Tại sao chúng ta nghĩ rằng tiền mua được hạnh phúc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn sẽ làm gì nếu một số tiền lớn đột nhiên xuất hiện trong tài khoản ngân hàng của bạn? Khoản chi tiêu 120.000 đô la của một cặp vợ chồng ở Pennsylvania là một ví dụ điển hình đáng để suy ngẫm.

Đối với Robert và Tiffany Williams ở Montoursville, Pennsylvania, đây là một cám dỗ thật sự. Vào tháng 5, ngân hàng của họ đã vô tình đưa 120.000 đô la vào tài khoản của gia đình này. Mặc dù không ai biết rõ lý do tại sao điều này xảy ra, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng cảnh sát cần phải làm gì tiếp theo.

Thay vì thông báo cho ngân hàng về số tiền lớn “từ trên trời rơi xuống” tài khoản của mình, gia đình Williams bị cáo buộc đã tiêu số tiền trên cho một chiếc xe SUV, hai chiếc xe địa hình bốn bánh và một chiếc xe chuyên dụng cho việc cắm trại, cùng những thứ khác. Họ cũng đã tặng 15.000 đô la cho những người bạn khác đang cần tiền.

Họ phải đối mặt với các tội danh trộm cắp và mức phí thấu chi khổng lồ từ ngân hàng (mức phí phạt do đã chi vượt số tiền có trong tài khoản ngân hàng).

Robert Williams đã nói với WNEP, một đối tác liên kết với CNN, bên ngoài tòa án vào đầu tháng này, khi cặp đôi lần đầu xuất hiện trước tòa để giải trình cho sự việc: “Tất cả những gì tôi định nói là chúng tôi đã nhận một số lời khuyên pháp lý tồi tệ từ một số người. Và cuối cùng, những điều tốt nhất đã không xảy ra”.

Các nghiên cứu về hành vi xã hội của con người cho thấy rằng chúng ta không nên quá ngạc nhiên về những gì gia đình Williams đã làm — nhưng chúng ta cũng không nên quá vội vàng đưa ra những kết luận hoài nghi về tính cách và hành vi của nhân loại nói chung từ câu chuyện này.

Con người thích sự công bằng

Làm giàu một cách không chân chính hoặc bóc lột và lợi dụng người khác nhằm tạo lợi nhuận cho cá nhân mình là những việc luôn được cho là trái đạo đức và không có gì đáng ngưỡng mộ. Thay vì trông chờ vào việc vô tình nhận được thứ gì đó, thì hãy cố gắng kiếm được thứ đó một cách công bằng và chính đáng.

Theo nghiên cứu về tâm lý học và khoa học thần kinh, con người được sinh ra với một sự thôi thúc quá lớn để hợp tác với nhau; đưa ra những lựa chọn công bằng; và phục vụ những điều tốt đẹp.

Khi còn rất nhỏ, trẻ sơ sinh đã biết thích những người thân thiện và hay giúp đỡ người khác hơn là những kẻ xấu xa. Và về bản chất tự nhiên, trẻ con cũng thường xuyên giúp đỡ người lạ mà không cần được dạy bảo, nhắc nhở hay tán thưởng.

Bị cô lập xã hội một cách không tự nguyện (ví dụ: cô đơn, tù đày) vốn dĩ là một hình phạt đối với con người. Ngược lại, nếu có một người bạn thân bên cạnh sẽ khiến chúng ta dễ dàng vượt qua các khó khăn và thử thách hơn, thậm chí là cảm thấy thú vị hơn. Mọi người tự nhiên hình thành các mối quan hệ tin cậy, rồi kết bạn, khuyến khích và an ủi lẫn nhau. Tất cả những điều này đều nhằm mục đích thúc đẩy và duy trì các mối quan hệ xã hội mang tính hỗ trợ và lâu dài.

Dây thần kinh kết nối sự hợp tác

Khi mọi người hành động một cách hào phóng, làm điều gì đó để duy trì công lý hoặc đạt được mục tiêu chung, thì các đường dẫn truyền thần kinh tưởng thưởng (reward pathways) trong não của họ sẽ sáng lên. Thật vậy, dây thần kinh sọ thứ mười của con người có chức năng chuyển tiếp các tín hiệu quan trọng giữa não và cơ thể, vốn có chức năng dùng để liên kết các hệ thống giúp cá nhân bình tĩnh; thúc đẩy cá nhân chăm sóc và sẻ chia tình cảm với các cá nhân khác. Trên thế giới, quốc gia nào càng có nhiều cư dân tham gia các công việc từ thiện thì mức độ hạnh phúc của quốc gia đó càng cao.

Hóa ra con người là một loài có tính xã hội sâu sắc. Tính “ủng hộ xã hội” bẩm sinh của chúng ta thôi thúc chúng ta quan tâm đến phúc lợi của người khác và quan tâm đến cộng đồng, thích hào phóng và thích bối cảnh công bằng và bình đẳng. Tính “ủng hộ xã hội” bẩm sinh này còn được liên kết chắc chắn với một số hệ thống sinh học khác nhằm đảm bảo sự thành công tập thể.

Biết và hiểu được những điều tốt đẹp trong cuộc sống; cũng như biết chấp nhận nguồn gốc của sự tốt đẹp nằm ở chính bản thân và xung quanh chúng ta. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể củng cố tính nhân văn chung, sự lạc quan lành mạnh và sự gắn kết trong các mối quan hệ của chúng ta. Điều này cũng giúp chúng ta đặt lòng tin vào những người đã giúp đỡ chúng ta và thúc đẩy chúng ta giúp đỡ người khác. (Ảnh: Shutterstock)
Biết và hiểu được những điều tốt đẹp trong cuộc sống; cũng như biết chấp nhận nguồn gốc của sự tốt đẹp nằm ở chính bản thân và xung quanh chúng ta. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể củng cố tính nhân văn chung, sự lạc quan lành mạnh và sự gắn kết trong các mối quan hệ của chúng ta. Điều này cũng giúp chúng ta đặt lòng tin vào những người đã giúp đỡ chúng ta và thúc đẩy chúng ta giúp đỡ người khác. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, con người cũng sẽ học hỏi từ kinh nghiệm và đưa ra các hành vi để thích ứng với các đặc điểm năng động của môi trường vật chất và xã hội xung quanh họ. Ví dụ, khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa, các hệ thống sinh học để tự sinh tồn của chúng ta sẽ được ưu tiên hơn so với các hệ thống giúp chúng ta kết nối xã hội.

Khi đưa ra quyết định, chúng ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cách mọi thứ được định hình sẵn trong xã hội và những gì được cho là bình thường mà những người xung quanh chúng ta thường thực hiện. Những cú huých rất nhỏ bằng ngôn ngữ cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta.

Ví dụ: Nếu mọi người được yêu cầu tham gia một trò chơi giả lập mang tên “Trò chơi cộng động” ở trong một phòng thí nghiệm, thì mọi người sẽ sẵn sàng tham gia và nhiệt tình hợp tác với nhau hơn so với một trò chơi khác mang tên “Trò chơi phố Wall”. Mặc dù nhiệm vụ và nguyên tắc đều như nhau. Nếu chúng ta thấy người khác chọn một câu trả lời sai, chúng ta cũng có nhiều khả năng chọn câu trả lời sai hơn so với khi chúng ta đối mặt với cùng một câu hỏi nhưng chỉ có một mình.

Cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định

Với một loạt các hoàn cảnh và lựa chọn phức tạp trong cuộc sống thường ngày, mọi người có xu hướng phân tích dựa trên hai tiêu chí chi phí và lợi ích. Khi phân tích các lựa chọn, con người thường dựa trên những thứ như cảm giác của họ lúc đó hoặc trước đó, những gì họ có thể được hoặc mất, hoặc dò xét xem những người đang xem xung quanh nhận định thế nào. Thật đáng tiếc, tất cả điều này, có thể không chính xác.

Khi nói đến việc giúp đỡ người khác, chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc “chúng ta không đủ tự tin và không đủ khả năng để giúp đỡ” với việc “những nỗ lực giúp đỡ người khác sẽ làm chúng ta cạn kiệt mọi thứ”. Vì thế, chúng ta thường không can thiệp.

Nếu có nhiều người xung quanh đang xem và giúp đỡ, chúng ta thường sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn. Nhưng nếu những người xung quanh chỉ đứng nhìn, chúng ta thường làm điều tương tự, dù cho có khói đang cuộn lên từ dưới cửa.

Như một khuôn mẫu chung, mọi người thường có xu hướng tập trung quá mức vào các mối đe dọa, các mong muốn, cách thức thể hiện và duy trì một bản sắc cá nhân, và những thuận lợi trong xã hội. Sự rập khuôn này chủ yếu phục vụ cho sự an toàn của cá nhân chúng ta và giúp chúng ta tích lũy kinh nghiệm sống ở xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu không có đôi mắt quan sát tinh tế, sự cân nhắc kỹ lưỡng hoặc sự hợp tác đáng tin cậy, thì bộ não của chúng ta cũng sẽ ứng phó theo kiểu thường ngày và điều đó có thể khiến chúng ta lạc lối.

Những gì chúng ta dự đoán về những nguy hiểm hàng ngày hoặc cách chúng ta phản ứng với các sự kiện thú vị sẽ khiến chúng ta thích thú, thường không khớp với những gì thực sự xảy ra. Ví dụ, lái xe đến bãi biển nguy hiểm hơn nhiều so với gặp phải cá mập trong đại dương, nhưng nhiều người thích bơi lội ở đại dương lại sợ cá mập hơn lái xe. Và những người chơi xổ số tin rằng chiến thắng sẽ khiến họ hạnh phúc hơn nhiều so với thực tế.

Với những thực trạng nêu trên, không khó để biết và hiểu được những người xung quanh có thể đã ảnh hưởng như thế nào đến gia đình Williams, vì cuối cùng gia đình họ đã quyết định lấy tiền và không thông báo với ngân hàng. Những người xung quanh có thể đã khuyến khích họ làm như vậy. Gia đình Williams cũng có thể đã đánh giá quá cao mức độ hấp dẫn và thú vị mà số tiền “từ trên trời rơi xuống” kia sẽ mang lại cho họ, nhưng lại đánh giá thấp những vấn đề có thể xảy ra khi họ tiêu số tiền ấy. Mặc khác, họ cũng có thể đã lên kế hoạch cho bạn bè một số tiền ngay từ đầu, vì họ có thể nghĩ rằng điều đó sẽ giúp họ nâng cao bản sắc cũng như địa vị xã hội.

Khi nào chúng ta đưa ra những lựa chọn phi đạo đức?

Cũng có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quyết định của gia đình Williams. Chúng ta không thể biết chắc chắn, nhưng khoa học cho thấy rằng một số thế lực khác có thể đã tham gia.

Đầu tiên, số tiền đến từ một lỗi ngân hàng không liên quan đến một người cụ thể - điều này đã khiến sự đồng cảm xuất hiện nằm ngoài phương trình. Nếu gia đình Williams nhận thức được việc họ được lợi cũng đồng nghĩa với việc mất mát sẽ thuộc về người khác, thì họ có thể đã hành động khác đi.

Vấn đề lỗi ngân hàng này có vẻ như không có ai theo dõi và truy vết các dòng tiền. Điều này đồng nghĩa với trách nhiệm cho lỗi này cũng không biết thuộc về ai. Khi các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho phép mọi người có cơ hội gian lận, tư lợi mà không làm tổn thương người khác và không bị phát hiện, thì hầu như mọi người đều tận dụng lợi thế này và đều làm như vậy.

Thứ hai, những người đưa ra các lựa chọn “có vấn đề” về mặt đạo đức thường đánh giá thấp nguy cơ bị mắc kẹt trong dài hạn hoặc trở thành con mồi của một “cao thủ lừa bịp” nào đó. Mọi người có khuynh hướng nghĩ rằng họ bất khả chiến bại hơn những người khác. Những lời chỉ bảo “vô tâm” đã thúc đẩy gia đình Williams lấy tiền và thực hiện quyết định chi tiêu một cách thiếu cẩn trọng.

Thứ ba, văn hóa hiện đại và truyền thông ngày nay không ngừng thúc đẩy con người gắn chặt với tư tưởng rằng hạnh phúc đến từ chủ nghĩa tiêu dùng và giải trí. Các kênh chính thống hứa hẹn niềm hạnh phúc thực sự sẽ đến khi mà con người sở hữu được tài sản mới, địa vị gia tăng, hoặc thể hiện được sự độc quyền và sự sang trọng (cho dù chỉ là thoáng qua). Nhưng một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng theo đuổi hạnh phúc theo cách này thực sự khiến mọi người ít hạnh phúc hơn. Có thể gia đình Williams, giống như nhiều người khác, tin rằng những điều mới mẻ mà họ có được từ số tiền ấy, sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn là thực hiện những hành động đúng đắn.

Theo một khía cạnh liên quan, chúng ta đang ở trong thời đại “FOMO - Fear Of Missing Out - Sợ bị bỏ rơi, sợ bị mất cơ hội”. Đó là những tư tưởng đang được lan truyền mạnh mẽ và duy hộ bởi truyền thông xã hội. Vì lẽ đó, không còn cách nào tốt hơn để giảm bớt tình trạng bất ổn này, ngoài việc tích trữ những thứ lạ mắt?

Thứ tư, gia đình Williams thực sự đã làm một điều gì đó tốt đẹp — họ đã cho người khác một phần tiền. Quay lại phương trình chi phí - lợi ích, biến này có thể củng cố đạo đức của họ theo kiểu Robin Hood. Ảo tưởng về việc khôi phục sự công bằng, ban phát tiền một cách rộng rãi cho người quen biết sẽ tốt hơn là trả lại tiền cho ngân hàng. Ảo tưởng này có thể làm họ mê mờ trước sự nhạy cảm của những hành vi được cho là “trộm cắp” và “phi đạo đức”.

Cuối cùng, những tin tức và những câu chuyện về những người có chức vụ và quyền lực đã có hành vi phi đạo đức nhưng lại không phải chịu hậu quả, đã trở nên phổ biến một cách chóng mặt trong thời gian gần đây.

Đồng thời, sự phân hóa giàu nghèo, sự chênh lệch giữa các thành phần xã hội dựa trên niềm tin về chính trị đã và đang trở nên rõ rệt và sâu sắc. Chính sự phân hóa và chênh lệch này đã làm suy yếu về tinh thần đồng thuận và thỏa hiệp trong nội bộ quốc gia. Chúng cũng góp phần dẫn đến sự chia rẽ, hiện tượng “thiếu chịu đựng, thiếu kiềm chế” trong dân chúng và những hành vi lệch lạc về mặt đạo đức.

Nói một cách đơn giản, chúng ta bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những gì đang xảy ra bên ngoài đầu của chúng ta. Nếu những ảnh hưởng đó là tích cực, chúng ta có nhiều khả năng đưa ra quyết định đúng đắn hơn. Nếu những ảnh hưởng đó không tích cực, và tệ hơn nữa là chúng ta lại nhận thêm “một số lời khuyên pháp lý tồi từ một số người” như Robert Williams đã nói - thì chúng ta sẽ thấy mình đang trên đường vào tù.

Hạnh phúc và tốt đẹp xã hội

Nếu việc chi tiêu tự do 120.000 đô la không làm tăng hạnh phúc, thì điều gì mới khiến chúng ta hạnh phúc?

Những người chơi xổ số tin rằng chiến thắng sẽ khiến họ hạnh phúc hơn nhiều so với thực tế. (Ảnh:Shutterstock)
Những người chơi xổ số tin rằng chiến thắng sẽ khiến họ hạnh phúc hơn nhiều so với thực tế. (Ảnh:Shutterstock)

Theo khoa học cho đến nay, con đường hứa hẹn nhất dẫn đến hạnh phúc thực sự là thông qua kết nối xã hội một cách có ý nghĩa, đóng góp vào lợi ích của người khác và hành động có mục đích đúng đắn - nói ngắn gọn là cảm thấy mình là người góp phần quan trọng và có ích trên thế giới. May mắn thay, có rất nhiều sách báo, hoạt động và bài tập được khoa học hỗ trợ để hướng tới loại hạnh phúc này.

Ví dụ, chánh niệm giúp chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về những trải nghiệm bên trong thời gian thực và hoàn cảnh bên ngoài, theo cách giảm thiểu suy nghĩ quá tập trung, tưởng tượng hoặc thiên lệch về bản thân. Vượt ra khỏi sự tập trung vào bản thân này cũng giúp chúng ta đưa ra các quyết định gắn bó với các giá trị đạo đức, nhân ái.

Tại GGSC (Greater Good Science Centre - Trung Tâm Khoa Học Tiến tới cái Tốt hơn), chúng tôi định nghĩa chánh niệm là “duy trì nhận thức từng khoảnh khắc về suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác của cơ thể và môi trường xung quanh, thông qua một lăng kính nhẹ nhàng, biết nghĩ đến và quan tâm người khác”. Đây là cách luyện tập có thể giúp bạn nhận thức rõ ràng hơn những điều tốt đẹp và những ảnh hưởng tích cực xung quanh mình.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng: “Biết và hiểu được những điều tốt đẹp trong cuộc sống; cũng như biết chấp nhận nguồn gốc của sự tốt đẹp là nằm ở chính bản thân và xung quanh chúng ta. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể củng cố tính nhân văn chung, sự lạc quan lành mạnh và sự gắn kết trong các mối quan hệ của chúng ta. Điều này cũng giúp chúng ta đặt lòng tin vào những người đã giúp đỡ chúng ta và thúc đẩy chúng ta giúp đỡ người khác”. Đây là một công thức gia tăng hạnh phúc.

Kỹ năng xin lỗi và tha thứ, mà gia đình Williams có thể cần phải nắm lấy, cũng có thể cải thiện hạnh phúc. Loại hạnh phúc đến từ việc ưu tiên các hoạt động và hành vi như lòng biết ơn và giúp đỡ người khác, sẽ giúp con người cảm thấy hài lòng và có ý nghĩa trong việc xây dựng các mối quan hệ vững bền. Chúng cũng giúp cải thiện sức khỏe và tuổi thọ. Các mối quan hệ tốt hơn có thể giúp bạn thành công hơn. Những người hạnh phúc hơn thường kiếm được mức lương cao hơn, thường được đánh giá cao trong xã hội. Hơn nữa, họ thường xứng đáng với vai trò lãnh đạo. Đặc biệt, họ cũng được nhìn nhận là có thể mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho những người khác.

Ngay cả khi gia đình Williams không bị bắt, rất có thể những lựa chọn thiển cận, thiếu tập trung và thiếu trung thực của họ sẽ lấy đi hạnh phúc của họ.

Mặc dù, qua câu chuyện trên, mọi người đều có nhìn nhận và sự hoài nghi của riêng mình, nhưng chúng ta đều có cơ hội tuyệt vời để suy ngẫm và học hỏi. Có những khía cạnh nào của văn hóa và lối sống đại chúng đã khiến gia đình họ có những quyết định thiếu đúng đắn không? Hay có phải những lời khuyên pháp lý tồi đã dẫn đến những hành động bất hợp lý không?

Có lẽ câu chuyện này buộc chúng ta phải đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn về xã hội mà chúng ta đang sống - và những gì chúng ta có thể làm để mang lại điều tốt nhất cho tất cả chúng ta.

Hoa Long

Theo Emiliana R. Simon (Thomas) - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao chúng ta nghĩ rằng tiền mua được hạnh phúc?