Top câu hỏi về máy bay tưởng đơn giản mà nhiều người vẫn trả lời sai

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hầu hết chúng ta ở đây đều đã từng đi máy bay, không thì ít nhất cũng đã từng được nhìn thấy máy bay ở ngoài đời hoặc trên Internet, sách vở. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết được về máy bay hay các bộ phận trên đó, cũng như những tình huống mà các hành khách có khi còn chưa kịp nghĩ đến!

Máy bay lấy đâu ra oxy để cho hành khách thở?

Có thể các bạn không để ý rằng khi bay ở độ cao 10.000 mét thì không khí loãng tới mức bạn sẽ bị bất tỉnh chỉ sau 30-60s nếu không được ở trong buồng điều áp, đấy là chưa kể cái lạnh tới âm 40 độ. Nếu các bạn nghĩ rằng máy bay có hệ thống tạo oxy để các bạn có thể thở được bình thường thì có lẽ là không đúng.

Khi ở trên cao, không khí quá loãng khiến chúng ta không thở được. Vậy muốn mọi người thở được ở trên cao chỉ cần nén đặc không khí lại, mà không cần phải tăng mật độ oxy. Vậy để nén được khí thì khoang hành khách sẽ được thiết kế kín khí, mục đích để không khí không lọt được ra ngoài. Chúng ta có thể tưởng tượng là nó giống như cái bình nén khí bơm xe tại cái tiệm sửa xe, khi đó không khí sẽ được bơm vào trong cabin thông qua hệ thống điều hòa và được nén lại. Nhờ đó mọi người trên máy bay vẫn có thể thở bình thường như ở dưới mặt đất.

(Ảnh minh hoạ Pixabay)
(Ảnh minh hoạ Pixabay)

Vậy luồng khí nén vào được lấy ở đâu ra? Chính là từ động cơ của máy bay. Vì bên trong động cơ phản lực sẽ có một buồng nén khí cực mạnh, cho nên chúng ta chỉ cần trích không khí từ khoang nén đó. Không khí đó sẽ phải trải qua các lớp lọc xử lý rồi làm nguội để không khí đi vào bên trong tới các khoang khách hàng. Tất nhiên là nhà thiết kế máy bay họ vẫn lắp đặt các bình cung cấp oxy cho tất cả mọi người trên máy bay, đề phòng trường hợp máy bay bị mất áp suất thông qua các mặt nạ dưỡng khí.

Phần cánh cong ở đầu cánh máy bay có giá hơn 20 tỷ, có gì đặc biệt?

Phần cánh cong này có trị giá 20 tỷ, tức là bằng giá 2 chiếc Mercedes G63 AMG. Vậy cái cánh này có gì đặc biệt?

Thông thường khi máy bay bay thì phần dưới cánh sẽ là vùng áp suất cao, còn phần trên cánh sẽ là vùng áp suất thấp. Vậy thì khu vực đầu cánh xảy ra hiện tượng không khí bay vòng lên phía trên gây nhiễu dòng không khí ổn định ở phía trên cánh, làm cho mất lực nâng và tăng lực cản, và còn để tạo ra xoáy khí ở phía sau. Bởi vậy, nó tiêu hao thêm nguyên liệu để bù vào phần lực nâng bị mất. Chính vì vậy, các nhà sản xuất máy bay đã nghiên cứu lắp thêm phần cánh đứng ở đầu cánh chính, lắp vào thì nhận thấy máy bay đỡ tốn xăng hơn 3,6% so với chưa lắp. Nếu tính thì hãng hàng không mỗi năm tiết kiệm hơn 5 tỷ cho mỗi chiếc máy bay, ngoài ra còn giúp giảm được lượng khí thải ra bầu trời nữa.

Liệu phi công lái máy bay trên trời thì có đua được không?

(Ảnh minh hoạ Pixabay)

Thoạt nghe thì rất có thể đúng không? Nhưng thực tế đua máy bay mà đang chở khách trên trời là điều không thể! Về mặt kỹ thuật thì máy bay chở khách đều có tốc độ tối đa cận âm, trung bình tốc độ là 0,82 tương đương 871 km/h (tại 11 nghìn mét so với mực nước biển). Hầu hết tất cả các máy bay chở khách cỡ lớn đều có tốc độ khoảng ở mức đó, cho nên các máy bay vượt nhau đều sẽ không có ý nghĩa gì. Ngoài ra, thông thường nếu muốn vượt một chiếc máy bay khác có tốc độ thấp hơn thì cũng phải mất nửa tiếng mới vượt được.

Ngoài ra toàn bộ các máy bay thương mại bay trên trời đều được các kiểm soát viên không lưu theo dõi trên màn hình radar, các kiểm soát viên sẽ đánh dấu thứ tự và hướng dẫn tất cả các máy bay theo một hàng để đảm bảo giãn cách. Việc kiểm soát như vậy sẽ đảm bảo máy bay không có quyền chen hàng. Nếu máy bay có dấu hiệu vượt máy bay trước thì sẽ bị buộc yêu cầu giảm tốc độ lại, để bay theo thứ tự đã sắp xếp. Nói chung là bay trên trời, phi công luôn được giám sát chặt chẽ nên ai cũng rất tuân thủ luật giao thông đường không!

Máy bay chở khách có bao giờ bị hết xăng khi đang bay không?

(Ảnh Pixabay)
(Ảnh Pixabay)

Đầu tiên là máy bay chở khách sẽ không thể bơm xăng trên trời như máy bay chiến đấu được, vì vậy máy bay chở khách sẽ phải đảm bảo không bị hết xăng trong chuyến bay. Trên máy bay có một hệ thống máy tính phức tạp và theo dõi, tính toán lượng nhiên liệu cho phi công, giúp cho phi công dễ dàng ước tính được nhiên liệu còn lại trên máy bay.

Thứ hai, phi công phải lấy đủ lượng nhiên liệu cho chuyến bay đó không thừa và cũng không thiếu. Có lẽ mọi người sẽ nghĩ tại sao không lấy hẳn thừa ra cho yên tâm? Tuy nhiên, có thể giải thích như thế này: Ví dụ cứ mỗi một tấn xăng tăng thêm vào khối lượng của máy bay thì hai động cơ sẽ tiêu hao thêm khoảng 100 ký nhiên liệu mỗi giờ bay. Nếu bây giờ phi công lấy dư ra khoảng 10 tấn nhiên liệu, thì tức là một chuyến bay bay từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài sẽ phải tiêu hao lãng phí thêm 2 tấn nhiên liệu mà chỉ để chở khối nhiên liệu không cần dùng tới.

Vậy nên, thông thường lượng nhiên liệu máy bay mang theo cho một chuyến bay, ví dụ từ Nội Bài tới Cam Ranh sẽ bao gồm bay từ Nội Bài ra Cam Ranh, cộng thêm từ Cam Ranh bay ra sân bay dự bị, ví dụ như là Đà Nẵng, cộng thêm 30 phút bay ở vòng chờ và các khoản nhiên liệu khác nữa. Như vậy, đảm bảo dù trong bất kỳ tình huống nào thì lượng nhiên liệu vẫn phải đủ cho máy bay hạ cánh an toàn!

An Nhiên
Theo Thế Giới 360



BÀI CHỌN LỌC

Top câu hỏi về máy bay tưởng đơn giản mà nhiều người vẫn trả lời sai