Thủ tướng phải...trả lại tiền phụ cấp: Câu chuyện nhỏ nói lên sự minh bạch lớn của Phần Lan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Việc những người đứng đầu của một nước có những phụ cấp về nhà ở, ăn uống, đi lại...dường như là điều bình thường với nhiều quốc gia. Nhưng tại đất nước Phần Lan, việc ‘Văn phòng Thủ tướng do chưa hiểu rõ quy định mà chia trả tiền ăn sáng cho thủ tướng’ lại là chuyện lớn, và thủ tướng Sanna Marin đã phải hoàn trả lại toàn bộ khoản tiền ấy. Câu chuyện tuy nhỏ nhưng giúp chúng ta phần nào hiểu được tính minh bạch trong quản lý nhà nước của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này.

Thủ tướng phải... trả lại tiền phụ cấp

Mới đây, ngày 3/8/2021, truyền thông Phần Lan đăng tin nữ Thủ tướng Sanna Marin đã hoàn trả hơn 10.000 euro cho nhà nước Phần Lan, trong số hơn 14.000 euro (khoảng 386 triệu VND) mà Văn phòng Thủ tướng đã chi cho bữa sáng và điểm tâm của gia đình bà kể từ đầu năm 2020, khi gia đình bà chuyển đến sống ở nhà công vụ dành cho Thủ tướng ở Thủ đô Helsinki.

Sự việc bắt đầu từ hồi tháng 5, khi “một tờ báo lá cải” đưa tin rằng số tiền phụ cấp ăn sáng 14.363,20 euro từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021 mà Văn phòng Thủ tướng đã chi cho gia đình Thủ tướng đương nhiệm từ ngân sách Nhà nước là sai nguyên tắc. Bởi theo họ, luật chỉ quy định: "Thủ tướng được cung cấp nhà ở trong một tòa nhà thuộc sở hữu Nhà nước, và Nhà nước chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do bảo trì, sưởi ấm, chiếu sáng và đồ đạc, cộng với nhân viên cần thiết", không hề đề cập đến vấn đề thực phẩm.

Văn phòng Thủ tướng thì cho rằng họ chi theo thông lệ như đã từng làm với những người tiền nhiệm. Họ cũng viện dẫn rằng luật có nêu: "Dựa trên quyết định của Văn phòng Thủ tướng, một bộ trưởng được hoàn trả cho các chi phí phụ hợp lý liên quan đến trách nhiệm của Thủ tướng".

Một cuộc tranh cãi đã xảy ra giữa hai bên và cả trong dư luận, khiến vụ việc được truyền thông nước này gọi là “Breakfastgate” (Scandal bữa sáng). Có người xem đây là việc chi tiêu không đúng tiền mà người dân đã đóng thuế. Người khác thì cho rằng 300 euro cho bữa sáng mỗi tháng của Thủ tướng Phần Lan chỉ xấp xỉ với tiền phòng một đêm (396.15 USD) mà người dân Mỹ phải cho người bảo vệ riêng cựu tổng thống Mỹ Trump.

Cuộc tranh cãi cũng khiến Tổng thống Phần Lan - ông Sauli Niinistö - lên tiếng và cho rằng rất tốt khi vấn đề được xem xét một cách minh bạch. Đồng thời, cảnh sát Phần Lan đã nhanh chóng vào cuộc để điều tra sự việc.

Vào thời điểm đó, người phụ trách việc điều tra của cảnh sát nhấn mạnh: “Thủ tướng không bị tình nghi phạm tội, nhưng cuộc điều tra sẽ xem xét việc làm của các quan chức”.

Song trước sự tranh cãi của hai bên, Thủ tướng Sanna Marin khi đó đã tuyên bố công khai rằng bà sẽ tự trả khoản chi phí đã nhận và nói thêm rằng: “Tôi đã không yêu cầu quyền lợi này cũng như không tham gia vào việc quyết định nó. Tôi không có ý định sử dụng trợ cấp ăn uống trong tương lai, ngay cả khi điều này phù hợp với quy định”.

Bà Marin cũng kêu gọi giới chức nhanh chóng xác định tính hợp pháp của các khoản trợ cấp ăn uống. Bà nói: "Tôi có nhiều việc khác để làm, thay vì dành cả ngày cân nhắc những thứ như bữa ăn của gia đình tôi”.

Sau hơn 2 tháng từ sau vụ việc khởi phát, ngày 3/8, bà Marin đã trả lại 10.143,41 euro mà gia đình bà đã được nhận trong năm 2020. Phần còn lại từ tháng 1 đến tháng 5/2021 - hơn 4.200 euro - bà cho biết sẽ hoàn trả vào cuối tháng này.

Được biết bà Sanna Marin, sinh năm 1985, là thủ tướng trẻ nhất thế giới và xuất thân trong một gia đình có thu nhập thấp, cha mẹ ly hôn từ khi bà còn nhỏ vì cha nghiện rượu và mẹ là một người đồng tính. Và chính trong xã hội mà giáo dục hoàn toàn miễn phí và không tồn tại khái niệm “con ông cháu cha” ấy, bà đã nỗ lực vươn lên và nhanh chóng thành công trong sự nghiệp chính trị bằng chính năng lực và tinh thần phụng sự của mình.

Thủ tướng Sanna Marin bình dị giữa đời thường (Ảnh: tổng hợp)
Thủ tướng Sanna Marin bình dị giữa đời thường (Ảnh: tổng hợp)

Sự minh bạch và tiêu chuẩn đạo đức cao làm nên một Phần Lan ngày nay

Từ câu chuyện trên, chúng ta phần nào hiểu được vì sao Phần Lan là quốc gia nổi tiếng về minh bạch và ít tham nhũng nhất thế giới. Kể từ khi Tổ chức minh bạch Thế giới công bố Báo cáo tham nhũng toàn cầu (năm 2003) đến nay, Phần Lan hầu như luôn giữ vị trí thứ 3 trong top 5 nước ít tham nhũng nhất, chỉ sau sau New Zealand và Đan Mạch.

Theo một khảo sát của Uỷ ban châu Âu (EC) năm 2017, chỉ có khoảng 9% số người dân Phần Lan được hỏi ý kiến cho rằng: họ bị ảnh hưởng bởi tham nhũng trong cuộc sống hằng ngày. Trong khi tỷ lệ này trung bình ở châu Âu là 25%. Số vụ tham nhũng bê bối lớn rất ít, hầu như không có, dù báo chí nước này “tọc mạch” chẳng kém nước nào trong EU.

Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực của cả hệ thống nhà nước của Phần Lan trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời, cũng thể hiện rất rõ sự liêm chính và chuẩn mực đạo đức cao của người dân Phần Lan.

Ở đất nước này, việc quan chức chính phủ có những hành động lạm quyền, chiếm đoạt của công, hay tắc trách trong công việc đều bị “đưa ra ánh sáng” và thường sẽ mất đi sự tín nhiệm của người dân.

Còn nhớ tháng 6/2020, nữ Bộ trưởng Tài chính Katri Kulmuni đã phải từ chức, và cũng không được bầu lại làm Chủ tịch đảng Trung tâm, vì có liên quan tới việc chi tiêu không đúng quy định 56.000 euro của ngân sách, mặc dù sau đó bà đã hoàn trả lại tiền.

Có thể nói, sự minh bạch mà Phần Lan có được chính là nhờ vào những cơ sở quản trị mà họ đã xây dựng rất tốt với: hệ thống tòa án độc lập, hoạt động minh bạch; có cơ quan độc lập giám sát hoạt động của Quốc hội và các cơ quan nhà nước; cán bộ công chức xem việc cung cấp dịch vụ công là một nghề nghiệp nên khát khao cống hiến và được trả lương thích đáng, đi kèm với việc họ được đào tạo tốt để làm việc; các đảng chính trị hoạt động minh bạch và công khai các khoản được tài trợ,.v.v.

Phần Lan cũng là quốc gia hiếm hoi xây dựng được một Chính phủ trong sạch mà không cần đến các biện pháp phòng, chống tham nhũng riêng biệt như nhiều quốc gia khác. Bởi mọi người luôn có ý thức vun đắp sự dân chủ, bình đẳng và giữ gìn văn hoá tôn trọng sự trung thực và cống hiến.

Với người Phần Lan, tham nhũng không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là phi đạo đức. Do vậy, từ người dân bình thường đến công chức nhà nước đều có ý thức mạnh mẽ về tuân thủ pháp luật và giám sát, ngăn chặn các hành vi tham nhũng trong đời sống, từ vị trí của họ trong xã hội.

Có lẽ chính vì vậy mà mọi người dân Phần Lan đều tự tin dựa vào năng lực và đạo đức của mình để phát triển sự nghiệp. Đến cả vị trí đứng đầu đất nước cũng không cần quan tâm xuất thân cao thấp ra sao, mà chỉ cần người ấy tài năng, có lý tưởng cao cả “xây dựng một xã hội nơi mọi đứa trẻ đều có thể trở thành bất cứ thứ gì chúng muốn, và mọi người đều có thể sống và phát triển theo phẩm giá của mình” thì người ấy hoàn toàn có thể chinh phục vị trí thủ tướng ở tuổi 34.

Và chính vì vậy mà cả tiền phụ cấp ăn sáng 300 euro/tháng cho thủ tướng cũng cần minh bạch. Để từ đó mà niềm tin vào sự liêm chính và những giá trị đạo đức trong người dân được củng cố, giúp họ sẵn sàng cống hiến hết sức mình cho một đất nước Phần Lan phồn vinh và hạnh phúc của ngày nay.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng phải...trả lại tiền phụ cấp: Câu chuyện nhỏ nói lên sự minh bạch lớn của Phần Lan