Sức mạnh của ngôn từ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta sử dụng lời nói mỗi ngày, nhưng ngôn từ không phải là thứ “gió cuốn đi”, chúng có sức mạnh của tính phục hồi và nâng cao hoặc của sự phá hủy, đả kích đối với tinh thần chúng ta. Điều quan trọng là bạn sẽ quyết định sử dụng năng lượng tích cực hay tiêu cực của ngôn từ...

Ngôn từ là đặc quyền to lớn của con người, nếu sử dụng “công cụ” này một cách tích cực, chúng sẽ phát huy khả năng giúp đỡ, động viên tinh thần. Ngược lại, với ngôn từ tiêu cực, tuyệt vọng, chúng sẽ hủy hoại những người “trong cuộc”, gồm cả bản thân người nói.

Cách đây rất lâu, khi còn là một đứa trẻ, tôi đã xem một quảng cáo trên truyền hình về Anacin (một loại thuốc giảm đau nhằm điều trị các chứng bệnh như đau đầu, viêm thần kinh, đau dây thần kinh), và nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi suốt những năm qua.

Đó là một cảnh quay về một người mẹ và cô con gái lớn đang nấu ăn trong bếp. Người mẹ băn khoăn không biết bà có cần thêm muối vào súp không, và cô con gái đã cằn nhằn bà: “Mẹ ơi, làm ơn đi mà mẹ. Con tự mình làm được rồi!”

Ngay sau đó, giọng nói bình tĩnh và từ tốn của người dẫn chuyện vang lên: “Hãy kiểm soát bản thân. Chắc hẳn bạn đã bị đau đầu. Bạn đang căng thẳng, dễ cáu gắt. Nhưng đừng cư xử như thế với mẹ bạn chứ!”.

Có lẽ lý do mà quảng cáo này đã lưu lại trong tâm trí tôi như một “căn hộ vĩnh viễn” là vì sức mạnh của ngôn từ.

Ngôn từ có thể truyền cảm hứng và tình yêu

Ngôn từ có thể tạo nên một ngày tươi đẹp cho chúng ta hoặc ngược lại góp phần phá vỡ nó. Dù bằng cách viết hay nói, sức mạnh của ngôn từ là không thể phủ nhận. Nó có thể “bỏ rơi” những người thất vọng, “đánh bại” một cách tàn nhẫn những ai rơi vào cảnh ngộ không may mắn, hoặc “dửng dưng”, “thờ ơ” trước khó khăn, bất hạnh của người khác.

Nếu một ngày, chúng ta thấy mình bị “nhốt” trong một căn gác ảm đạm của tâm trí hoặc tinh thần, thì những lời khích lệ, động viên dường như có thể trở thành những ngọn nến thắp sáng bóng tối, mở khóa tù ngục, hướng dẫn ta thoát khỏi nơi tăm tối và đưa chúng ta vào ánh nắng mặt trời. Một ví dụ đơn giản như là: nếu một ông chủ thường hay khó chịu, lầm lì lại thốt lên lời khen ngợi chân thành, ngắn gọn rằng: “Anh làm tốt lắm!”, chỉ vậy thôi cũng có thể sẽ khiến người trợ lý phấn khởi, vui mừng cho đến hết ngày.

nếu một ông chủ thường hay khó chịu, lầm lì lại thốt lên lời khen ngợi chân thành, ngắn gọn rằng: “Anh làm tốt lắm!”, chỉ vậy thôi cũng có thể sẽ khiến người trợ lý phấn khởi, vui mừng cho đến hết ngày.
Nếu một ông chủ thường hay khó chịu, lầm lì lại thốt lên lời khen ngợi chân thành, ngắn gọn rằng: “Anh làm tốt lắm!”, chỉ vậy thôi cũng có thể sẽ khiến người trợ lý phấn khởi, vui mừng cho đến hết ngày. (Ảnh: Shutterstock)

Nhiều huấn luyện viên, giáo viên, diễn giả đã sử dụng ngôn từ để thu hút sự chú ý, truyền tải đến trái tim người nghe niềm tự hào, lòng can đảm, động viên họ, và hướng họ đến những mục tiêu lớn hơn, hoặc những chuẩn mực đạo đức cao thượng hơn. Một cậu bé 14 tuổi khi nhận được những lời khen ngợi từ thầy giáo cho bài luận lịch sử của mình, sẽ cảm thấy rất vui sướng và càng nỗ lực hơn nữa trong việc học tập.

Trong bộ phim “Henry V” của đạo diễn Kenneth Branagh, khi nghe bài diễn văn hùng hồn mà nhà vua gửi cho quân lính của mình trước Trận chiến Agincourt, một số người trong chúng ta có thể cảm thấy rằng mình đã sẵn sàng chiến đấu như bất kỳ một hiệp sĩ người Anh nào. Do vậy, chúng ta biết rằng ngôn từ có sức khích lệ và cổ vũ tinh thần rất lớn.

Bên cạnh đó, ngôn từ cũng mở ra những cảm xúc lãng mạn và yêu thương. Rất ít người trong chúng ta có thể viết nên những tác phẩm văn chương tuyệt vời như đại thi hào William Shakespeare hoặc nhà thơ nổi tiếng Elizabeth Barrett Browning. Nhưng ít ai biết rằng chính niềm đam mê đã biến đổi Shakespeare - con trai của một người thợ da, và Browning - người pha chế nhút nhát, thành những nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm tuyệt vời, viết nên ngôn ngữ sâu sắc và chân thành của tình yêu, và được đọc giả nhiều thế hệ yêu mến.

Có một câu chuyện về một nông dân chăn nuôi bò sữa ở Pennsylvania, anh từng thức dậy rất sớm để vắt sữa bò. Anh thường để lại những ghi chú nhỏ trong bếp cho vợ mình. Một buổi sáng, anh đã viết vài dòng bày tỏ cho cô biết anh yêu cô nhiều như thế nào. Không may là khi trở về từ nông trại, anh đã bị đột quỵ và qua đời. Người vợ đó đã mất chồng, nhưng cô vẫn giữ lời nhắn đơn giản của anh cho đến khi cô mất vào khoảng 20 năm sau đó.

Do đó, chúng ta nên biết rằng, vào thời điểm nào đó trong đời, đôi khi chỉ cần một lời yêu thương chân thành: “Anh yêu em, em biết mà phải không!”, cũng có thể in sâu trong trái tim người nhận, mạnh mẽ như những tia sét trên bầu trời giông bão vậy.

đôi khi chỉ cần một lời yêu thương chân thành: “Anh yêu em, em biết mà phải không!”, cũng có thể in sâu trong trái tim người nhận, mạnh mẽ như những tia sét trên bầu trời giông bão vậy.
Đôi khi chỉ cần một lời yêu thương chân thành: “Anh yêu em, em biết mà phải không!”, cũng có thể in sâu trong trái tim người nhận, mạnh mẽ như những tia sét trên bầu trời giông bão vậy. (Ảnh: Shutterstock)

‘Mặt trái’ của ngôn từ

Những lời nói chân thành, xuất phát từ lòng yêu thương, sự quan tâm, tử tế có thể chữa lành và nâng cao tinh thần của chúng ta, nhưng cũng có những lời nói có “sức phá hủy” to lớn, khiến chúng ta suy sụp tinh thần một cách nhanh chóng, hoặc để lại những vết thương lòng khó nguôi ngoai.

Chúng ta có thể tha thứ cho lời nhận xét “tàn nhẫn” của một người bạn, người chủ hoặc người bạn đời, nhưng quên đi lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Một ví dụ: Khi tôi còn là một học sinh lớp bảy, và là một thiếu sinh quân mới ở một ngôi trường quân sự cách nhà 200 dặm. Một lần, tôi hỏi một học sinh lớp tám liệu tôi có thể mượn anh một cây bút chì không.

Ngay lập tức, anh nói: ”Tao không quan tâm việc của mày!”

Tôi đã quên mất tên của thiếu sinh quân đó và cũng không biết tại sao anh ta lại coi thường tôi, nhưng hình ảnh về sự từ chối và chế nhạo trên khuôn mặt anh vẫn hiện lên rõ ràng trong tâm trí tôi cứ như nó vừa xảy ra ngày hôm qua.

Một tình huống khác rất đáng để chúng ta suy xét. Một người mẹ có đứa con nhỏ chập chững biết đi, cậu nhóc vì lý do gì đó đã “tức giận” mẹ mình và hét lên: “Con ghét mẹ!”. Người mẹ có lẽ sẽ nhanh chóng quên đi khoảnh khắc đó. Nhưng nếu một đứa con 16 tuổi thét lên những lời như vậy với mẹ mình, thì khoảnh khắc ấy sẽ khắc sâu trong trí nhớ của người mẹ. Ba âm tiết đơn giản nhưng nặng nề và đáng thất vọng đó, có thể sẽ vẫn là vết thương trong lòng bà chừng nào bà còn sống.

Những từ “vô danh” nhưng không vô hại

Ngày nay, việc sử dụng cơ hội để làm tổn thương người khác bằng lời nói đã vô cùng phổ biến. Với công nghệ hiện đại và sự phủ sóng rộng khắp của mạng xã hội, người ta có thể chỉ trích một người lạ ở cách xa hàng ngàn dặm trong khi vẫn giấu danh tính của mình sau một bút danh, có thể chấm dứt một mối quan hệ với ai đó bằng vài dòng ngắn ngủi với lời lẽ cay đắng, và càng có thể nguyền rủa những người đối lập về quan điểm chính trị mà không sợ để lại hậu quả.

người ta xem việc được “giải thoát” khỏi áp lực của những cuộc gặp mặt trực tiếp thành một ưu thế, thậm chí họ không chịu trách nhiệm về ngôn từ của chính mình
Người ta xem việc được “giải thoát” khỏi áp lực của những cuộc gặp mặt trực tiếp thành một ưu thế, thậm chí họ không chịu trách nhiệm về ngôn từ của chính mình. (Ảnh: Pexels)

Tóm lại, người ta xem việc được “giải thoát” khỏi áp lực của những cuộc gặp mặt trực tiếp thành một ưu thế, thậm chí họ không chịu trách nhiệm về ngôn từ của chính mình, một số còn thể hiện “cá tính” bằng cách xúc phạm người khác qua những lời ngạo mạn, chế giễu. Họ dường như đã quên mất cách ứng xử lễ độ hoặc đã từ bỏ lối giao tiếp đúng đắn, đường hoàng, họ “say sưa” trong vai trò bắt nạt của mình.

Tuy nhiên, chính thứ công nghệ mà chúng ta đang sử dụng đó, những gì chúng ta viết cũng có thể quay trở lại “ám ảnh” chúng ta. Một thanh niên trong độ tuổi 15 đã viết những lời bình luận thiếu nghiêm túc trên mạng về vấn đề chủng tộc hay tình dục, một nữ diễn viên 30 tuổi viết những lời coi thường về một đạo diễn, một chính trị gia đã đăng một nhận xét mang tính đả kích, xuyên tạc... Rất có thể, họ sẽ thấy mình choáng váng, xấu hổ khi bất ngờ ở ngay trung tâm của một “cơn bão” dư luận, bắt nguồn từ những thông tin mà họ truyền đi.

Ai cũng từng có các vết thương như vết bầm tím từ những trận bóng đá, những vết rách, vết loét phát sinh sau các trận chiến trẻ con, đầu gối bị trầy xước khi ngã xe đạp, hoặc những ngón tay bị kẹt khi đóng mở cửa… Có lẽ những nỗi đau và vết thương thể xác như thế chúng ta đã quên từ lâu, nhưng nhiều vết thương lòng do ngôn từ gây ra vẫn còn ở đó.

Một số người trong chúng ta có thể đã nghe những lời thế này: “Gậy và đá có thể phá vỡ xương tôi. Nhưng lời nói sẽ không bao giờ làm tổn thương tôi được”. Rõ ràng là, những “bài học” như vậy không mang lại ý nghĩa tích cực cho bất kỳ ai.

Ngôn từ không “vô hại” như chúng ta vẫn nghĩ, chúng sở hữu sức mạnh của “thuốc nổ” và vụ nổ đó có thể gây tổn hại cho tinh thần chúng ta nhiều hơn rất nhiều so với chỉ là gậy và đá. “Sức sát thương” của ngôn từ vô cùng to lớn, do đó, chúng ta cần cẩn trọng lời nói của mình, bởi vì sự thật là:

"Gậy và đá có thể phá vỡ xương của tôi,
Nhưng lời nói… lời nói có thể làm tan nát trái tim tôi”.

Hãy để ngôn từ trở thành phương tiện cho chúng ta truyền tải những lời động viên, khích lệ tinh thần lẫn nhau, hãy để những lời yêu thương là “cầu nối” cho niềm tin, tình bạn, tình người, tình thân ái. Và cũng đừng bao giờ làm tổn thương người khác bằng những lời cay đắng, hãy để ngôn từ làm “nhiệm vụ” tốt đẹp, cao quý của mình.

Trọng Khiêm (biên dịch)

Tác giả: Jeff Minick
Theo theepochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Sức mạnh của ngôn từ