Thầy giáo bỏ mặc học sinh chạy thoát thân trong trận động đất Tứ Xuyên - Nguyên nhân sâu xa hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện của thầy giáo Fan Meizhong lại được đem ra “mổ xẻ” lại trên mạng xã hội Trung Quốc vào ngày 12/5/2021 - đánh dấu 13 năm thảm họa động đất ở Tứ Xuyên. Tuy nhiên, nhìn lại hành động bỏ mặc học sinh để tìm đường thoát thân của mình, cựu giáo viên Fan Meizhong vẫn không hối hận.

Theo SCMP, khi cơn động đất ập đến vào 12/5/2008, ông Fan, lúc đó là giáo viên dạy Ngữ văn tại trường trung học Guangya ở huyện Đô Giang Yển, Tứ Xuyên, đã bỏ lại các em học sinh trong lớp và một mình tìm đường thoát thân trước.

Sau đó ít phút, các học sinh của Fan cũng đến được nơi trú ẩn và an toàn. Nhưng câu chuyện "thầy giáo chạy trốn" vẫn là một hiện tượng "đau lòng" trong xã hội Trung Quốc.

‘Fan run run’ - Thầy giáo ‘Fan chạy trốn’

Sau khi sự việc được lan truyền, ông Fan bị trường học sa thải và đối diện với phản ứng dữ dội từ công chúng. Nhiều người còn gọi mỉa mai nam giáo viên là "Fan Run Run" (tạm dịch: Fan chạy trốn).

Ông Fan nhiều lần khẳng định trong các cuộc phỏng vấn sau đó rằng giáo viên không có nghĩa vụ phải đánh đổi mạng sống của mình để cứu học sinh.

"Tôi là người theo đuổi sự tự do và công bằng thay vì trở thành người hy sinh lợi ích của bản thân vì người khác. Trong khoảnh khắc giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tôi sẽ chỉ hy sinh mạng sống cho con gái mình, những người khác, kể cả mẹ tôi, tôi cũng không quan tâm", phát biểu được cho là “gây sốc” của ông Fan, người từng làm một nghề chân chính là giáo viên.

Trong một video phỏng vấn năm 2012, Fan vẫn cho biết không hối hận về những gì đã làm.

"Quan điểm của tôi có ảnh hưởng tích cực đến học sinh. Tôi giúp họ nhận ra quyền của chính mình và hiểu rằng chúng ta nên xây dựng các hệ thống phù hợp, thay vì dựa vào đạo đức của con người, để làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ tôi là người nỗ lực nhiều nhất để sống đúng với chính mình ở Trung Quốc", ông Fan “biện hộ” cho hành động bỏ mặc học sinh của mình.

Sau động đất, chỉ có 400 trong 3.000 thi thể nam nữ ôm nhau là vợ chồng. (Ảnh minh họa: pixabay)
Nhiều trận động đất tại Trung Quốc gây thiệt hại vô số nhân mạng (Ảnh minh họa: pixabay)

Đồng tình hay chỉ trích?

Năm 2008, trận động đất mạnh gần 8 độ richter được xem là một trong những thảm họa ở Trung Quốc, khiến hơn 69.000 người chết và hơn 18.000 người mất tích. Sau 13 năm, nhìn lại hành động và phát ngôn của Fan, dân mạng Trung Quốc bày tỏ nhiều luồng ý kiến.

Tôi cho rằng việc anh ấy lựa chọn chạy trước để bảo toàn tính mạng là bản chất của con người. Nhưng việc Fan luôn khoe khoang về việc trốn thoát của mình khiến tôi coi thường anh ta”, một người viết trên Weibo.

Một người khác cho rằng việc nhắc đi nhắc lại hành động của Fan chẳng có ý nghĩa gì cả. Mọi người nên tưởng nhớ những anh hùng đã cứu người trong trận động đất và lan tỏa tinh thần của họ thì hơn.

Một trong những người được xem là anh hùng trong sự kiện này là Tan Qianqiu, giáo viên tại trường trung học Dongqi ở Đức Dương. Anh đã dùng thân mình và bàn học che chắn cho 4 học sinh. Các em sau đó đều an toàn, song nam giáo viên đã không thể sống sót.

Không chỉ giáo viên Fan, chính quyền cũng bị ‘tố’ bỏ mặc dân

Lần đầu tiên, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã biến chuyện "bảo vệ học sinh" thành một "trách nhiệm đạo đức của một giáo viên" trong văn bản chính thức. Văn bản cũng quy định rằng thầy/cô giáo phải là những người hướng dẫn tận tình và đồng hành cùng học trò, theo Reuters.

Bản sửa đổi này được đưa ra khi thầy giáo Fan dọa sẽ kiện giới chức giáo dục, nói rằng hành động quả cảm không thuộc phạm vi trách nhiệm của anh ta. Và không một em học sinh nào trong lớp của Fan chết trong động đất.

Điều đáng nói là sau trận động đất ở Tứ Xuyên, không chỉ ông Fan bị “tố cáo”, mà chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cũng bị tố là để người dân "tùy nghi di tản".

Theo Reuters, chính quyền Trung Quốc thông báo đã tổ chức di tản khoảng 60.000 khách du lịch sau trận động đất, trong khi người dân địa phương cho biết họ không nhận được sự giúp đỡ nào.

Chúng tôi không được hỗ trợ xe và chúng tôi cũng chẳng biết sống ở đâu, vì vậy chúng tôi phải đi bộ về nhà”, một người kể lại việc phải vác đồ đạc cá nhân vượt chặng đường hơn 10km.

Sự việc chính quyền và người Trung Quốc thờ ơ với bất hạnh, nguy hiểm của người khác không phải là điều mới mẻ, có phải chính vì thế mà đã có những người như thầy giáo Fan, sẵn sàng bỏ mặc những em học sinh của mình để trốn chạy một mình, cũng không hề cảm thấy xấu hổ hay hối hận.

Thiên tai hay nhân tai?

Một số nhà khoa học đang đưa ra giả thuyết cho rằng, một đập nước nhân tạo có thể là thủ phạm gây nên trận động đất khủng khiếp năm 2008 tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, làm 87.000 người chết và mất tích.

Đập Tam Hiệp, một dự án thủy điện khổng lồ trên sông Trường Giang, đang xả nước lũ ở Yichang, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 19/7/2020. (Nguồn ảnh: STR / AFP / Getty Images)

Một nhà địa chất tại Đại học Columbia (Mỹ), người đã nghiên cứu động đất trong nhiều năm, cho rằng sức nặng của 320 triệu tấn nước trong đập Zipingpu khiến một rãnh nứt lớn trong khu vực giãn ra và gây nên cơn địa chấn.

Nhiều nhà địa chất Trung Quốc cũng khẳng định áp lực khổng lồ của nước trong đập Zipingpu ở tỉnh Tứ Xuyên làm giãn các khe nứt địa chất, dẫn đến thảm họa, theo AFP.

Mặc dù nhiều nhà khoa học khác và chính quyền Trung Quốc bác bỏ giả thuyết này; và tuyên bố động đất tại Tứ Xuyên là thảm họa tự nhiên chứ không phải nhân tai; Fan Xiao, kỹ sư trưởng của Cơ quan Địa chất và Khoáng sản Tứ Xuyên, cho rằng đây chính là thảm họa “nhân tai”.

“Đập Zipingpu được xây dựng ngay trên khu vực có khe nứt gây nên cơn địa chấn, vì thế rất có thể nó tác động lên khe nứt”, ông nhận định.

Nhà địa chất học Christian Klose thuộc Đại học Columbia của Mỹ cũng ước tính rằng đập Zipingpu tạo ra áp lực cao gấp 25 lần so với áp lực đường nứt gãy tích tụ trong một năm, dù rất nhỏ so với áp lực tự nhiên tích tụ trong hàng ngàn năm. Dù vậy, áp lực phụ do con đập tạo ra có thể "là đủ" - để khiến trận động đất xảy ra sớm hơn hàng chục năm so với “thời biểu” tự nhiên.

“Nó giống như một tòa lâu đài trên cát rung chuyển trong gió mạnh, bạn chạm rất nhẹ vào nó và nó sụp đổ”, chuyên gia David Schwartz so sánh. Trận động đất chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ có điều là trong một khoảng thời gian sau đó nếu không có con đập. Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc đang lên tiếng kêu gọi tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về tác động của đập nước đối với các xung động địa chất trong lòng đất để rút ra kết luận cuối cùng.

Trong những năm qua, Trung Quốc liên tục tạo nhiều con đập lớn để xây nhà máy thủy điện. Giới khoa học trong và ngoài Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc các con đập nhân tạo khổng lồ có thể gây tác động nghiêm trọng đến cấu trúc tự nhiên của các con sông và dẫn đến những thảm họa sinh thái.

Đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, được xây dựng để ngăn lũ lụt trên sông Dương Tử và tạo nguồn năng lượng thay thế, nhưng đã gây ra vô số vấn đề cho nhân dân Trung Quốc, từ chuyện tái định cư cho đến những vụ lở đất, lũ lụt, động đất nghiêm trọng, khiến vô số người thiệt mạng.

Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Thầy giáo bỏ mặc học sinh chạy thoát thân trong trận động đất Tứ Xuyên - Nguyên nhân sâu xa hơn?