Bị thu hoạch quá nhiều, một loài thực vật trên sườn núi tự tiến hóa để khó bị con người phát hiện hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới cho thấy một loại cây được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc đã trở nên ít nhìn thấy hơn đối với con người.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, cây Fritillaria delavayi, vốn sinh trưởng và phát triển trên các sườn núi đá của vùng núi Hengduan (Trung Quốc), đã biến đổi màu sắc để ngụy trang ngay tại nơi chúng thường được người dân địa phương thu hoạch nhiều.

Điều này cho thấy con người đang vô tình “thúc đẩy” sự tiến hóa của loài cây này thành các dạng màu mới, bởi vì những loài thực vật được ngụy trang tốt hơn có cơ hội sống sót cao hơn. Nghiên cứu do Viện Thực vật học Côn Minh (Viện Khoa học Trung Quốc) và Đại học Exeter thực hiện. Giáo sư Martin Stevens, thuộc Trung tâm Sinh thái và Bảo tồn tại Cơ sở Penryn của Exeter ở Cornwall, cho biết:

“Thật đáng chú ý khi nhận ra làm thế nào con người có thể có tác động trực tiếp và mạnh mẽ như vậy đến màu sắc của các sinh vật hoang dã, không chỉ đối với sự sống còn của chúng mà còn đối với sự tiến hóa của chúng”.

“Nhiều loài thực vật dường như sử dụng biện pháp ngụy trang để tránh bị những loài động vật ăn cỏ có thể phát hiện và ăn chúng - nhưng ở đây chúng ta thấy rằng ngụy trang đang phát triển để đáp lại sự thu hoạch của con người. Có thể con người đã thúc đẩy sự tiến hóa chiến lược phòng thủ ở các loài thực vật khác, nhưng đáng ngạc nhiên là rất ít nghiên cứu liên quan đến vấn đề này".

Trong nghiên cứu mới của mình, các nhà khoa học đã đo lường mức độ ngụy trang của thực vật từ các quần thể khác nhau và mức độ dễ dàng thu hái của chúng, đồng thời nói chuyện với người dân địa phương để ước tính lượng thu hoạch diễn ra ở mỗi địa điểm. Họ phát hiện ra rằng mức độ ngụy trang của cây có tương quan với mức độ thu hoạch.

Hai chủng cây Fritillaria delavayi này thể hiện sự khác biệt về màu sắc giữa các quần thể khác nhau. Loại màu xanh lá cây đến từ một khu vực không được người dân thu hoạch nhiều, trong khi loại màu nâu lại mọc ở khu vực được gặt hái thường xuyên.

Hai chủng cây Fritillaria delavayi này thể hiện sự khác biệt về màu sắc giữa các quần thể khác nhau.
Hai chủng cây Fritillaria delavayi này thể hiện sự khác biệt về màu sắc giữa các quần thể khác nhau. (Ảnh qua Y. NIU)

Trong một thí nghiệm trên máy tính, những cây được ngụy trang nhiều hơn thì con người cũng mất nhiều thời gian hơn để phát hiện. Fritillaria delavayi là một loại thảo mộc lâu năm có lá, có màu sắc khác nhau từ xám, nâu đến xanh lá cây khi còn non, và loài cây này phải sống đến 5 năm thì mới ra hoa một lần duy nhất vào tháng 6.

Củ của loài Fritillaria hoang dã được sử dụng trong y học Trung Quốc hơn 2.000 năm, do giá thành tăng cao trong những năm gần đây đã khiến việc thu hoạch tăng lên. Tiến sĩ Yang Niu, Viện Thực vật học Côn Minh, cho biết:

“Giống như biện pháp ngụy trang của những loài thực vật khác mà chúng tôi đã nghiên cứu, ban đầu chúng tôi nghĩ rằng sự tiến hóa của loài cây này là do động vật ăn cỏ thúc đẩy, nhưng chúng tôi không tìm thấy bất kỳ loài động vật nào như vậy. Sau đó, chúng tôi nhận ra con người có thể là lý do chính dẫn tới hiện tượng này”.

Giáo sư Hang Sun, thuộc Viện Thực vật học Côn Minh, nói thêm:

“Thu hoạch thương mại phát xuất từ hoạt động của con người là một áp lực chọn lọc mạnh hơn nhiều so với áp lực trong tự nhiên. Hiện trạng đa dạng sinh học trên trái đất được định hình bởi cả thiên nhiên và do chính chúng ta tạo ra”.

Nghiên cứu được tài trợ bởi Học viện Khoa học Trung Quốc và Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia Trung Quốc. Bài báo được xuất bản trên tạp chí Current Biology có tựa đề: “Việc thu hoạch thương mại đã thúc đẩy khả năng ngụy trang ở một loài thực vật núi cao“.

Hoàng Tuấn
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Bị thu hoạch quá nhiều, một loài thực vật trên sườn núi tự tiến hóa để khó bị con người phát hiện hơn