Sống chung với bố mẹ chồng có 'đáng sợ' như nhiều người vẫn nói?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Ngày trước, tôi kỳ vọng chồng sẽ là người đứng giữa kết nối mình và gia đình anh. Song thực tế, mọi chuyện không hề đáng sợ như tưởng tượng, nhiều khi tôi thấy hợp với mẹ hơn cả chồng”, Duyên chia sẻ.

"Sống chung với bố mẹ chồng” từ trước tới nay luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của mọi người, dù là người đã kết hôn hay chưa lập gia đình. Những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, không hòa hợp cách sống với bố mẹ chồng khiến không ít các cô gái đã và sắp lập gia đình ái ngại việc sống chung. Vậy sống chung với bố mẹ có đáng sợ lắm không?

Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, ai cũng có niềm vui và nỗi buồn riêng không ai được hoàn hảo. Có những người đang rất đau khổ vì hoàn cảnh gia đình không như ý, sống cùng bố mẹ, gia đình chồng khắt khe,...cảm thấy rất khó sống. Tuy nhiên, cũng có không ít người sống hài hòa, vui vẻ, hạnh phúc với bố mẹ và gia đình chồng.

Một chia sẻ trong chương trình nữ thính giả tâm sự của VOV2, năm nay tôi hơn 30 tuổi, có con 3 tuổi, hiện đang sống chung với gia đình chồng. Dạo gần đây, tôi thấy cuộc sống thật ngột ngạt, buồn tẻ vì nhiều mâu thuẫn phát sinh với gia đình chồng.

Nói một cách công bằng, bố mẹ chồng là người tốt, yêu quý gia đình và con cháu. Ông bà là người rất kỹ tính, khá bảo thủ nên mỗi lần có tranh luận về việc gì, ông bà luôn tranh cãi đến cùng để bảo vệ quan điểm của mình. Ông bà luôn muốn kiểm soát mọi người trong gia đình và áp đặt suy nghĩ của mình với tất cả mọi người.

Về ăn ở, đúng là ở chung với bố mẹ chúng tôi không mất tiền thuê nhà, ông bà cũng hỗ trợ nấu nướng giúp những ngày vợ chồng đi làm và hỗ trợ trông cháu (đặc biệt giai đoạn dịch Covid bùng phát và hiện nay, khi con tôi được nghỉ hè). Hệ quả là mọi việc trong nhà, bố mẹ chồng tôi đều buộc mọi người phải nghe theo. Chúng tôi không có không gian riêng, nhiều khi đóng cửa phòng để nói chuyện hoặc làm việc gì đó riêng tư, ông bà cũng tự ý mở cửa phòng vào mà không gõ cửa, chẳng những vậy, ở cái thế giới riêng nhỏ bé đó, ông bà cũng tự ý sắp xếp, cất dọn đồ đạc trong phòng với lý lẽ, nhà của mình nên ông bà hoàn toàn có quyền làm việc đó.

Lắm khi ông bà lục lọi, lấy đồ của tôi đem cho người khác mà không thèm hỏi ý kiến tôi. Nếu không đúng ý là ông bà giận dỗi, chê trách, khó chịu tôi có giải thích chuyện gì đó sẽ bị quy kết là chưa nói xong đã cãi xong hoặc ông bà chỉ nói 1 mà con dâu lại cãi tới 10.

Tuy nhiên, cũng có không ít nàng dâu thừa nhận một điều rằng, khi ở chung với gia đình chồng có rất nhiều điều tốt đẹp như được yêu thương, san sẻ gánh nặng việc nhà, đỡ áp lực tài chính và hỗ trợ chăm nuôi con.

Giống như bao người, Phương Thảo (21 tuổi, Bắc Giang) mới kết hôn có nhiều lo lắng, sợ mình không hòa hợp với gia đình chồng khi ở nhà với bố mẹ và bà nội của chồng, còn chồng làm việc ở dưới Hà Nội cuối tuần mới về.

Thảo nói với Zing: “Hồi chưa cưới, tôi nghĩ nhiều về chuyện khúc mắc giữa mẹ chồng nàng dâu, rồi lo lắng chuyện cư xử với bố mẹ chồng. Nhưng đến bây giờ, tôi thấy bản thân may mắn khi gặp được phụ huynh chăm sóc, tâm lý”.

Hàng ngày, đi làm về, Thảo tranh thủ làm việc nhà nhưng thường xuyên được mẹ chồng làm giúp và nói cô đi nghỉ ngơi. Thảo nói rằng muốn có thời gian trò chuyện với mẹ, ngoài ra vận động một chút cũng giảm stress, khi đó, bà mới để cho cô làm.

Trên báo Thanh Niên, Võ Khánh Huyền (25 tuổi, dược sĩ) chia sẻ câu chuyện được mẹ chồng nấu những món ăn ngon trong thời gian ở cữ, không ngày nào bị trùng món khiến nhiều chị em ngưỡng mộ. Huyền cho biết, cơm mẹ chồng nấu phong phú và đa dạng, ưu tiên món luộc, nướng, hấp và kho như dê hấp, dê xào, thịt lợn luộc, rau củ luộc… thỉnh thoảng có các món xào.

Huyền vui vẻ chia sẻ, mẹ chồng thường hỏi mình thích ăn gì để đi chợ. Mình ăn uống dễ tính và luôn nghĩ được mẹ nấu ăn cho tốt lắm rồi nên không đòi hỏi gì thêm, lúc nào thèm món gì đó chỉ cần bảo là mẹ lại đi chợ nấu cho ngay.

Về làm dâu được 2 năm, với Huyền mẹ chồng là người tuyệt vời, hiền từ đức độ, tâm lý và nhạy bén trong việc kinh doanh. Mẹ còn hay cho Huyền tiền tiêu vặt.

Huyền tâm sự: “Mẹ chồng rất thương con cái, muốn con được ăn ngon. Vì muốn con có những bữa ăn sạch sẽ, chất lượng nên mẹ tự tay nấu mặc dù nhà có chị giúp việc. Mẹ bận rộn nhưng vẫn chăm chút cho con dâu khiến mình rất cảm động. Những lúc như vậy mình chỉ biết nói cảm ơn mẹ. Tính mình hướng nội nên không biết diễn tả cảm xúc nhưng trong lòng luôn biết ơn với những gì mẹ đã làm cho mình”.

Bé trai nhà Huyền được 4 tháng tuổi. Ngoài những lúc làm việc, nếu rảnh rỗi mẹ chồng tranh thủ bế và chơi với cháu. Trong cuộc sống thường ngày, giữa Huyền và mẹ chồng có việc gì không cùng quan điểm sẽ chia sẻ luôn với nhau, để hai mẹ con hiểu nhau. Tuy nhiên, rất ít khi mẹ con Huyền bất đồng quan điểm. Với Huyền, phận con cái nghe lời mẹ là điều hiển nhiên.

Chung cảm xúc, suy nghĩ như Phương Thảo, trước khi kết hôn, Dương Duyên (sinh năm 1996) cũng nghĩ việc lấy chồng và ở cùng gia đình chồng là điều gì đó rất áp lực. Vì vậy, hẹn hò được khoảng 6 tháng, lần đầu về nhà người yêu chơi, cô khá lo lắng.

Tuy nhiên trái với sự “nơm nớp”, Duyên thở phào khi bố mẹ bạn trai niềm nở, thoải mái. Sau vài lần, hai vị phụ huynh chủ động hỏi cặp đôi có thực sự nghiêm túc và muốn tiến tới hôn nhân hay không.

Từ khi yêu đến lúc cưới, Duyên cảm thấy may mắn khi thấy bố mẹ chồng tâm lý: “Hồi đầu, tôi lúc nào cũng thích có chồng kè kè bên cạnh, nhưng dần rồi quen, giờ ngay cả khi chồng đi công tác hay đá bóng, liên hoan, tôi ngồi cả buổi chơi, tâm sự với mẹ chồng, lúc thì nhổ tóc bạc cho mẹ hay cùng gọi video cho nhà ngoại ở quê”.

Ảnh chụp màn hình

Theo cô gái sinh năm 1996, sự chân thành là yếu tố quan trọng. Ngay từ lần đầu tới nhà người yêu chơi, cô tâm niệm rằng bản thân tôn trọng, yêu thương bố mẹ mình như thế nào thì nên làm điều tương tự với bố mẹ nửa kia và cũng nhận lại sự quan tâm, yêu thương tương tự.

Qua những câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, người thì được hạnh phúc, vui vẻ người thì đau khổ đủ đường... lý giải theo Phật Gia thì mọi chuyện đều do nhân duyên nợ nghiệp của bản thân tạo ra trong các đời các kiếp. Thực tế cuộc sống, cũng do thái độ sống và cách đối đãi của mỗi cá nhân đối với sự việc mà tạo thành những kết quả khác nhau.

Theo Geoffrey Greif, ở xã hội tiền công nghiệp, con người chọn chồng/vợ dựa trên sức lao động hoặc khả năng sinh sản của họ. Cách đây 100 năm, cha mẹ thường hiểu rõ về người mà con cái kết hôn, bởi cùng trong một làng, xóm quen biết nhau. Nhưng ngày nay, điều kiện xã hội phát triển, giao thông đi lại thuận tiện, công nghệ rút ngắn khoảng cách địa lý những người ở rất xa nhau, thậm chí ở nước ngoài cũng quen biết rồi kết hôn,...

Hiện nay người ta cũng đề cao cảm xúc cá nhân lên hàng đầu, chọn bạn đời tự do thoải mái, là người mình yêu thương không ảnh hưởng bởi sự sắp đặt của cha mẹ. Vì vậy, sự khác biệt về văn hóa, lối sống,... khiến cha mẹ không biết người mà con lấy là ai, gây băn khăn và căng thẳng cho cả hai bên.

Cũng trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tính, các lĩnh vực gây ra mâu thuẫn trong mối quan hệ gia đình chồng với con dâu thường là thói quen sinh hoạt hàng ngày, cách nói năng, cách dạy các cháu. Trước những mâu thuẫn này, khoảng 40% cho biết, cách giải quyết là mẹ con nhường nhịn và tôn trọng nhau.

Thật ra, khi chúng ta đặt mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ cho họ sẽ thấy hiểu và cảm thông với nhau hơn. Bởi không chỉ con dâu mà nhiều người mẹ chồng cũng cảm thấy dè chừng khi tiếp xúc với con dâu vì chưa hiểu gì về nhau. Vì vậy, hãy mở lòng, chia sẻ với tấm lòng yêu thương, bao dung ta sẽ thấy ai cũng đáng yêu, đáng trân quý.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Sống chung với bố mẹ chồng có 'đáng sợ' như nhiều người vẫn nói?