Trẻ em Trung Quốc: Thân xác bé nhỏ, nhưng gánh trên vai áp lực của người lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cậu bé nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, dù đã nỗ lực, các bác sĩ cho biết đứa trẻ qua đời do căng thẳng kéo dài. Một cô bé vì chịu quá nhiều áp lực nên đã tìm đến cái chết, trước khi đi, cô bé để lại bức thư tuyệt mệnh cho cha mẹ. Cũng một cậu bé khác, sau khi sát hại mẹ mình, cậu đe doạ mục tiêu tiếp theo sẽ là người cha… Điều gì đã khiến trẻ em Trung Quốc trở thành như vậy?

Trẻ đột tử, tự sát và tàn nhẫn sát hại người thân

Tờ Aboluowang cho hay, bệnh viện của một thành phố ở Trung Quốc tiếp nhận một cậu bé 11 tuổi trong tình trạng bất tỉnh. Dù đã nỗ lực hết sức nhưng các bác sĩ vẫn không thể giữ lại tính mạng cho cậu bé. Điều này đã khiến cho những người thân, đặc biệt là mẹ của cậu bé cảm thấy vô cùng đau đớn và thống khổ.

Theo lời kể của người mẹ, hôm đó khi đang làm bài tập về nhà, cậu bé nói hơi mệt và muốn nghỉ ngơi một lúc. Vì đã gần khuya, người mẹ thúc giục cậu bé thay vì nghỉ sớm thì cố gắng thêm chút nữa để cho xong bài.

Tuy nhiên, vì đã quá mệt mỏi, cậu bé gượng nói: “Mẹ ơi, con ngủ một lát rồi làm tiếp”. Sau đó, đứa trẻ nhanh chóng nằm gục xuống bàn. Nửa tiếng trôi qua, người mẹ bước vào phòng thấy con mình vẫn đang “ngủ” mà chưa dậy để hoàn thành nốt phần bài tập dở dang. Bà cố gắng lay mạnh nhưng cậu bé không cử động.

Cảm thấy chuyện không ổn, bà hoảng loạn gọi chồng đưa con tới bệnh viện. Tuy nhiên, đó cũng là lần cuối cùng người mẹ này được nghe thấy tiếng con trai của mình. Các bác sĩ cho biết, cậu bé bị đột tử do tình trạng căng thẳng kéo dài.

Tian Tian, ​​một cô bé 12 tuổi ở tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) đã tuyệt vọng đến mức tự tìm đến cái chết. Trước khi ra đi, cô bé để lại bức thư với nội dung:

"Cha mẹ thân yêu, con khó có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với cha mẹ vì đã nuôi dưỡng con trong suốt 12 năm qua. Nhưng con cảm thấy rất áp lực và mệt mỏi. Có quá nhiều bài tập về nhà cho con. Con không còn lựa chọn nào khác ngoài cái chết. Những lời cuối cùng từ con gái của cha mẹ".

Một học sinh 16 tuổi ở huyện Jingtai, tỉnh Cam Túc, đã giết mẹ ruột và tuyên bố cha mình sẽ là mục tiêu tiếp theo khiến dư luận Trung Quốc giật mình.

Đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ về những gì mà trẻ em và các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đang phải đối mặt.

Vào năm 2002, tờ China Through A Lens đưa tin, trong số hơn 367 triệu trẻ em dưới 17 tuổi, Trung Quốc có khoảng 30 triệu trẻ em phải đối mặt với các vấn đề về tâm lý.

Cũng theo tờ này, ông Sun Yunxiao, Phó giám đốc China Youth cho biết: “Mặc dù trẻ em ngày nay được hưởng một môi trường sống và học tập tốt hơn nhiều so với cha mẹ chúng, nhưng trẻ phải chịu đựng những áp lực vô hình khiến tinh thần căng thẳng và không thể cho phép chúng cảm nhận được những điều thú vị trong cuộc sống”.

Mặc dù trẻ em ngày nay được hưởng một môi trường sống và học tập tốt hơn nhiều so với cha mẹ chúng, nhưng trẻ phải chịu đựng những áp lực vô hình. (Getty Images)
Mặc dù trẻ em ngày nay được hưởng một môi trường sống và học tập tốt hơn nhiều so với cha mẹ chúng, nhưng trẻ phải chịu đựng những áp lực vô hình. (Getty Images)

Vì sao trẻ em Trung Quốc - vốn là những mầm non tương lai, lại trở nên tiêu cực đến mức sẵn sàng tìm đến cái chết hoặc ra tay tàn nhẫn đối với người thân của mình như vậy?

Cách dạy con đầy áp lực của cha mẹ ở Trung Quốc

Một cuộc khảo sát cho thấy, gần 70% phụ nữ Trung Quốc nói rằng họ chỉ chấp nhận thiết lập mối quan hệ và lời cầu hôn từ người đàn ông có nhà cửa và kiếm được hơn 4000 nhân dân tệ mỗi tháng (tương đương hơn 14 triệu VND). Điều này đòi hỏi người đàn ông phải luôn nỗ lực để có được vị trí tốt hơn với mức lương cao hơn trong xã hội, theo China Journal.

Tình cảnh trên cũng khá tương tự với thế hệ thanh thiếu niên Trung Quốc, mặc dù về hình thức không giống nhau. Một cuộc khảo sát vào năm 2010 cho thấy 1/3 trẻ em tiểu học Trung Quốc bị căng thẳng tâm lý, 80% trẻ em từ 6 đến 12 tuổi ở miền Đông Trung Quốc cho biết chúng lo lắng về các kỳ thi và sự trừng phạt về thể chất của cha mẹ và giáo viên nếu không đạt thành tích tốt.

The Telegraph dẫn lời một giáo sư tại Đại học London nói rằng: “Các vấn đề bắt đầu từ khi trẻ lên 6, thời điểm trẻ em đi học và thấy mình thường xuyên bị so sánh với các bạn cùng lứa bằng các bài kiểm tra hàng tuần, điều mà bọn trẻ cảm thấy vô cùng căng thẳng”.

Năm 2016, The Epoch Times đăng tải một bài viết về người phụ nữ tên Liu ở Trung Quốc, là mẹ của một cậu bé 9 tuổi, đã tự hào đăng tải thời gian biểu mà bà tự tay sắp xếp.

Theo lịch trình, con trai của bà Liu phải dậy từ lúc 5 giờ sáng. Trước khi đến trường, cậu bé phải dành chút thời gian đọc văn học cổ đại. Khi về nhà, cậu bé tiếp tục ngồi vào bàn sách đến 22 giờ tối. Chỉ khi đến 23 giờ, cậu bé mới được đi ngủ.

Chưa kể, cậu bé tội nghiệp còn phải học tiếng Anh vào buổi tối các ngày trong tuần, lại còn “được” bồi dưỡng thêm piano, thư pháp, taekwondo, bơi lội, luyện cờ vây, khiêu vũ Latin và các bài tập toán cho kỳ thi Olympic Toán học Quốc tế.

Rất nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ và cho rằng bà Liu đang hành hạ đứa con của mình. Bất chấp điều đó, bà Liu vẫn cố gắng bảo vệ quan điểm cá nhân và khẳng định đó là điều bình thường ở xã hội Trung Quốc.

Bà tuyên bố: “Để có một tương lai dễ dàng hơn, tốt hơn là hãy có một tuổi thơ khó khăn hơn. Cha tôi từng nói rằng học là tất cả những gì trẻ em nên làm! Nếu không, xã hội sẽ loại bỏ chúng”.

Theo lịch trình, con trai của bà Liu phải dậy từ lúc 5 giờ sáng. Trước khi đến trường, cậu bé phải dành chút thời gian đọc văn học cổ đại. Khi về nhà, cậu bé tiếp tục ngồi vào bàn sách đến 22 giờ tối.
Theo lịch trình, con trai của bà Liu phải dậy từ lúc 5 giờ sáng. Trước khi đến trường, cậu bé phải dành chút thời gian đọc văn học cổ đại. Khi về nhà, cậu bé tiếp tục ngồi vào bàn sách đến 22 giờ tối. (Getty Images)

Trên diễn đàn Quora, một cư dân mạng đặt câu hỏi lý do các bậc cha mẹ Trung Quốc gây quá nhiều áp lực cho con cái họ.

Một người cho biết sự nở rộ của các trường học nhồi nhét bắt đầu từ thế hệ của họ, những đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm chính sách một con mới được ban hành.

Người này nói rằng cha mẹ của họ đã trải qua một thời kỳ khó khăn trong Đại Cách mạng Văn hoá, vì vậy những người đó khao khát được học, được có kiến thức. Người thân của họ đến nay vẫn bị ám ảnh bởi những ngày tháng mà họ - những thanh niên có học thức - phải làm việc cực nhọc trong trang trại tập thể, sống chung với bọ chét trong nhà của một nông dân. Cuộc sống khó khăn đã tạo ra những tổn thương về thể chất lẫn tinh thần cho thế hệ trước. Vì vậy, một cách vô thức, các bậc cha mẹ dành ưu tiên hàng đầu cho việc học hành của con cái họ vào những năm 90, vì họ không còn muốn bị ràng buộc bởi nghèo đói, và muốn có được địa vị xã hội thông qua sự xuất sắc của con cái.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Chen Liqing nói rằng mặc dù nhiều áp lực của trẻ em đến từ sự so sánh của cha mẹ, giáo viên với các bạn học xung quanh, nhưng bản thân các bậc cha mẹ thường không biết rằng họ cũng đang vô thức tạo gánh nặng cho con mình, theo Zaobao.

Cô Chen cho biết, nhiều bậc cha mẹ đặt kỳ vọng quá lớn vào con cái của họ. Dù không nói trực tiếp nhưng họ quan tâm quá nhiều đến việc học hành và thi cử của chúng. Khi kết quả không được như ý, họ thường trở nên cằn nhằn, đứa trẻ đã nghe quá nhiều, biết điều đó và hiểu rằng cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào mình, lâu dần sinh ra một áp lực rất lớn.

Hệ thống giáo dục chạy theo thành tích và cơ hội việc làm

Ngoài yếu tố lịch sử và nhân tố chủ quan, thì các yếu tố khách quan như hệ thống giáo dục và cơ hội việc làm cũng là một trong những nguyên nhân then chốt ảnh hưởng đến sự kỳ vọng cao của cha mẹ đối với con cái. Vô hình trung, những đứa trẻ phải chống đỡ không chỉ sự trông đợi từ phụ huynh, mà chúng cũng phải gánh trên vai mình áp lực về một tương lai thành công.

Hàng năm ở Trung Quốc luôn có hàng triệu học sinh bước vào kỳ thi cao khảo (gaokao), vốn được đánh giá là kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt bậc nhất thế giới.

Hàng năm ở Trung Quốc luôn có hàng triệu học sinh bước vào kỳ thi cao khảo (gaokao), vốn được đánh giá là kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt bậc nhất thế giới. 
Hàng năm ở Trung Quốc luôn có hàng triệu học sinh bước vào kỳ thi cao khảo (gaokao), vốn được đánh giá là kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt bậc nhất thế giới. (Getty Images)

Kỳ thi này quan trọng đến nỗi, một số địa phương ở Trung Quốc còn hạn chế các phương tiện giao thông gần các địa điểm thi, chặn các tuyến đường hay thậm chí tạm ngừng hoạt động tại các công trường vì sợ tiếng ồn ảnh hưởng đến khả năng tập trung của thí sinh, theo SCMP.

Sở dĩ người Trung Quốc coi trọng kỳ thi này bởi nó sẽ là cột mốc để quyết định hướng đi tiếp theo của cuộc đời mỗi cá nhân. Nói cách khác, nó là một kỳ thi để phân loại đẳng cấp của một con người trong xã hội.

Theo World Education News + Reviews, điểm cao được coi là chìa khóa thành công trong xã hội Trung Quốc, và trong nhiều thập kỷ, điểm gaokao từ lâu đã trở thành yếu tố quyết định để được nhận vào bất kỳ cơ sở giáo dục nào ở bất kỳ cấp bậc nào trong hệ thống giáo dục đại học phân tầng cao của Trung Quốc. Việc nhập học vào các cơ sở giáo dục hàng đầu là rất quan trọng đối với triển vọng dài hạn của học sinh.

Nhà báo Lu-Hai Liang viết trên tờ The Guardian năm 2010: “Vào được một trường đại học tốt, chẳng hạn như các trường đại học tương đương như Thanh Hoa của Bắc Kinh, hoặc Đại học Bắc Kinh, có thể tạo ra cơ hội việc làm tại các tập đoàn phương Tây hoặc các vị trí công vụ ưu tú. Những người bỏ lỡ sẽ phải tìm chỗ trong các trường đại học cấp tỉnh hoặc đăng ký vào một trong những cơ sở tư nhân ít chọn lọc hơn của Trung Quốc”.

Sinh viên tốt nghiệp từ các học viện hàng đầu có khả năng theo đuổi chương trình sau đại học ở Trung Quốc hoặc nước ngoài, đồng thời có được việc làm trình độ cao. Và điều đó hoàn toàn ngược lại với những người không may bị điểm thấp trong kỳ thi này.

Sở dĩ người Trung Quốc coi trọng kỳ thi này bởi nó sẽ là cột mốc để quyết định hướng đi tiếp theo của cuộc đời mỗi cá nhân. Nói cách khác, nó là một kỳ thi để phân loại đẳng cấp của một con người trong xã hội.
Sở dĩ người Trung Quốc coi trọng kỳ thi này bởi nó sẽ là cột mốc để quyết định hướng đi tiếp theo của cuộc đời mỗi cá nhân. Nói cách khác, nó là một kỳ thi để phân loại đẳng cấp của một con người trong xã hội. (Getty Images)

Kết

Việc đặt kỳ vọng vào con cái không phải là một điều xấu, ở góc độ nào đó, cha mẹ thực sự lo lắng cho tương lai của con trẻ, muốn chúng có được cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ đã quá ích kỷ khi quá chú trọng vào kết quả cũng như danh tiếng, họ thích được người khác khen ngợi là nuôi con giỏi, thông minh và thành đạt… Từ đó lấy những mong muốn của cá nhân áp đặt lên trẻ, ép buộc trẻ phải sống trong khuôn khổ mà họ đặt ra. Họ nghĩ rằng điều đó là tốt cho trẻ và rằng trẻ nhất định phải thành công bằng mọi giá để đền đáp lại công sức của họ.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục chạy theo thành tích, có tác động quyết định đến tương lai của mỗi cá nhân cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nên guồng quay áp lực mà trẻ phải gánh chịu.

Cuối cùng, không chỉ cha mẹ cảm thấy mệt mỏi khi phải luôn so sánh với người khác, mà đến con trẻ cũng tự hình thành những áp lực và căng thẳng không cần thiết, vốn không phù hợp với lứa tuổi của chúng. Vì không thể dàn xếp tốt các mâu thuẫn trong nội tâm, trẻ lại quen sống trong môi trường áp đặt từ nhỏ nên không thể có chính kiến của mình, lâu dần sẽ tạo nên sự ức chế và thúc đẩy những hành động bồng bột như tự sát, giết người...

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Trẻ em Trung Quốc: Thân xác bé nhỏ, nhưng gánh trên vai áp lực của người lớn