Thuật đối nhân xử thế cần ghi nhớ trong cuộc sống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có một câu nói như thế này: “Không biết cách làm việc, làm người, cuối cùng sẽ trở thành kẻ thất bại”, sống ở đời có hai việc cần biết đó là biết cách làm người và hiểu cách làm việc. Dù bạn là người thông minh, được thiên phú hay là người bình thường thì nếu không làm được hai việc này, cuối cùng kết quả cũng bằng không, vậy nên ai cũng cần biết cách đối nhân xử thế.

Đối nhân xử thế là gì?

Theo quan niệm của cổ nhân thì đối nhân xử thế có thể hiểu là vì người mà xử thế. Tức là trong giao tiếp với người thì trước hết cần phải nghĩ cho người khác.

Người xưa chú trọng tu dưỡng bản thân để trở thành người có khí chất, tầm nhìn, có nội hàm, biết buông bỏ lợi ích cá nhân, sống vì người khác để đề cao đạo đức, để thể hiện cái nhân, cái nghĩa, cái tình… Bởi cổ nhân cho rằng đạo lý đối nhân xử thế cũng chính là đạo lý tu dưỡng bản thân cho tốt. Ngày nay, người ta coi đối nhân xử thế như một nghệ thuật trong giao tiếp, để đạt được lợi ích, để đắc được nhân tâm.

Có câu: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý”, ngọc quý nếu không được mài giũa, đẽo gọt thì không thể hiện ra được vẻ đẹp và giá trị của nó, con người nếu không học tập thì không thể hiểu biết đạo lý làm người, không biết cách đối nhân xử thế.

Thuật đối nhân xử thế cần ghi nhớ trong cuộc sống

Tôn trọng người khác

Là con người không ai hoàn hảo cả, cho nên mỗi chúng ta chẳng ai có quyền dùng ánh mắt “hơn người” để đi soi mói người khác, cũng không có tư cách dùng thái độ “xem thường” đối với người khác. Nếu chính bản thân mình, ở một phương diện nào đó kém hơn người khác thì cũng không cần dùng “tự ti” và “ghen ghét đố kỵ” đi thế chỗ cho “tự tôn”. Chỉ có học được trân quý người khác mới có thể giành được sự tôn trọng từ người khác đối với mình. Cho nên, tôn trọng người khác kỳ thực chính là giữ tôn nghiêm cho bản thân mình.

Trong ứng xử, giao tiếp, tôn trọng lẫn nhau không chỉ là một đức tính quan trọng của một con người mà còn là nền tảng cần thiết để xây dựng mối quan hệ bền vững. Một mối quan hệ thiếu sự tôn trọng thì sẽ nhanh chóng tan vỡ, một xã hội thiếu sự tôn trọng sẽ rất khó để phát triển lâu dài. Tôn trọng người khác không chỉ là một loại mỹ đức mà còn là một loại học vấn mà mỗi người đều cần đặt tâm tu dưỡng.

Người luôn khăng khăng bảo vệ quan điểm cá nhân mà không thể lắng nghe thì thường thường đến cuối cùng sẽ trở thành người cô độc. Người như vậy sao có thể không thất bại? Người thực sự cao thượng từ xưa đến nay đều là người hiểu được cách tôn trọng người khác.

Thận trọng trong lời nói

Lưu Hướng thời Tây Hán nói: “Quân tử thận ngôn ngữ hĩ. Vô tiên kỷ nhi hậu nhân. Trạch ngôn xuất chi. Lệnh khẩu như nhĩ”. Ý nói rằng bậc quân tử cần phải chú ý thận trọng lời nói, ngôn từ, đừng chỉ biết nghĩ bản thân trước mà nghĩ người khác sau, lời nói xuất ngôn cần phải có lựa chọn. Có câu: “Một lời nói hoạch định giang sơn“, lời đã nói ra cũng như nước đổ khỏi cốc, muốn lấy lại là điều không thể. Vì vậy, lời nói không thận trọng, khôn khéo sẽ làm mất lòng những người xung quanh mình hoặc làm tổn thương người khác. Bởi thế, lời nói ra nhất định cần phải suy nghĩ kĩ càng trước khi nói.

Coi trọng lễ nghĩa

Lễ nghi là quy phạm điều chỉnh đạo đức và hành vi của con người, cũng là biểu tượng của văn minh xã hội, là một trong những truyền thống tốt đẹp của người xưa. Nội hàm thâm sâu của Lễ chính là lòng tôn kính của con người đối với Trời đất và vũ trụ, là sự theo đuổi hoàn thiện đạo đức bản thân, sự hài hòa giữa người với người, sự phối hợp với trật tự xã hội. Bởi vậy, trong “Tả truyện” đã viết: “Lễ, kinh quốc gia, định xã tắc, tự dân nhân, lợi hậu tự giả dã”, lễ là kinh mạch của đất nước, lễ bình định xã tắc, lễ sắp xếp trật tự dân chúng, lễ làm lợi cho đời con cháu.

Dù là thời xưa hay thời nay, lễ vẫn luôn là chuẩn tắc trong cuộc sống hàng ngày. Lễ không chỉ là để phân biệt giữa con người và động vật mà còn có thể nâng cao mối quan hệ chung sống giữa người với người. Tác dụng của lễ không chỉ thể hiện ở việc đề cao việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn bồi dưỡng tinh thần của nhân quần.

Người giàu sang phú quý coi trọng việc học lễ thủ lễ thì tất sẽ không sinh tâm kiêu căng, phóng túng. Người nghèo khó coi trọng học lễ thủ lễ thì dù ở vào hoàn cảnh nào cũng có thể khiến tâm chí của mình sáng suốt, không nhát gan sợ hãi. Bởi vậy, dù là người giàu sang hay nghèo khó thì lễ luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Học vấn rộng

Cổ nhân dạy: “Đa kiến giả thức quảng, bác lãm giả tâm hồng”. Dịch nghĩa: Người gặp nhiều tất có nhận thức rộng. Người uyên bác tâm tất bao la. Người muốn có tri thức, muốn có kinh nghiệm, là một người học vấn uyên thâm, tâm hoài chí lớn ắt phải đọc cho nhiều. Xã hội phát triển là nhờ tri thức. Trí người sáng là nhờ học hỏi.

Nguyên Anh (sưu tầm)



BÀI CHỌN LỌC

Thuật đối nhân xử thế cần ghi nhớ trong cuộc sống