Tiến sĩ Stanford: Từ bi và thiện lương giúp con người đạt được thành công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đại học Stanford nổi tiếng ở Mỹ có một trung tâm nghiên cứu, họ đã tiến hành một nghiên cứu lấy đối tượng là "Chủ nghĩa vị tha và lòng từ bi". Giám đốc khoa học của trung tâm, tiến sĩ Emma Seppälä đã thông qua nghiên cứu và đưa ra kết luận: Lòng từ bi và sự cảm thông chính là phẩm chất tốt nhất của con người.

Tiến sĩ Emma Seppälä có bằng học vị của 3 ngôi trường đại học là Yale, Columbia và Stanford. Cô thường nghe những người thành công chia sẻ rằng, họ luôn đề cao triết lý "làm việc chăm chỉ" và "thành công".

Một cô gái (học sinh của Seppälä) đã từng chia sẻ với Seppälä: Từ bé đến lớn, cha mẹ luôn yêu cầu cô phải phấn đấu để thành công. Cô gái hỏi cha mẹ: "Làm thế nào con có thể thành công?", cha mẹ cô nói: "Con hãy nỗ lực học tập". Cô gái lại hỏi: "Làm sao con biết được bản thân đã nỗ lực hay chưa?", "Nếu con rất vất vả, đều đó chứng minh rằng con đã nỗ lực học tập", cha mẹ cô đáp.

Emma Seppälä đã viết trong cuốn sách “The Happiness Track”: "Điều lầm tưởng lớn nhất về thành công, chính là chúng ta phải hy sinh hạnh phúc ngắn hạn để có được hạnh phúc lâu dài. Tuy nhiên, phương pháp này không chỉ khiến chúng ta làm việc không hiệu quả, trên thực tế sẽ khiến chúng ta cảm thấy vô cùng bất hạnh".

Thiện lương và từ bi luôn gắn liền với niềm vui và hạnh phúc.

Ví như nói, khi chúng ta thiện đãi bản thân, điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ dành cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để nghỉ ngơi, từ đó sẽ gia tăng cảm giác hạnh phúc.

Sự đồng cảm đối với người khác cũng sẽ thúc đẩy sự gắn kết, lòng trung thành giữa các nhân viên và đồng nghiệp với nhau, từ đó tạo nên một môi trường làm việc vui vẻ.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, cô cũng đề cập đến một số liệu thống kê: Rối loạn lo âu là bệnh tâm lý số một ở Hoa Kỳ, tiêu tốn 42 tỷ USD chi phí y tế hàng năm.

Tại nơi làm việc ở Hoa Kỳ, 50% nhân viên thường có tư tưởng không tập trung hoặc lơ đễnh khi làm việc (mọi người đều có mặt để làm việc nhưng chỉ đạt hiệu suất trung bình) và 20% người đang cố gắng trốn tránh (sự hài lòng đối với công việc rất thấp), khiến nền kinh tế Hoa Kỳ thiệt hại 450 tỷ USD mỗi năm.

Emma Seppälä đã tư vấn cho 500 doanh nghiệp, giúp họ hiểu được ảnh hưởng của môi trường làm việc đối với năng suất lao động của nhân viên và giá trị lợi nhuận của công ty. Cô giúp cho những doanh nghiệp này bồi dưỡng văn hóa “tràn đầy từ bi” trong công ty, điều này không những giúp tinh thần được nâng cao, mà còn thúc đẩy lợi nhuận.

Bản chất của con người là ích kỷ hay thiện lương?

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, sự thiện lương là thứ mà chúng ta sinh ra đã có. Trong nghiên cứu đã chỉ ra, những quyết định mọi người đưa ra trong tích tắc mà không cần nghĩ ngợi thường có xu hướng từ bi, đồng cảm. Khi thấy một người nào đó đang trong tình cảnh đau khổ, chúng ta thường sẽ chủ động bước ra giúp đỡ họ.

Một số người cho rằng, bản chất của con người là ích kỷ, cạnh tranh khốc liệt chính là con đường hướng đến thành công. Trên thực tế, cái gọi là "sự sống sót của kẻ mạnh nhất" lại không phải quy luật thực sự của tự nhiên.

Emma Seppälä giải thích rằng, mọi người thường liên kết quan niệm này với thuyết tiến hóa của Darwin, nhưng chính Herbert Spencer (1820-1903) đã đưa quan niệm này vào lĩnh vực xã hội học và giáo dục.

Herbert Spencer là một nhà sinh vật học và nhà lý luận chính trị, ông đã sử dụng lý niệm về "sự sống sót của kẻ mạnh nhất" để chứng minh cho sự tồn tại của chủng tộc và giai cấp xã hội.

Đối với quan điểm này, Emma Seppälä lại nói: "Nếu không có một người khác bên cạnh, vậy thì chúng ta vĩnh viễn sẽ không bao giờ có thể sống sót trong thế giới hoang dã". Đối với giới kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, cô chia sẻ: "Bạn có thể cạnh tranh, nhưng bạn không nhất thiết phải làm hại người khác. Bạn có thể đề cao địa vị của bản thân, nhưng bạn không nhất thiết phải kéo người khác xuống".

Làm thế nào để hạnh phúc hơn?

"Bí mật lớn nhất của hạnh phúc đó chính là giúp đỡ người khác", nghiên cứu cũng ủng hộ quan điểm đó của Emma Seppälä, và chứng minh rằng đây không chỉ là một lý niệm.

Bất kể công việc của bạn là gì, bạn đều có thể nghĩ về giá trị chung (của tập thể, cộng đồng), điều này có thể giúp bạn nâng cao sự hài lòng trong công việc. Emma Seppälä nêu một ví dụ, sản phẩm của một số công ty thực sự có ích đối với cộng đồng.

Cô cũng kiến nghị, nếu bạn thực sự không thể tìm thấy ý nghĩa trong công việc của mình, thì bạn hãy nghĩ về việc công việc của bạn đã hỗ trợ gia đình bạn như thế nào, hoặc bạn có thể coi công việc hàng ngày của mình như một cơ hội để hỗ trợ đồng nghiệp của mình.

Nhiều người Mỹ ngày nay cảm thấy khó thoát khỏi sự căng thẳng trong công việc, những kỳ nghỉ có thể giúp họ giảm bớt áp lực và khơi dậy sự nhiệt tình trong công việc, nhưng có điều, họ không có nhiều thời gian nghỉ phép theo quy định.

Khoảng 90% người Mỹ phải “chăm sóc” công việc trong những ngày nghỉ lễ. Trong thời đại của điện thoại thông minh, rất nhiều người làm gián đoạn thời gian dành cho gia đình chỉ vì chiếc điện thoại, khiến họ trở nên căng thẳng trong khi lẽ ra họ nên được nghỉ ngơi, thư giãn.

Lòng từ bi trong ngành y

Một trong số nhiều nghiên cứu do Emma Seppälä và các đồng nghiệp tiến hành, có một đề mục chính là xem xét sự đồng cảm và lòng từ bi trong ngành y. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, khi những người hành nghề chịu áp lực to lớn, họ sẽ rất khó đạt được sự cảm thông và tình yêu thương đối với người khác.

Trong quá trình huấn luyện tại Viện Y Học, gần một nửa số sinh viên y khoa bị kiệt sức vì áp lực, trong đó có 11% số sinh viên từng có ý nghĩ tự tử vì quá mệt mỏi, chất lượng cuộc sống suy giảm và xuất hiện triệu chứng trầm cảm. Đối với các bác sĩ thường trú tại bệnh viện, có gần 20% số người có mức độ sức khỏe tâm lý thấp hơn mức trung bình của người bình thường.

Theo như báo cáo trong nghiên cứu đã nói: "Tình trạng kiệt sức do công việc của các bác sĩ thường trú bệnh viện, y tá có thể khiến chất lượng, thái độ dịch vụ chăm sóc y tế giảm sút, gây ra nhiều lỗi điều trị y tế tại bệnh viện. Ngoài những nguyên do khách quan về lỗi y tế, áp lực và mệt mỏi cũng có thể làm giảm đi sự đồng cảm, lòng trắc ẩn của bác sĩ và y tá đối với bệnh nhân”.

Người Mỹ rất coi trọng thái độ tận tình của nhân viên y tế khi khám chữa bệnh. Theo nghiên cứu, đại đa số những người được phỏng vấn trả lời rằng, họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn, đi xa hơn và chờ đợi lâu hơn chỉ để nhận được sự phục vụ tận tình của nhân viên của y tế. Tuy nhiên, 64% bệnh nhân cho biết, họ gặp phải những dịch vụ không thân thiện cho lắm khi khám chữa bệnh.

Cho dù ở bệnh viện hay tại các doanh nghiệp lớn nhỏ, việc nuôi dưỡng bầu không khí tràn đầy sự yêu thương và lòng cảm thông sẽ mang đến hiệu quả kinh doanh tốt.

Emma Seppälä kết luận: “Những nghiên cứu như thế này đã chỉ ra một điều rằng: nền văn hóa doanh nghiệp tích cực - thiện lương, đồng cảm, sự hỗ trợ và thấu hiểu lẫn nhau - sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn cho tất cả mọi người. Những kết quả này bao gồm mức độ trung thành lâu dài hơn, sự gắn kết giữa các nhân viên tốt hơn, cuối cùng là giúp doanh nghiệp, cơ quan tổ chức đạt được kết quả tốt hơn”.

Theo Trương Tiểu Thanh - The Epoch Times

Gia Hân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tiến sĩ Stanford: Từ bi và thiện lương giúp con người đạt được thành công