Tảng đá 500 tấn lơ lửng trên không: Top 9 tảng đá kỳ lạ, thách thách mọi quy luật vật lý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đứng trước những khối đá khổng lồ hàng trăm tấn - cái thì chênh vênh, cái thì hình thù kỳ lạ, có cái “thách thức trọng lực” khi lơ lửng trên không khiến bạn có cảm giác như chúng sẽ đổ sập xuống bất cứ lúc nào… Vậy mà chúng vẫn đứng yên vững chãi, trường tồn ngàn năm.

Những hòn đá “độc nhất vô nhị” này đã bất chấp mọi quy luật để có thể lơ lửng một cách không thể lý giải, hoặc đứng vững ở những vị trí không thể nào mà tin nổi, cứ như là có 1 bàn tay khổng lồ đặt chúng ở đó vậy.

Hiện tượng này khiến cả người xem và người nghiên cứu phải kinh ngạc tự hỏi liệu cao nhân nào đã tạo nên những tuyệt tác khổng lồ này, làm sao chúng có thể đứng vững trong những “tư thế” kỳ lạ như vậy, và lại tồn tại được trong hàng ngàn năm?

Chúng ta hãy bắt đầu hành trình khám phá 9 tảng đá độc đáo nhất thế giới này nhé!

  1. Đá nổi kỳ diệu

Nếu như các bạn có dịp vòng quanh làng Al Twaitheer ở miền Đông Ả Rập Xê Út thì sẽ có cơ hội gặp được hòn đá siêu to nằm ven đường. Mới nhìn qua bạn sẽ tưởng rằng nó đang bay lơ lửng, thực tế thì nó bay thật.

(Ảnh: tổng hợp)
(Ảnh: tổng hợp)

Chỉ với ba cái cột trụ bé tí, nhưng lại có thể đỡ được cả khối đá to khổng lồ ở phía trên. Thế là từ đây đã bắt đầu các cuộc nghiên cứu, thảo luận giữa các giáo sư, tiến sĩ và cả những người hiếu kỳ. Nhưng đều không có kết quả rõ ràng nào cả.

Theo truyền thuyết thì nhà tiên tri Muhammad đã bay lên trời từ nơi này và hòn đá cố bay theo, nhưng cuối cùng nó được ra lệnh phải dừng lại, do đó nó cứ lơ lửng ở đó.

2. Tảng đá cắt làm đôi

Với một đường cắt hoàn hảo hệt như sử dụng kỹ thuật Layer hiện đại để chia đôi khối đá, cùng với những hình vẽ và hình tượng bí ẩn trên bề mặt, khối đá Al Naslaa ở ốc đảo Tayma, Ả rập xê út, đã khơi gợi sự tò mò của du khách, đồng thời cũng khiến giới khoa học phải đau đầu.

Kể từ khi khối đá bí ẩn nặng hàng trăm tấn được phát hiện vào năm 1883 cho đến nay, giới khoa học vẫn chưa giải thích được nguồn gốc của vết cắt là từ đâu, hay liệu đây có phải là một hiện tượng tự nhiên hay không.

(Ảnh: Disdero qua Wikipedia)
(Ảnh: Disdero qua Wikipedia)

Mỗi nửa của khối đá cao khoảng 7m, đứng cân bằng trên một tảng đá nhỏ bên dưới. Ước tính nó có niên đại tới 10.000 năm tuổi.

Có người cho rằng đây là hiện tượng tự nhiên, và những rung động trong lòng đất đã làm nứt đôi khối đá. Cũng có giả thuyết rằng đây là tác phẩm của một nền văn minh tiền sử với trình độ kỹ thuật cao. Dù chưa có câu trả lời thỏa đáng, khối đá này vẫn thu hút hàng nghìn du khách đến với vùng Tayma hàng năm.

3. Tảng đá 500 tấn lơ lửng trên không

Cự thạch Ishi-no-Hoden ở Hyogo, Nhật Bản luôn gây tò mò cho người xem vì lơ lửng trên không một cách kỳ lạ. Giới khoa học cũng không đưa ra được bất kỳ manh mối nào về tảng đá khổng lồ này. Đó là một trong những câu đố lớn nhất và lâu đời nhất trong cả lịch sử và khảo cổ học của Nhật Bản.

Khi đứng nhìn từ xa, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi cảm thấy hòn đá như đang bay bên trên một hồ nước. Theo ghi chép, hồ chứa tảng đá không bao giờ cạn nước, kể cả trong thời kỳ hạn hán kéo dài.

(Ảnh: Wikimedia Commons)
(Ảnh: Wikimedia Commons)

Hội đồng thành phố Takasago cùng với Phòng thí nghiệm Lịch sử Đại học Otemae đã tiến hành các nghiên cứu về Ishi-no-Hoden trong năm 2005 – 2006. Các phép đo ba chiều đã được thực hiện, và đặc điểm của các tảng đá xung quanh cũng được phân tích. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học và sử học truyền thống đã không đưa ra được bất kỳ manh mối nào khác về công cụ chạm khắc và tại sao nó được tạo ra.

Các chuyên gia chỉ có thể chắc chắn rằng Ishi-no-Hoden được tạo ra bởi một nền văn minh phát triển và tiên tiến. Người thiết kế ra tảng đá đã tạo ra một kiệt tác tồn tại hàng ngàn năm.

Người dân Nhật Bản có lưu truyền truyền thuyết về tảng đá nặng 500 tấn bí ẩn này. Tương truyền, vào hơn 2.000 năm trước, một dịch bệnh bùng phát ở Nhật Bản. Khi ấy, 2 vị thần ngụ trong tảng đá này đã báo mộng chỉ dẫn cho hoàng đế Sujin. Hoàng đế lập tức thực hiện theo lời của 2 vị thần và đại dịch đã biến mất.

4. Tảng đá dát vàng ‘chênh vênh’ nghìn năm trên núi

Ngôi chùa Kyaikhtiyo có lịch sử 2.500 năm - và được xây trên một hòn đá với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, hòn đá có chiều cao 7,3m chu vi 15,2m - được gọi là hòn đá vàng, đơn giản vì hòn đá và ngôi chùa được dát kín bằng vàng lá.

Nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, du khách có cảm giác tảng đá khổng lồ này có thể lăn xuống dưới bất cứ lúc nào. Thế nhưng nó vẫn đứng vững hàng nghìn năm nay, phá vỡ mọi nguyên tắc trọng lực. Đáng ngạc nhiên ở chỗ, gắn liền với tảng đá vàng là truyền thuyết kỳ bí, thú vị về việc Đức Phật tới nơi này truyền đạo.

(Ảnh: tổng hợp)
(Ảnh: tổng hợp)

Theo truyền thuyết, Đức Phật đã ban tặng sợi tóc cho một vị ẩn sĩ có tên Taik Tha. Trước khi qua đời, vị ẩn sĩ trao lại sợi tóc Phật cho Vua Tissa. Hai vị thần Zawgyi và Naga đã giúp nhà vua tìm ra hòn đá dưới lòng đại dương. Hòn đá được đưa lên và đặt ở đồi Kyaikhtiyo. Sợi tóc của đức Phật được cất vào hòn đá và ngôi chùa nhỏ đã được xây dựng để thờ cúng xá lợi Phật.

Người ta tin rằng, nhờ sợi tóc của Đức Phật mà tảng đá vẫn đứng vững ở vị trí hiểm hóc như vậy, dù chỉ tiếp xúc với bề mặt núi vỏn vẹn có 78 cm2. Dù bạn có tin hay không, nhưng hiện tượng này vẫn chưa thể được lý giải.

Nếu có cơ hội mọi người hãy đến đây ngắm nhìn tảng đá vàng một lần xem sao! Chắc hẳn nó sẽ khiến bạn rất thích thú đấy!

5. Đá 3 chồng

Ở Việt Nam, có một quần thể đá độc đáo được hình thành từ hàng triệu năm trước trên khu vực Định Quán, Đồng Nai - với những hòn đá khổng lồ nằm chồng lên nhau, chênh vênh như đang chờ chực đổ xuống, nhưng năm này qua năm khác chúng vẫn đứng vững giữa một khu dân cư sầm uất.

Cảnh quan thiên nhiên này được xếp hạng di tích danh thắng quốc gia vào năm 1998 với tên gọi Danh thắng Đá Chồng.

(Ảnh: tổng hợp)
(Ảnh: tổng hợp)

Các hòn đá nơi này nằm chồng lên nhau - có chiều cao trung bình từ 36 – 50 mét so với mặt đường. Hòn đá trên cùng nằm chông chênh - một nửa chìa ra như muốn đổ xuống bất kỳ lúc nào. Chính bởi hình thù hết sức kỳ lạ này đã làm ngạc nhiên không ít khách tham quan dừng chân tại khu thắng cảnh.

Quần thể Đá Ba Chồng còn là nơi lưu lại những dấu tích của cuộc sống người tiền sử. Chính tại nơi này, dưới các mái đá, ven các khe suối và cả các sườn dốc ven thung lũng, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều công cụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của người xưa làm bằng đá, đồng, đất nung.

6. “Đá của chúa trời"

Tảng đá Krishna Butter Ball tọa lạc ở một thị trấn thuộc quận Kancheepuram của Tamil Nadu - nặng hơn 250 tấn, cao 6 m và có đường kính 5 m, nằm trên sườn đồi dốc 45 độ.

Tuy có kích thước khổng lồ, tảng đá vẫn nằm thăng bằng trên bề mặt có tiếp xúc rất nhỏ với sườn đồi. Nó không lăn xuống đồi, cũng không hề nhúc nhích bất chấp mọi nỗ lực dịch chuyển. Vào thế kỷ 7 trước Công nguyên, một vị vua thuộc triều Pallava ở Ấn Độ trở thành người đầu tiên tìm cách dịch chuyển tảng đá - nhằm tránh cho nó khỏi rơi vào tay các thợ chạm khắc, nhưng đã không thành công.

(Ảnh: Flickr)
(Ảnh: Flickr)

Năm 1908, Arthur Lawley, thống đốc bang Madras, có ý định dịch chuyển tảng đá khỏi sườn đồi vì lo ngại nó có thể lăn xuống bất kỳ lúc nào và phá hủy thị trấn dưới chân đồi. Bảy con voi được sử dụng để tiến hành việc di chuyển, nhưng tảng đá không xê dịch dù chỉ một chút.

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải điều gì khiến tảng đá ở nguyên tư thế thăng bằng như vậy.

Tảng đá này được những người dân địa phương gọi là Vaan Irai Kal, tức "Đá của chúa trời". Họ tin rằng các vị thần đã đặt tảng đá ở đây để thể hiện sức mạnh.

Tuy hiện nay vẫn chưa thể dịch chuyển tảng đá này, nhưng nhiều người cho rằng vẫn nên cảnh giác, và việc ngồi dưới tảng đá tránh nắng không phải là một ý tưởng hay.

7. Tảng đá nguyên khối 800 tấn

Ngôi làng Asuka ở Nhật Bản là một vùng đất cổ kính với nhiều di tích lịch sử có giá trị. Một trong những điểm độc đáo nhất của làng này là sự tồn tại của tảng đá lớn nhất và khác thường nhất trong số những tảng đá kỳ dị - tên gọi là Masuda-no-iwafune.

(Ảnh: Wikimedia Commons)
(Ảnh: Wikimedia Commons)

Tảng đá nguyên khối này nằm gần đỉnh đồi ở Asuka, có chiều dài 11 mét, rộng 8 mét, cao 4,7 mét, và nặng khoảng 800 tấn. Mặt trên của nó đã được làm phẳng hoàn toàn và có hai lỗ hổng hình vuông dài 1 mét với một đường gờ song song.

Vậy bản chất của tảng đá này và mục đích của nó là gì? Ai làm ra nó, khi nào và tại sao? Đây hoàn toàn là những câu hỏi mà không có câu trả lời chính xác. Rốt cuộc cao nhân nào có thể tạo ra một tác phẩm 'không tỳ vết' đến như vậy - điều này đến nay vẫn là một bí ẩn đối với nhân loại.

8. "Tảng đá bay" ở Trung Quốc

Vào ngày 19/7/2009 tại Cổ Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, trong khi đi leo núi, anh Gang Hao đã vô tình chụp được bức hình một vật thể lạ trông giống tảng đá đang bay.

Anh Gang đã vô cùng sửng sốt khi phóng to bức hình. Các bức hình không qua bất kỳ sự chỉnh sửa nào. Cây và núi chiếm 2/3 bức ảnh, bầu trời chỉ chiếm 1/3, và vật thể bay xuất hiện có hình dáng của một tảng đá. Ước tính vật thể lạ có đường kính khoảng 5 mét.

(Ảnh: Ancient Explorer)
(Ảnh: Ancient Explorer)

Sau khi phát hiện ra tảng đá bay, anh Gang đã chia sẻ với đồng nghiệp và bạn bè rằng: Liệu đây có phải là một đĩa bay hay một tảng đá bình thường bay lên trong không trung? Tuy nhiên, không ai có câu trả lời cho điều này.

9. Hòn đá “lọt thỏm”

Hòn đá khổng lồ Kjeragbolten ở núi Kjerag (Na Uy) là địa điểm nổi tiếng, nơi những người ưa mạo hiểm đánh cược sinh mạng để có bức ảnh sống ảo “đặc sắc”.

Hòn đá này nằm cheo leo giữa 2 vách núi Kjerag ở vịnh hẹp Lysefjord, khu vực hạt Rogaland phía tây nam Na Uy. Khối đá này nằm chèn giữa khe núi rộng 5 m3, treo lơ lửng trên vực thẳm sâu 984 m.

(Ảnh: Wikimedia Commons)
(Ảnh: Wikimedia Commons)

Rất nhiều du khách run sợ khi đứng trên Kjeragbolten vì nếu chẳng may trượt chân té ngã hoặc tảng đá rơi xuống, hậu quả xảy ra có thể cướp đi mạng sống của bất cứ ai. Tuy nhiên, sự kích thích thần kinh của trải nghiệm này có sức mê hoặc không thể cưỡng lại với các tín đồ du lịch mạo hiểm.

Đứng trước 9 tảng đá độc lạ nằm ở những vị trí “có một không hai" nhất trên thế giới rồi, nhiều người cho rằng những tảng đá này chắn hẳn là do người ngoài hành tinh dùng công nghệ tiến tiến tạo nên, cũng có người tin vào các câu chuyện truyền thuyết để lại. Có người lại cho rằng đơn giản đó là do bàn tay của “mẹ thiên nhiên" kỳ vĩ tạo thành cảnh tượng đầy ngoạn mục cho con người. Nhưng dù thật sự là gì thì những tảng đá này quả là thật sự đặc biệt.

Hà Phương
Theo Ngẫm Radio

 



BÀI CHỌN LỌC

Tảng đá 500 tấn lơ lửng trên không: Top 9 tảng đá kỳ lạ, thách thách mọi quy luật vật lý