Tác phẩm ‘Thiên thần trói buộc Satan’: Sự lương thiện là chìa khóa đến thiên đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng “phiên bản tốt nhất” của chính mình. Điều này trông như thế nào? Chúng ta sẽ cư xử ra sao? Một số người có thể tưởng tượng mình có rất nhiều tiền bạc, danh vọng, hoặc quyền lực… và cho rằng đây là điều tốt nhất. Nhưng thực tế thì sao? Rất có thể, tất cả chúng ta đều nhìn thấy một “cuộc sống khác” khi thực hiện thử nghiệm này. Chúng ta thường quan niệm rằng, tiền tài, danh vọng là cần thiết nhất để trở thành một “phiên bản tốt nhất” mà chúng ta mong muốn, hoặc có thể tưởng tượng đến.

Tuy nhiên, điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là những người có tiền bạc, danh vọng hoặc quyền lực có thể là người tốt, hào phóng và nhân ái - nhưng cũng có thể là những người xấu, độc ác và phá hoại. Vậy thì: “Liệu chúng ta có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình không, nếu chúng ta hành động như một người xấu?”

Tất nhiên, câu trả lời là không!

Chúng ta cần phải đạt được những mục tiêu trong cuộc sống bằng cách chân chính, thì mới có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Gần đây tôi đã xem một bức tranh của họa sĩ lãng mạn Philip James de Loutherbourg, có tên “Thiên thần trói buộc quỷ Satan”, nó nhắc nhở tôi về cuộc đấu tranh nội tâm mà chúng ta phải chịu đựng để tìm kiếm “phiên bản” tốt nhất của mình.

'Thiên thần trói buộc quỷ Satan'

Epoch Times Photo

Tổng lãnh thiên thần Michael chiến thắng Satan, được vẽ khoảng năm 1630 đến khoảng năm 1635, bởi hoạ sĩ Guido Reni. Dầu trên vải, 115,3 inch x 79,5 inch. (Ảnh: Public Domain)

Epoch Times Photo

Bức tranh 'Thiên thần trói buộc quỷ Satan' của hoạ sĩ Philip James de Loutherbourg vẽ năm 1797 - Khổ tranh: Dầu trên vải, 17,75 inch x 14,76 inch (Ảnh: Public Domain)

Bức tranh của Loutherbourg miêu tả hình ảnh sống động về một thiên thần đang khống chế quỷ Satan. Đó là Tổng lãnh thiên thần Michael, vị Thần đã đánh bại Satan bằng cách “khống chế” nó bằng một sợi dây xích và thanh kiếm sắc nhọn (như trong bức tranh trước đó của Guido Reni). Chúng ta sẽ gọi vị Thiên Thần này là Michael.

Michael là tâm điểm của bức tranh. Lớp vải màu hồng phấn quấn quanh áo giáp giúp ông nổi bật trên nền trời. Tư thế của ông là một tư thế chủ động: Chân phải của ông ấy đặt vững chắc trên một tảng đá phía sau, trong khi chân trái đang dẫm xuống và ghì chặt Satan.

Đôi cánh xòe ra của ông là sự pha trộn giữa màu sắc của tấm vải hồng phấn và chiếc chìa khóa vàng. Tay phải ông đang giơ lên chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cổng thiên đường; và tay trái của ông nắm lấy sợi dây xiềng xích đang trói buộc Satan.

Satan được miêu tả trong tư thế của kẻ bại trận. Cơ thể hắn co lại dưới áp lực của bàn chân Michael, và cố với lấy những sợi xích mà thiên thần đang quấn quanh cổ hắn. Tay còn lại hắn nắm lấy một con rắn - đang quấn quanh cánh tay và đầu hắn - được Loutherbourg mô tả như một cái đầu lâu. Quỷ Satan quay đầu lại và dương ánh mắt nhìn hướng lên Tổng lãnh Thiên Thần Michael.

Hình ảnh Satan không nổi bật trong bức tranh. Khi chúng ta nhìn vào tổng thể, phần thân trên của hắn bị chìm trong màu nền tối và gần như không phân biệt được với hậu cảnh. Điều thú vị là, chỉ có phần thân Satan đang bị Thiên Thần Michael dẫm lên là nổi bật lên và nhìn thấy rõ ràng.

Chân của Satan biến thành đuôi của rắn lục, một trong số đó rơi thõng xuống địa ngục đang rực lửa, ngay bên dưới hắn. Chân còn lại cuộn vào khoảng trống ở phía bên trái của bố cục.

Kiểm soát sự huỷ hoại - Một cuộc chiến nội tâm

Hình ảnh này cho chúng ta cái nhìn thông thái nào về việc “chúng ta sẽ trở thành những con người tốt nhất”?

Có thể dễ dàng hình dung đây là đại diện cho trận chiến giữa thiện và ác, giữa thiên đường và địa ngục - Một trận chiến tồn tại ở một nơi nào đó “ngoài kia”, tách biệt với chúng ta. Tuy nhiên, hãy dành một chút thời gian để hướng cái nhìn của chúng ta vào bên trong tâm hồn mình. Bạn sẽ thấy rằng, bức tranh này đang thể hiện cuộc đấu tranh diễn ra bên trong mỗi người - “Một cuộc chiến nội tâm”.

Loutherbourg đã mô tả Satan với một chiếc đầu lâu. Thông thường, đầu lâu trong hội hoạ tượng trưng cho cái chết hoặc sự hủy diệt. Một trong những cái chân ngoằn ngoèo của Satan đi xuống địa ngục, còn chân kia đang cố vươn ra xa; hắn cũng cầm một con rắn trong tay trái của mình.

Những yếu tố ngoằn ngoèo này đại diện cho sự cám dỗ. Do đó, chúng ta có thể kết luận rằng Satan đại diện cho cái chết, sự hủy diệt và sự cám dỗ, hoặc đơn giản hơn, hắn là đại diện cho mối quan hệ của tất cả những yếu tố này: Cái chết và sự hủy diệt đến từ sự cám dỗ!

Những cám dỗ này lan rộng ra thế giới xung quanh chúng ta và kết nối chúng ta với địa ngục, giống như đôi chân ngoằn ngoèo của Satan.

Nếu Satan đại diện cho các yếu tố xấu xa, cái ác sẽ tương ứng với những cám dỗ và gây ra cái chết cùng sự hủy diệt. Làm thế nào để chúng ta có thể tìm ra bản ngã chân chính, kiểm soát những cám dỗ đang tàn phá bên trong chúng ta?

Thiên Thần Michael là đại diện cho việc kiểm soát sự cám dỗ gây ra cái chết và sự hủy diệt. Ông điều khiển và chế ngự Satan bằng chân và xiềng xích của mình. Michael, một thiên thần đại diện cho sự tốt lành của thiên đường, có thể trói buộc quỷ Satan, hiện thân của cái ác.

Ông nắm giữ một chiếc chìa khóa dẫn đến ánh sáng của thiên đường. Đây có phải là chiếc chìa khóa để trói Satan tại chỗ và giữ hắn làm tù nhân không? Điều này phải chẳng cho thấy: Chính nhờ có thiên đường, mà cái ác mới bị đánh bại?

Ở đây, ​​chiếc chìa khóa có thể không chỉ là thứ để “khoá Satan và những cám dỗ của hắn”, mà cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ để chỉ về chiếc chìa khóa “giải thoát” chúng ta khỏi ngục tù của sự cám dỗ.

Ở phần đầu của bài viết này, chúng ta đã tham gia vào một thử nghiệm suy nghĩ. Chúng ta đã đặt ra câu hỏi là: “Đâu sẽ là phiên bản tốt nhất của chính mình?”. Theo sự thông thái mà bức tranh này mang lại, phải chăng sự thuần khiết, tốt lành của thiên đường là chìa khóa để chúng ta ngăn mình rơi vào sự huỷ diệt, và giải thoát mình khỏi những cám dỗ?

Nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những thông điệp tín ngưỡng tâm linh, biểu tượng của những ý nghĩa chân chính mà chúng có thể bị mất đi trong xã hội hiện đại.

Trong loạt bài “‘Chạm vào tâm hồn’: Những gì nghệ thuật truyền thống mang đến cho chúng ta”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách có thể sâu sắc hơn về mặt đạo đức đối với chúng ta ngày nay.

Chúng tôi không đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi, nhưng hy vọng rằng những giả định của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình phản chiếu nội tâm, để chúng ta có thể hướng đến những giá trị nhân sinh cao đẹp hơn, và trở thành những con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.

Tác giả: Eric Bess là một nghệ sĩ đại diện về Nghệ thuật Thị giác và là ứng viên tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).

Đông Mai

Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Tác phẩm ‘Thiên thần trói buộc Satan’: Sự lương thiện là chìa khóa đến thiên đường