Thanh kiếm Viking bí ẩn có độ tinh khiết cao khiến các nhà khảo cổ học bối rối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những thanh kiếm bí ẩn Ulfberht của người Viking rất cứng và sắc bén, gần như không thể phá hủy trên chiến trường. Nó được làm bằng kim loại có độ tinh khiết cao, làm cho các nhà khảo cổ học hiện nay cảm thấy vô cùng bối rối. Điều này khó hiểu bởi vì người ta tin rằng công nghệ rèn kim loại này hoàn toàn không tồn tại trong Thời đại Viking vào khoảng năm 800 sau Công nguyên và không được phát minh cho đến thời kỳ Cách mạng Công nghiệp.

Những thanh kiếm Ulfberht có một lịch sử rất huyền thoại ở Châu Âu. Chính xác mà nói, cái tên này có thể là đại diện cho một đẳng cấp kiếm, bởi vì khoảng 170 thanh kiếm thời trung cổ với chữ Ulfberht (hoặc Vlfberht) được khắc trên mặt của chúng đã được tìm thấy ở châu Âu cho đến nay, có niên đại từ 800 đến 1.000 sau Công nguyên.

"The Secrets of the Viking Sword" (Bí mật của thanh kiếm Viking), một bộ phim tài liệu do NOVA TV và National Geographic đồng sản xuất, được phát sóng lần đầu tiên vào năm 2012, mang đến một cái nhìn sơ lược về quá trình luyện kim của thanh kiếm bí ẩn.

Một thanh kiếm Ulfberht được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Đức ở Nuremberg. ( Torana / Wikimedia Commons )
Một thanh kiếm Ulfberht được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Đức ở Nuremberg. (Torana / Wikimedia Commons)

Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia về vũ khí khó hiểu là quá trình rèn những thanh kiếm như vậy. Trong quá trình rèn sắt, quặng phải đạt đến nhiệt độ 3.000 độ F (1.650 độ C) để hóa lỏng, để người thợ rèn loại bỏ tạp chất, hoặc xỉ, đồng thời thêm một lượng cacbon nhất định để sắt giòn hơn.

Tuy nhiên, công nghệ luyện gang thời trung cổ không cho phép nung sắt ở nhiệt độ cao như vậy, chỉ có phương pháp đập để lọc bã, nhưng hiệu quả của phương pháp này tồi tệ hơn nhiều.

Truyền thuyết về thanh kiếm Ulfberht là kim loại của thanh kiếm tinh khiết đến kinh ngạc, hầu như không có xỉ, và hàm lượng carbon của nó cao gấp ba lần so với các kim loại khác cùng thời kỳ.

Lò luyện kim, được phát minh trong cuộc Cách mạng Công nghiệp (bắt đầu từ khoảng những năm 1760 và tiếp tục kéo dài đến những năm 1830 và 1840), được cho là công cụ sớm nhất có khả năng nung sắt ở nhiệt độ cao như vậy.

Quá trình luyện rèn của thanh kiếm Ulfberht vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp. Và ngay cả với công nghệ hiện đại, rất khó để làm ra một thanh kiếm chất lượng cao như vậy.

Bản vẽ bốn thanh kiếm Ulfberht được tìm thấy ở Na Uy năm 1889. (Miền công cộng)
Bản vẽ bốn thanh kiếm Ulfberht được tìm thấy ở Na Uy năm 1889. (Miền công cộng)

Richard Furrer, một chuyên gia luyện rèn ở Wisconsin, Hoa Kỳ, đã mô tả sự khó khăn của công việc tạo ra một thanh kiếm như vậy trong bộ phim tài liệu "Bí mật của thanh kiếm Viking". Furrer được coi là một trong số ít người trên thế giới có các kỹ năng cần thiết để tái tạo thanh kiếm Ulfberht.

“Tái tạo hoàn mỹ lại thanh kiếm này là điều phức tạp nhất mà tôi có thể làm được", ông nói. Ông cho rằng người chế tạo ra thanh kiếm Ulfberht hẳn phải có "siêu năng lực".

Ông nói: “Việc tạo ra một vũ khí có thể uốn cong mà không bị gãy, sắc bén trong thời gian dài và cực kỳ nhẹ được coi là một sự kiện huyền bí".

Furrer đã mất vài ngày miệt mài rèn một thanh kiếm tương tự, và toàn bộ quá trình này rất tỉ mỉ. Ông không chỉ sử dụng công nghệ trung cổ để nấu chảy sắt một cách cẩn thận mà còn sử dụng công nghệ hiện đại để phục chế tỉ mỉ từng chi tiết của loại vũ khí này.

Theo các báo cáo, ngay cả một sai sót nhỏ nhất trong quá trình rèn cũng có thể biến thanh kiếm thành một cục sắt vụn.

Có thể nguyên liệu và bí quyết đến từ Trung Đông. Con đường thương mại trên sông Volga giữa các khu định cư của người Viking và Trung Đông mở ra cùng lúc những thanh Ulfberht đầu tiên xuất hiện và đóng lại khi những thanh Ulfberht cuối cùng được sản xuất - một mối tương quan có khả năng hỗ trợ cho luận điểm này.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thanh kiếm Viking bí ẩn có độ tinh khiết cao khiến các nhà khảo cổ học bối rối