Tại sao người xưa ăn rất mặn mà ít khi bị cao huyết áp, tim mạch?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, con người ngày càng chú trọng hơn đến sức khỏe. Người ta nhận ra rằng có rất nhiều bệnh tật đều do thói quen ăn uống không tốt gây ra, do đó mới có câu "Bệnh từ miệng mà ra".

Khi con người tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ và muối sẽ làm tăng gánh nặng cho tim, thận và các cơ quan khác. Một lượng lớn muối đi vào cơ thể cũng sẽ khiến cơ thể không thể thải độc kịp thời và hiệu quả, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp và tim mạch. Vì vậy, trong quá trình ăn uống lành mạnh ngày nay, chế độ ăn nhạt đã trở nên đồng nghĩa với việc giữ gìn sức khỏe thể chất của con người.

Tuy nhiên, trước đây, nhất là trong thời đại thiếu thốn vật chất, việc thiếu lương thực và khó bảo quản khiến người ta phải tích trữ một lượng lớn thức ăn - bằng cách “muối thực phẩm” để đáp ứng khẩu phần ăn cơ bản hàng ngày.

Thực phẩm ướp muối có hàm lượng muối rất cao, thậm chí ngày nay các loại thực phẩm này được khuyến cáo là không nên ăn nhiều. Vậy mà người xưa còn dùng chúng làm thực phẩm chính. Nhưng điều đáng quan tâm là: dù ăn thực phẩm ướp muối nhiều, nhưng người xưa lại rất ít khi mắc các bệnh như cao huyết áp, tim mạch. Tại sao lại như vậy?

Bằng cách nghiên cứu thói quen sinh hoạt của con người trong quá khứ, người ta nhận thấy có một số lý do có thể là nguyên nhân:

Kiểm soát lượng muối tiêu thụ

Người xưa dùng thực phẩm ướp muối để duy trì cuộc sống, nhưng chính vì khan hiếm lương thực nên người ta chỉ ăn một lượng nhỏ thức ăn mỗi bữa, do đó lượng muối tiêu thụ không hề nhiều.

Ngược lại, ngày nay, sự phát triển của ngành thức ăn công nghiệp, giao đồ ăn... đã giải phóng sức lao động của nhiều người. Khi không muốn nấu ăn, bạn có thể dễ dàng gọi những món mình thích mà không cần phải rửa đống bát đĩa nhiều dầu mỡ.

Tuy nhiên, để tăng hương vị cho món ăn, nhiều nhà hàng có xu hướng tăng lượng gia vị trong quá trình chế biến, do đó đồ ăn thường chứa nhiều dầu và muối. Nếu cứ tiếp tục như vậy, hàm lượng muối trong cơ thể người sẽ ở mức cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn muốn tránh xa bệnh tật và duy trì một cơ thể khỏe mạnh, bạn cần phải cải thiện thói quen ăn uống của mình.

Lượng vận động nhiều

Điều kiện sống của con người trước đây tương đối khó khăn, hầu hết là lao động chân tay, hoạt động thể lực nhiều có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, nên có tác dụng nâng cao sức đề kháng với bệnh tật. Ngoài ra, sau khi thực hiện các công việc nặng nhọc, cơ thể con người sẽ bài tiết một lượng lớn muối cùng với mồ hôi, không gây gánh nặng cho thận.

Nhưng hiện nay, hầu hết công việc hàng ngày của mọi người đều ở trạng thái ít vận động trong thời gian dài, lên xuống cầu thang đã có thang máy, đi ra ngoài đã có ô tô. Con người hiện đại lại lười tập thể dục, nên mặc dù họ có làn da trắng sáng và mềm mại nhưng lại rất dễ mắc các bệnh như cao huyết áp.

Do đó, việc ngồi lâu, lười vận động không chỉ gây tích tụ mỡ mà còn làm giảm khả năng miễn dịch của con người, không có lợi cho sự phát triển lâu dài của thể chất.

Có thể thấy, cao huyết áp và các bệnh tim mạch không hoàn toàn là do ăn quá nhiều muối, mà là do tác động tổng hợp của thói quen ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn muối để giảm nguy cơ mắc bệnh. Cơ thể con người cần một lượng muối nhất định mỗi ngày, bởi đây là cơ sở để duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan khác nhau của con người, và cung cấp cho cơ thể người các nguyên tố vi lượng cần thiết. Do đó, kiểm soát lượng tiêu thụ muối hợp lý sẽ không ảnh hưởng đến cơ thể.

Ngoài việc ăn uống lành mạnh, vận động với một cường độ thích hợp cũng là một thói quen tốt giúp cơ thể khỏe mạnh và tránh xa bệnh tật.

Thanh Hương

Theo aboluowang.com



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao người xưa ăn rất mặn mà ít khi bị cao huyết áp, tim mạch?