Top 8 kiến trúc bí ẩn tọa lạc ‘giữa không trung’ - Kim Điện Võ Đang triển hiện điều thần kỳ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trên thế giới có những công trình phi thường khiến chúng ta khó có thể lý giải, có cái khảm vào vách núi sừng sững, có cái nằm chót vót trên đỉnh núi, có cái treo lơ lửng trên vách đá dựng đứng, thách thức mọi quy luật của thiên nhiên… Đặc biệt, những kiến trúc độc đáo đó thường là những ngôi chùa, thiền viện cổ xưa, đã trường tồn hàng ngàn năm qua, mặc cho gió mưa, sấm sét, động đất cũng không lay chuyển, khiến chúng ta không khỏi kinh ngạc về trí tuệ và tài nghệ của tiền nhân.

Chúng ta đang nói về những kiến trúc kỳ lạ như Kim Điện của Võ Đang, Vạn Niên tự của Nga Mi, hay Huyền Không Tự 1.500 tuổi treo trên vách núi, ngàn năm phong sương, trường tồn bất diệt. Căn nhà cổ 2.700 mét khảm sâu vào sườn núi, ngôi đền đôi bí ẩn trên núi Phạm Tịnh, muốn lên đến phải leo 8.888 bậc đá chông chênh đầy mạo hiểm… Tất cả đều là những kỳ quan tuyệt vời, và không chỉ giúp chúng ta thỏa mãn trí tò mò, mà còn mang đến cảm nhận về tâm linh và văn hóa sâu sắc cho người xem.

Mời các bạn cùng khám phá 8 kiến trúc siêu việt có một không hai này nhé!

1. Huyền Không Tự 1.500 năm cheo leo trên vách núi

Vào tháng 12 năm 2010, tạp chí “Time” của Mỹ đã đưa ra danh sách 10 công trình kiến ​​trúc nguy hiểm nhất thế giới, và 'Huyền Không Tự' tọa lạc ở Hằng Sơn, Trung Quốc đã được bình chọn. Ngôi chùa này từng xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu Ngạo Giang Hồ”, nhà thơ Lý Bạch khi đến đây thưởng ngoạn cũng không khỏi sửng sốt trước kiến trúc đặc sắc của nó.

Núi ở đây dốc đứng, hai bên là vách đá cao tới 100 mét nhưng ở giữa hơi lõm, Huyền Không Tự tọa lạc ngay vị trí này và là tòa kiến trúc bằng gỗ dựng trên vách núi cổ nhất còn sót lại, khi trải qua ngàn năm biến động, mà vẫn hiên ngang sừng sững giữa trời.

‘Huyền không tự’ nằm lơ lửng trên vách đá, không có nền móng ngàn tấn, mà chỉ có vài cột gỗ. (Ảnh: Zhangzhugang/CC BY-SA 3.0)

Chùa không có nền móng nghìn tấn, mà lấy gỗ làm cột trụ chống đỡ. Các bậc tiền nhân từng ca ngợi Huyền Không Tự: “Mặt đối Hằng Sơn, lưng tựa thúy bình; trên là đá hiểm trở, dưới là vực sâu; đục đá làm nền, từ đá xây nhà; kết cấu hiểm trở, dáng vẻ đặc thù”.

Vì chùa không được xây dựng theo quy luật thông thường, do đó không dành cho người tu luyện thiếu ý chí. Nơi này có 40 gian đền lớn nhỏ, được nối nhau chỉ bằng cầu treo, đường ván, hoặc bậc đá, quanh co tựa mê cung. Khi nhìn xuyên qua khe hở giữa các tấm ván là thấy vực núi sâu trăm trượng, khiến người ta phải giật mình kinh sợ. Nhưng có lẽ đối với hòa thượng chuyên tu thì khác, bởi có câu: ‘Có Phật trong tâm lập tức lòng an định’.

Trong 1.500 năm qua, Huyền Không Tự đã phải hứng chịu vô số trận động đất, thậm chí 20 năm trước ở đây từng xảy ra trận động đất mạnh 6,1 độ Richter, nhưng chùa không hề bị hư hại. Làm thế nào một ngôi chùa không có móng lại có thể chống động đất và đá lăn?

Người xưa có câu: “Lầu cao xây trên đất bằng”, nhưng Huyền Không không theo nguyên lý này, nhất định có đạo lý của trời đất. Hóa ra vị trí của chùa nằm trong một hẻm núi được bao bọc bởi hai ngọn núi, đá dù lớn cỡ nào cũng không thể va vào được. Ngoài ra, công trình gỗ này có cấu trúc có thể rung chuyển đàn hồi khi có động đất.

Huyền không tự 1.500 năm cheo leo trên vách núi (Ảnh: Miền công cộng/ Wikipedia)

Còn có 27 chiếc cọc sắt bên dưới chống đỡ cho Huyền Không Tự. Tuy nhiên, người xưa làm cách nào để khoan những lỗ mỏng và sâu trên tường đá để làm cọc sắt ở độ cao gần trăm mét vẫn còn là một bí ẩn.

Theo dân gian lưu truyền, chùa được hòa thượng triều đại Bắc Ngụy là Liễu Nhiên xây dựng, và đây là kiến chứng cho ​​“chính tín” của các “hòa thượng”. Từ góc độ này có thể thấy những người tu Phật cũng là những người nắm vững tri thức chân chính của khoa học. ‘Huyền không tự’ luôn truyền cảm hứng cho mọi người khám phá những điều bí ẩn.

2. Ngôi đền đôi bí ẩn trên núi Phạm Tịnh, phải leo 8.888 bậc đá

Trên đỉnh Phạm Tịnh sơn thuộc dãy núi Vũ Lăng, Trung Quốc, có 2 ngôi đền nổi tiếng nằm cheo leo trên đỉnh núi, như tiên cảnh thênh thang giữa mây trời. Để tới được đây, người ta phải leo lên 8.888 bậc đá.

“Thành phố bầu trời” là tên gọi mà truyền thông Anh ưu ái đặt cho Phạm Tịnh Sơn, ngọn núi bí ẩn luôn được màn sương bao phủ.

Núi cao khoảng 2.500m so với mặt nước biển, điều đặc biệt là ở đây có 2 ngôi đền Phật giáo, được xây dựng trên đỉnh một chóp đá chẻ đôi, và nối với nhau bằng một cây cầu đá, trông vô cùng hiểm trở.

Ngôi đền đôi bí ẩn trên núi Phạm Tịnh (Ảnh: chụp từ video)

Chốn thiên đường này có những đoạn vô cùng gập ghềnh, cần phải kết hợp cả tay và chân để từ từ leo lên đây. Nơi đây quả là không dành cho những tín đồ yếu tim.

Hai ngôi đền này tồn tại hơn 500 năm, từ thời nhà Minh. Tuy nhiên, điều khiến đền đôi nổi tiếng và trở thành điểm hành hương thu hút bậc nhất chính là bí mật về quá trình xây dựng. Đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép rõ ràng về cách vận chuyển vật liệu lên ngọn núi đá dựng đứng này.

Kỳ diệu hơn, tại Phạm Tịnh Sơn thường xuyên xuất hiện “Phật quang”, được cho là điềm lành, chỉ những vùng đất thanh tịnh linh thiêng mới có thể xuất hiện.

Ngoài ra, còn một hiện tượng đặc biệt khác thường, chính là “Nguyệt kính”. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, thì chỉ cần nhặt một viên đá bất kỳ tại đây, cũng có thể nhìn thấy hình ảnh bản thân mình trong đó. Nếu các bạn mong muốn lễ Phật và chấp nhận mạo hiểm, thì có thể thử đến nơi này một lần.

3. Vạn Niên Tự trên núi Nga Mi ‘danh bất hư truyền’

Núi Nga Mi còn gọi là "Đại quang Minh sơn" nằm ở Trung Nam tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhắc đến Nga Mi, bạn sẽ nhớ ngay đến bộ truyện nổi tiếng Ỷ thiên Đồ long ký của nhà văn Kim Dung, cũng theo tiểu thuyết võ hiệp này, võ lâm Trung Nguyên có ba phái lớn là Thiếu Lâm, Võ Đang và Nga Mi.

Vị bồ tát bảo trợ núi Nga Mi là Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi. Trên đỉnh núi, có tượng của Phổ Hiền Bồ Tát cao 48m bằng đồng được mạ 20kg vàng, mặt quay 4 hướng.

Vạn Niên Tự trên núi Nga Mi ‘danh bất hư truyền’ (Ảnh: chụp từ video)

Vạn Niên tự là một trong tám chùa lớn tại Nga Mi, nằm trên đỉnh cao nhất của Nga Mi với độ cao 3.099 m, được xây vào thời nhà Tấn, đến năm 980, thiền sư Mậu Chân được vua ban cho 3000 lượng vàng về trùng tu và đúc tượng Bồ Tát Phổ Hiền để thờ. Các vị vua nhiều đời đều đến Vạn Niên tự lễ bái vì chùa có chứa 3 món báu vật. Đó là Phật nha (răng Phật), Kinh bối diệp (Kinh bằng lá bối) và Ngự ấn (ấn của vua)

Chùa Vạn Niên có lịch sử hàng nghìn năm được làm hoàn toàn bằng đồng. Nhiều người chỉ mơ ước có một lần được tới thăm Nga My, bái tượng Phổ Hiền Bồ Tát, ngắm chùa Đồng và đứng trên đỉnh núi ngắm nhìn biển mây.

4. Đền cổ 3.000 năm bí ẩn nhất Tây Tạng

Nhiều người bày tỏ sự trầm trồ khi biết ngôi đền này được xây dựng cách đây 3 ngàn năm, thời điểm mọi thứ được cho là rất lạc hậu và nguyên thủy.

Đối với nhiều người, Tây Tạng luôn là nơi bí ẩn chứa đựng nhiều điều không thể giải thích được. Vị trí địa lý ở nơi này cũng là một rào cản rất lớn, khi du khách phải băng qua hàng ngàn km ở các khu vực không người ở mà chỉ thấy gia súc thả rông khắp nơi.

Đền cổ 3.000 năm bí ẩn nhất Tây Tạng (Ảnh: chụp từ video)

Người Tây Tạng có niềm tin sâu sắc vào Phật giáo, vì thế chùa chiền, đền thờ có ở khắp mọi nơi, trong đó ấn tượng nhất phải kể đến đền Zizhu ở độ cao 5.000 mét so với mặt đất, trên một vách đá hiểm trở của ngọn núi Zizhu nổi tiếng.

Ngôi đền này có thể nói là sự kết tinh của trí tuệ con người vào thời điểm 3 ngàn năm trước. Tại sao nói đây là ngôi đền bí ẩn nhất Tây Tạng? Bởi khi đến đây, người ta sẽ nhận ra không có con đường nào để leo lên đỉnh núi. Môi trường xung quanh quá khắc nghiệt, núi cao, tuyết lở, gió mạnh đủ khiến người ta bỏ cuộc ngay tức khắc. Ngoại trừ một số tu sĩ, hầu như không ai có thể leo lên núi để đến được đền Zizhu.

Người Tây Tạng có niềm tin sâu sắc vào Phật giáo, vì thế chùa chiền, đền thờ có ở khắp mọi nơi, (Ảnh: chụp từ video)

Vài năm trước, người dân đã quyên góp tiền để xây dựng một con đường dẫn đến ngôi đền.

Bởi vì đền Zizhu nằm trên đỉnh núi cao, khiến cho người ta có cảm giác về sự thánh khiết, giống như một đóa hoa sen thanh khiết giữa hồ, không bị vấy bẩn bởi bùn đất xung quanh, là nơi con người tránh xa được sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống, mang đến sự thanh tịnh tâm hồn.

5. Thần tích bí ẩn tại Kim Điện Võ Đang

Nơi cao nhất của núi Võ Đang là đỉnh Thiên Trụ Phong, cao 1.612 mét so với mực nước biển. Đây cũng là nơi đặt Kim Điện – tinh hoa bí ẩn của núi Võ Đang.

Kim Điện được xây dựng vào năm 1416, nặng hàng trăm tấn. Theo ghi chép, toàn bộ các cấu kiện của Kim Điện được đúc ở Bắc Kinh, và sau đó vận chuyển bằng đường sông qua Nam Kinh, đi ngược dòng Trường Giang đến núi Võ Đang. Đây là ngôi đại điện bằng đồng mạ vàng lớn nhất ở Trung Quốc.

Đây là ngôi đại điện bằng đồng mạ vàng lớn nhất ở Trung Quốc. (Ảnh: chụp từ video)

Núi Võ Đang là vùng đất tổ của Đạo giáo. Có nhiều hiện tượng thần kỳ tại đây, trong đó Lôi Hỏa Luyện Điện là khiến người ta chấn động nhất. Bất cứ khi nào có giông bão, khu vực xung quanh Kim Điện đều có tia sét bao bọc dày như dây xích; dưới âm thanh cuồn cuộn của sấm sét, những quả cầu lửa khổng lồ sẽ lăn quanh tứ phía của Kim Điện, tiến hành tẩy lễ cho ngôi điện này.

Sau đó, Kim Điện sáng lên rực rỡ như mới, tựa hồ như vừa được tái sinh, đây là bí ẩn thần thánh tồn tại ở núi Võ Đang. Quả thật, Kim Điện nơi đất tổ của Đạo giáo hàm chứa văn hóa, tâm linh sâu sắc của Trung Quốc cổ đại.

6. Hổ Huyệt Tự hay Thiền viện Paro Taktsang của Bhutan

Bhutan là quốc gia Phật giáo, cũng nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, và có lẽ ở đây, Thiền viện Paro Taktshang được mọi người biết đến nhiều hơn cả.

Thiền viện nằm trên một khe núi cao ngất giữa tầng mây, vách núi hết sức cheo leo, có thể nói là dựng đứng, cách 3.000m so với mặt nước biển.

Vào thế kỷ VIII, Liên Hoa Sinh Đại Sư đã đến đây hoằng dương Phật pháp. Ngài còn chữa khỏi bệnh cho quốc vương Bhutan và từ đó quốc vương phát tâm quy y theo Phật.

Thiền viện nằm trên một khe núi cao ngất giữa tầng mây, vách núi hết sức cheo leo (Ảnh: max pixel)

Theo truyền thuyết, Đại Sư Liên Hoa Sinh đã bay đến hang động trong núi Paro trên lưng con hổ, và ngụ lại đó 3 tháng. Thế nên thiền viện này còn có một tên gọi khác là Hổ Huyệt Tự (tức là nơi hổ ẩn náu). Truyền thuyết kể rằng trước đây, khắp đất nước Bhutan bị khống chế bởi những linh hồn tàn ác, và Đại Sư đã chế ngự và khuyến hóa chúng để chúng không quấy nhiễu nhân dân nữa.

Vào năm 1692, tu viện được xây dựng để tưởng niệm ngài Liên Hoa Sinh. Sau này, quốc vương Bhutan đã cho trùng tu thiền viện. Paro Taktsang là một thánh địa vô cùng thiêng liêng trong tâm thức của người dân Bhutan trong suốt lịch sử và có lẽ là mãi mãi về sau.

7. Căn nhà cổ 2.700 mét khảm sâu vào sườn núi

Khoét sâu vào sườn núi đá thẳng đứng, căn nhà độc đáo này nằm ẩn mình trong những khối đá, và gần như cách ly hẳn với thế giới bên ngoài. Tọa lạc ở độ cao hơn 2.700 mét so với mực nước biển, chỉ có thể tiếp cận căn nhà bằng cách leo núi, vượt qua những khối đá đầy thách thức.

Căn nhà này nằm ẩn mình trong những khối đá, và gần như cách ly hẳn với thế giới bên ngoài (Ảnh: chụp từ video)

Thoạt nhìn, có vẻ như nếu bước ra khỏi ngưỡng cửa nơi trú ẩn là sẽ lao thẳng xuống thung lũng bên dưới. Những bức ảnh tuyệt đẹp cho thấy đây là một căn nhà gỗ, nằm trong một tảng đá thẳng đứng ở khối núi Monte Cristallo trong Công viên Tự nhiên Ampezzo Dolomites, nước Ý.

Những người lính Ý trong Thế chiến thứ I đã xây dựng nên căn nhà độc đáo này làm nơi trú ẩn. Nơi này không dành cho những người yếu tim. Tại đây có những bậc thang, dây cáp, thang thép xây dựng vào đá, giúp người leo núi đi qua những đoạn đường khắc nghiệt. Để chinh phục nơi này đòi hỏi người tham gia phải có thể lực tốt, bền bỉ và tinh thần dũng cảm.

8. Nhà thờ hơn 1.000 năm tuổi trên đỉnh núi lửa tại Pháp

Đây là một trong những địa danh nổi tiếng nhất nước Pháp. Cách thủ đô Paris gần 6 giờ di chuyển, nhà thờ Saint-Michel d’Aiguilhe tọa lạc trên đỉnh của miệng núi lửa đã tắt cao cao 84 m. Du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thung lũng Le Puy-en-Velay xinh đẹp và thơ mộng từ trên cao.

Nhà thờ Saint-Michel d’Aiguilhe tọa lạc trên đỉnh của miệng núi lửa đã tắt (Ảnh: wikimedia commons)

Không chỉ nằm ở vị trí đặc biệt, nhà thờ Saint-Michel d'Aiguilhe có kiến trúc độc đáo khi toàn bộ cấu trúc chính xây bằng đá. Nhờ vậy, công trình tôn giáo này vô cùng kiên cố và đứng vững giữa đất trời qua hơn 1.000 năm.

Nhà thờ Saint-Michel d’Aiguilhe được xây dựng vào năm 962 để tưởng niệm Thánh Michel. Để tới đây, bạn phải trèo lên 268 bậc thang khắc từ đá.

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong 8 kiến trúc có một không hai, được xây dựng trên vách núi cao chót vót. Đa số chúng là những công trình tôn giáo độc đáo, mang màu sắc tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc, khiến chúng ta không khỏi thán phục.

An Nhiên
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

Top 8 kiến trúc bí ẩn tọa lạc ‘giữa không trung’ - Kim Điện Võ Đang triển hiện điều thần kỳ