‘Tiền không mượn hai, rượu không uống ba, đường không đi bốn’ có nghĩa là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Radio) - Trong cuộc sống, điều khó học nhất là làm thế nào để hòa hợp với người khác. Nơi nào có người, nơi đó có giang hồ, và nơi ấy con người thường vô tình. Dù là ai đi chăng nữa cũng không thể thoát khỏi sợi dây ràng buộc của những mối quan hệ thế gian. Người xưa cũng đã đúc kết một câu nói rất sắc bén về điều này: “Tiền không mượn hai, rượu không uống ba, đường không đi bốn”, vậy ý nghĩa của câu nói trên là gì?

Tiền không vay hai

  1. Không cho kẻ “nghèo” vay tiền

Tình cảm của con người không thể tách khỏi tiền tài, trong mối quan hệ bạn bè, không tránh khỏi những vướng mắc về tài chính.

Cho dù túi tiền của bạn có dồi dào đến đâu, cũng đừng cho những kẻ "nghèo khó" vay tiền.

Loại người này sở dĩ hiện tại nghèo hèn không phải do thiên tai nhân họa mà do bản tính lười biếng, suốt ngày không nghĩ đến cố gắng làm việc, chỉ muốn mơ mộng “ôm cây đợi thỏ”.

Người xưa có câu “cứu cấp không cứu cùng”, điều này hoàn toàn đúng, nhiều người không hoàn toàn lý giải được câu nói trên. Thực ra giữa “khẩn cấp” và “nghèo khổ” thì người ta sẽ chọn “khẩn cấp” để cứu nguy, chứ không chọn “nghèo khổ”.

Cho người “nghèo khó” mượn tiền sẽ chỉ giúp đỡ những kẻ lười biếng càng lệ thuộc vào bạn hơn.

Nếu bạn muốn thúc đẩy mối quan hệ với họ và thực sự quan tâm đến họ, chỉ có cách giúp họ tìm việc làm để tự nuôi sống bản thân.

“Dạy một người đàn ông câu cá còn tốt hơn là cho anh ta một con cá” là một giải pháp lâu dài.

  1. Không cho người bất tín vay tiền

Mượn tiền nói thì dễ, có vay có trả, vay lại không khó. Một mặt, nếu bạn cho họ vay một cách chân thành, nếu họ có thể biết ơn và hoàn trả khoản vay không chậm trễ, thì mối quan hệ giữa hai bên sẽ thân thiết hơn.

Đối với chủ nợ, họ sợ nhất là gặp phải những người không đáng tin cậy.

Nợ nần đã lâu không trả, hễ nhắc đến là giả câm giả điếc, giở trò mèo vờn chuột, trốn chui trốn lủi không chịu gặp nhau.

Hơn nữa, nếu bạn đòi tiền trực tiếp, anh ta sẽ buộc tội bạn là kẻ hẹp hòi và vô lý. Những người như vậy là vô liêm sỉ và không nên tin tưởng.

Rượu không uống ba

  1. Khi chán nản không được uống rượu

Nhiều người chán nản và thích làm tê liệt bản thân bằng cách uống rượu đến say xỉn. Có vẻ như khi say đến bất tỉnh có thể khiến bạn giải tỏa nỗi buồn chán.

Tào Tháo cũng thích uống rượu, và câu nói "Làm thế nào để giải tỏa lo lắng, chỉ có Đỗ Khang" đã được lưu truyền qua các thời đại.

Tuy nhiên, Tào Tháo ấy suýt chết ở Uyển Thành cũng vì uống rượu, nếu không có Điển Vi xả thân bảo vệ, có lẽ Tào Tháo đã không thoát được.

Có câu: “Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm”. Nhiều người nghĩ rằng khi buồn thì uống rượu sẽ đỡ buồn, nhưng dường như uống vào rồi, nỗi buồn càng thêm nặng trĩu. Nếu trong lòng đang đau khổ thì đừng bao giờ uống rượu, chỉ càng thêm đau khổ mà thôi.

  1. Không uống rượu quá chén ở chốn “ăn chơi”

Nơi giải trí ăn chơi thác loạn là nơi con người chìm đắm trong lạc thú. Có đủ loại người thường xuyên lui đến đây, họ thường viện nhiều lý do khác nhau để tìm cơ hội bắt chuyện, tán gẫu khi bạn buông lỏng cảnh giác.

Sau khi có được lòng tin, anh ta bắt đầu tiết lộ mục đích thực sự của mình, nhưng khi đó bạn đã nửa say nửa tỉnh, không thể phản kháng.

Chốn ăn chơi thác loạn không chỉ làm tổn thương cơ thể mà còn đặt bản thân vào một cuộc khủng hoảng không xác định, vì vậy bạn không thể uống rượu một cách bừa bãi ở đây.

  1. Không nên uống rượu vì thể diện

Uống rượu là một trò tiêu khiển vui vẻ, và uống quá nhiều là điều cấm kỵ nhất. Nhưng trên bàn ăn thường có người cầm ly rượu nâng ly chúc tụng hết lần này đến lần khác. Anh ta chút khoa trương, muốn ép bạn uống, bạn không uống liền nói lời ác ý, không muốn buông tha.

Nếu bạn đã đến giới hạn thì không được uống quá nhiều. Một người thực sự quan tâm đến bạn sẽ không đặt sĩ diện lên trên sức khỏe của bạn.

Sự hung hăng của người khác không phải là lý do để hủy hoại cơ thể bạn.

Đừng ép uống rượu, cũng đừng cố tỏ ra dũng cảm để người khác biến bạn thành trò cười, bạn cũng không cần phải giữ thể diện vì điều đó.

Đường không đi bốn

  1. Đừng đi đường tắt

Con người ta khi gặp khó khăn bao giờ cũng lùi bước, muốn tìm con đường thuận lợi để vượt qua. Mặc dù có thể đạt được mục đích bằng lối tắt một cách suôn sẻ nhưng chúng thường phải trả giá.

Nó giống như bán thịt chó dưới vỏ bọc của một con dê, sử dụng hàng hóa giá rẻ để thu được lợi nhuận cao và dường như bạn đã tìm thấy một con đường tắt để kiếm bộn tiền.

Nhưng số tiền này dù sao cũng không phải đạt được một cách chân chính, sớm muộn cũng sẽ bị bại lộ.

Mọi thứ trong cuộc sống là như vậy. Thức ăn nên ăn từng miếng một, và con đường nên đi từng bước một. Chỉ có đi trên con đường ngay chính mới có thể đi ngàn dặm, vượt vạn núi.

  1. Đừng đi sai đường

Nếu chọn sai đường thì dù có đi nhanh hay xa đến đâu cũng chỉ dẫn đến hướng ngược lại mà thôi.

Hoặc vì nhất thời mê muội, hoặc vì ham lợi mà mù quáng, để đạt được mục đích của mình, một số người sẽ luôn nghĩ đến những con đường quanh co và đi vào con đường sai trái, bất chính.

Cho dù đó là tìm kiếm tiền hay đạt được những gì bạn muốn theo những cách khác, bạn không thể lún quá sâu vào con đường sai lầm. Nếu bạn có suy nghĩ sai trái và đi trên con đường sai lầm, bạn chắc chắn sẽ bị thanh lý trong tương lai.

Đừng đợi đến khi sự trừng phạt của Thần đến gần rồi mới hối hận. Ngay cả khi bạn có thể thoát khỏi hình phạt, nó sẽ để lại vết nhơ trong cuộc đời bạn.

  1. Không đi đường khẩn cấp

Sự trưởng thành của một người bắt đầu từ khả năng loại bỏ sự thiếu kiên nhẫn của anh ta. Nếu bạn háo hức muốn thành công trong mọi việc, thì sự vội vàng sẽ gây lãng phí thời gian và không thành công.

Các quyết định được đưa ra trong khi hoảng loạn thường thiếu cân nhắc và đầy sơ hở nên khó đạt được hiệu quả.

Chỉ sau khi phân tích cẩn thận và cân nhắc thận trọng mới có thể rút ra một quyết định hoàn hảo. Tĩnh tâm, giữ tâm thái ổn định, an nhiên, thuận theo quy luật nhân quả, tâm không dao động.

  1. Không đi con đường của người khác

Người ta nói “tam bách lục thập hành, hành hành xuất trạng nguyên”, có nhiều con đường dẫn đến thành công và bạn không nhất thiết phải đi theo con đường của người khác.

Kinh nghiệm của mỗi người là khác nhau, và hướng chuyên môn cũng rất khác nhau. Thành công của người khác không nhất thiết phải áp dụng cho chính mình, và việc bắt chước một cách mù quáng là điều hoàn toàn không khôn ngoan.

Giống như cách Đông Thi bắt chước dáng đi điệu bộ của Tây Thi, nhưng sẽ không ai nghĩ nàng xinh đẹp, mà điều đó sẽ chỉ khiến mọi người cười chê mà thôi.

Có hàng vạn con đường, cớ gì phải đi chung đường với người khác.

Con đường tốt nhất trong đời không phải là con đường cũ người khác đã đi, mà là con đường phù hợp với bạn.

Franklin đã từng nói: "Kinh nghiệm là một trường học đắt giá, những kẻ ngốc không học được gì từ đó".

Lời nói của cổ nhân đều là những đúc kết kinh nghiệm quý giá rất đáng để chúng ta tham khảo và học tập.

Trong xã hội phức tạp này, chúng ta phải nhớ lời dặn của tổ tiên: “Tiền không mượn hai, rượu không uống ba, đường không đi bốn”. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xử lý tốt các mối quan hệ, phân biệt đúng sai, tốt xấu, tránh xa những điều không đúng và sống một cuộc đời an nhiên.

Theo Tống Vân - Aboluowang

Lý Ngọc biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

‘Tiền không mượn hai, rượu không uống ba, đường không đi bốn’ có nghĩa là gì?