bởi vì viêm phổi Vũ Hán, một thảm hoạ quốc gia và toàn cầu, đã không thể ngăn chặn; những gia đình chịu cảnh ly biệt và những tiếng khóc thương đã vang vọng khắp Hồ Bắc, Vũ Hán, và nhiều nơi khác. Nhưng, những bài ca chiến thắng đã nổi lên. Tất cả chỉ vì số liệu thống kê trông đã tốt đẹp hơn.

Những thi thể còn chưa lạnh ngắt và người dân vẫn đang tiếc thương. Nhưng, những kẻ ngoài kia đã hát những bài ca chiến thắng và mọi người sẵn sàng ngợi ca, “Ồ, thật là quang vinh và vĩ đại làm sao!”

Từ ngày virus Vũ Hán xâm chiếm cuộc sống của chúng ta tới giờ, chúng ta chẳng biết chính xác bao nhiêu người đã bỏ mạng, bao nhiêu người đã chết trong bệnh viện, và bao nhiêu người đã chết bên ngoài kia. Chúng ta thậm chí không có cơ hội để nghiên cứu về những thứ đó. Tồi tệ hơn, thời gian qua đi, những thắc mắc này sẽ trôi vào dĩ vãng, và mãi mãi trở thành một ẩn đố không lời giải. Chúng ta sẽ khiến thế hệ tương lai kế thừa một mớ hỗn độn giữa sự sống và cái chết, mà không ai có kí ức về nó.

Khi dịch bệnh kết thúc, chúng ta sẽ không được giống như thím Tường Lâm (một nhân vật trong tiểu thuyết của Lỗ Tấn, điển hình cho kiểu phụ nữ lao động u mê trong xã hội phong kiến cũ), kêu rên không thôi đứa con trai bị chó sói ăn thịt: “Tôi chỉ biết rằng những con thú hoang sẽ rình mò ngôi làng trong suốt mùa đông khi chúng chẳng có gì để ăn trên núi; nhưng tôi không nghĩ rằng chúng cũng làm vậy trong cả mùa xuân”. Nhưng chúng ta cũng không thể giống như AQ, lần nào cũng tự nhủ với bản thân rằng chúng ta là kẻ chiến thắng mặc dù bị đánh đập, sỉ nhục và dồn vào chỗ chết.

Kí ức không thể mang cho chúng ta sức mạnh để thay đổi thực tại, nhưng ít nhất nó cũng dấy lên trong tim chúng ta câu hỏi khi phải đối diện với dối trá.

Trong quá khứ và hiện tại, tại sao những thảm hoạ và đau khổ luôn rơi vào những cá nhân, gia đình, xã hội, thời đại, đất nước, lần này tiếp đến lần khác? Và tại sao những biến cố của lịch sử luôn phải trả giá bằng mạng sống của hàng vạn người dân thường? Giữa vô số nguyên nhân mà chúng ta không biết, không hỏi, và được yêu cầu không thắc mắc (mà chúng ta phải ngoan ngoãn nghe theo), thì chỉ có một nhân tố duy nhất có thể trả lời: nhân loại - tất cả chúng ta trong tập thể của mình, vô danh như kiến, vốn dĩ là những giống loài dễ quên.

Kí ức của chúng ta rồi sẽ bị chỉnh đốn, thay thế và xoá bỏ. Chúng ta sẽ nhớ những điều người khác bắt chúng ta phải nhớ, và quên những gì chúng ta được dặn không thể quên. Chúng ta im lặng khi được hỏi, và hát theo mệnh lệnh. Kí ức trở thành công cụ của thời đại, dùng để “rèn giũa" những kí ức của tập thể và quốc gia, và được hình thành từ những gì chúng ta được yêu cầu phải quên hay phải nhớ.

Hãy tưởng tượng xem: chúng ta không nói về những cuốn sách phủ bụi cũ kĩ đã chìm sâu vào quá khứ; mà hãy hồi tưởng lại những gì mới xảy ra 20 năm qua. Những sự kiện mà các trò, thế hệ sinh ra vào những năm 80 và 90, đã trải nghiệm và ghi nhớ: thảm hoạ quốc gia như AIDS, SARS và viêm phổi Vũ Hán. Đó là những đại nạn do con người tạo ra, hay là thảm họa thiên nhiên mà con người phải bất lực khi đối mặt với nó, như động đất ở Đường Sơn và Tứ Xuyên? Vậy thì tại sao yếu tố con người trong những thảm kịch quốc gia trước đây đều như nhau? Đặc biệt là, dịch SARS hoành hành 17 năm trước và sự leo thang của dịch bệnh Vũ Hán dường như đang diễn ra theo cùng một kịch bản. Những thảm kịch giống nhau tái hiện trước mắt chúng ta. Con người chỉ mong manh như những hạt bụi, chúng ta không thể tìm ra ai là đạo diễn, hay sở hữu chuyên môn sâu rộng để phục hồi và chắp nối những tư tưởng, ý niệm và sáng tạo của nhà biên kịch. Nhưng, khi chúng ta đứng trước màn tái hiện của vở kịch chết chóc này, chúng ta có nên một lần tự vấn lương tâm rằng, ta có những ký ức gì về biến cố đã xảy ra trong quá khứ mà ta là một phần trong đó?

Ai đã xoá sạch kí ức của chúng ta?!

Những kẻ hay quên, về bản chất, chỉ là những hạt bụi trên đường. Người ta có thể dùng đế giày giẫm đạp lên cách nào họ muốn.

Những kẻ hay quên, về bản chất, chỉ là những tấm gỗ ván bị cắt lìa khỏi cây đã mang cho chúng sự sống. Những chiếc cưa và rìu đã hoàn toàn kiểm soát vận mệnh của chúng trong tương lai.

Đối với chúng ta, những kẻ gắn ý nghĩa cuộc sống với tình yêu văn chương, và những người dựa vào những nhân vật trong văn chương Trung Hoa mà sống; với những sinh viên thạc sĩ của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông đang online này, và cả những nhà văn đã tốt nghiệp hoặc đang theo học tại lớp viết sáng tác chuyên nghiệp tại Đại học Nhân dân Trung Hoa, nếu chúng ta cũng bỏ rơi kí ức của mình về máu đổ và sự sống, thì ý nghĩa của việc viết lách là gì? Giá trị của văn học nằm ở đâu? Tại sao xã hội cần những nhà văn? Làm cách nào những trang viết không nghỉ, sự cần mẫn và cả những cuốn sách các trò sáng tác sẽ khác biệt với những con rối bị điều khiển bởi người khác? Nếu phóng viên không tường thuật lại những gì họ chứng kiến, và nhà văn không viết về những kí ức và cảm xúc; nếu con người trong xã hội có thể lên tiếng và biết lên tiếng luôn kể lại, đọc lại hay công bố mọi thứ trên tinh thần chính trị, vậy thì việc sống trên đời bằng chính máu thịt của mình còn ý nghĩa gì?

Thử tưởng tượng xem: nếu nhà văn Phương Phương không tồn tại ở Vũ Hán. Nếu bà không ghi lại những kí ức và cảm xúc của mình. Cũng không có hàng vạn người dân giống như Phương Phương gào thét cầu cứu sự giúp đỡ qua điện thoại. Thì chúng ta nghe thấy gì? Chúng ta đã nhìn thấy gì?

Giữa dòng chảy lớn của thời đại, kí ức của một người chỉ giống như bọt biển; thuỷ triều và những tiếng ồn sẽ cuốn chúng đi hoặc cẩn thận gạt bỏ chúng sang một bên, làm kí ức đó câm lặng bằng tiếng nói và ngôn từ, như thể chúng chưa bao giờ tồn tại. Than ôi, với sự chảy trôi của thời đại, mọi thứ sẽ chìm dần vào quên lãng. Máu thịt, thân xác và linh hồn chúng biến mất. Mọi thứ có vẻ đều ổn, nhưng điểm tựa nhỏ của sự thật có thể nâng đỡ thế giới đã biến mất. Và như thế, lịch sử trở thành bộ sưu tập của những huyền thoại, những câu chuyện tưởng tượng lạc đâu mất, không có nền tảng và vô căn cứ. Từ quan điểm này, điều quan trọng là ta có thể ghi nhớ, nắm giữ kí ức của chính mình mà không bị chỉnh đốn hay xoá sạch. Nó sẽ là một chút ít bằng chứng chúng ta có thể đưa ra khi nói lên sự thật. Nó đặc biệt quan trọng với những sinh viên trong lớp học sáng tác. Đa phần chúng ta được an bài để cống hiến sinh mạng cho việc viết lách, tìm kiếm sự thật và sống như một con người qua kí ức của chính mình. Nếu một ngày, ngay cả những người như chúng ta cũng mất đi kí ức và điều chân thực còn sót lại, thì liệu thế giới có còn sự thật, liệu mỗi cá nhân và lịch sử còn chân thực?

Thực tế là, ngay cả khi khả năng ghi nhớ của chúng ta cùng với kí ức không thể thay đổi thế giới, ít nhất nó còn giúp chúng ta nhận ra có gì đó không ổn khi phải đối diện với “những sự thật" đã được chỉnh sửa và kiểm soát. Giọng nói nhỏ bé bên trong chúng ta sẽ cất lên: “Điều này không đúng!”. Ít nhất, trước khi đại dịch thực sự sang bước ngoặt, chúng ta vẫn có thể nghe và nhớ những giây phút đau thương đầy nước mắt của những con người, gia đình và những kẻ bị bỏ bên lề giữa những khúc ca khải hoàn và những cuộc ăn mừng “chát chúa".

Kí ức không thể thay đổi thế giới, nhưng kí ức trao cho chúng ta một tấm lòng chân thật.

Tôi hi vọng rằng mỗi người ngồi đây, và tất cả những người đã trải qua thảm hoạ viêm phổi Vũ Hán sẽ trở thành những người ghi nhớ; những người rút ra kí ức từ những kí ức của chính mình.

Kí ức không trao cho ta sức mạnh thay đổi thực tại; nhưng ít nhất kí ức sẽ làm dấy lên câu hỏi trong trái tim khi chúng ta phải đối mặt với dối trá. Nếu một ngày Đại Nhảy Vọt lại tiếp diễn, và người ta quay trở về đắp lò nung ở sân sau, thì ít nhất kí ức có thể thuyết phục chúng ta rằng cát không thể nào biến thành sắt, và một mẫu ruộng không thể cho ta ngàn cân lương thực. Ít nhất chúng ta sẽ hiểu rằng đây là lẽ thường tình, và không phải một phép màu nào đó của ý thức sẽ tạo ra vật chất, hay từ không khí có thể biến ra thức ăn. Nếu một Cách Mạng Văn Hoá khác sẽ xảy ra, chúng ta ít nhất còn có thể đảm bảo sẽ không đẩy cha mẹ vào tù hay đưa họ lên máy chém.

Các trò thân mến, chúng ta là những sinh viên nghệ thuật dành cả đời để đối thoại với thực tại và kí ức bằng ngôn ngữ. Hãy để chúng ta thôi nói về những kí ức tập thể, kí ức quốc gia, hay kí ức của đồng bào ta, mà hãy viết về kí ức của chúng ta; vì trong lịch sử, kí ức của một quốc gia và tập thể sẽ luôn che đậy và thay đổi kí ức của chúng ta. Hôm nay, vào giây phút này, khi viêm phổi Vũ Hán chưa phải là một kí ức, nhưng chúng ta đã nghe thấy bài ca chiến thắng vang vọng xung quanh cùng những giọt nước mắt ăn mừng. Bởi vì thế, tôi hi vọng rằng mỗi trò, và tất cả những người đã trải qua thảm hoạ viêm phổi Vũ Hán sẽ trở thành người ghi nhớ; những người rút ra kí ức từ kí ức của chính mình.

Trong tương lai gần có thể dự đoán trước, khi đất nước ăn mừng chiến thắng chống lại virus Vũ Hán bằng những tiếng ca, tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ không trở thành những nhà văn trống rỗng, vô hồn hay những kẻ hát theo, mà là những người đơn giản sống chân thực bằng kí ức của chính mình. Khi màn kịch lớn xảy đến, tôi hi vọng chúng ta sẽ không phải làm diễn viên hay những người kể chuyện trên sân khấu, hay những kẻ đứng vỗ tay để trở thành một phần của buổi diễn. Tôi hi vọng chúng ta sẽ chỉ giống như những kẻ thu mình, tuyệt vọng đứng ở góc xa nhất của khán đài, lặng lẽ nhìn với những giọt nước mắt. Nếu tài năng, lòng can đảm và sức mạnh tinh thần của chúng ta không thể biến chúng ta như Phương Phương, thì chúng ta cũng sẽ không thể đứng giữa họ mà nhạo báng Phương Phương. Khi mọi thứ cuối cùng trở về với trạng thái bình ổn và thịnh vượng như xưa, nếu chúng ta không thể lớn tiếng đặt hoài nghi về nguồn gốc và sự lây truyền của dịch bệnh Vũ Hán, thì chúng ta hãy nói nhỏ và ngân nga, vì đó là thể hiện lương tri và lòng dũng cảm. Sáng tác thơ sau thời kì trại tập trung của Auschwitz thực sự dã man, nhưng sẽ khủng khiếp hơn nếu chúng ta chọn quên chúng đi trong lời nói, đối thoại và kí ức. Nó thực sự man rợ và tàn nhẫn.

Nếu chúng ta không thể trở thành “người thổi còi” như bác sĩ Lý Văn Lượng, vậy thì ít nhất hãy để chúng ta biết lắng nghe tiếng còi ấy.

Nếu chúng ta không thể lên tiếng, vậy chúng ta hãy thì thầm. Nếu chúng ta không thể thì thầm, chúng ta hãy là những kẻ câm lặng mang theo kí ức. Trải qua giai đoạn từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán bắt đầu, tấn công và lây lan, hãy để chúng ta là những kẻ lặng lẽ đứng bên lề khi đám đông cùng nhau chúc tụng, ca vang chiến thắng; những kẻ mang trong tim nấm mồ với những kí ức khắc ghi; những người sẽ ghi nhớ kí ức và một ngày nào đó truyền chúng lại cho thế hệ tương lai.

Minh Anh
Theo Lithub



BÀI CHỌN LỌC

“Sau viêm phổi Vũ Hán, còn điều gì nữa?” Những trăn trở của giảng viên Diêm Liên Khoa