Sự dỗi hờn mang tên ‘Từ thiện’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, đại diện của một nghệ sĩ thông báo rằng ê-kíp đã giải ngân xong số tiền cứu trợ bão lũ năm 2020 trong… mùa hè này. Cơn bão miền Trung đã lắng xuống từ lâu, mà nay những trăn trở xung quanh việc từ thiện của nghệ sĩ vẫn còn day dứt...

Có một giáo viên nước ngoài kể về chuyện một người quen của anh thường làm bánh và gửi tặng những nơi hay gặp thiên tai, nghèo khổ, rừng núi xa xôi. Khi xem các hình chụp và nghe kể chuyện về những nơi đó, anh thấy rằng các cô phải băng qua những quãng đường khó khăn, có khi phải leo đồi núi, có khi phải thuê xe ôm chở người và bánh vào các thôn, xã; có lúc phải đi bộ hàng cây số.

Anh hỏi vì sao cô không gửi bưu điện hay nhờ ai ở đó phân phát bánh giúp cho, việc gì phải cực khổ như thế. Cô nói rằng muốn trẻ em ở đó có niềm vui bất ngờ, được trò chuyện và cảm nhận được tình yêu thương của những người không quen biết.

“Từ thiện không phải là cứ đưa cho người ta là xong, người dân ở đó thực sự cần được quan tâm", người cô đó nhắn nhủ.

Đến đây, chúng ta lại nhớ đến chuyện từ thiện của các nghệ sĩ. Gần đây, đại diện của một nghệ sĩ thông báo ê-kíp đã giải ngân xong số tiền cứu trợ bão lũ năm 2020 trong… mùa hè này. Cơn bão miền Trung đã lắng xuống từ lâu, và nay sóng gió của việc nghệ sĩ này giữ số tiền từ thiện trong hơn 6 tháng - có vẻ cũng đã lắng xuống?

Một số nghệ sĩ, ca sĩ bày tỏ sự “hờn dỗi” tuyên bố sẽ không làm từ thiện nữa, “làm ơn mắc oán”. Trong việc từ thiện, phải chăng nhiều người đã đặt mình ở vị thế cao của những người “làm ơn”, thay vì mang tình cảm chia sẻ, cảm thông đối với những hoàn cảnh bất hạnh.

Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn vào thẳng vấn đề khi cho rằng điều này giống như “chườm đá lên vết bỏng”. Khi “đám cháy” giận dữ của dư luận lan rộng, nghệ sĩ vội vã chống chế, cử ngay đại diện đi giải ngân tức thời, mang tiền cứu trợ lũ lụt đến các tỉnh miền Trung dưới cái nắng gay gắt trên dưới 40 độ.

Thiết nghĩ, tính trách nhiệm, tính minh bạch và một kế hoạch chuyên nghiệp là điều hết sức cần thiết khi làm “người trung gian” - nhận tiền từ người ủng hộ và đưa đến tận tay những người gặp khó khăn, đặc biệt khi người kêu gọi ủng hộ từ thiện là những người nổi tiếng.

Thước đo giá trị?

Năm 2007, Washington Post mời Joshua Bell, nghệ sĩ vĩ cầm hàng đầu thế giới làm một thử nghiệm. Họ để Bell chơi nhạc ngoài một ga tàu điện ngầm ở thủ đô Washington D.C. Gần đó là tòa nhà Thư viện Quốc hội, nơi đang quảng cáo buổi biểu diễn của anh với mỗi phút chơi nhạc đáng giá 1.000 USD.

Nghệ sĩ Bell chơi đàn say mê, tuy nhiên, trong bộ dạng tuềnh toàng, ông dường như tàng hình trước đám đông qua lại. Không ai nhận ra ông và thứ âm nhạc kỳ diệu của ông.

Ví dụ kinh điển này cho thấy những nghệ sĩ có "tên tuổi" dễ dàng lôi kéo đám đông hơn người thường. Người ta khao khát vào nhà hát để được nghe tiếng đàn trứ danh của Joshua Bell, nhưng lại hoàn toàn hờ hững với tiếng đàn ấy, nếu nó phát ra từ một kẻ “vô danh” và có vẻ nghèo.

Vì lẽ đó mà gần đây có nhiều hiện tượng dở khóc dở cười trong giới nghệ sĩ, khi khá nhiều nghệ sĩ có tiếng xuất hiện thường xuyên trên các video quảng cáo hay kêu gọi đóng góp cho từ thiện. Có nhiều người tin tưởng đặt mua sản phẩm, ủng hộ từ thiện... vì mến mộ nghệ sĩ. Suy cho cùng, con người thường quyết định dựa trên cảm xúc.

Chuyên gia truyền thông Cẩm Hà cho rằng có lẽ những người nổi tiếng hiểu rõ điều này. Họ phát triển một cộng đồng thân cận, và đổi lại, nhận từ cộng đồng đó sự yêu mến, niềm tin, sự ủng hộ tinh thần và cả vật chất – một loại “vốn” xã hội có thể quy ra thành thu nhập. Ở phía khán giả, “hiệu ứng hào quang” khiến hầu hết chúng ta mặc định rằng một tài năng trên sàn diễn, sân bóng cũng có thể làm tốt các kỳ vọng khác ta trao gửi.

Tuy nhiên, một cá nhân có thương hiệu bền vững không chỉ dựa vào tài năng nghề nghiệp. Thương hiệu ấy còn phải dựa vào những giá trị như sứ mệnh cá nhân, trách nhiệm xã hội, lòng nhân ái, cam kết tạo ra thay đổi tích cực cho cộng đồng…

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Sự dỗi hờn mang tên ‘Từ thiện’