Tác hại của tình yêu thương bao bọc con quá mức, đặc biệt điều số 5

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, sẵn sàng hy sinh làm tất cả vì con, một tình yêu thương không biên giới, nhưng cần có lý trí, tránh bao bọc con quá mức kẻo từ ‘thương’ quá lại hóa ra ‘hại’ con.

Biểu hiện của việc bao bọc con quá mức

- Không để con được tự do phát triển, khám phá mọi thứ xung quanh trong cuộc sống: Sợ nắng, sợ gió, sợ con vấp ngã, sợ con nghịch bẩn mà không cho con chơi, luôn là con không được chơi cái này cái kia, không cho con tiếp xúc với trẻ nhà hàng xóm, tiếp xúc với mọi người bên ngoài vì sợ bị dụ dỗ, lừa gạt… nói một cách cụ thể là bạn đang kiểm soát, quản lý mọi khía cạnh trong cuộc sống của con mà không cho trẻ chút tự do nào.

- Làm cho con mọi việc ngay cả những việc trong khả năng trẻ có thể tự làm được: Mặc quần áo, quét nhà, rửa bát, buộc dây giày cho con, phục vụ con mọi việc trong cuộc sống. Vô tình, cha mẹ đang tạo ra đứa trẻ lười biếng, ỷ lại, sống dựa dẫm vào người khác.

- Kiểm soát con từ những điều nhỏ nhất: Quản mọi thứ về con nên thấy mình cần phải biết mọi thứ như con làm gì, đang nghĩ gì hay làm việc gì đó ra sao: Xem trộm nhật ký của trẻ, kiểm soát con chơi với ai, nói chuyện gì,...

- Thay con quyết định mọi việc theo ý của người lớn: Những việc con thích thì cha mẹ lại không ưng, cho rằng đó là những thứ vô bổ, không tốt. Thay vào đó, cha mẹ lại quyết định và định hướng việc của con là phải nghe theo.

- Giúp đỡ trẻ ngay lập tức khi trong tình huống được đánh giá theo quan điểm, cách nhìn của cha mẹ mà cho rằng trẻ đang rất khó khăn hoặc không thoải mái. Ví dụ, con vấp ngã nhẹ, vội vàng chạy đến nâng con dậy, giới thiệu thay con khi có khách tới nhà, hay gặp ai đó hỏi tên con, học lớp mấy…

Sợ nắng, sợ gió, sợ con vấp ngã, sợ con nghịch bẩn mà không cho con chơi. (Ảnh pexels)

Tác hại của việc bao bọc con quá mức

1.Tăng nguy cơ trầm cảm

Trái ngược với suy nghĩ của nhiều cha mẹ cho rằng bao bọc, bảo vệ con mọi mặt là thể hiện sự quan tâm, yêu thương tuy nhiên với trẻ được bảo bọc quá mức sẽ cảm thấy ngột ngạt, gò bó, khó chịu và căng thẳng, thậm chí suy nghĩ lo lắng quá mức, từ đó khiến trẻ bị trầm cảm.

Trẻ không cần phải động não suy nghĩ đã có mẹ gỡ rối mọi việc cho, không được quyết bất kể việc gì vì cha mẹ đã quyết thay,...

2. Phát triển mang theo sự khiếm khuyết

Bao bọc quá mức có thể khiến trẻ cảm thấy như bị “cầm tù“ trong chính ngôi nhà của mình, trong tình yêu thương của cha mẹ. Con không được tự do chạy nhảy, tham gia các hoạt động đế phát triển thể chất, hít thở không khí ngoài trời, không có đủ không gian để phát triển các kỹ năng sống cần thiết, đồng thời không tự giải quyết được các tình huống, va chạm thực tế khi không có cha mẹ bên cạnh (bởi đã bị phụ thuộc).

Thay vì tự tìm ra câu trả lời, tự quyết mọi việc của mình, con lại phải dựa vào sự trợ giúp, tham khảo ý kiến của cha mẹ.

3. Trẻ thiếu tự tin vào bản thân

Quá phụ thuộc vào cha mẹ, trẻ yếu thậm chí không có khả năng tự giải quyết vấn đề, khiến sự tự tin của trẻ ngày càng bị bào mòn. Không có niềm tin vào bản thân, sự phụ thuộc vào cha mẹ càng trầm trọng.

Cảm thấy bản thân là người vô dụng, không làm được gì và dần hình thành suy nghĩ tự kỉ ám thị rằng, mình sẽ không thể làm được việc gì nếu thiếu cha mẹ.

4. Trẻ dễ gặp vấn đề về các mối quan hệ trong cuộc sống

Những đứa trẻ lớn lên trong sự bảo vệ quá mức của cha mẹ, thật sự gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống khi trưởng thành. Mọi thứ đều được cha mẹ lo chu toàn từ bé, trẻ sẽ chỉ biết mình nên khó duy trì sự hài hòa giữa các mối quan hệ.

Các bé gái có xu hướng trì hoãn việc sống riêng hoặc kết hôn, các bé trai sẽ theo chiều hướng “bám váy mẹ”, nghe răm rắp những lời cha mẹ nói mà không có chính kiến, lập trường riêng.

5. Nguy cơ phạm tội cao

Nghe điều này có vẻ vô lý nhưng xét từ góc độ Tâm lý học thì nó là kết quả của quá trình phát triển, những trẻ có xu hướng được bao bọc hoặc kiểm soát quá mức từ khi còn nhỏ sẽ hình thành suy nghĩ chống đối, bất bình những việc không theo ý mình, phản kháng lại bằng những hành vi tiêu cực thậm chí nguy hiểm; nên nguy cơ phạm tội cao hơn so với những trẻ khác. Bởi trẻ bị kìm nén cảm xúc quá lâu dẫn đến việc “bùng nổ” cảm xúc, trở thành người thô lỗ, cục cằn…

Khi trẻ cảm thấy rằng mình đang bị cha mẹ kiểm soát quá mức, trẻ sẽ khiến phản kháng gay gắt, hậu quả không lường trước được.

Để tránh nguy cơ này, việc giáo dục, yêu thương con trẻ cha mẹ cần có kiến thức để dạy dỗ con với phương pháp phù hợp, có lý trí.

Đã lỡ bao bọc con rồi, làm thế nào sửa chữa?

Bắt đầu lại từ đầu, khuyến khích con tự lập từng chút một.

Nhà Tâm lý học Lâm sàng Lauren Feiden nói rằng, ‘Giúp con có được sự tự lập là rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em’. Ví dụ: trẻ ngồi đó và phụng phịu nói rằng, con không thể tự buộc được dây giày, thì cha mẹ hãy khuyến khích con thử làm (cố gắng kiên nhẫn không vì thấy con làm lâu, không làm mà lại làm thay con cho nhanh).

- Khen ngợi khi trẻ có tính tự giác làm.

Trong khi chơi đùa, không may con bị trầy xước đầu gối, tay chân thì hãy bình tĩnh và nói con hiểu rằng không sao cả, chỉ là vết thương ngoài da. Khích lệ trẻ tiếp tục chơi tiếp thay vì chỉ chăm chăm chú ý đến vết trầy hoặc vội vàng quát mắng, nói với con không được chơi tiếp để tránh bị trầy thêm nữa.

Bắt đầu lại từ đầu, khuyến khích con tự lập từng chút một. (Ảnh pexels)

- Làm mẫu cho con thấy con có thể làm gì với những tình huống khiến con lo lắng, khó chịu. Kể cho con nghe trải nghiệm của bạn và cách vượt qua tình huống đó như thế nào. Với bất kỳ câu chuyện nào trong cuộc sống để lấy ví dụ cho trẻ: “Đôi khi mẹ cũng thấy sợ hãi khi gặp người lạ nhưng lại tự nhủ rằng mình phải dũng cảm lên. Sau đó mẹ hít một hơi thật sâu để lấy lại bình tĩnh và nói lời chào”.

- Trao cho con quyền tự quyết định mọi việc trong khả năng (vẫn có sự kiểm soát của cha mẹ)

Cho con trải nghiệm cảm giác khi làm thành công việc nào đó và khi thất bại, thế nào là thua cuộc, mất mát. Trong cuộc thi bóng rổ của trường hay một cuộc thi thể thao nào đó mà trẻ chưa đạt được thành tích như mong đợi, hãy nói cho con hiểu thắng thua không quan trọng mà ở quá trình, cố gắng hoàn thiện kỹ năng hơn đừng chì chiết, chê bai trẻ… Bởi đó là những điều diễn ra trong cuộc sống và nó sẽ giúp trẻ kiên nhẫn hơn.

- Để con tự quyết định hương vị (đồ ăn, thức uống, mùi vị), màu món ăn hay quần áo và nói con cần chịu trách nhiệm với món đồ mình chọn hứa sẽ ăn ngon hoặc yêu quý nó… Khi đó trẻ sẽ hiểu và rút ra được bài học với hoạt động đó, lựa chọn đó không hợp với mình hoặc con sẽ biết có những cách khác để đạt được kết quả tốt hơn.

Việc bao bọc con quá mức chính là cha mẹ đang sống thay, sống hộ cuộc đời của con mà không biết. Hệ quả sẽ theo con suốt cuộc đời và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trẻ.

Tôi có biết một gia đình nọ, bố mẹ có 4 người con (3 con trai và 1 con gái), hiện ông bà gần 80 và gần 70 tuổi. Hiện các con của ông bà đã trưởng thành và có gia đình riêng, ông bà vẫn bao bọc, can thiệp quá sâu vào cuộc sống của các con khiến họ cảm thấy cuộc sống ngột ngạt. Làm gì cũng không vừa ý ông bà lại bị mắng bị chửi, có anh con út nghe lời bố mẹ hết mực. Ông mong có cháu của vợ chồng cậu út mà mãi chưa thấy, ông bảo cậu út bỏ vợ này đi ông lấy cho đứa khác. Mọi chuyện đều nghe theo bố mẹ, không có chính kiến riêng quả thật anh con trai út bỏ vợ hiện tại để tìm người khác. Vậy là tan nát một gia đình chỉ bởi người đàn ông không có lập trường. Tác hại của việc yêu thương bao bọc quá mức thật không tưởng tượng được.

Tình yêu thương, bảo vệ con cái là bản năng của mỗi cha mẹ; tuy nhiên, việc bảo vệ quá mức sẽ chỉ khiến con lệ thuộc, ngăn trở trẻ học cách tự lập, phát triển toàn diện. Không phải không yêu thương trẻ nữa mà yêu thương một cách lý trí, sáng suốt để tạo nên những con người có nhân cách tốt, có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Tác hại của tình yêu thương bao bọc con quá mức, đặc biệt điều số 5