Sự thật đáng tiếc về đồ uống thể thao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thức uống thể thao đã trở thành đồng minh quan trọng của các vận động viên thành tích cao, chúng cung cấp nhiều lựa chọn hương vị hấp dẫn, màu sắc bắt mắt và bổ sung thêm vitamin. Những thức uống này được thiết kế để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể sau những hoạt động thể chất cường độ mạnh. Nhưng liệu chúng có an toàn như các công ty và các phương tiện truyền thông quảng cáo không? Chúng có hiệu quả không? Và cơ thể chúng ta có thực sự cần chúng để hoạt động tốt hơn không?

Sự kỳ diệu của nước với đường và muối

Hiệu quả của thức uống thể thao dựa trên phát hiện mang tính đột phá rằng sự kết hợp của natri và kali trong nước có thể tối ưu hóa sự hấp thụ chất lỏng trong ruột, cho phép bổ sung chất lỏng trong cơ thể một cách nhanh chóng.

Khám phá này không chỉ quan trọng trong lĩnh vực thể thao mà còn trong việc điều trị các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Vào năm 1980, khi tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh - với khoảng 4,6 triệu ca tử vong mỗi năm - việc sử dụng các gói đường và muối đơn giản hòa vào nước có thể bù nước bằng đường uống, cứu sống nhiều trẻ em bị mất chất điện giải trong tình trạng báo động.

sports-drinks-wikimedia-commons
Ví dụ về các loại muối bù nước có bán trên thị trường, từ Nepal và từ Peru. (Hình ảnh: James Heilman, MD qua Wikimedia Creative Commons)

Điều này đã mở ra cánh cửa cho các công ty thương mại tiếp thị nước muối ngọt như một sản phẩm mới được thiết kế để cho phép các vận động viên nhanh chóng phục hồi nước và chất điện giải bị mất qua mồ hôi. Tiêu thụ đồ uống thể thao được các tổ chức thể thao xác nhận với lý do: mất nước có thể làm giảm hiệu suất và các chất điện giải trong đồ uống bù nước là cần thiết. Điều này đã thúc đẩy việc tiêu thụ đồ uống thể thao nhanh chóng trở nên phổ biến.

Mất nước có cản trở hoạt động thể chất không?

Năm 1996, Đại học Y khoa Thể thao Hoa Kỳ (ACSM) bắt đầu quảng bá khái niệm rằng các vận động viên nên uống “càng nhiều càng tốt”. Điều này, cùng với câu nói phổ biến "đừng đợi đến khi bạn cảm thấy khát", đã thiết lập các nguyên tắc về việc cung cấp nước cho vận động viên trong quá trình tập luyện.

Thật không may, điều này dẫn đến nhiều vận động viên gặp phải tác động của việc “ngộ độc nước” quá mức với đồ uống thể thao hoặc nước (sự gián đoạn chức năng não do uống quá nhiều nước trong khoảng thời gian ngắn), thường dẫn đến tình trạng được gọi là “hạ natri máu liên quan đến tập thể thao” (EAH) - các vấn đề thần kinh do lượng nước quá nhiều trong cơ thể - và bệnh não liên quan - tổn thương não.

Khi số trường hợp EAH bắt đầu tăng lên, một số dẫn đến tử vong, vấn đề này đã trở thành nguyên nhân khiến công chúng lo ngại, khiến cộng đồng y học thể thao toàn cầu phải đánh giá lại việc khuyến khích sử dụng quá liều.

Khi nghiên cứu mối quan hệ giữa mất nước và hoạt động thể chất, các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan giữa mức độ mất nước và thời gian hoàn thành của các vận động viên ba môn phối hợp trong một cuộc chạy marathon và hơn thế nữa, một số vận động viên ghi được thời gian nhanh nhất là những người mất nhiều nước nhất.

Giờ đây đã có bằng chứng cho thấy mức độ mất nước nhẹ không làm giảm hiệu suất ở các vận động viên và rằng không cần bù nước trước cũng như hydrat hóa trong khi tập luyện để cơ thể duy trì đủ nước - ngay cả khi tập luyện kéo dài trong điều kiện môi trường nóng. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì được ACSM thúc đẩy vào năm 1996.

Lắng nghe các dấu hiệu cơ thể hơn là lời khuyên từ bên ngoài

Cơn khát được kích hoạt khi cơ thể phát hiện thiếu chất lỏng hoặc sự gia tăng nồng độ của các chất thẩm thấu, chẳng hạn như natri. Đó là một trong những dấu hiệu được cơ thể chúng ta sử dụng để duy trì sự cân bằng.

Bỏ qua những quan niệm trước đây coi “khát” là một chỉ số không đáng tin cậy, Mitchell Rosner, MD, một chuyên gia về thận tại Đại học Y khoa Virginia, khuyến nghị sử dụng cảm giác khát như một hướng dẫn: “Nếu bạn uống nước khi khát, bạn sẽ không bị hạ natri máu và bạn sẽ không bị mất nhiều nước”.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong quá trình tập thể thao, việc tiêu thụ chất lỏng phải dựa trên cảm giác khát, và không phải lúc nào cũng cần thiết phải cung cấp chất điện giải. (Hình ảnh: Monstera qua Pexels) 
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong quá trình tập thể thao, việc tiêu thụ chất lỏng phải dựa trên cảm giác khát, và không phải lúc nào cũng cần thiết phải cung cấp chất điện giải. (Hình ảnh: Monstera qua Pexels)

Đáng ngạc nhiên là từ năm 1991, người ta đã biết đến vai trò thiết yếu của khát đối với sự cân bằng cơ thể. Nhưng tại sao những phát hiện này lại bị bỏ qua và thay vào đó tại sao tình trạng thừa nước lại được thúc đẩy? Các nghiên cứu đã kết luận rằng lợi ích thương mại đã làm trì hoãn việc thừa nhận nguồn thông tin này.

Lợi ích của nước tinh khiết

Khi nói đến quá trình hydrat hóa, nước là công cụ làm dịu cơn khát phổ biến. Không cung cấp thêm calo, đường, caffein hoặc các chất phụ gia khác, nó là dạng hydrat hóa tinh khiết nhất. Nghiên cứu cho thấy nước thực hiện công việc tốt hơn các đối thủ cạnh tranh của nó như đồ uống thể thao, trà và soda.

Thức uống thể thao chủ yếu bao gồm carbs (carbohydrat), chất điện giải và nước. Nếu chúng được tiêu thụ mà không thực hiện bài tập lâu hoặc cường độ cao trong ít nhất 60 phút, thì lượng calo sẽ được tích lũy chứ không bị đốt cháy.

Theo Harvard T.H. Chan School of Public Health, đồ uống thể thao chiếm khoảng 26% tổng lượng đồ uống có đường ở thanh thiếu niên. Do đó, trong trường hợp không hoạt động thể chất cao, việc tiêu thụ những đồ uống này với số lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng, bao gồm các bệnh lý khác.

Các hướng dẫn ACSM hiện tại hạn chế cổ súy cho việc hydrat hóa quá mức, nhưng vẫn coi đồ uống thể thao tốt hơn nước. Khi xem xét báo cáo ACSM, Tiến sĩ Michael Greger, MD, FACLM, đã phát hiện ra rằng Viện Khoa học Thể thao Gatorade và Công ty Coca-Cola là một trong những tổ chức chính cung cấp hỗ trợ tài chính cho báo cáo ACSM.

Trong khi đồ uống thể thao có thể cải thiện sức chịu đựng và hiệu suất cho các cá nhân và vận động viên năng động, thì việc sử dụng chúng lại không cần thiết cho các chức năng bình thường của cơ thể. Sẽ khá tốt nếu ai đó khuyên bạn hãy thêm một chút muối vào nước uống, nhưng bạn cần tin tưởng bản thân hơn để lắng nghe cơ thể của chính mình.

Từ Tịnh

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Sự thật đáng tiếc về đồ uống thể thao