“Tôi có nghĩa vụ lên tiếng thay cho những người đã khuất”

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sinh ra và lớn lên vào những năm 1990, Đồ Long - một cư dân Vũ Hán, giống như hàng triệu người Trung Quốc khác, đã từng tin rằng miễn là anh không đưa ra bất kỳ nhận xét nhạy cảm về chính trị hay làm điều gì ngoài luồng, miễn là anh là một "công dân ngoan ngoãn" như ý muốn của chính phủ, thì con đường tiến thân của anh sẽ thuận lợi.

Đồ Long đã từng tin rằng mình sẽ thành công, giống như người thuộc "tầng lớp tinh hoa bảo vệ bản thân" đang lợi dụng hệ thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc để đạt được mục tiêu của riêng họ.

Sự bùng phát của coronavirus đã thay đổi Đồ Long. Anh không còn muốn thuộc về “số đông im lặng” của những người chỉ muốn được hưởng thịnh vượng nữa.

Tôi biết chính phủ này hành động như một kẻ khốn nạn”, anh nói. “Nhưng tôi đã tự nhủ rằng đừng quan tâm đến nó. Hãy bình tĩnh và tiếp tục công việc của mình”.

"Đồ Long" có nghĩa là "người giết rồng" trong tiếng Trung Quốc, chỉ là hóa danh của anh. Anh lo lắng cho sự an toàn của mình khi nhận lời phỏng vấn của Voice of America.

Hội chứng ếch luộc

Đồ Long khác với những người Trung Quốc thuộc thế hệ Y khác, những người lớn lên sau “Vạn lý tường lửa” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thế hệ Y của Trung Quốc bao gồm những người sinh ra trong những năm 80 và đầu những năm 90, những người hiện nay đại diện cho một nhóm gồm 250 triệu người. Do sinh ra và lớn lên trong giai đoạn bùng nổ kinh tế nhưng lại bị phong bế về thông tin nên nhóm này sở hữu một thái độ phát triển độc đáo đối với cuộc sống, công việc, văn hóa và các vấn đề toàn cầu. Nói là độc đáo bởi vì toàn bộ nhận thức của thế hệ này hoàn toàn được nhào nặn bởi chính quyền sau "vạn lý tường lửa".

Ở tuổi 11, anh học cách “trèo tường” hoặc vượt qua sự kiểm duyệt internet do Bắc Kinh áp đặt lên công dân của mình. Anh đã xem bộ phim tài liệu Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 "Tiền tuyến", "Cánh cổng của hòa bình thiên đường".

Anh đã lên Wikipedia để đọc các tài liệu cấm về lịch sử Trung Quốc hiện đại. Anh đã đọc các báo cáo từ các phương tiện truyền thông nước ngoài để tìm hiểu sự thật về đất nước nơi anh được sinh ra và lớn lên.

Ở tuổi 15, anh đã nói với cha mẹ của mình, "Mao Trạch Đông là một tên đồ tể".

Cha mẹ Đồ Long cảnh báo anh không nên đưa ra những nhận xét như vậy ở bên ngoài gia đình. Bạn bè đã thúc giục anh: hãy học tập chăm chỉ, kiếm tiền, rời Trung Quốc ngay khi có cơ hội.

Đồ Long đã muốn rời Trung Quốc ngay từ khi còn học tiểu học. Ở trường trung học, trong một bước đi táo bạo, anh đã từ chối tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản vì không muốn “liên kết với chính trị của họ”.

Nhưng anh xuất thân từ một gia đình trung lưu và bố mẹ anh không đủ khả năng để gửi anh ra nước ngoài. Ở tuổi 16, anh nhận ra rằng để tồn tại ở Trung Quốc, anh phải thỏa hiệp. Anh cần bảo vệ mình hơn là “lấy trứng chọi với đá”.

Ước mơ của Đồ Long là trở thành nhà báo. Anh học hành chăm chỉ và được nhận vào trường báo chí hàng đầu Trung Quốc, nơi anh sớm nhận ra rằng ước mơ này sẽ không thể thực hiện được ở Trung Quốc.

“Trường học của tôi nhằm mục đích đào tạo những người giúp kiểm soát dư luận”, anh nhớ lại. “Đã hơn một lần, tôi nghe giáo viên của mình khoe khoang về cách họ kiểm soát được dư luận”.

Sau khi tốt nghiệp, Đồ Long tìm được một công việc được trả lương hậu hĩnh trong bộ phận quan hệ công chúng của một công ty internet Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh. Thuế thu nhập cao và anh ấy không đủ khả năng mua căn hộ của riêng mình ở Bắc Kinh. Giống như con ếch trong nước ngày càng nóng, thời gian trôi qua, anh ấy cảm thấy mọi thứ không đến mức khó chịu. Anh ấy tự nhủ, hãy làm việc chăm chỉ hơn một chút, bạn sẽ trở thành một trong những người thuộc tầng lớp trung lưu.

Và anh vẫn thận trọng, tránh xa chính trị, chỉ thỉnh thoảng trút sự bất mãn của mình một cách bí mật. Chẳng hạn, trên ứng dụng mạng xã hội WeChat, anh ấy sẽ viết: “Một con gấu vàng đang lái xe ngược chiều”. Trong ngôn ngữ ẩn dụ trên Internet để tránh bị kiểm duyệt của Trung Quốc, "một con gấu vàng" ám chỉ Winnie the Pooh, hay còn gọi là lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, Tập Cận Bình.

Đó là một phép ẩn dụ để chỉ trích ông Tập đã kéo đất nước trở lại quá khứ thời Mao. Đôi khi Đồ Long sẽ dùng những lời lẽ của Mao Trạch Đông hoặc Đặng Tiểu Bình một cách mỉa mai để chỉ trích thực tế thế kỷ 21 của Trung Quốc.

“Chúng tôi cố tình nói điều gì đó trong khi nó có ý nghĩa ngược lại”, anh nói. “Chúng tôi được gọi là những bậc thầy âm dương”, ám chỉ trong thuyết của Đạo giáo rằng cuộc sống luôn có hai mặt và luôn bổ sung cho nhau như Âm với Dương. Âm là thụ động và tiêu cực, như đất và bóng tối, trong khi Dương là chủ động và tích cực, như ánh sáng và bầu trời.

Không còn im lặng

Sự bùng phát của coronavirus Vũ Hán đã thay đổi mọi thứ. Đồ Long cho biết, nếu như anh không biết “vượt tường lửa” hay nghe những người bạn ở nước ngoài nói thật thì có lẽ anh đã bị hỏa táng rồi.

Vũ Hán, thành phố đầu tiên trong số hơn 200 thành phố của Trung Quốc cuối cùng đã bị hạn chế đi lại ở một mức độ nào đó, đã bị chính phủ phong tỏa vào ngày 23/1 trong nỗ lực ngăn chặn virus corona Vũ Hán. Đồ Long dùng thời gian để suy nghĩ về những gì đang xảy ra, những gì anh đang thấy và phản ứng của anh.

"Khi họ trục xuất 'nhóm dân cư thấp cấp' [lao động nhập cư] ở Bắc Kinh, tôi tự nói với bản thân mình rằng, tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Tôi không thuộc nhóm 'dân cư thấp cấp', tôi sẽ không bị trục xuất".

“Khi họ xây dựng các trại tập trung ở Tân Cương [dành cho người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi] thiểu số, tôi nghĩ, tôi không phải là dân tộc thiểu số, tôi không có tín ngưỡng tôn giáo nào, tôi sẽ không gặp rắc rối”.

“Tôi thông cảm với nỗi thống khổ của người dân Hong Kong, nhưng tôi nghĩ mình sẽ không xuống đường biểu tình [đòi dân chủ], nên nó không liên quan gì đến tôi”, anh nói.

“Nhưng lần này nó đánh vào quê hương tôi. Nhiều người xung quanh tôi đã bị ốm, một số đã chết, vì vậy tôi không thể chịu đựng được nữa", anh tiếp tục.

Nhà báo công dân Li Zehua tạo ấn tượng với Đồ Long

Li cũng thuộc thế hệ Y. Anh tốt nghiệp Đại học Truyền thông Trung Quốc và nhận công việc tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Anh dẫn chương trình về phong cách sống bao gồm các sản phẩm nông nghiệp và nấu ăn. Sau đó anh ấy đã bỏ việc để làm video của riêng mình.

Vào ngày 6/2, Li đến Vũ Hán để báo cáo về dịch bệnh. Với tư cách là một nhà báo công dân, anh đã đến thăm các cộng đồng địa phương, nhà tang lễ, ga xe lửa và một loạt các địa điểm khác. Hai mươi ngày sau, anh đã bị cảnh sát an ninh khu vực truy đuổi. Hiện vẫn chưa rõ tung tích của anh. Sau Chen Qiushi và Fang Bin, Li là nhà báo công dân thứ ba mất tích khi đưa tin về vụ bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán.

Trước khi bị bắt, Li tuyên bố, “Tôi không muốn chết lặng, tôi không muốn nhắm mắt. Tại sao tôi từ chức khỏi CCTV (Đài truyền hình trung ương Trung Quốc)? Vì tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ như tôi có thể đứng lên”.

Những lời nói đó đã truyền cảm hứng cho Đồ Long.

"Sự bùng phát này đã được che đậy trong hơn một tháng”, anh nói, đề cập đến các hành động của chính phủ.

"Cho đến hôm nay, không những không có thông báo chính thức nào đứng ra xin lỗi người dân Vũ Hán, họ [chính phủ] còn nói với chúng ta rằng chúng ta nên ghét Hoa Kỳ, chúng ta nên ghét Nhật Bản, chúng ta nên ghét Hàn Quốc, chúng ta nên ghét Đài Loan, và chúng ta nên ghét Tạp Chí Phố Wall. Không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Thị trưởng 'vĩ đại' Zhou Xianwang của chúng ta thậm chí đã được Chính phủ trung ương ca ngợi công khai vài ngày trước ... rất nhiều người vẫn chưa được chữa khỏi, nhưng chúng ta lại có một bữa tiệc thay vì tưởng niệm những người đã chết oan. Thật là vô lý”, anh đã chỉ trích khả năng nhận thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc biến một thảm họa thành một sự kiện để tri ân sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Một bài kiểm tra

Bên cạnh những người nắm quyền, nhiều người dân Trung Quốc khác cũng khiến Đồ Long thất vọng về cách ứng xử và nhận xét của họ.

Ví dụ, một trong những người bạn cùng lớp của anh đã cố gắng tìm kiếm sự trợ giúp trực tuyến sau khi mẹ anh ấy bị nhiễm coronavirus và không thể tìm thấy giường bệnh.

Ngay lập tức, người bạn cùng lớp bị tấn công bởi một nhóm những người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng tín của Trung Quốc, yêu cầu anh ta xóa tin nhắn và gán cho anh ta là một người "đang bị kiểm soát bởi các thế lực nước ngoài" vì cho rằng đất nước không thể quan tâm đến tất cả người dân của mình.

Những người này thường nói với Đồ Long rằng anh đang “bị truyền thông nước ngoài tẩy não”.

“Thành thật mà nói, điều khiến tôi sốc nhất không phải là bản thân dịch bệnh, mà là bài kiểm tra nhân tính này”, anh nói.

Đồ Long cho biết anh luôn nói với bạn bè ở nước ngoài rằng họ cần phải phân biệt Đảng Cộng sản Trung Quốc với đất nước và người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, anh đã nghĩ, "Không, thực sự thì những thứ đó không thể tách rời”.

“Phần lớn người Trung Quốc, bao gồm cả tôi, không vô tội. Chúng tôi dung túng lãnh đạo ĐCSTQ làm điều ác, một số thậm chí còn hỗ trợ họ làm điều ác”, anh nói.

Anh nói thêm, “Những ngày này, Trung Quốc tràn ngập bầu không khí lạc quan khác thường. Tôi đọc các báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước nói rằng cả thế giới nợ Trung Quốc một lời xin lỗi. Họ thậm chí còn nói nếu không có loại coronavirus này, chúng ta sẽ không biết Trung Quốc vĩ đại như thế nào”.

"Vũ Hán vẫn hy sinh, vẫn đau khổ, nhưng những người này vẫn nhảy ra nói, ‘Ai da, hãy nhìn xem những người nước ngoài đó đang xử lý dịch bệnh tồi tệ như thế nào. Trung Quốc đã xử lý nó tốt hơn nhiều!’ Điều đó thật kinh khủng", anh nói.

Chuẩn bị chạy trốn

Đồ Long đã nghỉ việc ở Bắc Kinh. Sau khi hết dịch, anh hy vọng sẽ rời khỏi Trung Quốc. Anh nói không chỉ đơn giản là đi du học hay di cư, mà là "Tôi đang chạy trốn khỏi đất nước này”.

Một người bạn đã từng nói với anh ấy rằng: Nếu bạn muốn sống yên ổn ở Trung Quốc, bạn phải làm được một trong hai điều này, và nếu bạn có thể làm được cả hai thì đó là điều tốt nhất: Thứ nhất, hãy vứt bỏ lý tính của mình. Thứ hai, hãy vứt bỏ lương tâm của mình.

Đồ Long cảm thấy mình không thể làm được.

"Là một người sống sót sau trận dịch Vũ Hán, trong phần đời còn lại của mình, tôi có nghĩa vụ cất tiếng nói thay cho những người đã khuất”.

Từ Tịnh

Theo Voice of America



BÀI CHỌN LỌC

“Tôi có nghĩa vụ lên tiếng thay cho những người đã khuất”