Ukraine có “Quốc xã hóa” như Putin cáo buộc không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lý do thứ 3 để Putin khai chiến là Ukraine đã bị “Quốc xã hóa”, và mục đích của các hoạt động quân sự của Nga là "phi Quốc xã hóa" Ukraine. "Phi Quốc xã hóa" là một yếu tố quan trọng trong cả hai mục tiêu đã nêu của Nga (nhằm "phi quân sự hóa" và "phi Quốc xã hóa" Ukraine), và là điều kiện trong "sáu yêu cầu" của các cuộc đàm phán.

Theo phát ngôn viên Dmitry Peskov của Putin, "phi Quốc xã hóa" là để thanh trừng "những phần tử Quốc xã, những người thân Quốc xã và những tư tưởng thân Quốc xã" của Ukraine?

Tuy nhiên, có thực sự tồn tại vấn đề “Quốc xã hóa” ở Ukraine không?

Rõ ràng, để đáp lại những nghi ngờ của Putin, trước hết chúng ta phải làm rõ "Quốc xã hóa" nghĩa là gì. Những cách hiểu khác nhau về “Quốc xã hóa” sẽ dẫn đến “ông nói gà bà nói vịt”. Điều đáng nói là Nga đôi khi nói "Quốc xã" và đôi khi là "Phát xít", vì vậy tốt nhất là cùng lý giải cả hai thuật ngữ này. Tất nhiên, ý nghĩa chính xác của hai từ này sẽ còn cần nhiều thời gian để thảo luận, vì vậy ở đây chỉ xin giới thiệu sơ qua.

Phát xít là gì?

Trong lịch sử, từ “phát xít” (fascismo) xuất hiện đầu tiên. Nó xuất phát từ từ "fasces" trong tiếng Ý, có nghĩa là "bó gậy". Nó là biểu tượng của quyền lực ở La Mã cổ đại, bao gồm một số thanh gỗ bao quanh một cái rìu ở giữa. Những chiếc gậy gắn với nhau tượng trưng cho sự thống nhất, trong khi chiếc rìu (được sử dụng trong thời cổ đại để chặt đầu) tượng trưng cho quyền lực tối cao. Các vệ binh giơ cao những “bó gậy” trước mặt các quan chức khi họ xuất hiện tại các sự kiện, số lượng “bó gậy” càng cao thì cấp bậc càng cao. Mussolini người sáng lập ra chủ nghĩa phát xít Ý sử dụng từ "phát xít" để biểu thị một hệ tư tưởng pha trộn giữa chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa độc tài và chủ nghĩa tập thể nhằm thúc đẩy hình thái ý thức của cách mạng và mỹ hóa bạo lực.


Fasces của La Mã. (Phạm vi công cộng)


Fasces trong Quốc huy Pháp. (Wikipedia/ CC BY SA 2.0 fr)

Quốc xã là gì?

"Quốc xã" (Nazi) xuất phát từ Đảng Quốc xã Đức (Nationalsozialistische Deutsche Arbeiter Partei), tức là Đảng Xã hội chủ nghĩa Quốc gia nước Đức. Nó cũng thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa tập thể và mỹ hóa bạo lực. Nhưng so với chủ nghĩa phát xít, nó cực đoan hơn về mọi mặt, và nó cũng bổ sung thêm các đặc điểm của Hitler.

Thứ nhất là Chủ nghĩa ưu việt chủng tộc và Thuyết ưu sinh. Có nhiều chủng tộc khác nhau, và người Aryan là chủng tộc tốt nhất.

Thứ hai là chủ nghĩa bài Do Thái. Người Do Thái là chủ mưu đằng sau mọi tội ác và bóng tối trên thế giới, và người Do Thái phải bị loại bỏ.

Thứ ba, chống đồng tính luyến ái, chống chủ nghĩa nữ quyền. Vì vậy, có thể nói “Chủ nghĩa Quốc xã” cấp tiến hơn “Chủ nghĩa Phát xít”.

Quốc huy Đức
Quốc huy của Đế chế thứ 3 (Đức Quốc xã). (Phạm vi công cộng)

Điều đáng nói là ĐCSTQ với những đặc điểm “chuyên chế, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa bạo lực”, hiện nay cũng phần nào “công nhận quyền sở hữu tư nhân”, và “nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc”, nên nó cũng khá gần với chủ nghĩa phát xít rồi.

Có thể thấy, để trở thành “Chủ nghĩa Quốc xã”, các yếu tố chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa độc tài, chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa ưu việt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái, chống đồng tính luyến ái, chống chủ nghĩa nữ quyền là không thể thiếu.

Ukraine có phải là "chủ nghĩa Quốc xã" không?

Theo định nghĩa về phát xít và quốc xã như trên, thì Ukraine còn cách "chủ nghĩa Quốc xã", "chủ nghĩa Phát xít" khá xa.

Ví dụ, Ukraine là bầu cử dân chủ, và ngay cả “diễn viên” cũng có thể lên nắm quyền thì làm sao có thể độc tài được?

Ví dụ, Ukraine là quốc gia nổi tiếng về chủ nghĩa nữ quyền, các cuộc diễu hành ngực trần của phụ nữ rất nhiều, làm sao có thể chống chủ nghĩa nữ quyền được?

Ví dụ: Tổng thống Ukraine hiện tại Zelensky là một người Do Thái, và theo lời thuật trong chuyến thăm năm 2020 của ông tới Jerusalem, ông nội của ông là một người sống sót sau cuộc tàn sát của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai, và cả ba người anh em của ông nội đều chết trong các cuộc thảm sát. Làm thế nào có thể bầu ra một tổng thống Do Thái nếu Ukraine là "chủ nghĩa Quốc xã nắm quyền"?

Nói về chủ nghĩa bài Do Thái, năm xưa Đức Quốc xã đã giết một số lượng lớn người Do Thái ở "Khe núi Babi Yar" (trên 33.000 người Do Thái ở Kyiv bị giết). Không có một tượng đài nào trong thời Xô Viết. Các tượng đài và đài tưởng niệm vụ thảm sát không được dựng lên cho đến sau khi Ukraine giành độc lập. Nếu chúng ta nói "bài Do Thái", chẳng phải Liên Xô đã bài Do Thái đó sao?

Hơn nữa, cựu Tổng thống Yushchenko bị cáo buộc là "Quốc xã" vì ông đã liệt Stepan Bandera là anh hùng dân tộc (việc này đã bị Nghị viện châu Âu, Nga, Ba Lan và các tổ chức người Do Thái lên án, bị tòa án Ukraine tuyên bất hợp pháp), nhưng ông cũng đích thân tổ chức các hoạt động quy mô lớn kỷ niệm 65 năm vụ thảm sát người Do Thái ở “Khe núi Babi Yar”. Sẽ rất lạ nếu đặt "quốc xã" và "tưởng niệm vụ thảm sát người Do Thái" trong cùng một người.

Đáng nói hơn, vào năm 2015, Ukraine đã thông qua một đạo luật lên án Đức Quốc xã và các chế độ Liên Xô từng cai trị Ukraine, đồng thời cấm các cá nhân và tổ chức ở Ukraine tuyên truyền cho chủ nghĩa Quốc xã, chủ nghĩa cộng sản, Đức Quốc xã và Liên Xô.

Pháp luật Ukraine cấm tuyên truyền chủ nghĩa Quốc xã, mà vẫn có thể nói rằng Ukraine là "chủ nghĩa Quốc xã cầm quyền" sao?

Tại sao Nga lại cáo buộc Ukraine là "chủ nghĩa Quốc xã thịnh hành"

Điều này có "logic của Nga" và "sự thật của Nga" của riêng nước Nga. Tuy nhiên, không có logic nào trong số này đứng vững.

Thứ nhất: từ "Quốc xã" trong ngữ cảnh tiếng Nga

Từ "Quốc xã" trong ngữ cảnh tiếng Nga không nhấn mạnh chủ nghĩa chủng tộc cực đoan thể hiện qua chủ nghĩa bài Do Thái và Thuyết chủng tộc ưu việt, mà thay vào đó là trong một thời gian dài đã cường điệu "Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại" trong đó Liên Xô đánh bại Đức Quốc xã, nhấn mạnh rằng “Quốc xã” là đối lập với Nga. Theo lời tường thuật này, thì bất kỳ ai có liên hệ với Đức Quốc xã đều được cho là Quốc xã.

Một trong những điểm chính khiến Nga buộc tội "chủ nghĩa Quốc xã" ở Ukraine là việc cựu Tổng thống Yushchenko đã phong Stepan Bandera là "anh hùng dân tộc", và Bandera là một nhân vật gây tranh cãi đã từng hợp tác chiến đấu với Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Sau đây là giới thiệu ngắn gọn.

Stepan Bandera là một người Ukraine sinh ra ở Lviv, "Tây Ukraine" vào năm 1909. Vùng Galicia (hay Đông Galicia) là cái nôi sản sinh ra chủ nghĩa dân tộc truyền thống của Ukraine. Trong thời kỳ Nga Sa hoàng, Galicia thuộc về Đế chế Áo-Hung. Sau Thế chiến thứ nhất, "Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraine" được thành lập trong một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng nó đã bị Ba Lan sáp nhập, và thực hiện “Ba Lan hóa" triệt để.

Bandera lớn lên trong những thời kỳ hỗn loạn này, cha ông, một người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, bị Liên Xô giết hại, và hai chị gái của ông bị đày đến Siberia. Cũng không ngạc nhiên khi Bandera là một người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, với sứ mệnh xây dựng nhà nước-quốc gia Ukraine. Ông tham gia tổ chức dân tộc chủ nghĩa lớn nhất của Ukraine vào thời điểm đó, Tổ chức những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine (Organization of Ukrainian Nationalists - OUN).

Vào thời điểm đó, tổ chức này muốn thành lập quốc gia - nhà nước Ukraine, tức là muốn miền Tây Ukraine độc lập khỏi Ba Lan, và muốn miền Đông Ukraine độc lập khỏi Liên Xô. Vì vậy Bandera vừa chống Nga vừa chống Ba Lan, đó cũng là điều không khó hiểu. Trong điều kiện bình thường, việc này (thành lập quốc gia Ukraine độc lập) là quá khó đạt được. Bandera bị bắt ở Ba Lan và bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống tù chung thân.


Stepan Bandera - nhân vật gây tranh cãi ở Ukraine và nhiều nước trên thế giới. (Phạm vi công cộng)

Sự trỗi dậy của Đức Quốc xã tạo cơ hội cho Bandera. Nước Đức và Liên Xô phân chia cắt Ba Lan. Bandera cũng được ra tù. Bandera đã liên lạc với tổ chức OUN và nắm quyền lãnh đạo tổ chức. Do sự khác biệt về quan điểm, OUN được chia thành cánh ôn hòa và cấp tiến. Bandera là thủ lĩnh của cánh cấp tiến và chủ trương cách mạng. Lúc này “miền Tây Ukraine” đã rơi vào tay Liên Xô (khi đó toàn bộ Ukraine là một phần của Liên Xô).

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công Liên Xô, nước Đức đã tuyển dụng Bandera vào bộ phận gián điệp và phản gián của quân đội. Bandera thành lập một "biệt đội lưu động" ở Ukraine, sẵn sàng khởi sự phối hợp với cuộc tấn công của nước Đức. Sau đó, Đức tấn công Liên Xô, và lúc đầu đã áp đảo, đặc biệt là ở mặt trận phía nam, và toàn bộ Ukraine nhanh chóng rơi vào tay Đức.

Vào lúc này, Bandera đã đọc Tuyên ngôn Độc lập của Ukraina "Đạo luật Đổi mới Tư cách Nhà nước Ukraina" (Act of Renewal Of Ukrainian Statehood). Bandera mong muốn Đức công nhận Ukraine là một đồng minh độc lập và gia nhập Phe Trục. Tuy nhiên, nước Đức không muốn, họ tin rằng đó là một cuộc nổi dậy chống lại Đệ tam Đế chế (tức nước Đức), vì vậy thay vào đó, họ đã bắt Bandera và đưa ông đến một trại tập trung ở Đức.

Vào thời điểm đó, có ba lực lượng chống Đức ở Ukraine: lực lượng vũ trang khu vực tự phát, quân đội dân tộc chủ nghĩa "Kháng chiến Ukraine" do những người theo Bandera lãnh đạo, và lực lượng du kích thân Liên Xô. Họ đã chiến đấu chống lại Đức vì những mục đích khác nhau. Quân đội theo chủ nghĩa dân tộc muốn một nhà nước Ukraina độc lập, những người theo đảng phái thân Liên Xô muốn đón tiếp Hồng quân. Vì vậy giữa họ cũng xảy ra xô xát. Ngoài ra còn có lực lượng vũ trang Ba Lan ở Tây Ukraine, vì họ cũng muốn khôi phục đất nước. Năm 1944, quân kháng chiến Ukraine đã thực hiện một cuộc tàn sát người Ba Lan (Bangera khi đó vẫn đang ở trong trại tập trung Đức).

Đến năm 1944, Hồng quân phản công tiến vào Ukraine. Đối tượng tác chiến của quân kháng chiến Ukraine lúc này lại thêm Hồng quân Liên Xô. Vào ngày 29 tháng 2, quân kháng chiến đã phục kích tướng Liên Xô Vatutin, tư lệnh Phương diện quân Ukraina 1, khiến ông ta đã chết vì vết thương nặng.

Vào tháng 9 năm 1944, nước Đức phóng thích Bandera, với hy vọng sử dụng sự kêu gọi của Bandera giữa những người Ukraine để chống lại Hồng quân Liên Xô. Kết quả là quân kháng chiến Ukraine do Bandera lãnh đạo cũng đã chiến đấu với cả Hồng quân và cả Đức Quốc xã.

Tất nhiên, cuối cùng Hồng quân đã chiếm toàn bộ Ukraine. Sau chiến tranh, Bandera sống ở Tây Đức, Liên Xô yêu cầu phương Tây coi ông là tội phạm chiến tranh, nhưng phương Tây từ chối. Vì vậy, Liên Xô tiếp tục truy tìm ông. Cuối cùng, vào năm 1959, các điệp viên Liên Xô đã đầu độc giết chết Bandera.

Trong tuyên truyền của Liên Xô xưa và người Nga ngày nay, Bandera là "kẻ phản bội", "tay sai của Đức Quốc xã", "đao phủ đẫm máu". Tư tưởng của Bandera thực sự chứa đầy chủ nghĩa phát xít, và cũng chống Cộng, chống Nga, chống Ba Lan, chống Do Thái, và thậm chí chống Đức.

Tuy nhiên, khách quan mà nói, tuy là người bài Do Thái, nhưng Bandera chỉ chịu ảnh hưởng của những làn gió bài Do Thái đang lan tràn khắp châu Âu lúc bấy giờ, và chỉ “ghét người Do Thái”, hoàn toàn khác với tư tưởng giết chết tất cả người Do Thái của Đức Quốc xã. Ông cũng cổ xúy chủ nghĩa dân tộc Ukraine, nhưng đây chỉ là sự khôi phục lại tình cảm dân tộc Ukraine, và nó cũng rất khác với chủ nghĩa chủng tộc ưu việt người Aryan tối cao của Đức Quốc xã.

Xuất phát điểm của Bandera là, bất cứ ai chiếm đóng Ukraine, thì ông đều chống lại. Ví dụ, ông đã chủ trì nhiều vụ ám sát, đa số là người Ukraine (trong mắt ông ta là tay sai của Ba Lan hoặc của Nga), chỉ có một người Do Thái, vì người này đã giúp Nga đàn áp người Ukraine. Còn về việc ông chống Ba Lan, chống Nga, chống Đức, nó hoàn toàn liên quan trực tiếp đến cuộc đấu tranh giành độc lập của Ukraine.

Một người rất phức tạp, đặc biệt là một người như Bandera. Từ những lập trường khác nhau, có thể có những cách hiểu hoàn toàn trái ngược nhau. Cũng giống như Thành Cát Tư Hãn, ông là một vĩ nhân của người Mông Cổ, nhưng trong mắt những dân tộc bị Mông Cổ chinh phục và tàn sát, ông chỉ là một kẻ sát nhân. Bandera, chắc chắn là một phần tử phát xít, nhưng khó có thể cho rằng, ông là một tên Quốc xã.

Tất nhiên, theo logic của Liên Xô xưa và Nga ngày nay, người hợp tác với Đức Quốc xã và chiến đấu chống Hồng quân, thì chính là Quốc xã. Tuyên bố này đã bỏ qua thực tế rằng, ở nhiều nước, người bản xứ dựa vào kẻ xâm lược để có cơ hội chống lại kẻ thống trị đương thời, để giành độc lập dân tộc. Dù Sukarno của Indonesia, Aung San của Myanmar hay thậm chí là Lý Quang Diệu của Singapore, đều đã hợp tác với người Nhật. Nhưng lẽ nào gọi tất cả những người này là "người theo chủ nghĩa quân phiệt"? Lý do là hoàn toàn không hợp lý. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho Bandera.

Đồng thời, khi một người được kỷ niệm niệm, cũng có thể tập trung vào một điểm sáng nhất định, mà không cần phải công nhận tất cả các hành động người đó. Ví dụ, khi người Nga tưởng niệm Stalin, liệu họ có đồng ý với tất cả các cuộc thanh trừng của ông ta không? Người Mỹ tưởng niệm Columbus, họ sẽ đồng ý với việc ông đã tàn sát người da đỏ? Yushchenko chỉ định Bandera là "anh hùng Ukraine", cũng là logic đó.

Nhân tiện, động thái của Yushchenko bị Nga, Ba Lan, Do Thái lên án (vì Bandera chống Nga, chống Ba Lan, bài Do Thái), gây ra rất nhiều tranh cãi. Đến thời Yanukovych, danh hiệu "Anh hùng của Ukraine" của Bandera đã bị hủy bỏ, với lý do "Bandera không phải là người Ukraine (quốc tịch)" (về lý thuyết ông mang quốc tịch Ba Lan). Nhưng Bandera vẫn tiếp tục được sử dụng như một biểu tượng anh hùng dân tộc ở khắp mọi nơi trên đất nước Ukraine.

Thứ hai: Nga đã cáo buộc Ukraine là "tân Quốc xã" đang nắm quyền

Sau những năm 2000, sự trỗi dậy của chủ nghĩa “Tân Quốc xã” (Neo-Nazi” ở châu Âu có thể gần tương ứng với chủ nghĩa "quyền tối cao của người da trắng" ở Hoa Kỳ, được đặc trưng bởi chống nhập cư, chống chủ nghĩa đa văn hóa, chống Hồi giáo, bài ngoại, v.v., và thường cùng “chủ nghĩa dân túy” bổ trợ lẫn nhau. Đây là hiện tượng rất phổ biến ở châu Âu, không riêng gì Ukraine.

Bản thân nước Nga cũng có các nhóm Tân Quốc xã, thường được gọi là "bọn đầu trọc". Các nhóm Tân Quốc xã ở Nga chủ yếu bắt nguồn từ những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ. Biểu tượng của họ là đầu trọc, hình xăm Đức Quốc xã, cách chào Đức Quốc xã và quần rằn ri, v.v., và hô khẩu hiệu.

Có hơn mười tổ chức được thành lập bởi những người Tân Quốc xã này, bao gồm "Đảng Dân tộc Nhân dân", "Đảng Đoàn kết Dân tộc Nga", "Mục tiêu Nga", v.v. Những năm gần đây ở thế kỷ 21, tổ chức của họ phát triển rất lớn, không chỉ có thanh niên, mà rất nhiều người trung niên và cao tuổi cũng đã gia nhập hàng ngũ Tân Quốc xã. Họ ủng hộ phân biệt chủng tộc, ghét người không phải là người Nga, ủng hộ bạo lực, và thậm chí ủng hộ diệt chủng và thanh lọc sắc tộc. Họ tin rằng, người nước ngoài đã "chiếm đóng" các thành phố của Nga, chiếm không gian sống của người Nga, và họ đề xướng dùng bạo lực đối xử với người nước ngoài.

Russian National Unity Emblem.svg
Logo của Đảng Đoàn kết Dân tộc Nga là biểu tượng chữ Thập ngoặc giống Đức Quốc xã. (Phạm vi công cộng)

Năm 2015, đại diện của khoảng 150 đảng phái chính trị Tân Quốc xã hoặc cực hữu ở châu Âu, đã tập trung tại St.Petersburg, Nga, tham gia “Diễn đàn Quốc tế phái bảo thủ”. Sự kiện này được tổ chức bởi Đảng Quốc gia (Rodina Party), một đảng ủng hộ Điện Kremlin. Tham gia sự kiện này bao gồm các đại diện từ Đảng Quốc gia của Vương quốc Anh, Đảng Dân chủ Quốc gia của Đức, và đảng Bình minh vàng của Hy Lạp. Sự kiện này đã lên án mạnh mẽ sự ủng hộ của phương Tây đối với chính phủ Ukraine. Theo BBC, "Những người phản đối cho rằng, diễn đàn này tổ chức ở Nga là tự mâu thuẫn. Trước đó, Điện Kremlin còn chỉ trích chủ nghĩa phát xít trong nội bộ chính phủ Ukraine".

Tất nhiên, Ukraine cũng có những nhóm Tân Quốc xã tương tự. Tiểu đoàn Azov, mà Nga đã nhiều lần cáo buộc, là một trong số đó. Tiểu đoàn Azov là một đơn vị bán quân sự của Vệ binh Quốc gia Ukraine đóng tại Mariupol, trên bờ Biển Azov. Ban đầu được thành lập bởi một nhóm người tình nguyện do Andrei Biletsky lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 5 năm 2014, lần đầu tiên nó tham gia vào cuộc chiến vào tháng 6 năm 2014, khi quân chính phủ Ukraine tái chiếm Mariupol. Ngày 12 tháng 11 năm 2014, Tiểu đoàn Azov chính thức được sát nhập vào Vệ binh Quốc gia Ukraine, với tư cách là một đội dân quân độc lập, tất cả các sĩ quan và binh sĩ đều là lính hợp đồng của Vệ binh quốc gia.

Lãnh đạo trại Azov Andriy Biletsky là một chính trị gia cực hữu, theo chủ nghĩa dân tộc da trắng. Ông là lãnh đạo đảng chính trị cực hữu của Ukraine, Quân đoàn Quốc gia (National Corps), và là người đồng sáng lập phong trào dân tộc cánh hữu Quốc hội Xã hội - Dân tộc (Social-National Assembly). Từ năm 2014 đến 2019, ông là thành viên của Hội đồng Tối cao Ukraine (Verkhovna Rada Ukraine). Có khá nhiều tổ chức / đảng phái Tân Quốc xã tương tự, và Bandera là thần tượng của họ.

Tuy nhiên, việc có các nhóm và đảng phái chính trị theo chủ nghĩa Tân Quốc xã là một chuyện, có "những người theo chủ nghĩa Tân Quốc xã nắm quyền" là một chuyện khác. Trực quan nhất là nhìn vào cuộc bầu cử. Trong cuộc bầu cử năm 2019, Đảng Công bộc Nhân dân của Zelensky đã giành được 43,16% số phiếu bầu, và giành được 254 trong số 450 ghế, đạt được quyền kiểm một mình soát quốc hội. Ngược lại, một số đảng phái chính trị Tân Quốc xã như National Corps(nghĩa là đảng mà Biletsky là lãnh đạo), Yarosh, Right Sector và Svoboda đã thống nhất thành lập “Đảng Tự do" Liên minh toàn Ukraine, nhưng chỉ giành được 2,15% phiếu trong tổng số phiếu bầu, chỉ có được 1 ghế trong quốc hội.

AZOV logo.svg

Logo của Tiểu đoàn Azov là biểu tượng gần giống chữ Thập ngoặc giống Đức Quốc xã. (Phạm vi công cộng)

So với các quốc gia châu Âu khác, "Tân Quốc xã" của Ukraine thậm chí còn kém cỏi hơn. Ví dụ: “Đảng Con đường khác cho nước Đức” theo khuynh hướng Tân Quốc xã của Đức (AfD) nắm giữ 81 ghế trong quốc hội liên bang; "Phong trào Hungary tốt hơn" (Jobbik) của Hungary, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc bị chỉ trích là Tân Quốc xã và bài Do Thái, là đảng lớn thứ hai của Hungary. Tình hình ở Ukraine vẫn còn kém xa.

Quan trọng hơn, các nhóm Tân Quốc xã ở Ukraine đang hoạt động mạnh, phần lớn sau năm 2014. Chính việc Nga chiếm đóng Crimea và chia cắt Donbass đã sinh ra các tổ chức "thù hận Nga" như vậy. Bỏ qua trình tự thời gian và mối quan hệ nhân quả này, để chỉ trích Ukraine "Tân Quốc xã" hoành hành, chẳng phải điên đảo đúng sai đó sao?

Thứ ba, Putin cáo buộc các nhóm Tân Quốc xã đã "diệt chủng" và tàn sát người Nga ở Donbas

Sau khi nổ ra chiến tranh, nhiều phương tiện truyền thông Hoa ngữ bắt đầu mô tả Donbass đã bị "diệt chủng" như thế nào trong 8 năm qua. Ngoài ra còn có nữ nhà làm phim tài liệu người Pháp Anne-Laure Bonnel, người sản xuất bộ phim Donbass (2016), sau khi chiến tranh nổ ra, cũng tố cáo sự áp bức lâu dài của Ukraine đối với các cư dân nói tiếng Nga ở Donbass, thậm chí cáo buộc đây là "tội ác chống lại loài người". Cô cáo buộc "xung đột ở Donbass đã diễn ra trong 8 năm, những người Ukraine nói tiếng Nga tại địa phương đã trở thành mục tiêu của chính phủ Ukraine, và nhiều ngôi nhà nói tiếng Nga đã bị chính phủ Kyiv đánh bom", "Kể từ năm 2014, đã có 13.000 người chết" v.v.

Tuy nhiên, báo cáo có thẩm quyền nhất không phải là "nhà làm phim phụ nữ Pháp", mà là báo cáo của phái đoàn quan sát do Tổ chức An ninh châu Âu (OSCE), và báo cáo của Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc. Vì các nhà làm phim nữ người Pháp chỉ quay ở những khu vực do Nga chiếm đóng, và chỉ lắng nghe những gì các quan chức Nga và người Nga nói, nên rõ ràng đó là nhận định phiến diện.

Các báo cáo thừa nhận rằng từ năm 2014 đến năm 2020, tổng cộng 13.200 người đã thiệt mạng, trong đó 3.350 dân thường, 5.650 phiến quân, và 4.100 quân chính phủ Ukraine. Sau hiệp định Minsk, thương vong dân sự giảm đáng kể. Mức tối thiểu chỉ là một chữ số mỗi năm. Nguyên nhân của thương vong dân sự chủ yếu là do tai nạn thương tích của các vũ khí nhỏ (chẳng hạn như mìn), chứ không phải là giết hại dân thường. Báo cáo kết luận rằng không có "cuộc diệt chủng có kế hoạch" (planned genocide).

Có thể thấy phần lớn thương vong ở vùng Donbas đều là thương vong của cả hai bên trong cuộc chiến, thường dân bị ảnh hưởng chỉ có thể nói là bất hạnh của cuộc chiến, chứ không phải cố ý giết người, càng không thể nói là tội ác diệt chủng. Điều này rất khác với tình hình ở Kosovo. Và trách nhiệm này, phải chịu trách nhiệm, tất nhiên là của những người Nga chia rẽ (đòi độc lập).

Trên thực tế, trong toàn bộ cuộc Chiến tranh Donbas, thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất là do các lực lượng vũ trang Nga gây ra. Đó là vụ tai nạn của chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines. Vào ngày 17 tháng 7 năm 2014, khi chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines đang bay từ Sân bay Amsterdam Schiphol đến Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur ở Malaysia, nó đã bị trúng tên lửa đất đối không SA-11 (Nga gọi là 9K37 Buk) ở độ cao 33.000 feet (10.000 mét) trên không phận Ukraine gần biên giới Nga.

Tổng cộng 298 người, 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn, máy bay tan rã và rơi trên không do vụ tấn công tên lửa. Máy bay rơi gần Torres ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine, cách biên giới Nga 40 km. Vào tháng 9/2016, nhóm điều tra Hà Lan cho biết, họ đã xác nhận rằng tên lửa Buk bắn rơi MH17 được vận chuyển từ Nga tới, và phóng từ một địa điểm do phiến quân thân Nga kiểm soát vào ngày xảy ra vụ việc. Công lý cho gia đình nạn nhân vẫn chưa được làm rõ.

Qua đó có thể thấy, việc Nga cáo buộc Ukraine là “Quốc xã nắm quyền” là hoàn toàn vô lý, nếu muốn Ukraine “phi Quốc xã hóa” thì bản thân Nga trước tiên phải được “phi Quốc xã hóa”. Trước đó, tác giả đã phân tích rằng Nga chưa bao giờ “chuyển đổi công lý” sau Thế chiến thứ 2. Ban đầu, Liên Xô là một kẻ xâm lược, và sau đó được biết đến với tội ác chiến tranh nghiêm trọng. Tuy nhiên, Liên Xô / Nga luôn là một quốc gia hiếu thắng, trốn tránh trách nhiệm về cuộc chiến, và chưa bao giờ tự kiểm điểm hay xin lỗi về những tội ác chiến tranh của Liên Xô trong Thế chiến II. Cho đến ngày nay, Nga vẫn cho rằng mình là “Vĩ đại, quang minh, chính nghĩa”, đến nỗi luôn miệng nói về “Quốc xã hóa”, nhưng lại không thấy bóng dáng của Quốc xã trong bản thân mình.

(Bài viết chỉ thể hiện lập trường và quan điểm cá nhân của tác giả Lê Oa Đằng)

Đại Minh
Theo Lê Oa Đằng - Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Ukraine có “Quốc xã hóa” như Putin cáo buộc không?