Thay thịt tự nhiên bằng ‘Thịt nhân tạo’ - giải pháp hứa hẹn của tương lai hay kế hoạch ảo tưởng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một công ty công nghệ thực phẩm có trụ sở đặt tại Israel, Aleph Farms, đã nuôi cấy và phát triển thành công một loại thịt bò bít tết trong phòng thí nghiệm mà không cần giết mổ động vật.

Israel - Cường quốc thịt nhân tạo

Công ty này cho biết thịt của họ được tạo ra dành cho những người thích ăn thịt mà không muốn gây đau đớn cho động vật.

Aleph Farms gọi đây là “Thịt Sạch” về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Loại thịt này được cấy từ tế bào gốc của bò và huyết thanh trong môi trường vô trùng, sau đó phát triển thành các mô tế bào li ti, vì vậy sau khi hình thành nó sẽ có kết cấu và mùi hương giống hệt như thịt bò thật.

Tuy nhiên, vì đây là công nghệ mới, do đó thịt nhân tạo vẫn còn những mặt hạn chế về độ dày và hương vị. Hiện tại công ty mới chỉ có thể sản xuất ra thịt bò dày 5mm, và vẫn đang tiến hành thử nghiệm tại một số nhà hàng ở Israel.

Ông Nir Goldstein, Giám đốc điều hành của Viện Good Food Israel cho biết, nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, nên Israel là một trong những quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp rất tốt, tính đến nay, quốc gia này có hơn 50 công ty khởi nghiệp về lĩnh vực thịt nhân tạo.

Rất nhiều doanh nghiệp đang tạo ra các chất tương tự thịt có nguồn gốc từ thực vật. Chẳng hạn như Rilbite đang phát triển một loại thịt có thể thay thế thịt băm được làm từ 8 loại ngũ cốc và rau củ, bao gồm cả gạo và việt quất.

Ngoài ra, một số công ty như Redefine Meat còn sử dụng công nghệ in 3D để sản xuất thịt Alt-Steak. Nhằm mô phỏng kết cấu gân và các bộ phận của thịt, công ty đã thiết lập hơn 70 thông số khác nhau bao gồm độ tươi ngon và mật độ phân bố chất béo, sau đó chúng được tái tạo từng lớp, sử dụng các thành phần có nguồn gốc thực vật và máy in thực phẩm 3D để tạo ra thành phẩm cuối cùng.

Giám đốc điều hành Eshchar Ben-Shitrit cho biết: "Với việc sử dụng công nghệ in 3D, chúng tôi có thể in các loại thịt và lát thịt khác nhau bằng cách thay đổi tệp kỹ thuật số. Ngoài ra, quy trình này cũng cho phép tùy chỉnh. Ví dụ: Nếu phản hồi của người tiêu dùng cho thấy thịt quá béo, chúng tôi có thể sử dụng các phương pháp tính toán để cơ cấu lại chất béo".

Thịt được trồng như thế nào?

Nói một cách cụ thể, bước đầu tiên là cô lập một số lượng nhỏ tế bào cơ từ động vật trưởng thành. Chức năng sinh lý của các tế bào đó là tham gia vào quá trình tái tạo cơ: chúng chưa phải là tế bào cơ mà là tế bào gốc có khả năng nhân lên và dưới tác động của một số hormone sẽ biệt hóa thành tế bào cơ.

Các tế bào này được nuôi trong các lò phản ứng sinh học, là những vỏ bọc vô trùng có chứa chất lỏng dinh dưỡng, dưới sự kích thích của các yếu tố tăng trưởng để tạo ra sự tăng sinh nhanh chóng. Sau đó, chúng được biến đổi thành các tế bào cơ, dần phát triển thành mô cơ và trở thành một miếng bít tết nhân tạo có thể tiêu thụ được…

Một khi quá trình đã vào guồng, các tế bào có thể sản sinh bất tận các tế bào mới. Theo một số nhà nghiên cứu, trong điều kiện lý tưởng có thể tạo ra 50.000 tấn thịt chỉ từ 10 tế bào cơ của heo.

Giải pháp tương lai?

Các nhà nghiên cứu công nghệ mới cho rằng, việc sản xuất ra thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm sẽ là giải pháp bền vững trong tương lai, khi nhu cầu về thịt sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2020 - 2050, theo dự đoán của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO).

Người ta cũng cho rằng điều này sẽ giúp hạn chế giết mổ động vật, tiết kiệm tài nguyên đất, nước và an toàn cho người sử dụng hơn khi không dễ lây các bệnh truyền nhiễm như thịt truyền thống.

Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí MIT Technology Review, tỷ phú Bill Gates đã khuyên “tất cả những quốc gia giàu có nên chuyển sang sử dụng 100% thịt bò tổng hợp”, vì theo ông, loại thịt này có khả năng cắt giảm tối đa ô nhiễm, khi lượng khí metan phát ra từ chất thải của động vật có thể làm ấm bầu khí quyển gấp 84 lần so với CO2.

Nghe có vẻ hứa hẹn, nhưng chứa đựng rủi ro lâu dài

Mặc dù được quảng cáo là sạch, an toàn và tiết kiệm nước cũng như năng lượng, nhưng các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Oxford Martin School - Trường Đại học Oxford (Anh) cho thấy về lâu dài, tác động đến môi trường của thịt nhân tạo có thể còn cao hơn tác động của vật nuôi. Các nghiên cứu này không chỉ xem xét khả năng gây ô nhiễm của các loại khí thải ra từ động vật mà còn cân nhắc đến chi phí năng lượng của các cơ sở hạ tầng cần thiết cho quá trình nuôi cấy tế bào, theo The Conversation.

Ông Raymond Pierrehumbert, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Với mỗi tấn khí phát thải từ động vật, metan có tác động lớn hơn rất nhiều so với CO2. Tuy nhiên, metan chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 12 năm trong khi CO2 tích tụ và tồn tại trong nhiều thiên niên kỷ".

Động vật có một hệ thống miễn dịch tự nhiên bảo vệ chúng chống lại vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác. Trong khi đó, để tránh tạo ra một miếng bít tết có nhiều vi khuẩn hơn thịt, điều cần thiết là phải hạn chế nhiễm bẩn, và điều đó đòi hỏi mức độ vô trùng cao.

Sự vô trùng thường được đảm bảo bằng cách sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần. Điều này làm giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm, nhưng sẽ tạo ra chất thải nhựa, vốn cũng là vấn nạn đáng báo động hiện nay. Một số vật liệu nuôi cấy được làm bằng thép không gỉ và cần được khử trùng bằng chất tẩy rửa, nhưng phương pháp xử lý này cũng tạo ra bất cập nhất định đến nước thải.

Ông John Lynch, một đồng tác giả nghiên cứu khác cho hay, trong một số trường hợp và về mặt dài hạn, sản xuất thịt nhân tạo có thể khiến trái đất nóng lên nhanh hơn.

Điều quan trọng, chúng ta không nên quên rằng chăn nuôi thực hiện nhiều chức năng khác ngoài việc sản xuất thịt. Nó góp phần tái chế một lượng lớn chất thải thực vật mà con người không thể tiêu thụ và sản xuất phân bón. Hơn nữa, đồng cỏ thu giữ và lưu trữ carbon. Điều gì sẽ thay thế chúng nếu thịt nhân tạo được làm ra? Điều này có nghĩa là việc đánh giá chi phí môi trường dài hạn của quá trình chuyển đổi từ thịt thông thường sang thịt nuôi trồng là vô cùng phức tạp.

Ngoài ra, để có khối lượng thịt tương đương với một động vật có thể tạo ra trong vài năm, các nhà khoa học phải liên tục kích thích sự tăng sinh của các tế bào bằng các yếu tố tăng trưởng, bao gồm cả các hormone sinh dục đồng hoá.

Chúng kích thích quá trình tổng hợp protein trong tế bào nhằm giúp phát triển cơ bắp. Dù vậy, việc lạm dụng chất này trong quá trình sản xuất có thể gây ra những tác động tiêu cực, kể cả với sức khỏe người tiêu dùng.

(Ảnh chủ đề sử dụng từ nguồn: Mike Licht Flickr - CC BY 2.0)

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Thay thịt tự nhiên bằng ‘Thịt nhân tạo’ - giải pháp hứa hẹn của tương lai hay kế hoạch ảo tưởng?