Trái đất đang bị 'đầu độc' bởi 194 tỷ khẩu trang, găng tay thải ra mỗi tháng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan giám sát của WWF (Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới) đã cảnh báo trong một báo cáo mới nhất: “Nếu chỉ 1% số khẩu trang được xử lý không đúng cách và phân tán trong tự nhiên, tương đương mỗi tháng Trái Đất phải chứa chấp 10 triệu khẩu trang gây ô nhiễm môi trường.”

Emily Stevenson, một nhà sinh vật học biển người Anh nổi tiếng với biệt danh “Người bảo vệ bãi biển”, gần đây đã đi thu gom rác tại một bãi biển ở Cornwall, dọc theo bờ biển phía tây nam nước Anh, và chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ cô đã tìm thấy khoảng 170 mảnh PPE (Thiết bị bảo hộ cá nhân) thải loại.

Theo The Independent, Emily Stevenson đã thành lập dự án The Beach Guardian vào năm 2017 và đã tổ chức 200 đợt dọn dẹp cộng đồng với sự tham gia của 6.000 tình nguyện viên. Trong những tháng gần đây, cô nhận thấy rác thải từ túi nhựa và ống hút dùng một lần đã “được” thay thế bằng khẩu trang và găng tay.

Stevenson nói: “Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng về các mảnh PPE đang chìm dưới đại dương. Chúng sẽ phá hủy bất kỳ cấu trúc sinh học nào của các rặng san hô mềm ở Anh. Ngoài ra, rác thải từ PPE còn gây ra hiệu ứng “hóa dẻo” ở dưới đáy biển".

Cô cũng cảnh báo rằng, nếu tất cả công dân Anh đeo khẩu trang dùng một lần mỗi ngày trong một năm, sẽ có khoảng 57.000 tấn nhựa khó tái chế - cùng với 66.000 tấn rác PPE thải ra môi trường và gây ô nhiễm nặng nề.

Trước khi đại dịch virus corona Vũ Hán bùng phát, các chuyên gia, các nhà bảo tồn môi trường đã khẩn cấp cảnh báo rằng rác thải nhựa đang tràn ngập khắp các đại dương và nguồn cung cấp nước trên thế giới, đã rửa trôi các chất độc và hóa chất gây ung thư vào đại dương, cùng vô vàn hộp nhựa, túi nilon sử dụng một lần sẽ giết chết các sinh vật biển.

Theo Liên Hợp Quốc, tình trạng ô nhiễm đã lên tới mức khủng khiếp, ước tính có khoảng 100 triệu tấn nhựa trong các đại dương, trong đó khoảng 80-90% có nguồn gốc từ đất liền. Trong một báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 ở Davos (Thụy Sĩ) đã cảnh báo rằng, tới năm 2050, rác thải nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn tất cả các loại cá cộng lại.

Không chỉ có hại cho đại dương và nguồn nước, những hệ quả từ vật thải PPE đều là những vật liệu rất khó bị phân hủy trong điều kiện chôn lấp bình thường - phải mất hàng trăm năm mới bị phân huỷ hoàn toàn - nên việc sử dụng chúng sẽ ảnh xấu đến môi trường sống của con người. Có thể kể đến như: Gây xói mòn đất, làm đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng, gây ứ đọng nước thải và ngập úng sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh.

Đông Bắc



BÀI CHỌN LỌC

Trái đất đang bị 'đầu độc' bởi 194 tỷ khẩu trang, găng tay thải ra mỗi tháng