Tiết kiệm là một đức tính tốt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người biết tri ân thì cuộc sống sẽ giàu sang sung túc, người trí tuệ biết tiết kiệm, sự nghiệp cũng bền vững lâu dài.

"Chu Tử trị gia cách ngôn" viết rằng: “Bát cơm bát cháo, phải biết có được không dễ. Sợi tơ mảnh vải, nên nhớ vật lực gian nan”.

Ý của câu cách ngôn là nhắc mọi người xử sự cần phải hiểu được sự biết ơn và tiết kiệm. Cảm ơn là một đức tính tốt, tiết kiệm cũng là một đức tính tốt. Người biết tri ân thì cuộc sống sẽ giàu sang sung túc, người trí tuệ biết tiết kiệm, sự nghiệp cũng bền vững lâu dài.

Lịch sử chính là một tấm gương, đọc lịch sử làm cho mọi người trí tuệ. Vị vua vong quốc Tùy Dạng Đế Dương Quảng vô cùng xa xỉ, ông ta nóng lòng muốn trong thời gian ngắn nhất đạt được "sự nghiệp Thánh vương", không tiếc sức dân, sưu cao thuế nặng. Ông cho xây Đông đô, đào kênh đào, xây Vạn Lý Trường Thành, mở đường, không tiếc tiền xây dựng các công trình biểu tượng.

Theo tư liệu lịch sử ghi lại, ba dự án nổi tiếng nhất trong thời kỳ Tùy Dạng Đế của triều đại nhà Tùy là:

  • Vào năm Đại Nghiệp thứ nhất (năm 605), xây dựng Đông Đô Lạc Dương, mất tổng cộng mười tháng, và sử dụng hai triệu công nhân mỗi tháng;
  • Năm Đại Nghiệp thứ 3 (năm 607), xây Trường Thành, sử dụng trên một triệu trai tráng;
  • Năm Đại Nghiệp thứ 1 đến thứ 6, xây dựng sông đào Đại Vận Hà, tính tổng cộng sử dụng hơn ba triệu công nhân.

Từ năm Nhân Thọ thứ tư (năm 604) khi Tùy Dạng Đế lên ngôi, cho đến cuộc viễn chinh về phía đông đầu tiên đến Triều Tiên vào năm Đại Nghiệp thứ tám (năm 612), trong 8 năm này, nhà Tùy đã xây dựng tổng cộng 22 công trình lớn, sử dụng tổng số nhân lực đạt 30 triệu lượt người.

Tùy Dạng Đế cũng cực kỳ xa hoa khi đi du ngoạn. Thuyền rồng mà ông đi được chia thành bốn tầng, bao gồm chính điện, siêu sảnh và nơi ở của các triều thần. Bên trong trang hoàng lộng lẫy vàng bạc châu báu, những người khác như hoàng hậu, phi tần, quý phi cũng có thuyền độc lập của mình. Có hàng ngàn con tàu khác đi theo họ, kéo dài tới lui hai trăm dặm. Ngoài ra, còn có kỵ binh hộ tống ở cả hai bên bờ. Các quận huyện, nơi đoàn thuyền đi qua, trong vòng năm trăm dặm, phải chuyên cần tiếp tế, lương thực ăn không hết chôn ngay tại chỗ.

Ngược lại, Thiên cổ nhất đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân rất tiết kiệm, dùng đức khuyên răn chứ không sử dụng quyền lực tối cao của mình. Từ khi lên ngôi, ông đã chú ý tiết chế xa hoa, tiết kiệm để giảm bớt gánh nặng cho nhân dân. Cung điện ông ở vẫn là một cung điện cũ được xây dựng từ thời nhà Tùy, nó đã đổ nát sau chiến tranh hỏa hoạn. Theo thông lệ, các quốc vương của triều đại mới sẽ xây cung điện mới, hoặc ít nhất là sửa chữa, trang trí cung điện cũ. Nhưng Đường Thái Tông không bao giờ cho phép xây dựng các cung điện mới. Thái Tông mắc chứng “khí tật”, cung điện ông ở ẩm thấp, mùa hạ nóng bức, mùa thu mát mẻ, dễ khiến bệnh cũ tái phát.

Vào năm Trinh Quán thứ hai (năm 628), một đại thần xuất phát từ việc bảo vệ sực khỏe Hoàng đế, đã yêu cầu triều đình "lập một tòa nhà trong cung để Hoàng đế ở". Đường Thái Tông lại nói: "Ta mắc bệnh khí tật, sống trong cung điện ẩm thấp thực sự không thích hợp, nhưng nếu muốn xây dựng một tòa nhà lớn, chắc chắn sẽ lãng phí nhân công và tiền của, đây không phải là điều mà nhà vua của thiên hạ nên làm".

Mặc dù các đại thần liên tục thỉnh tấu, Thái Tông vẫn nhất quyết không cho phép. Trong những năm đầu thời kỳ Trinh Quán, về cơ bản không có công trình lớn nào được xây dựng. Không chỉ vậy, khi Lạc Dương bị lũ lụt, nhà cửa của người dân bị cuốn trôi, Đường Thái Tông còn ra lệnh phá bỏ một số cung điện ở Lạc Dương, phân phát gỗ cho những người bị ảnh hưởng để sửa chữa nhà cửa. Sau khi cung điện Lạc Dương bị lũ lụt phá hủy, nó chỉ được sửa chữa một chút.

Bởi vì Đường Thái Tông đi đầu trong việc tiết kiệm, không đồng ý sự xa hoa, nó đã ảnh hưởng đến nhiều đại thần. Trong thời kỳ Trinh Quán, Hoàng đế và các đại thần chủ trương tiết kiệm đã trở thành một thông lệ, dân chúng được an cư lạc nghiệp. Trong thời kỳ Trinh Quán nền kinh tế và văn hóa đạt đến đỉnh cao và thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Năm Trinh Quán thứ mười lăm (năm 645), Đường Thái Tông phái sứ giả đến Tây Vực sắc phong cho Diệp Hộ Khả Hãn, đồng thời phái người bỏ rất nhiều tiền mua ngựa quý. Đại thần Ngụy Trưng can gián rằng, điều này dường như vì báu vật của Tây vực mà sắc phong chứ không phải vì hòa bình của Tây vực: "Các phiên quốc nghe thấy điều đó, sẽ không coi trọng Trung Quốc... Nếu bệ hạ ban ơn cho bốn biển, thì (của báu) không cầu tự tới. Yêu cầu rồi có được, thì cũng không đủ quý".

Nghe xong Thái Tông nhanh chóng ra lệnh ngừng mua ngựa (Trinh quán chính yếu - Nạp gián).

Khi đó, mặc dù quốc lực của nhà Đường mạnh nhất thiên hạ, nhưng quốc vương ngay cả một con ngựa của Tây Vực cũng xem nhẹ không mua. Vị Hoàng hậu Trưởng Tôn đức hạnh cũng rất tiết kiệm, trước khi chết cũng không quên dặn dò Đường Thái Tông không được tiêu xài hoang phí cho tang lễ của mình: “Từ xưa, các bậc hiền nhân đều tôn trọng tiết kiệm, giản tiện việc mai táng. Chỉ có thời loạn thế, mới xây lăng đắp núi, hao phí sức lao động người trong thiên hạ, bị người có trí thức cười nhạo. Thiếp chỉ xin được chôn trong núi, không xây mồ mả, không quan tài, đồ dùng và phục sức cần thiết đều làm bằng đồ sành đồ gỗ, tiết kiệm làm tang lễ, đây chính là bệ hạ không quên thiếp”.

Trưởng Tôn Hoàng Hậu – người vợ hiền hậu nhân đức, vợ ác lụn bại, minh đạo gia huấn, dạy con sáng đạo
Trưởng Tôn Hoàng Hậu (Tranh NTDVN)

Lại nhìn ngày nay, các quan chức ĐCSTQ lớn nhỏ đều tham nhũng hết sức ngông cuồng, sau khi vơ vét mồ hôi nước mắt của nhân dân thì xa xỉ đến cực điểm. Vào tháng 6 năm 2000, ĐCSTQ đã mua một chiếc Boeing 767 từ Hoa Kỳ với giá 120 triệu đô la Mỹ, được đặt tên là Không Lực Một. 30 triệu đô la Mỹ khác được phân bổ để nhờ Hoa Kỳ giúp trang trí thật sang trọng, làm cho chiếc Không lực Một của Tổng thống Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới, trông xấu xí khi so sánh với nó. Chi phí của dự án đập Tam Hiệp là 59 tỷ nhân dân tệ, không chỉ mang lại ít lợi nhuận mà còn gây ra những mối nguy hiểm lớn về an toàn cho môi trường tự nhiên xung quanh. Các tòa nhà, hội trường do chính quyền các cấp xây dựng vô cùng sang trọng. Tuy nhiên, vẻ ngoài vàng ngọc, bên trong rác rưởi, kết quả của sự xa hoa tột độ nhất định dẫn đến diệt vong.

Theo Epochtimes

Ngọc Liên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tiết kiệm là một đức tính tốt