Trước biển cả cảm ngộ được sự bao dung

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Radio) - Gần đây xem một triển lãm thư pháp, mấy chữ lớn cứng cáp mỹ lệ cuốn hút: “Ngưỡng cao sơn giải oanh hoài, lâm đại hải ngộ bao dung”, nghĩa là: “Ngửa mặt ngắm núi cao, giải tỏa hết những vướng bận trong lòng; đến trước biển cả, cảm ngộ được sự bao dung”. Ngẫm nghĩ hàm nghĩa câu này, trong lòng bỗng chấn động.

Nghe thêm: Radio Đời sống

Trước đây, tuy tôi vô cùng ngưỡng mộ những bậc chính nhân quân tử có tấm lòng rộng lớn, nhưng lại thực sự không mở rộng tấm lòng mình, luôn canh cánh trong lòng những khuyết điểm và sai lầm của người khác, lòng luôn khó chịu trước những người và việc ngang tai trái mắt. Khi đó, tôi cảm thấy rất thống khổ.

Vì vậy, liên tưởng đến sự mênh mông của biển cả, tôi bỗng cảm thấy rất xấu hổ. Đời người, quý là ở tu đức, mà bao dung mới là mỹ đức tốt đẹp nhất của cuộc đời. Biển cả có thể dung nạp muôn sông vạn ngòi, làm người sao lại không thể mở rộng tấm lòng bao dung người khác?

Khi ý nghĩ tha thứ và bao dung người khác nảy sinh trong tim, trong lòng như có luồng khí ấp áp sinh ra, tâm thái trở nên bình yên an hòa, những ấm ức trong lòng bỗng nhiên biến mất. Khi dùng cái tâm không so đo để hóa giải những oán hận và lửa hận xưa, cuộc đời bỗng chốc trở nên nhẹ nhàng thoải mái và vui vẻ.

Bao dung người khác không phải là để mặc tình cảm của mình, mặt kệ người khác, càng không phải là dung túng hay bao che cho người ta, mà là tăng thêm sự lý giải và câu thông với họ, thiện ý thấu hiểu họ.

Bao dung không phải là không phân biệt thị phi đúng sai, vô nguyên tắc. Bao dung chỉ là để cho bản thân mình thoát khỏi những tâm thái hư vinh, nhục nhã, so đo tính toán, buông bỏ cái tâm gò bó hẹp hòi, việc gì cũng canh cánh trong lòng. Người có sức mạnh bao dung lớn, ắt phải là người có đạo đức cao thượng, cũng là một người có sức cuốn hút lớn. Một người mà trong lòng có thể dung chứa được bao nhiêu người thì sẽ giành được sự kính trọng và yêu mến của bấy nhiêu người.

Người xưa nói: “Có bao dung mới trở nên vĩ đại”. Biển cả dung nạp muôn sông, do đó mới trở thành biển cả. Bầu trời dung nạp vạn sự vạn vật, do đó mới trở thành bầu trời. Làm người, nếu có thể bao dung người bất đồng với mình, thì nhân cách mới cao thượng.

Đối nhân xử thế, nếu có thể bao dung khiêm nhường một phần, thì sẽ giảm một phần ngăn cách, trở ngại. Bao dung những lỗi lầm vô ý của đối phương, chính là tăng thêm phúc phận cho mình. Bao dung người khác, lượng thứ thấu hiểu người khác, khoan dung người khác, tôn trọng người khác, chính là môn học bắt buộc của cuộc đời.

“Ngửa mặt ngắm núi cao, giải tỏa hết những vướng bận trong lòng; đến trước biển cả, ngộ được sự bao dung”. (Ảnh pexels)

Sách Thượng Thư có viết: “Ắt phải nhẫn, nó có ích lợi cho công việc. Phải bao dung, đức mới to lớn”.

Nền tảng của sự thành công của mỗi sự việc, là ý thức dung nhẫn. Lòng độ lượng như biển nạp muôn sông, chính là gốc rễ của việc thành tựu đạo đức, cũng là một hình thức biểu hiển của tu dưỡng của con người. Cái tâm bao dung cần tấm lòng rộng lớn. Chỉ có bao dung thì tâm cản của con người mới có thể tiếp cận đến sự tốt đẹp và ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

Bao dung là một cảnh giới cao thượng. Chúng sinh cõi phàm trần, vì ân oán tình thù, vì công danh lợi lộc mà tranh giành đấu đá, Thần Phật xót thương nhỏ lệ từ bi thành biển cả. Trước biển cả, chúng ta thường có niềm cảm động không diễn tả, không gọi tên ra được, đó chính là Thần Phật thức tỉnh con người, cần phải học bao dung.

Núi cao thu nhận từng viên đá, bất kể lớn nhỏ, thế nên núi cao mới hùng vĩ hoành tráng. Biển cả thu nhận mỗi bọt sóng, bất kể đục trong, thế nên biển cả mới mênh mông vô bờ. Có một trái tim bao dung vạn sự vạn vật, thì mới trở thành Giác giả trong cõi người.

Hoàng Mai
Theo Quán Minh - Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Trước biển cả cảm ngộ được sự bao dung