Thầy giáo đi tìm con gặp em nhỏ đuối nước: 30 phút ‘giằng co’ với tử thần để cứu người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khoảng 17h ngày 28/5, thầy Thăng ra đê tìm 2 con mình đang tắm ngoài kênh cùng các bạn. Đang tìm con, thầy bỗng phát hiện có “bàn chân hở lên trên mặt nước”, nên vội vàng kéo nạn nhân lên bờ. Trước cảnh học sinh tím tái và có nguy cơ tử vong do đuối nước, thầy đã trải qua 30 phút ‘giằng co’ với tử thần để cứu sống em.

Đã hơn 1 tuần trôi qua, thầy giáo Phạm Văn Thăng (SN 1981, giáo viên trường THCS Vĩnh Thành, xóm Xuân Thượng, xã Hợp Thành,huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn chưa quên giây phút căng thẳng khi cứu sống bé gái 12 tuổi bị đuối nước.

Mạng người vô cùng quý giá, ‘còn nước còn tát’

Khi đến khu vực máng Xuân Tiêu, đoạn từ kênh Vách Nam dẫn nước sang xã Hợp Thành (huyện Yên Thành), thầy Thăng cùng người cháu dừng xe lại hỏi các cháu xung quanh có thấy các con mình tắm ở đây không. Lúc này, thầy nhận thấy nước ở máng cạn hơn so với bình thường, và nghĩ rằng có trẻ nghịch ngợm chắn cống nước phía trên nên đã đi ngược theo máng kiểm tra.

Thầy Thăng kể: “Khi lên đến gần 2/3 cầu máng thì phát hiện có bàn chân hở lên trên mặt nước. Sau đó tôi cùng người cháu vội vàng kéo nạn nhân lên bờ. Lúc này nạn nhân là một bé gái đã tắt thở, tím hết người, nhiều chỗ trên cơ thể bị xây xát”.

Nghĩ là cháu bé không sống nữa nhưng “còn nước còn tát”, thầy Thăng đã cố gắng hô hấp nhân tạo, dùng các biện sơ cấp cứu đã học được khi tham gia các lớp tập huấn cho học sinh về đuối nước để cứu sống cháu bé.

Người cháu thì vội liên hệ người nhà, chạy xuống trạm xá ở Nhân Thành để chở bình oxy cùng bác sỹ tới hiện trường cấp cứu cháu bé.

Thầy Thăng cho hay: “Lúc đầu tôi đã ép tim, hà hơi cho cháu khoảng 5 phút, thấy cháu thở ra một ít hơi, tôi rất mừng và nghĩ cháu này có thể cứu được. Sau 15 phút tiếp tục thực hiện các động tác sơ cứu, cháu có biểu hiện trào nước, dần có nhịp thở”.

Sau 30 phút, cháu bé đã mở mắt nhưng không nói được gì. Ngay sau đó có nhiều người đến hỗ trợ và di chuyển cháu ra xe để đưa đi cấp cứu.

Bơi giỏi vẫn có thể đuối nước

Cháu bé được cứu sống là em Lê Phương Linh (SN 2010, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học và THCS Hợp Thành). Linh là học sinh bơi giỏi và nằm trong đội tuyển thi bơi của huyện. Hôm xảy ra sự việc cháu có đi tắm kênh cùng bạn, trên đường về khi đi qua cống Xuân Tiêu, cháu xuống rửa chân và không may bị trượt ngã.

Mặc dù cháu bơi giỏi nhưng 2 chân bị mắc vào thanh thép chắn ngang nên toàn thân bị nhấn chìm trong nước khiến cháu lịm đi và gặp nạn.

Gia đình cho biết, cháu Linh đang được điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, cháu đã tỉnh táo, sức khỏe dần hồi phục. Gia đình cháu bày tỏ lòng biết ơn thầy Thăng và những người xung quanh đã cứu giúp cháu qua cơn nguy kịch.

Ngày 3/4 mới đây, một câu chuyện truyền cảm hứng khác kể về 3 cậu học sinh dũng cảm cứu sống được 5 bạn nhỏ bị đuối nước là Trần Viết Tôn, Nguyễn Vĩnh An, Bùi Trường Giang, cũng đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ cộng đồng. Cả 3 em đều là học sinh lớp 8, Trường Tiểu học & THCS Gio Hải số 1 (Gio Linh, Quảng Trị). Trong lúc chạy thể dục tại bãi tắm Cửa Việt, 3 em học sinh trên phát hiện có 6 học sinh trường Trưng Vương, TP. Đông Hà đang bị đuối nước cách bờ khá xa. Không chút chần chừ, cả 3 bơi ra để cứu 6 em học sinh này. Tuy nhiên, đến khi cứu được bạn thứ 5 đưa vào bờ thì các em đều bị kiệt sức nên không thể tiếp tục cứu bạn còn lại đã bị sóng biển đánh ra rất xa.

Tình trạng học sinh đuối nước đang gia tăng ở mức ‘báo động’

Gia đình và nhà trường nên trang bj cho con nhở kỹ năng bơi lội và các kỹ năng sống khác (Ảnh: tổng hợp)
Gia đình và nhà trường nên trang bj cho con nhỏ kỹ năng bơi lội và các kỹ năng sống khác (Ảnh: tổng hợp)

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều trường học trên cả nước đã cho học sinh nghỉ hè sớm hơn dự định để thực hiện công tác phòng chống dịch, khiến tình trạng học sinh bị đuối nước liên tục xảy ra trên phạm vi cả nước từ đầu năm tới nay.

Đuối nước được coi là một vấn đề y tế công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân tử vong chấn thương hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt trẻ em dưới 15 tuổi là nhóm có nguy cơ đuối nước cao nhất. Các em đang ở độ tuổi hiếu động, thường thích chơi ở khu vực ao, hồ, sông suối hoặc theo cha mẹ đi nương, rẫy nên thiếu sự giám sát của người lớn, dẫn đến tai nạn đuối nước thương tâm.

Hằng năm, đuối nước lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em tại Việt Nam. Con số này khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng nguyên nhân chủ yếu là trẻ không biết bơi hoặc thiếu các kỹ năng, kiến thức về phòng tránh tai nạn đuối nước.

Trong những năm qua, nhiều địa phương cũng đã đưa môn bơi lội vào trường học bằng cách tổ chức các bể bơi thông minh để dạy bơi cho học sinh. Tuy nhiên, học bơi thôi chưa đủ, nhà trường và gia đình cần trang bị cho trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và các cách sơ cấp cứu. Đây là những kỹ năng sống vô cùng quan trọng để khi các em gặp nạn có thể tồn tại dưới môi trường nước, chờ người lớn tới cứu.

Thiên Cầm

 



BÀI CHỌN LỌC

Thầy giáo đi tìm con gặp em nhỏ đuối nước: 30 phút ‘giằng co’ với tử thần để cứu người