Trẻ cãi lại và trẻ im lặng khi bị bố mẹ mắng có tính cách, tương lai khác nhau như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu rằng: “Gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”, khi bị cha mẹ mắng, trẻ thường có 2 loại phản ứng: hoặc nói lại hoặc im lặng. Thông qua 2 loại phản ứng này, chúng ta cũng phần nào đoán được tính cách cũng như tương lai sau này của đứa trẻ.

Mỗi cha mẹ có quan điểm, cách dạy dỗ con cái riêng. Con cái chỉ làm theo ý cha mẹ và đáng yêu một đến hai năm đầu, vì còn rất nhỏ nên cha mẹ đặt đâu ngồi đấy, cho gì biết ăn đấy. Khi trẻ lớn lên sẽ bắt đầu hình thành tính cách riêng và dần trở nên “khó bảo”. Nhiều khi cha mẹ cần phải uốn nắn, dạy dỗ trẻ nên dễ xuất hiện mâu thuẫn, khoảng cách.

Cách giáo dục, môi trường sống của trẻ vô cùng quan trọng vì nó quyết định và hình thành nên tính cách của trẻ. Cha mẹ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con nhưng tâm ý của trẻ đôi khi lại khác nên trẻ phản ứng lại bằng cách tỏ thái độ (cãi lại) hoặc bằng cách im lặng mà ấm ức.

Cùng khám phá tính cách của trẻ trong 2 trường hợp này để hiểu hơn những ưu điểm và hạn chế của trẻ khi trưởng thành, qua đó cha mẹ có sự điều chỉnh trong cách giáo dục con cái để hình thành tính cách tốt, tương lai sáng cho con.

Đối với trẻ có xu hướng phản ứng lại bằng thái độ gay gắt hay nói trả lại thường biểu hiện tính cách dưới đây:

Khi bị mắng trẻ có phản ứng lại với thái độ gay gắt, thất lễ làm các bậc cha mẹ phải suy nghĩ, buồn lòng. Tuy nhiên, chỉ cần nói chuyện, điều chỉnh lại cách dạy con một chút, cha mẹ sẽ không cần phải quá lo lắng về tính cách, tương lai của con.

Bởi vì những đứa trẻ có thể nói lại, chúng thường có những đặc điểm sau:

  • Dám thể hiện thái độ, quan điểm, cảm xúc của bản thân

Xét ở một góc độ thì khi trẻ có thể nói lại, phản bác với cha mẹ khi bị mắng, điều đó thể hiện trẻ là người hướng ngoại và dám thể hiện cảm xúc, quan điểm của bản thân. Khi cảm thấy mình bị bố mẹ hiểu nhầm, hiểu chưa đúng về trẻ và sự việc, trẻ có thể nói và bày tỏ suy nghĩ, quan điểm của mình cho cha mẹ hiểu. Bởi khi trẻ dám bày tỏ thì cha mẹ, mọi người tiếp xúc mới thấy được nhu cầu và tôn trọng, thấu hiểu ý kiến ​​của trẻ hơn.

Sau này khi lớn lên, giao tiếp với người khác, gặp sự việc gì trẻ dám lên tiếng bảo vệ lẽ phải, quyền lợi hợp pháp của mình cũng như của người gặp chuyện.

  • Cảm xúc được giải tỏa kịp thời, trẻ hòa đồng

Khác với trẻ không dám nói lại sau khi bị mắng mà chỉ im lặng chịu đựng, kìm nén nỗi buồn trong lòng thì những trẻ dám nói lại là trẻ đang xả hết cảm xúc tiêu cực của bản thân, một lát sau khi cảm xúc qua đi trẻ sẽ bình tĩnh trở lại. Bởi trẻ có tính cách hướng ngoại sẽ không giữ cảm xúc tiêu cực trong lòng.

Trẻ phản ứng lại khi bị cha mẹ mắng cho thấy trẻ dễ hòa đồng với mọi người, biết giao tiếp và sẽ thuận lợi hơn trong mọi việc sau này.

Đối với trẻ có thái độ im lặng sau khi bị mắng thường biểu hiện tính cách dưới đây:

Sau khi bị mắng trẻ im lặng, cha mẹ đừng nghĩ rằng điều này là do chúng biết nhận ra lỗi sai của mình (cũng có trường hợp trẻ biết lỗi). Thường trẻ im lặng có thể vì đang khiếp sợ hoặc giả vờ để làm hài lòng cha mẹ.

  • Những đứa trẻ im lặng khi bị mắng thường có xu hướng nhạy cảm hơn, sống thu mình dễ tự ti

Dù là đứa trẻ cũng đều muốn nhận được sự khẳng định, coi trọng từ cha mẹ và mọi người xung quanh. Việc trẻ phải nghe những lời mắng mỏ, trách móc nặng nề của cha mẹ quá nhiều sẽ làm cho sức mạnh tinh thần của trẻ ngày càng suy yếu. Nghe nhiều lâu dần trẻ sẽ tin rằng bản thân mình như cha mẹ nói, cảm thấy bản thân đặc biệt kém cỏi và tự ti.

Những trường hợp như vậy, trẻ thường có ý thức thấp về giá trị của bản thân. Trẻ sẽ ngày càng thiếu tự tin, không dám bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình, lời khó nghe từ cha mẹ.

  • Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội

Khi bị mắng, trẻ sẽ im lặng và dần hình thành thói quen không dám bộc lộ mà âm thầm chịu đựng. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè và nhút nhát.

Sau này khi bước vào xã hội, trẻ sẽ sợ hãi thế giới xung quanh, không dám thể hiện bản thân, thậm chí là dễ bị đối xử tệ bạc. Lớn lên cũng chịu đựng, không dám lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của mình cùng chân lý.

  • Dễ bùng nổ cảm xúc

Khi không được nói những suy nghĩ, quan điểm của bản thân, không được tôn trọng, trẻ sẽ im lặng nhẫn nhịn đến lúc bùng nổ cảm xúc; giống như cái lò xo bị nén lại đến lúc bật ra, trẻ sẽ có những hành động làm tổn thương mình hoặc người thân. Tính tình trở nên cục cằn, thô lỗ, lầm lì.

Trong dạy dỗ con cái, việc mắng chửi, đánh đập là hạ sách thể hiện sự bất lực của cha mẹ và việc này hoàn toàn không được khuyến khích trong giáo dục. Thay vào đó, cha mẹ cần có kiến thức nuôi dạy con một cách có lý trí để con được phát triển hoàn thiện về nhân cách và thể chất. Việc giao tiếp đúng cách sẽ giúp trẻ cởi mở và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc của mình, từ đó cha mẹ và trẻ hiểu nhau hơn, có cách điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những nhận thức không đúng của trẻ.

Khi con cái làm điều gì đó không đúng hoặc không vừa ý cha mẹ, nếu cha mẹ mắng mỏ trẻ sẽ khó chịu và phản kháng. Thay vào đó, cha mẹ có thể bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình và phân tích mặt đúng - sai, tốt - xấu về việc trẻ làm, trẻ sẽ sẵn sàng lắng nghe và suy nghĩ về điều đó một cách nghiêm túc hơn.

Tố Như



BÀI CHỌN LỌC

Trẻ cãi lại và trẻ im lặng khi bị bố mẹ mắng có tính cách, tương lai khác nhau như thế nào?